Món lăngxê của kẻ "hoa ngôn"

TTCT 01/06/2014 20:06 GMT+7

TTCT - Bài “Các thỏa thuận Nga - Trung tốt hơn tất cả mọi tuyên bố” của nhà báo Nga D. Kosyrev (xem trang 19 của Tuổi Trẻ số ra ngày 23-5) trong những ngày tháng 5 nóng bỏng ở biển Đông đã làm dậy sóng trong lòng không ít người Việt và cả những người Nga lẫn người nói tiếng Nga hiểu biết.


Giáo sư Y. Piskulov

Tuổi Trẻ Cuối Tuần giới thiệu những tiếng nói này.

* Thưa giáo sư, từ góc nhìn của một chuyên gia quan hệ ngoại thương, ông nhận định thế nào về ý nghĩa hợp đồng khí đốt Nga - Trung vừa được ký sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga V. Putin?

- Hợp đồng có ý nghĩa kinh tế và chính trị to lớn. Đó là kết quả nhiều năm thương lượng của Nga và Trung Quốc, liên kết các tiềm năng của mỗi nước để thúc đẩy phát triển kinh tế và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Đồng thời hợp đồng trao cho Nga sự tự tin nhiều hơn để đóng một vai trò ổn định toàn cầu trên thị trường năng lượng thế giới, đặc biệt trong điều kiện có những mưu toan cô lập Nga từ phía Mỹ và các đồng minh ở phương Tây.

* Giáo sư đã đề cập về ý nghĩa chính trị của hợp đồng khí đốt vừa ký. Cũng có nhiều nhận định cho rằng dầu khí không phải là mục tiêu hàng đầu khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 1-5 đến nay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi các bên giải quyết bằng con đường thương lượng. Giáo sư nghĩ phản ứng trong trường hợp này nên như thế nào, căn cứ vào các tiêu chuẩn của công pháp quốc tế?

- Dĩ nhiên Bộ Ngoại giao Nga đã đúng khi cho rằng các cuộc tranh cãi cần giải quyết hòa bình bằng con đường thương lượng. Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia phải được bảo vệ theo đúng luật pháp của quốc gia đó và luật quốc tế. Trong trường hợp này, Việt Nam và Trung Quốc nên giải quyết các bất đồng trên cơ sở Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC).

* Vậy gần đây giáo sư có đọc bài báo của tác giả Kosyrev gây phản ứng ở Việt Nam không, thưa giáo sư?

- Là chuyên gia trong lĩnh vực ngoại thương và chính trị, là giáo sư từng đào tạo nhiều nhà kinh tế ngoại thương trong đó có Việt Nam, tôi luôn theo dõi những gì diễn ra ở Việt Nam và trong quan hệ Nga - Việt. Thời gian gần đây, sau khi thành lập Hiệp hội Việt - Nga các cựu sinh viên VAVT nhằm chuẩn bị cho những dự án hợp tác kinh tế hai nước, mối quan tâm của tôi về quan hệ Nga - Việt càng tăng.

Bài báo đó dĩ nhiên không nằm ngoài tầm quan sát của tôi. Phải nói thẳng là nó không giúp gì cho tình hữu nghị truyền thống, lòng tin và hợp tác giữa hai nước. Hơn thế, tôi còn ngạc nhiên khi sao nó lại có thể được đăng trên mục Bình luận thời sự của RIA Novosti! Sử dụng Ukraine so sánh với Việt Nam hoàn toàn không chính xác vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả về lịch sử.

Còn bảo Việt Nam “hệt như một Ukraine” đối với Trung Quốc thì đó có thể hiểu hoặc là một món lăngxê theo mốt chính trị của kẻ “hoa ngôn”, hoặc là như thiên hạ vẫn nói, là tác giả bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” (“бес попутал”), và trong trường hợp đó, ma hay quỷ (“бес...”) chính là kẻ đặt viết bài báo như thế!

* Dư luận xã hội Nga, những người quan tâm tới Việt Nam, nghĩ gì, thưa giáo sư?

- Theo tôi biết thì ở Nga, với nhiều thường dân Nga, với đại diện của các doanh nghiệp lớn và nhỏ, các nhà khoa học và đại diện các tổ chức nhà nước, Việt Nam là người bạn và là đối tác truyền thống. Thời gian gần đây nhiều dự án đã được chuẩn bị trong khuôn khổ Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế Nga - Việt, trên lãnh thổ Việt Nam cũng như ở Nga.

Nói riêng, Nga và Việt Nam tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực dầu khí: các công ty Nga cùng các công ty Việt Nam sẽ tiếp tục thăm dò và khai thác khí trong vùng thềm lục địa Việt Nam, và Việt Nam cũng chuẩn bị khai thác khí trên thềm lục địa biển Bắc của Nga và còn những dự án lớn khác nữa.

Ngày 20 đến 22-5 mới đây tại Matxcơva đã diễn ra hội thảo quốc tế lần thứ tư “Công nghiệp biển của Nga” hướng đến việc khai thác dầu khí trên thềm lục địa. Tại hội thảo có đoàn đại biểu các nhà đóng tàu Việt Nam tham gia. Tôi cũng tham gia hội thảo với báo cáo về việc thành lập Nhóm quốc tế về công nghiệp biển với sự tham gia của các nước Nga, Việt Nam, Hàn Quốc và Phần Lan.

Tôi nghĩ đây là một dự án có triển vọng. Các dự án nêu trên và những dự án khác ở hai nước chúng ta sẽ cho phép tăng kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước ở mức 4 tỉ USD hiện nay lên 10 tỉ USD vào năm 2020.

* Xin cảm ơn giáo sư.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận