Khốn đốn vì thủy điện...

THÁI BÁ DŨNG - QUỐC THANH 06/11/2013 22:11 GMT+7

TTCT - Chuyện đang xảy ra tại An Khê, một thị xã nhỏ ở tỉnh Gia Lai dưới đây, là một cái nhìn cận cảnh vào thủy điện nhỏ, với những ảnh hưởng tai hại rơi thẳng vào từng người dân nơi này và sự thoái thác trách nhiệm của các chủ đầu tư.

Phóng to
Cầu Đắk Pơ Kơ – cây cầu dân sinh duy nhất qua sông Đắk Pơ Kơ trên đoạn lòng hồ của thủy điện Đắk Srông 2A do Công ty thủy điện Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư. Tuyến đường vận chuyển nông sản của dân đã bị ngập dưới lòng hồ - Ảnh: T.B.D.

“Khốn đốn lắm” - câu nói nửa than vãn nửa phẫn uất này bật ra từ một người đàn ông đen sạm đang cào mớ lúa ít ỏi của vụ lúa vừa gặt ở thôn An Điền Nam 1, xã Cửu An, thị xã An Khê. Trước đây, công chở một chuyến lúa từ đồng về nhà mất 50.000 đồng, bây giờ anh phải trả tới 300.000 đồng.

Nguyên nhân rất đơn giản: công trình thủy điện An Khê - KaNak đào kênh dẫn dòng nước đã chặn con đường ra đồng của người dân. Kể từ đó, nhiều người phải đi vòng xa hàng kilômet mới đến được nơi sản xuất...

Gia đình của người đàn ông nói trên phải di dời nhà cửa, mất đất sản xuất từ năm 2008, ngay khi chủ đầu tư công trình thủy điện An Khê - KaNak (Ban quản lý thủy điện 7, thuộc Tập đoàn Điện lực VN) còn chưa làm khu tái định cư cho người dân.

“Qua cầu rút ván”

Chỉ là lý thuyết thôi!

Theo nguyên tắc thì “nơi ở mới phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ”, nhưng thực tế chỉ là lý thuyết thôi. Bây giờ chủ đầu tư Nhà máy thủy điện An Khê - KaNak nghe nói tỉnh Gia Lai mời là không muốn đi, dù tỉnh cũng đeo bám dữ lắm. Vừa rồi Thủ tướng yêu cầu phải xử lý những tồn đọng chứ không là cứ nói miết thôi, kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới kiểu gì cũng nói tiếp. Để làm được cái ngầm tràn (dạng cầu ngầm) cho dân đi ra khu sản xuất mà cũng quyết liệt lắm mới làm được, đến giờ vẫn phải tiếp tục giám sát lại vì đây là hạ tầng lâu dài phục vụ sản xuất cho dân.

Ông PHẠM ĐÌNH THU (phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai)

Phó chủ tịch HĐND thị xã An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết thủy điện An Khê - KaNak được khởi công xây dựng từ năm 2005 đến nay đã cơ bản hoàn thành. Phần công trình thuộc địa bàn thị xã phải thu hồi hơn 600ha đất, hơn 1.300 hộ bị thu hồi đất. Tổng tiền đền bù hơn 100 tỉ đồng và 60 tỉ đồng tiền hỗ trợ.

Theo bà Lịch, chủ đầu tư đã cam kết xây dựng một khu tái định cư, làm mới một con đường dọc kênh dẫn nước, ba cầu qua kênh, hai đường qua vùng bán ngập, ba trạm bơm nông nghiệp, sửa chữa đền bù các đập bị hư hỏng trong quá trình thi công thủy điện...

Nhưng kết quả giám sát của HĐND thị xã An Khê tháng 9-2013 đã cho thấy các công trình được đầu tư cho địa phương nhằm khắc phục những thiệt hại khu thủy điện xây dựng (mất đất, không có đường đi sản xuất...) hoặc các công trình hỗ trợ phát triển sản xuất (ba trạm bơm điện), khu tái định cư, phòng học, đường giao thông... đều không đảm bảo chất lượng.

Hai phòng học mẫu giáo không sử dụng được từ khi bàn giao đến nay. Một số tuyến đường nội đồng bị tuyến kênh của công trình thủy điện chia cắt, bố trí các cầu dân sinh không phù hợp. Tuyến kênh dẫn nước của công trình thủy điện đã chia cắt đường vận chuyển nông sản của dân khiến có hộ nông dân dắt trâu, bò “khởi hành” từ sáng sớm, đến trưa mới đến được ruộng. Có nơi như khu vực Cây Kè 30ha, đường đi vào sản xuất ngập sâu 2m...

Thoái thác trách nhiệm

“Nhu cầu của dân thì vô cùng lắm, cái đấy mà đáp ứng được hết thì cũng là cái khó của chủ đầu tư trong bối cảnh công ty kẹt vốn, dân thì tăng nhanh, nhu cầu cũng tăng... Đây là bài toán khó của các nhà đầu tư chứ không phải riêng chúng tôi. Chúng tôi chỉ đầu tư ở mức độ nào đó thôi” - ông Nguyễn Văn Tặng, phó giám đốc Công ty thủy điện An Khê - KaNak (An Khê, Gia Lai), trả lời.

Và để giải quyết việc đường đi làm rẫy của dân bị ngập khiến người dân phải đi đường vòng rất xa, chi phí đội lên, công ty đã “thống nhất với HĐND tỉnh Gia Lai không xây cầu vì kênh này quá sâu, thay vào đó làm một tuyến đường bêtông đi vòng”...

Còn ở thủy điện Đắk Srông 2A (tổng công suất 24MW, khởi công tháng 2-2008 và hoàn thành vào tháng 10-2010 với diện tích lòng hồ của nhà máy chiếm trên 501ha tại Yang Nam và Đắk Kơ Ning, huyện Kon Chro (Gia Lai), trước khi nhà máy tích nước, dân ở xã Yang Nam đi làm rẫy hoặc qua cầu trên sông Đắk Pơ Kơ hoặc đi qua đường bêtông bên cầu. Khi nước làm ngập đường ngầm, Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Gia Lai - chủ đầu tư - đã mở một tuyến đường tránh ngập dài 12km, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, tuyến đường này đã hư hỏng.

“Hiện tại người dân không thể đi lại trên tuyến đường này nên đề nghị chúng tôi làm lại đường kiên cố hơn. Nhưng nói thật, để đầu tư một tuyến đường bài bản lên tới 12 tỉ đồng, số tiền này là quá sức đối với chủ đầu tư nên chúng tôi đang bàn với địa phương cùng góp vốn để đầu tư làm đường cho dân đi lại, san sẻ bớt gánh nặng” - ông Nguyễn Văn Hùng, tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, nói.

Ông Hùng cho biết đã bán Nhà máy thủy điện Đắk Srông 2A cho Công ty TNHH thủy điện Tây Nguyên và cam kết sẽ cùng chủ sở hữu mới phối hợp giải quyết các vấn đề vướng mắc còn tồn đọng chứ không trốn tránh trách nhiệm. Đến lượt chủ đầu tư mới, ông Nguyễn Kim Dũng - giám đốc Công ty TNHH thủy điện Tây Nguyên - cũng hứa “sẽ tiếp tục bàn thảo với địa phương để tìm hướng giải quyết”.

UBND huyện Kon Chro cho biết hai công trình thủy điện nói trên đã làm ngập sâu ngầm cầu Đắk Pơ Kơ (dành cho xe vận chuyển nông sản trên 13 tấn), không thể đi lại được nữa. Chủ đầu tư đã hứa mở một tuyến đường thay thế để đảm bảo sản xuất, đi lại cho dân, hoàn thành cuối tháng 12-2010 nhưng hứa rồi để đó, đến nay đường vẫn chưa có dù huyện đã kêu nhiều lần.

Phóng to
Mực nước xả dùng sinh hoạt và sản xuất của sông Ba hạ lưu thủy điện An Khê - KaNak quá thấp, nước về nhà máy lọc nước có độ tạp gấp hàng trăm lần so với mức cho phép - Ảnh: T.B.D.

“Hút” hết nước của dân

Thủy điện An Khê - KaNak xây dựng trên thượng nguồn sông Ba, với thiết kế hai hồ chứa là An Khê (mực nước dâng bình thường 429m) và KaNak (mực nước dâng bình thường 515m), nằm trên bình diện dài khoảng 60km.

Nhà máy thủy điện nói trên thuộc loại thủy điện chuyển dòng nước. Điều này cũng đồng nghĩa hằng ngày một lượng nước khổng lồ đã chuyển khỏi sông Ba. Tuy hồ chứa An Khê nằm ở thị xã An Khê nhưng chủ đầu tư đã cho đào một con kênh dẫn nước dài hơn 10km, có đoạn sâu đến 14m để dẫn nước về huyện Tây Sơn (Bình Định) chạy các tổ máy có công suất 160MW (trong tổng số công suất 173MW của toàn nhà máy).

Như vậy, theo cách sử dụng tài nguyên nước này, toàn bộ lượng nước sau khi phát điện đã không trả về sông Ba mà được đẩy thẳng ra sông Kôn phía tỉnh Bình Định.

Với cách làm trên, các khu vực phía hạ lưu sông Ba liên tục kêu chết khát. Khảo sát của HĐND tỉnh Gia Lai cho biết tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hơn 450.000 hộ dân và môi trường sinh thái ở tám huyện, thị xã phía đông của tỉnh Gia Lai.

Theo thiết kế, thủy điện An Khê - KaNak phải trả nước về sông Ba (tại đập An Khê) với dòng chảy tối thiểu 4m3/giây. Nhưng biên bản đo lưu lượng nước nhiều lần của cơ quan chuyên môn đã “bắt quả tang” lượng nước xả về sông Ba đều dưới 4m3/giây. Bất chấp các kiến nghị ròng rã của các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai (tăng lượng nước xả về sông Ba sau đập An Khê lên mức 20m3/giây), nay sông Ba về phía hạ lưu vẫn đứng trước nguy cơ khô cạn vào mùa khô.

Một lần nữa, ông Nguyễn Văn Tặng lại phủ nhận trách nhiệm của công ty ông đối với vấn đề này, cho rằng “ngoài việc dùng nước sông, người dân và các đơn vị liên quan phải tìm các nguồn nước khác nhau như... nước từ trên núi hoặc khoan nước ngầm để sử dụng”.

Về việc địa phương đề nghị công ty hỗ trợ vốn để đầu tư lại các hệ thống nhà máy lọc nước, câu trả lời là “việc này rất khó giải quyết, địa phương phải tìm các nguồn nước bổ sung khác.

Hiện Bộ Tài nguyên và môi trường đang xây dựng lại mức dòng chảy tối thiểu nên chúng tôi cũng đang chờ”. Đương nhiên ngoài những thiệt thòi vô cùng lớn về đất đai, đường đi, nước sinh hoạt và trồng trọt, môi sinh... kể trên, chưa có câu trả lời cho những biến động không nhỏ về nơi cư trú, lao động, đào tạo nghề của người dân địa phương.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết từ năm 2006 đến tháng 8-2013, ở tỉnh này đã chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng 21 dự án thủy điện với diện tích 1.031,6ha, trong đó đất có rừng tự nhiên là 750,3ha, đất rừng trồng 61,9ha, đất chưa có rừng 219,8ha.

Dù biết rằng khả năng hoàn thành việc trồng lại rừng trong năm 2014 theo quy định là rất khó thực hiện, Gia Lai lại kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép những dự án đã phê duyệt có chuyển mục đích sử dụng rừng từ ngày 3-3-2006 (ngày nghị định về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng có hiệu lực) đến trước 1-7-2013 nộp bằng tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng địa phương!?

Kon Tum: Thích đóng tiền vì không có năng lực trồng lại rừng

Ông Nguyễn Hữu Hải, phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết đã yêu cầu Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh nộp tiền trồng lại rừng cho tỉnh (hơn 5,5 tỉ đồng) do công ty này đã sử dụng đất lâm nghiệp để làm dự án thủy điện tại công trình thủy điện Thượng Kon Tum (huyện Kon Plông, Kon Tum).

Chủ đầu tư thủy điện Thượng Kon Tum đã lấy đi 126,4ha rừng trên địa bàn các xã Đắk Tăng, Ngọc Tem, Măng Cành, Đắk Long (huyện Kon Plông) và xã Đắk Kôi (huyện Kon Rẫy).

Trước đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã ra quyết định yêu cầu Công ty TNHH MTV Đoàn Kết và Công ty cổ phần Xây dựng và quản lý công trình giao thông Kon Tum nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh số tiền gần 450 triệu đồng sau khi hai đơn vị đã lấy khoảng 8ha rừng nhưng không có khả năng trồng lại. Diện tích rừng mà hai đơn vị này đã chuyển đổi mục đích nằm tại TP Kon Tum (2,6ha) và huyện Sa Thầy (5,3ha).

Đại diện Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Kon Tum cho biết số tiền chủ đầu tư bỏ ra để trồng lại rừng sẽ được quỹ chi vào việc thuê các đơn vị có năng lực trồng lại rừng trên diện tích thực hiện dự án hoặc trên các khu đất khác. Tuy nhiên, việc nộp tiền trồng lại rừng của các chủ đầu tư rất ì ạch, số tiền nộp vào quỹ vô cùng ít ỏi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận