Cần có bản lĩnh để nói không

LÂM MINH TRANG (Gò Vấp) 11/11/2013 03:11 GMT+7

TTCT - Trong hai năm học gần đây kể từ niên học 2012-2013, áp dụng công nghệ thông tin là một trong những biện pháp được gọi là “cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao hiệu quả giáo dục” tại các trường học.

Phóng to
Một tiết học làm quen với bảng tương tác của học sinh lớp lá tại một trường mầm non ở TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Theo chỉ đạo của ngành đưa cán bộ quản lý trở về đứng lớp, với bộ môn giảng dạy của mình là địa lý, tôi rất hài lòng khi có công nghệ thông tin vì nó cho phép tôi qua từng tiết học có thể dẫn đưa học trò mình đến nhiều nơi, hiểu thêm nhiều kiến thức mà tranh ảnh và sách giáo khoa không chuyển tải nổi.

Nhưng cũng từ việc áp dụng công nghệ trình chiếu vào giảng dạy, tôi nhận ra rằng một tiết học gây hứng thú cho học trò không phải do cái máy, do “hiệu ứng chớp tắt”, mà biện pháp công nghệ chỉ là công cụ giúp giáo viên truyền thụ kiến thức đến học trò một cách sinh động hơn.

Khi đi dự giờ đồng nghiệp, tuy rất trân trọng những tiết dạy có áp dụng công nghệ thông tin, nhưng tôi vẫn luôn “săm soi một cách khá khó tính” vào hiệu quả của nó đối với học sinh. Tôi cực lực phản đối việc dùng công nghệ như một sự biến đổi hình thức từ “đọc - chép” sang “chiếu - chép” và... hết.

Đối với những thầy cô giáo trẻ, tôi luôn khuyến khích động viên và mong mỏi họ cho tôi được dự những “tiết mộc”, những tiết mà họ thể hiện bản lĩnh và tay nghề của mình một cách thật sự hơn là lúng túng với chuột, với máy tính hỏng hóc và... vất vả hơn mà không được gì.

Từ màn hình LCD, công nghệ thông tin nâng lên một bước, đó là bảng tương tác. Việc áp dụng công nghệ thông tin này từ trước đây và ngay cả bây giờ, tôi từng nhiều lần “phản biện”. Bởi vì ở nước ta hiếm hoi lắm mới có những trường mà con số học sinh một lớp dưới 40 em.

Màn hình LCD hiện nay cho dù là 42 inches thì cũng không đủ độ rộng để các em nhìn rõ. Mà dùng màn hình cuốn thì với lớp học chật chội như thế, lại không có phòng bộ môn, với đèn chiếu, với máy và laptop... làm sao giáo viên và học sinh xoay trở?

Khi rộ lên việc đưa bảng tương tác vào trường học, chúng tôi cũng nhận lời với một đơn vị sản xuất bảng để họ mang đến trường “biểu diễn” cho hội đồng sư phạm xem. Phải công nhận nếu có loại bảng này, không khí lớp học chắc chắn sinh động hơn, bài học sẽ vui mắt hơn và thầy trò vui vẻ hơn. Nhưng nhà sản xuất đã chọn “im lặng là vàng” khi tôi nêu lên các câu hỏi “có vấn đề” như sau:

- Toàn bộ thiết bị bảng tương tác chiếm rất nhiều không gian của một phòng học chỉ có diện tích 48m2, với số lượng học sinh là 50 em, liệu có hiệu quả?

- Mỗi bộ máy như vậy chỉ thiết kế sử dụng tối đa cho 45 em với 45 con chuột, trường tôi mỗi lớp có 50 em, vậy chắc chắn phải có 5 em không được sử dụng như bạn của mình. Nếu cho “xoay tua” thì hiệu quả, trật tự giờ học sẽ ra sao?

- Bảng tương tác là tích hợp những giáo án được đưa vào sẵn. Nên nhớ, bài dạy với mỗi một thầy cô là một không gian sáng tạo riêng, trong đó họ thể hiện tư duy của cá nhân vào việc truyền thụ. Trong điều kiện ta chưa có phòng bộ môn, phải dùng một bảng cho rất nhiều lớp, số lượng thầy cô dạy cùng một bài, một khối là nhiều, thì liệu giáo án soạn chung đó có khả thi?

- Vấn đề cuối cùng là ngân sách nhà trường hiện cũng không kham nổi với cái giá còn rất cao của một bảng tương tác. Không thể có đủ tiền trang bị máy cho các lớp như màn hình LCD, nếu chỉ mua một cái bảng chỉ dành cho những lúc “biểu diễn” thì ngay “tác dụng thuyết phục” với thầy cô giáo cũng đã không có, vậy làm sao mở rộng “xã hội hóa” ra các nguồn lực khác?

Rất may, những câu hỏi tưởng chừng như “phá bĩnh” cái “không gian nhấp nháy khoa học tung tẩy” đó của tôi đã được thủ trưởng ghi nhận một cách tích cực và mạnh dạn “nói không” sau khi cảm ơn nồng nhiệt nhà sản xuất.

Vì thế, việc phụ huynh hiện nay ở một số trường đang kêu ca chuyện huy động nguồn lực của họ cho việc trang bị bảng tương tác là do người quản lý chưa nhìn một cách toàn diện những điều nên - không nên khi bắt tay vào với cái mới.

Trước khi đưa ra một quyết định đổi mới nào đó đối với giáo dục, rất mong các cấp quản lý nên “lật tới, lật lui” vấn đề một cách thấu đáo để tránh những “biển dâu dư luận” vốn đã quá nhiều, quá buồn với ngành giáo dục. Biết nói không với những đổi mới không đem lại hiệu quả cũng là điều chứng tỏ bản lĩnh và nhân cách nhà giáo!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận