TTCT - Sau chuyến đi thực tế tại một số tỉnh, thành vừa qua, tôi có thể nói những bức xúc trong đời sống thường nhật đã khiến nhiều công nhân phản ứng bằng hành vi tiêu cực, thậm chí manh động, như giọt nước làm tràn ly.

Đời sống tinh thần của công nhân còn rất nghèo nàn - Ảnh: Vũ Thủy

Làm, làm và làm

Thực tế, công nhân đang phải làm việc quá nhiều và ít có thời gian cho giải trí. Chúng tôi có khảo sát để cung cấp số liệu phân tích về giờ làm việc và giờ nghỉ ngơi của họ. Những vấn đề này đã được quy định trong Bộ luật lao động nhưng mỗi doanh nghiệp thực hiện một khác. Hầu hết các doanh nghiệp đều kéo dài thời giờ làm việc và rút ngắn thời gian nghỉ ngơi của công nhân.

Khi kéo dài thời gian làm việc, có doanh nghiệp trả lương cao hơn theo quy định, nhưng hầu hết trả lương tương đương với giờ làm việc chính thức.

Năm ngoái trong khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn, về việc nâng cao trình độ công nhân lao động trên 1.000 doanh nghiệp, việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho công nhân lao động có chỗ làm chỗ không, có chỗ làm kỹ có chỗ không kỹ. Công nhân hầu như không có cơ hội dành cho học hành để nâng cao tay nghề bởi vì với đồng lương quá thấp và thời gian làm việc hằng ngày lên tới 10-12 giờ, họ không lấy đâu ra thời gian để vui chơi hoặc học hành.

Như lò xo nén lâu ngày

Có một số vụ bạo động của công nhân diễn ra trong thời gian gần đây, nhìn lại có thể nói do dồn nén bức xúc rồi phát sinh manh động. Chẳng hạn vụ đốt xe máy, tấn công bảo vệ tại một nhà máy ở Thái Nguyên. Sau khi bảo vệ giật cặp lồng cơm của công nhân ném xuống đất, ban đầu chỉ có khoảng 20 công nhân vây lại nhưng sau đó hơn 1.500 công nhân tập trung tới.

Đó cũng là hành động bột phát do bức xúc. Xét cho cùng, những hành động của số đông công nhân là do những bức xúc dồn nén nhiều ngày, nhiều tuần nhưng không được giải quyết. Nó cũng giống như việc không khí đặc quánh hơi xăng, chỉ cần một que diêm là có thể bùng cháy và phát nổ.

Nguyên nhân lớn nhất là chính sách có nhưng thực thi chính sách không đến nơi đến chốn. Ở đây có trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội, Đảng, đoàn thể. Bản thân công nhân lao động vừa thoát ra khỏi người nông dân và khoác lên mình chiếc áo xanh công nhân, bản chất nông dân chưa được gột bỏ hết.

Tính chất bấp bênh của việc làm, của sự tồn tại các doanh nghiệp... khiến việc thực thi các chính sách vụn vặt. Vì vụn vặt chắp vá nên mạnh doanh nghiệp nào, doanh nghiệp đó làm. Khâu kiểm tra, đôn đốc kiểm soát thực thi pháp luật kém. Ví dụ như bảo hiểm dành cho người lao động là phần đảm bảo an sinh xã hội mà vẫn còn việc nợ, trốn bảo hiểm xã hội tới gần 1.000 tỉ đồng.

Việc điều hành xử phạt ở Việt Nam quá kém nên có chính sách đưa vào thực thi nhưng không kiểm soát được thực hiện thế nào, tốt hay xấu.

Để cải thiện đời sống công nhân hiện nay, điều quan trọng là kiểm soát để buộc mọi đối tác trong xã hội phải thực thi luật. Các tổ chức chính trị xã hội phải vào cuộc giữ vai trò chủ động để bảo vệ quyền lợi người lao động. Đời sống của công nhân không khác gì đời sống của phu mỏ là điều không thể chấp nhận được.

Nói khuyến khích công nhân tiến lên làm chủ, công nhân được quyền mua cổ phần ưu đãi khi doanh nghiệp cổ phần hóa. Vậy đã hình thành nên một “tầng lớp” ông chủ nào từ công nhân hay chưa? Chúng tôi có khảo sát riêng về vấn đề này và có thể nói không có tầng lớp ông chủ nào như vậy cả. Sau cổ phần hóa, càng ngày số công nhân sở hữu cổ phần càng giảm dần đi. Công nhân được mua cổ phần ưu đãi nhưng cũng bán dần số cổ phần đó.

Có 81,3% công nhân được hỏi cho biết doanh nghiệp không có nhà ở cho công nhân và 76,3% doanh nghiệp không hỗ trợ tiền nhà. 69,6% ý kiến cho rằng nhà trọ chất lượng thấp, chật, không đảm bảo vệ sinh, 74,5% nhà nóng bức, khó chịu và 72,9% nhà trọ không đảm bảo an ninh, an toàn...

Trên 90% doanh nghiệp chưa có nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân lao động. Công nhân chủ yếu sử dụng thời gian rảnh xem tivi, nói chung là thời gian nhàn rỗi đang được sử dụng vào phần tiêu cực nhiều hơn tích cực.

(Nguồn: Theo kết quả khảo sát về những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân được Viện Công nhân và công đoàn thực hiện vào tháng 10-2013)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận