To chưa chắc đã mạnh

NGUYỄN QUANG BÌNH 03/10/2013 23:10 GMT+7

TTCT - Xuất khẩu nhiều ngành trong lĩnh vực nông nghiệp nước ta đã đạt cỡ tỉ đôla. Chẳng ai dám chê nền nông nghiệp nước mình nhỏ cả, nhưng to chắc gì đã mạnh, đã vững.

“Quả dưới thấp đã hái hết”

Phóng to
Nông dân Việt Nam chưa hết khổ vì ngành nông nghiệp vẫn manh mún, chưa thật sự giữ vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong một nền kinh tế hàng hóa, ai nắm được hàng nhiều, ai có nhiều tiền nhờ thực lực của chính mình, các lực lượng tài chính bên ngoài hỗ trợ càng tốt thì còn có cơ may phần thắng về mình. Còn tại nước ta, đã gọi là nông sản hàng hóa nhưng khi hỏi hàng đâu hay khi cần một lượng hàng lớn để tạo được nắm đấm trên thương trường, không một doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản hay một hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nào dám báo có vài ba trăm ngàn tấn gạo, vài chục ngàn tấn cà phê, tiêu trong tay...

Hàng hóa hầu hết đều phải chạy như bà nội trợ chật vật từng bữa ăn, năng lực tài chính các doanh nghiệp và HTX nông nghiệp còn tệ hơn.

Hết thời sản xuất nhỏ

Nhiều người đến nay vẫn trách ngân hàng lơ là cấp tín dụng, có người tự an ủi bằng cách giải thích do kinh tế thế giới đảo điên nên nhiều mặt hàng nông sản bị đẩy đến đường cùng... Tuy nhiên, xét ra nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là ngọn nguồn của tình trạng thị trường nông sản lâu nay.

Những suy nghĩ, cố gắng áp dụng những mô hình như “cánh đồng mẫu lớn” hay lời kêu gọi liên kết “bốn nhà” trong sản xuất tuy đáng trân trọng nhưng vẫn chưa chứng tỏ được tính ưu việt nổi trội và khả năng tồn tại lâu dài của chúng. Vừa qua, tại tỉnh Đồng Tháp, nông dân trồng lúa đã liên kết chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp và bước đầu thành công.

Nhiều người đã phấn khởi vì bán lúa được giá cao. Một số doanh nghiệp đã và đang xây kho trữ lúa giúp nông dân chờ giá để tránh bán ra mạnh gây sức ép trên giá ngay từ đầu vụ và giúp nông dân bán giá cao hơn về sau nhờ trữ hàng. Tuy nhiên, cách làm này xem ra không mới nếu so với ngành cà phê.

Đứng trước thị trường, vị thế của nông dân và của một doanh nghiệp kinh doanh nông sản khác nhau xa. Với nông dân, sản phẩm làm ra bán giá càng cao càng tốt. Một đặc thù của nông dân nước ta là do sản xuất nhỏ, lượng hàng thường không nhiều nên sẵn sàng “đầu cơ” theo giá, đến “hi sinh” cũng chưa thả. Nên đại bộ phận đều kinh doanh sản phẩm của mình theo hướng giá lên: lên một, hai giá chưa đủ, đợi ngày mai thêm vài giá nữa... và cứ đợi.

Trong khi đó đối với nhà kinh doanh, họ mua bán theo hai hướng, cả hướng lên lẫn hướng xuống. Một khi thấy thị trường có khả năng xuống, nhà kinh doanh sẵn sàng bán trước mua sau. Hay khi “ngửi” được khả năng giá tăng, họ lại mua xong mới bán.

Chính vì đặc điểm này mà doanh nghiệp thường hay đưa tin loạn xạ để “đục nước béo cò”. Đấy cũng là nguyên nhân làm rạn nứt lòng tin về sau của nông dân đối với doanh nghiệp bởi kinh nghiệm thương trường của nông dân còn yếu.

Phải làm kiểu mới

Thử nhìn vào Brazil, một HTX cà phê có tên Cooxupé quy tụ đến 12.000 thành viên, sở hữu trên 220.000ha cà phê, năm 2012 thu hoạch ước chừng 300.000 tấn...

Theo thống kê của chính HTX này, trong năm 2011 họ đã tự xuất khẩu đến 240.000 tấn. Đối với một HTX tầm cỡ như vậy, ngay cả giới đầu cơ tài chính tiền rừng bạc biển cũng phải gờm. Đối trọng với đầu cơ tài chính thường dùng tiền áp đảo cung - cầu chỉ còn cách dùng hàng để đỡ “chiêu” khi cần thiết.

Không ai cứu được nông dân ngoài chính bản thân họ. Thiết nghĩ cái yếu cái thiếu, cái hay cái mạnh của tổ chức HTX nước ta nên được mổ xẻ rút kinh nghiệm để xây dựng HTX kiểu mới.

Điều quan trọng nhất là lợi nhuận của xã viên phải được chia theo lượng dịch vụ và giao dịch của mỗi người. Do vậy tùy theo ngành nghề của từng HTX, nên mạnh dạn thuê chuyên gia và giám đốc thông hiểu, có kinh nghiệm về thị trường, hoạt động độc lập bên cạnh ban điều hành HTX xã gồm có chủ nhiệm và các ban bệ đặc thù.

Bao lâu nông dân không sinh hoạt với cung cách làm ăn lớn trong một tổ chức chính họ làm chủ, không được chia sẻ lợi nhuận công bằng, bấy lâu vẫn khó thoát cảnh “chạy chợ” và biến mình thành con bò sữa cho kẻ khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận