Những hiện tượng trái nghịch

TRẦN KHUYẾT NGHI 26/03/2014 23:03 GMT+7

TTCT - Mới đây, bốn tấm gỗ sưa trên mái đình thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị sáu vị chức sắc thôn dỡ đem bán cho một vị nữ trụ trì chùa tại địa phương với giá 10 triệu đồng/kg để lấy 1,2 tỉ đồng.

Công an vào cuộc vụ dỡ đình cổ lấy gỗ sưa đem bán

Đình Cựu Quán, nơi bị dỡ mái lấy gỗ sưa đem bán - Ảnh: Kiên Trung

Việc quá quắt này gây chấn động vì nói như ông Nguyễn Quốc Tuấn, viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo: “Đình làng là nơi tập trung sức mạnh cộng đồng làng. Nó còn là nơi thờ tự, tế lễ của làng. Như thế nó là trung tâm của làng còn gì (...). Ai lại làm việc dỡ đình làng đem bán được chứ”. Còn một bà cụ trong làng phẫn nộ: “Tôi sống hơn 70 năm rồi nhưng đây là lần đầu tiên thấy việc dỡ gỗ trong đình đi bán. Chuyện này thật không chấp nhận được”.

Qua một mùa lễ hội tưng bừng náo nhiệt sau tết, những hiện tượng mê tín quái đản, mà có người gọi “mù quáng tâm linh”, tiếp tục diễn ra, thậm chí còn tăng so với những năm trước.

Có vẻ người ta đang mặc kệ mọi sự nhắc nhở đến mức gần như vô vọng của các vị thiện tri thức cũng như của nhà chức trách thuộc các ngành liên quan tôn giáo, văn hóa, giáo dục..., thậm chí cả những lời than vô vọng như ý của ông Lương Hồng Quang (phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) trong cuộc trao đổi với báo Tuổi Trẻ về câu chuyện cầu cúng, rải tiền trong lễ hội đền Trần (Nam Định) vừa rồi rằng “Cả xã hội đang quá mê tín”.

Để giải thích các hiện tượng liên quan, có người cho rằng đây chẳng qua chỉ là sự phản ứng ngược lại của một thời kỳ dài phủ nhận tín ngưỡng dân gian một cách cực đoan, để rồi bây giờ lại đi lệch theo chiều hướng vẫn không ra ngoài chủ nghĩa trục vật thông qua những hình thái biểu hiện cực đoan kiểu khác mà thôi.

Thật ra không đến nỗi cả xã hội mê tín đâu, mà chỉ “một bộ phận không nhỏ” theo cách diễn đạt mập mờ thời thượng bây giờ, vốn thường được phát ra từ cửa miệng của các nhà đương cuộc khi thấy những hiện tượng tiêu cực quá lậm đã xảy ra, như tình trạng tham nhũng tràn lan vô phương cứu chữa chẳng hạn...

Nhưng nếu xét kỹ thì thấy dường như không phải mê tín mà thực chất là mê tiền! Có cầu tất phải có cung, nhưng quy luật bất di bất dịch này lại diễn ra trong một thị trường còn méo mó chụp giật trước kia, vốn là kết quả của sự biến thái - suy thoái cực độ của văn hóa - đạo đức trong một bối cảnh đầy lắt léo của lịch sử: một bên cần cầu tài lộc tất phải có bên đáp ứng để cung cấp các loại nhu cầu đa dạng của người tiêu thụ dịch vụ (ở đây là dịch vụ văn hóa tâm linh).

Đình chùa vì thế theo truyền thống ban đầu là nơi hội tụ của hoạt động văn hóa tâm linh hướng thượng trong dân gian đã và đang bị biến thành những cỗ máy làm tiền... Trong cơn say tiền ấy, người ta dám dỡ cả những vật liệu hay văn vật quý hiếm có giá trong các đình chùa để mang bán lấy tiền cũng chỉ là điều sớm hay muộn mà thôi.

Nói trái nghịch vì một đằng quá mù quáng tin tưởng vào năng lực siêu nhiên cứu độ của thần Phật, đằng khác lại coi thần thánh chẳng ra gì. Tuy trái nghịch nhưng cả hai hiện tượng đều quy về một điểm căn bản là cái sự cắm cổ chạy theo đồng tiền bằng mọi biện pháp và bất cứ giá nào. Khi buôn được thần, bán được thánh bằng đủ kiểu, rồi tất bán cả lương tâm của mình.

Thế nên xét cho cùng, về mặt bản chất, tuy thuộc những mức độ khác nhau, nó vẫn không khác mấy với những biểu hiện cực đoan để kiếm tiền như trộm chó, cưa trộm cây sưa giữa thủ đô, đánh nhau trong cuộc họp giữa thành viên của nhóm quản trị trường đại học, “nhân bản” xét nghiệm trong bệnh viện hay giải phẫu thẩm mỹ trái phép gây chết người rồi quăng xác bệnh nhân xuống sông...

Trong khi chờ đợi tình thế chung khá hơn, chúng ta vẫn còn một chút lạc quan hi vọng. Đó là tính tự chủ, thái độ tích cực và sự trong sáng của người dân, được hiểu như một loại nút chặn hiệu quả đối với những hành vi lạm dụng của cấp chính quyền địa phương, như trong trường hợp đã ngăn chặn được việc phá đình phá miễu, bán gỗ sưa gần đây của những người dân ở thôn Cựu Quán.

Vấn đề là cần thêm rất nhiều công cụ pháp lý để giúp họ thể hiện hết tinh thần đáng quý ấy.

Điều cần được nhìn ra cho thấu tỏ là ở đây vẫn tồn tại sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố mua và bán theo luật cung cầu, nên bức tranh xã hội không mấy gì lạc quan như đã nêu. Bức tranh cũng không thể được vẽ lại thành công bằng giải pháp ngăn chặn riêng lẻ từng vụ mua bán bất hợp pháp, mà đòi hỏi một quá trình cải cách toàn diện hơn nhiều về mặt thể chế, gồm cả thể chế chính trị, kinh tế lẫn luật pháp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận