Thêm ảnh cho sách giáo khoa lịch sử

 NGUYỄN HỮU NHÂN 14/10/2013 21:10 GMT+7

TTCT - Sách giáo khoa lịch sử hiện nay có rất ít ảnh danh nhân, anh hùng dân tộc. Tất nhiên khi dạy, người thầy phải tìm kiếm thêm tư liệu để giúp học sinh dễ hiểu, nhưng nếu trong sách có nhiều hình ảnh sinh động sẽ giúp việc học, việc dạy dễ dàng hơn.

Học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân, Q.Tân Phú, TP.HCM học môn lịch sử tại thư viện của trường - Ảnh: Minh Đức

Khi thông tin về sự ra đi mãi mãi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến với người dân cả nước, những người thầy dạy lịch sử chúng tôi ngoài tâm trạng bồi hồi, tiếc thương còn có cả sự ray rứt, tiếc nuối vì chưa truyền tải hết những gì mình muốn về vị anh hùng dân tộc này cho các em học sinh.

Thiếu ảnh, thiếu chú thích

Bao năm qua, để đưa hình ảnh của Đại tướng đến với bao thế hệ học sinh, tôi và nhiều đồng nghiệp đã cố gắng sưu tầm, sử dụng các tư liệu từ báo chí cũng như các kênh thông tin khác để làm bài học thêm sinh động nhưng chưa đầy đủ.

Quá nửa chương trình sử bậc THCS và rất nhiều tiết ở bậc THPT là có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp chỉ huy quân đội của Đại tướng, nhưng phần lớn người dạy chỉ mang đến cho học sinh mấy dòng tên tuổi mà thôi. Đôi khi sách giáo viên cũng không có phần tham khảo.

Nói chính xác, sách giáo khoa lịch sử lớp 9 có giới thiệu với học sinh bức ảnh Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo khi viết về những ngày trước tổng khởi nghĩa tháng tám 1945. Các chiến dịch lớn như Biên giới thu - đông 1950 hay Điện Biên Phủ 1954 không cung cấp ảnh cá nhân của người chỉ huy là Đại tướng, mà chỉ có ảnh tập thể trong các hội nghị.

Điều đáng nói là phần chú thích dưới ảnh không ghi tên những nhân vật quan trọng nên chẳng những học sinh không nhận diện được đủ các vị này hay nhầm lẫn với nhau, mà có thầy cô cũng không biết hết nên gặp khó khăn khi truyền đạt kiến thức cho các em.

Ngay bức điện lịch sử gửi Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh vào những ngày cuối tháng 4-1975, tài liệu của ngành giáo dục cũng chưa nói rõ là của Đại tướng. Không chỉ Đại tướng mà nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội... chưa có ảnh chân dung trong sách giáo khoa, nhất là ảnh trong giai đoạn lịch sử có liên quan.

Cải tiến cần sát thực tế

Chuyện sưu tập thêm tư liệu để dạy học sinh là một hoạt động bình thường của người thầy, mà mục đích không gì khác hơn là giúp các em hiểu bài nhanh và nhớ lâu. Nhưng đôi khi hoạt động đó lại không được đồng nghiệp hay thanh tra đánh giá cao bởi cho rằng những tư liệu đó không nằm trong kênh thông tin chính thống của ngành giáo dục thì liệu có nên dùng?

Thật vô lý, bởi khi đi làm công việc sưu tập đó chúng tôi mới thấy có quá nhiều bài không được cung cấp ảnh cần thiết.

Tinh giản nội dung bài học là điều cần thiết. Nhưng quá ít ảnh nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc và lưu ý việc chú thích đầy đủ là những yếu tố cần được chú ý trong lần đổi sách giáo khoa sắp đến. Trong trường hợp không tìm được ảnh vẫn có thể sử dụng tranh vẽ, bài học vẫn giữ được giá trị.

Ngành giáo dục luôn yêu cầu thầy cô tăng cường sử dụng hình ảnh, thiết bị... trong giảng dạy để nâng cao chất lượng học tập của học sinh.

Hình ảnh đầy đủ hơn sẽ giúp việc dạy và học lịch sử thành công. Bởi vì sách giáo khoa không thể thêm trang để in ảnh nhiều, nên chăng có những bộ ảnh in riêng đi kèm cho những bài lịch sử đánh dấu các sự kiện quan trọng, hoặc những nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng trên các mặt hoạt động, gắn liền từng thời kỳ lịch sử của dân tộc để phục vụ riêng cho công tác dạy học.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận