Doanh nghiệp khoa học công nghệ: Cửa hẹp cho lối đi mới

HỒNG NHUNG 26/03/2014 05:03 GMT+7

TTCT - Mất 5 năm, TP.HCM mới có 14 doanh nghiệp được chứng nhận là “doanh nghiệp khoa học công nghệ” (DN KHCN). Tất cả đều đang hoạt động rất khiêm tốn, chờ đợi những ưu đãi trở thành hiện thực.

Năm 2002, khi chứng kiến thiệt hại rất lớn về người và tài sản của vụ cháy tòa nhà ITC (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM), ông Tôn Thất Hoàng Hải đã nảy ra ý định nghiên cứu thiết bị cứu hộ ở các tòa nhà cao tầng và bắt tay ngay vào nghiên cứu.

Sau 10 năm, ông Hải đã sáng chế ra được hệ thống thang dây, thang máy không dùng điện có thể lên cao đến 40-50 tầng nhà, trọng lượng tải lên đến cả tấn, có thể chuyên chở một lúc lên tới 10 người và thiết bị cho ngành an ninh, quân đội cứu hộ người già, trẻ em khi xảy ra sự cố hỏa hoạn.

Theo ông Hải, các sáng chế này đều sử dụng các loại vật liệu Việt Nam có sẵn nên giá thành thấp hơn hàng nhập ngoại rất nhiều. Năm 2010, ông Hải đăng ký thành lập DN KHCN với sáu thiết bị, giải pháp. Thế nhưng có vẻ như “thiên thời địa lợi” chưa đến, gặp đúng thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều nhà đầu tư đến xem đều tỏ rõ sự quan tâm với các sản phẩm này, coi đây là cơ hội tốt để chờ đợi chứ không dám đầu tư ngay.

Chưa thương mại hóa được những sản phẩm nghiên cứu tâm huyết này, để duy trì sự tồn tại của công ty, ông Hải xoay xở bằng việc đi dạy, nghiên cứu theo đặt hàng của người khác, sản xuất khóa xe máy chống chìa vạn năng, khóa cửa an toàn...

Muốn ưu đãi phải mất ưu đãi

Những “cựu binh” dày dạn như Công ty Giống cây trồng miền Nam cũng không khá hơn DN của ông Hải bao nhiêu trong hành trình chờ đợi ưu đãi. Được thành lập từ năm 1976, đến năm 2002 Công ty Giống cây trồng miền Nam là DN ngành giống cây trồng đầu tiên của Việt Nam tiến hành cổ phần hóa.

Kế đó, theo chủ trương khuyến khích thành lập DN KHCN, Công ty Giống cây trồng miền Nam đăng ký DN KHCN với 64 sản phẩm giống cây trồng do chính họ nghiên cứu, lai tạo hoặc nhận chuyển giao công nghệ.

Tháng 7-2012, Công ty Giống cây trồng miền Nam trở thành DN thứ tám của TP.HCM được cấp giấy chứng nhận DN KHCN để được hưởng ưu đãi theo luật. Nhưng theo ông Nguyễn Tiến Hiệp - ủy viên HĐQT kiêm giám đốc tài chính công ty, đến thời điểm này họ vẫn chưa được hưởng ưu đãi thuế như luật pháp đã quy định.

Khi cầm hồ sơ DN KHCN đi gặp Cục Thuế TP.HCM, Cục Thuế đẩy ra Tổng cục Thuế, Tổng cục Thuế trả lời: “Muốn được hưởng ưu đãi thuế của DN KHCN thì phải trừ đi những ưu đãi đã được hưởng trước đó”. Ông Hiệp khá bất bình với hướng giải quyết này, bởi ưu đãi trước đó mà công ty ông được hưởng là ưu đãi cổ phần hóa từ cách đây hơn 10 năm.

“Cục Thuế không quyết, đẩy hồ sơ ra Tổng cục Thuế, hơn một năm mới được trả lời nhưng chúng tôi không đồng ý với cách trả lời này và tiếp tục gửi văn bản kiến nghị lên Bộ KH&CN và Bộ Tài chính” - ông Hiệp bức xúc.

“Nhà nước khuyến khích chúng tôi thành lập DN KHCN để thúc đẩy phát triển KHCN nhưng thực tế thì lại vướng mắc như vậy. Theo tôi tìm hiểu, nhiều đơn vị ở tỉnh thành khác đã được hưởng ưu đãi thuế. Một số DN KHCN khác ở TP.HCM cũng rất bức xúc vì khi lên làm việc với cơ quan thuế, cơ quan này cũng giơ văn bản đã trả lời công ty chúng tôi ra làm tiền lệ xử lý” - ông Hiệp chia sẻ thêm.

Trong 14 DN KHCN của TP.HCM có chín DN được thành lập mới và năm DN đăng ký với những sản phẩm được nghiên cứu, chuyển giao mới. Hoạt động của cả 14 DN này đều không mấy sáng sủa.

Những DN mới thành lập thì hầu như chưa có doanh thu để được hưởng ưu đãi thuế (theo quy định tại điều 10, nghị định 80/2007/NĐ-CP về DN KHCN, các DN này chỉ được hưởng chế độ miễn, giảm thuế thu nhập DN như DN đầu tư vào khu công nghệ cao kể từ khi có thu nhập chịu thuế với điều kiện: doanh thu từ việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KHCN trong năm thứ nhất đạt ít nhất là 30% tổng doanh thu, năm thứ hai đạt ít nhất là 50% tổng doanh thu và từ năm thứ ba trở đi đạt ít nhất là 70% tổng doanh thu).

Những DN cũ thì khó mà “chịu” nổi giải thích của ngành thuế: “Muốn được hưởng ưu đãi thuế thì phải chấp nhận bị truy thu các khoản ưu đãi thuế đã được hưởng trước đó, hoặc thời gian được hưởng ưu đãi của DN KHCN phải trừ đi thời gian đã được hưởng theo điều kiện ưu đãi khác”.

Theo nhiều DN KHCN, thủ tục phía Sở KH&CN TP.HCM khi lập hồ sơ đăng ký DN KHCN được tiến hành rất nhanh với sự hỗ trợ nhiệt tình của cơ quan này, nhưng lại tắc khi tiếp cận phía tài chính để nhận ưu đãi.

Vốn là yếu tố sống còn đầu tiên với họ để đầu tư nhà xưởng, thiết bị sản xuất nhưng nguồn quỹ hỗ trợ phát triển KHCN của TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động, đi quyết toán thuế theo chính sách ưu đãi thì lại gặp khó khăn, chính sách ưu đãi cho thuê đất, giao đất lại chỉ “dễ” cho DN lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, cả nước có gần 100 DN KHCN mới thành lập và gần 200 hồ sơ chờ thẩm định. Mục tiêu đến hết năm 2015 sẽ hỗ trợ hình thành và phát triển 3.000 DN KHCN. 

Bình quân doanh thu của DN KHCN hiện là 60 tỉ đồng/năm, lợi nhuận bình quân hơn 6 tỉ đồng. Trong chín tháng đầu năm 2013, cả nước có khoảng 6.800 DN giải thể và gần 36.000 DN ngừng hoạt động, song chỉ có 4,5% DN KHCN ngừng hoạt động và giải thể.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh thừa nhận tình trạng chồng chéo trong áp dụng chính sách khiến DN KHCN gặp nhiều khó khăn để được nhận ưu đãi theo quy định, không chỉ thuế mà còn về ưu đãi vốn, ưu đãi sử dụng thiết bị tại 16 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia cũng như được hỗ trợ nghiên cứu, làm đề tài nghiên cứu khoa học...

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận