Bài học từ trận lụt phố cổ Passau

VÕ VĂN DŨNG 03/06/2014 19:06 GMT+7

TTCT - Lũ lụt vốn là chuyện “xưa như trái đất” ở Việt Nam, nhưng đối diện với thiên tai và xem đó là “một cuộc khủng hoảng” để rồi có giải pháp ứng xử phù hợp có lẽ là chuyện mới.

Người dân Passau vật lộn với trận lụt lịch sử - Ảnh: Võ Văn Dũng

Hãy xem người dân ở thành phố hơn 2.700 năm tuổi Passau (bang Bayern, Cộng hòa liên bang Đức) ứng xử sau trận lụt lịch sử cách đây tròn một năm. Đằng sau câu chuyện này là thông điệp về quản lý đô thị, về cách đối diện với thiên tai và biến thiên tai thành yếu tố thu hút khách du lịch, quảng bá sức sống của một địa phương.

Đừng rời bỏ Passau!

Khi nước lụt rút dần, hàng ngàn sinh viên đủ mọi quốc tịch - hầu hết đang học tập tại Trường đại học Tổng hợp Passau - tình nguyện đổ về trung tâm phố cổ để cùng dọn vệ sinh các nhà ở, cửa hàng, đường phố, công viên... Những siêu thị lập tức giảm giá các dụng cụ lao động như xẻng, ủng, găng tay..., giữ nguyên giá nhu yếu phẩm.

Nhiều tổ chức từ thiện và cá nhân - trong đó có nhiều người Việt Nam có cửa hàng kinh doanh ăn uống - đã cung cấp miễn phí thức ăn, nước uống cho những người tham gia dọn dẹp.

Mọi phương tiện truyền thông được thành phố sử dụng triệt để để kêu gọi người dân cả nước và thế giới giúp đỡ Passau đứng lên sau trận lụt. Các chuyến tàu đến Passau trong những ngày ấy miễn phí cho tất cả tình nguyện viên. Công tác tổ chức khâu này hoàn toàn dựa trên cơ sở niềm tin: chỉ cần nói với nhân viên soát vé tàu rằng mục đích chuyến đi của bạn đến Passau là để giúp đỡ dọn dẹp phố cổ!

Hết sức nhanh chóng, chính quyền thành phố trao tặng mỗi hộ dân trong khu phố cổ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt 1.500 euro (khoảng 43,5 triệu đồng). Những băngrôn với dòng chữ cảm ơn các sinh viên, người dân đã đóng góp thời gian, công sức, tiền bạc để dọn dẹp, khôi phục thành phố được giăng ngang mọi lối vào phố cổ.

Giữa khung cảnh xác xơ, sứt mẻ của khu phố sau trận lụt và cái lạnh châu Âu đặc trưng, những dòng chữ ấy dễ dàng nhóm lên trong lòng nhiều người những mến thương với nơi này, dẫu có thể đây chỉ là đất khách.

Dùng ký ức “quyến rũ” du khách

Theo lý thuyết về khủng hoảng truyền thông, để tiếp cận, xử lý khủng hoảng - dù khủng hoảng do thiên nhiên hay con người - cũng đều có ba giai đoạn cơ bản: tiền khủng hoảng, khủng hoảng và hậu khủng hoảng.

Nếu giai đoạn tiền khủng hoảng gắn với ngăn ngừa - chuẩn bị, giai đoạn khủng hoảng gắn với nhận thức về khủng hoảng - chính sách đối phó, thì hậu khủng hoảng gắn với những điều học được từ khủng hoảng, tiếp tục giám sát những vấn đề liên quan đến khủng hoảng và có các hành động để gây ấn tượng tốt với những người liên quan về cách xử lý khủng hoảng, có những chuẩn bị tốt hơn cho các sự cố tiếp theo...

Trong câu chuyện thiên tai tại Passau, chính quyền thành phố đã nỗ lực rất nhiều trong giai đoạn hậu khủng hoảng. Gần bốn tháng sau trận lụt lịch sử, nhà nhiếp ảnh Christoph Brandl từ Berlin đến Passau để phối hợp tổ chức một cuộc triển lãm kéo dài sáu ngày về trận lụt với phong cách “mở” hoàn toàn: mọi người dân có thể tham gia triển lãm tranh ảnh, vật dụng... liên quan đến trận lụt và thoải mái sáng tạo cách sắp đặt theo ý tưởng của mình.

Triển lãm diễn ra trên các tuyến đường đi bộ của phố cổ, gồm nhiều bức ảnh, những đôi ủng dính đầy bùn đất, la liệt cuốc, xẻng, áo mưa... Cuộc triển lãm tự do ấy đã thật sự gợi nhớ những ký ức vừa đáng buồn bởi những mất mát do thiên tai, vừa ấm áp bởi sự xích lại gần nhau hơn của cả cộng đồng.

Những hình ảnh về trận lụt tiếp tục được tờ Tin Tức Passau (Passauer Neue Presse) kêu gọi công chúng gửi về, kết hợp với những hình ảnh ngập lụt của thành phố láng giềng Deggendorf để thực hiện cuốn sách ảnh 2013 Hochwasser In Passau und Deggendorf (2013 Ngập lụt ở Passau và Deggendorf).

Sách bán chạy như tôm tươi, nhanh chóng được tái bản, một phần lợi nhuận được góp vào quỹ sửa chữa phố cổ. Điều thú vị là nhiều du khách đã mua cuốn sách này để chứng kiến hình ảnh một Passau chìm sâu trong biển nước và xác xơ sau lụt, bên cạnh một Passau cổ kính, bình yên trong những tập sách ảnh thông thường.

Đến tận hôm nay, sau một năm, một số khu vực của phố cổ vẫn chưa được sửa chữa vì kinh phí quá lớn. Cũng chính vì vậy mà những nỗ lực quyên góp để Passau gượng dậy vẫn chưa dừng lại. Một trong những giải pháp của chính quyền thành phố là biến trận lụt thành một phần “đặc sản” du lịch. Những sản phẩm truyền thông quảng bá du lịch Passau phát trên truyền hình, báo điện tử, trang web thông tin...

Rõ ràng, trong câu chuyện hậu khủng hoảng, rất có thể có cơ hội ngay trong chính mất mát, vấn đề là những người xử lý khủng hoảng có kịp “khai quật” và tận dụng hiệu quả cơ hội ấy hay không.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận