Chuyện cây sen ở Tân Thạnh

THANH TÚ - QUANG VINH 22/11/2013 21:11 GMT+7

TTCT - Mấy năm nay, vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng ở các xã thuộc huyện Tân Thạnh (Long An) vốn chỉ có cây tràm sống được bỗng như thức giấc với mô hình trồng sen lấy ngó.

Nhờ đó người dân ở đây cải thiện được cuộc sống, con cái được cắp sách đến trường.

Nói đến những cánh đồng sen ngát hương, người ta nghĩ đến ngay đất Đồng Tháp. Thế nhưng ở tỉnh Long An, phía cuối vùng Đồng Tháp Mười, giờ đây cũng đã mọc lên những cánh đồng sen. Cuối tháng 10, nước lũ trên vùng Đồng Tháp Mười phía cuối nguồn ở các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, tỉnh Long An bắt đầu đạt đỉnh.

Trên đồng nước ngập trắng xóa. Con đường N2 mới mở đi qua xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh hệt như vệt lụa cắt qua cánh đồng sen đẹp tựa bức tranh. Vẻ đẹp hoang sơ của vùng Đồng Tháp Mười như được đánh thức bởi không khí tấp nập mua bán ngó sen.

Đến trường nhờ sen

Đang trong mùa lũ, thay vì phải nằm nhà chờ nước lũ rút để gieo sạ lúa, nhiều nông dân ở các xã Kiến Bình, Nhơn Ninh, Nhơn Hòa (huyện Tân Thạnh) vẫn lặn ngụp ngoài đồng để thu hoạch ngó sen. Anh Nguyễn Văn Nhiều, nông dân xã Nhơn Ninh, hì hụp ôm can nhựa lặn xuống ngắt ngó sen.

Anh Nhiều cho biết từ ba năm qua, gia đình anh gắn bó với mô hình trồng sen lấy ngó trong mùa lũ. Thu nhập của gia đình tăng lên thấy rõ, con cái được học hành đàng hoàng. Dự tính năm sau vợ chồng anh sẽ cất nhà khang trang ngay trên cánh đồng sen này.

Anh Nhiều cho biết thêm hằng năm sau hai vụ lúa đông xuân, hè thu, anh quay ra trồng sen lấy ngó trong mùa lũ. Khi con nước lũ vừa chớm lên đồng, anh đem sen giống cấy xuống và chỉ cần 20 ngày sau là có thể bắt đầu thu hoạch ngó. Ba tháng mùa lũ rất phù hợp với việc phát triển của cây sen nên chi phí xem ra không đáng kể, chỉ tốn công lặn ngụp bẻ ngó. Khi nước lũ rút thì cày đất bỏ sen và sạ lúa.

Anh Nhiều nhẩm tính: 1,3ha sen mỗi ngày thu hoạch được 15-20kg ngó sen, với giá ngó 20.000 đồng/kg như hiện nay, gia đình anh kiếm gần 400.000 đồng/ngày. Đây là một khoản thu nhập rất lớn đối với nhà nông.

Rời xã Nhơn Ninh, chúng tôi men theo tuyến kênh 2000 Bắc thuộc ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh. Đây được xem là “vương quốc sen” của huyện Tân Thạnh. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây gần 400 triệu đồng, ông Võ Thành Tâm tự hào cho biết cơ ngơi này có được chính là nhờ vào thu nhập từ cây sen.

Ông Tâm nói mấy năm trước gia đình chân ướt chân ráo đến lập nghiệp ở đây, nhà nghèo, không có vốn liếng nên tối ngày chỉ ngụp lặn với công việc đồng áng và đánh bắt cá. Mấy năm qua, giá lúa cứ bấp bênh, vùng này đất trũng, nhiễm phèn nặng nên lúa cho năng suất rất thấp. Việc đánh bắt cá trong mùa lũ cũng trồi sụt bởi lượng cá về đồng giảm nhiều so với trước.

Từ khi tiếp cận với mô hình trồng sen lấy ngó, ba năm nay hơn 1,2ha sen đã giúp gia đình ông Tâm có cuộc sống ổn định, con cái được đi học trên trường huyện.

Khác với anh Nhiều, ông Tâm giữ nước trong ruộng để trồng sen ba vụ, trung bình 1ha thu hoạch 8-10 tấn ngó sen. Nếu giá duy trì ở mức 15.000 đồng/kg thì có thể thu nhập 100-150 triệu đồng/năm. Hai năm qua, giá sen dao động ở mức 15.000-20.000 đồng/kg nên chuyện vợ chồng ông Tâm cất được nhà không phải là khó hiểu. Hai đứa con của ông Tâm cũng được gửi lên huyện Tân Thạnh học hành tới nơi tới chốn.

Ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa, cho biết chuyện thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây sen như trường hợp của ông Tâm không phải là cá biệt ở xã. Điều đó giải thích vì sao Nhơn Hòa là xã có diện tích trồng sen lớn nhất huyện (204ha). Cây sen đã làm thay đổi cuộc sống nghèo khó của bà con vùng này là điều rất đáng ghi nhận.

Sau năm giờ lặn hụp, với bàn tay nhúm móp, anh Nguyễn Quang Nhựt ngắt được 20kg ngó sen - Ảnh: Quang Vinh

Phụ nữ có thêm việc làm từ nghề trồng sen lấy ngó ở Tân Thạnh - Ảnh: Quang Vinh

Sen đến, tràm đi

Nguồn lợi từ cây sen đã tạo nên sức hút đối với nhiều hộ nông dân. Hàng trăm hecta tràm tái sinh trước đây được khai phá để trồng lúa đã được chuyển sang trồng sen. Đi dọc đường N2 thuộc xã Nhơn Ninh hay theo các tuyến kênh Tân Lập, Bảy Thước... rất dễ nhìn thấy đồng sen xen kẽ với những vạt rừng tràm.

Chỉ vào ruộng sen đang cho ngó trong mùa nước lũ, ông Lê Văn Bền ở ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, nói trước đây dãy ruộng 3,2ha này là rừng tràm do ông trồng rồi thu hoạch, tràm mọc tái sinh. Song do giá trị kinh tế của cây tràm không cao, mấy năm qua giá bán tràm liên tục giảm nên gia đình ông chuyển đổi sang trồng lúa. Sau nhiều năm trồng lúa bấp bênh, giờ đây ông Bền đã chuyển hẳn sang trồng sen.

Ông Nguyễn Văn Phương thừa nhận gần như toàn bộ diện tích trồng sen hiện nay ở xã đều có nguồn gốc từ những cánh đồng tràm dân trồng trước đây. Đứng trước việc diện tích cây tràm giảm dần do bị cây sen lấn át, ông Phương cho biết đã nhiều lần đề xuất lên chính quyền cấp trên cần có chính sách hỗ trợ hoặc vận động người dân trồng “bù” diện tích tràm trên các tuyến kênh, trục giao thông. Việc làm này sẽ góp phần tạo nên cảnh quan cũng như tái sinh một phần diện tích rừng tràm đã bị phá đi.

Ông Nguyễn Quốc Việt, chánh văn phòng UBND xã Nhơn Ninh, cho biết trên địa bàn xã có gần 200ha tràm đã được khai phá để trồng lúa và sen. Nếu như 10 năm trước, người dân phá tràm để trồng lúa thì mấy năm nay do giá lúa khá thấp nên nhiều nông dân đã chuyển hẳn từ cây tràm qua cây sen, không còn phải “đi vòng” qua trồng lúa. Diện tích tràm hiện nay của xã chỉ còn khoảng 30ha, nhiều khả năng vài năm nữa cũng sẽ bị phá bỏ để trồng sen.

Theo so sánh của ông Đỗ Thành Hây, người trồng sen kỳ cựu ở xã Nhơn Hòa, do đất ở đây phần lớn nhiễm phèn nặng, lúa vụ đông xuân trúng lắm chỉ có thể lãi 20 triệu đồng/ha, còn vụ hè thu chỉ có lãi khi giá lúa cao, phần lớn từ huề vốn cho tới lỗ. Tính ra hai vụ lúa người nông dân chỉ lời được khoảng 20 triệu đồng, trong khi trồng sen thì hai vụ cầm chắc lời từ 35-45 triệu đồng.

Ông Hây đúc kết: “Mần lúa lời gấp ba lần trồng tràm, trồng sen lời gấp đôi trồng lúa. Vì vậy người dân ở đây cứ phá tràm mần lúa hoặc trồng sen”.

Không thể hô hào lợi ích chung

Ông Lê Văn Bền cùng vợ (ở ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa) trầm mình dưới đồng sen - Ảnh: Quang Vinh

Câu chuyện trên phản ánh tình trạng bấy lâu nay nhà nông vùng ĐBSCL cứ loay hoay chặt cây này rồi trồng cây khác. Dù ngó sen đang có giá nhưng ông Nguyễn Văn Vũ, phó chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, cũng không khỏi lo lắng cho sự bấp bênh mà người dân đang gặp phải.

Ông Vũ cho rằng không phải đợi đến lúc sen có giá người dân mới phá tràm trồng sen. Nhiều năm qua do giá cây tràm không hấp dẫn, Nhà nước không có chính sách hỗ trợ người trồng tràm nên chuyện người dân phá tràm trồng sen hay trồng lúa là khó tránh khỏi.

Hiện nay, toàn huyện Tân Thạnh còn khoảng 2.700ha tràm, so với diện tích trước đây lên đến hơn 10.000ha, dù huyện đã có quy hoạch giữ diện tích tràm còn lại để “lá phổi” của Đồng Tháp Mười không tiếp tục bị tổn thương. “Giữ được cây tràm hay không tùy thuộc vào giá tràm chứ chúng ta không thể hô hào là giữ được, bởi cây sen cũng có những giá trị của nó” - ông Vũ nói.

Cũng theo ông Vũ, thống kê toàn huyện cho biết hiện có khoảng 800ha trồng sen, phần lớn là diện tích trồng sen lấy ngó. Sở Công thương tỉnh Long An đã xúc tiến thành lập thương hiệu và ngó sen Hải Nhơn đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa. Tuy nhiên từ ngày được công nhận đến nay, thương hiệu này vẫn chưa thể phát huy được thế mạnh như mong muốn, sản phẩm chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều nên giá cả còn bấp bênh.

Tuy được xem là “vương quốc sen” của tỉnh Đồng Tháp, nhưng thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tháp Mười cho biết toàn huyện chỉ có khoảng 150ha sen (cao điểm lên đến 450ha), chủ yếu là sen lấy gương (hạt). Số sen này chủ yếu được trồng ở vùng trũng của xã Mỹ Hòa.

Bà Nguyễn Thị Thúy, phó Phòng NN&PTNT huyện Tháp Mười, cho biết trồng sen cho thu nhập gấp hai lần trồng lúa. Trung bình 1ha sen lấy gương cho sản lượng khoảng 2,2 tấn. Với giá hạt sen ở mức 22.000 đồng/kg, mỗi hecta sen cho thu nhập gần 50 triệu đồng/năm.

Nhưng không phải đất nào cũng phù hợp với cây sen. Đây là loài cây thích nghi với vùng đất trũng, nhiễm phèn. Mấy năm gần đây, phần diện tích này đã giảm nhiều do công tác cải tạo đất được cải thiện nên diện tích trồng sen vì thế giảm theo. Do giá hạt sen biến động thất thường nên người dân cũng không “mặn” lắm với cây sen.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận