Thái độ khác cho khai trí

ĐINH ĐỨC HOÀNG 02/02/2014 05:02 GMT+7

TTCT - Năm 1993, Đài truyền hình Việt Nam chính thức sử dụng thương hiệu VTV. Năm ấy, có nhiều khán giả chưa chấp nhận được cái mới, viết thư hỏi rằng tại sao lại sử dụng một từ viết tắt tiếng Anh cho cơ quan của nước nhà, có phải là sính ngoại không?

Đài trả lời trên sóng: VTV là chữ viết tắt của “Vô tuyến truyền hình Việt Nam”.

Minh họa: Viip
Có cán bộ kỳ cựu của đài kể lại rằng thời đó vì dư luận, họ đã phải tường trình với cấp trên về cái tên mới này. Bây giờ thì ai cũng biết VTV là Vietnam Television, đài cũng đã sử dụng cụm từ viết tắt ấy một cách công khai.  

Cách lý giải cũ bây giờ nghe lại giống một biện pháp tình thế. Bởi vì sau những năm dài hội nhập thì có lẽ ai cũng ý thức được rằng việc sử dụng một thương hiệu súc tích bằng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ đại chúng nhất hành tinh, tốt cho việc quảng bá hình ảnh không chỉ của đài mà còn của cả quốc gia.

Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ để nói rằng những điều mới mẻ sẽ luôn gặp trở lực từ những thói quen tư duy cũ. Người ta phán xét bằng kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm vốn được xây dựng bằng những kiến thức cũ và rất dễ xung đột với cái mới.

Lịch sử đã chứng kiến những giai đoạn mà văn hóa phương Tây - hay là những giá trị mới mẻ nói chung, vấp phải một thái độ cảnh giác mạnh mẽ, một bản nhạc hay một phong cách thời trang cũng có thể khiến người ta bị coi là vong bản, vọng ngoại, là một cái “tội” không bé.

Nhiều phán xét của quá khứ, bây giờ đọc lại nhận ra rằng hóa ra đã có thể có một thái độ tiếp cận khác để tiến lên nhanh hơn trên con đường khai trí. Rất nhiều nghệ sĩ, học giả, hay cả những người dân thường đã không thể “giải trình” thành công lựa chọn của mình như VTV, và phải từ bỏ nó.

Lịch sử đã chỉ ra rằng việc khai trí gắn liền với tự do tư tưởng. A Dục Vương (Ashoka), một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Ấn Độ (trên cờ Ấn Độ bây giờ có họa tiết từ các cột đá do A Dục Vương xây dựng), được ghi nhận là người đầu tiên khái niệm hóa điều đó.

Xây dựng đế quốc trong một thời đại của những cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu, trên một mảnh đất Ấn Độ vốn rất đa dạng về tôn giáo, mang trong mình niềm ham muốn lớn lao về truyền bá Phật giáo, nhưng thay vì sử dụng cường quyền để áp đặt tư tưởng, ông đã viết lên những cột đá huyền thoại của mình: “Mọi tôn giáo đều nên được tồn tại ở bất cứ đâu” và quan trọng hơn: “Mỗi người nên lắng nghe và tôn trọng các học thuyết của người khác”.

Nghĩ đến việc tận hôm nay chiến tranh tôn giáo và việc áp đặt tư tưởng vẫn còn được thực hiện triền miên, mới thấy A Dục Vương sáng suốt.

Từ “tuyên ngôn tự do tư tưởng” khắc trên đá đầu tiên của A Dục Vương, rất nhiều nhà triết học, khoa học và chính trị gia vĩ đại của thế giới sau này đã ra sức bồi đắp và truyền bá sự tự do tư tưởng. Có thể kể ra ở đây Voltaire, Locke, Vinet... Họ ý thức được rằng để khai trí - truyền bá và thúc đẩy tri thức trong mỗi con người - thì sự tự do là quan trọng.

Thời đại chúng ta đang sống là thời đại tri thức bùng nổ tới mức cái đúng và cái sai, cái hợp lý và bất cập đều nhiều tới mức không thể “lọc” chúng bằng những tấm lưới của định kiến. Trong một cuộc lan tỏa tự do, cơ chế tự đào thải sẽ phát huy giá trị của nó.

Không biết có ngây thơ không khi tin rằng khai trí là một quá trình truyền bá và tiếp nhận hết sức tự do, sau đó mỗi cá nhân sẽ tự sàng lọc điều đúng đắn như cách nhân loại đã làm được ngàn đời? Hôm nay người ta có thể tin rằng bộ phim này, cuốn sách kia, phong trào nọ “không phù hợp” theo một quy chuẩn nào đó nhưng rất có thể đó là một phán xét thuần túy cảm tính và nhanh chóng lạc hậu.

Lại kể một ví dụ nhỏ nữa: Một thủ lĩnh phong trào flashmob - nôm na là nhảy tập thể giữa một không gian công cộng - kể rằng những ngày đầu tiên cô đưa thú chơi này về Hà Nội nhiều năm trước thì việc một nhóm thanh niên tụ tập ở công viên khiến các nhà chức trách phản ứng rất dữ dội. Họ giải tán đám đông vì một nỗi lo lắng nào đó. Bây giờ thì flashmob lại được chấp nhận và xuất hiện khắp mọi nơi, được cả trường học hay Đoàn thanh niên tổ chức như một phương pháp cổ vũ và sinh hoạt văn hóa thú vị.

Trí óc con người chỉ có thể được mở ra bằng thái độ niềm nở. Thái độ của chính họ và những người chịu trách nhiệm định hướng cho họ, dù là nhà quản lý hay học giả, nghệ sĩ, là quan trọng. Tiếc rằng vẫn còn quá nhiều người tin rằng cái đúng của họ là duy nhất. Không ai có được thái độ của A Dục Vương, điều về sau được Voltaire diễn đạt rất hay: “Tôi có thể không đồng tình với điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền được nói của anh”.

Vấn đề lớn nhất của khai trí giờ này có lẽ không phải là năng lực, mà là thái độ.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận