Cái chết của làng thêu, vào thời tranh chữ thập lan tràn

HÀ HƯƠNG 16/10/2013 01:10 GMT+7

TTCT - Quất Động, Đào Xá, Nguyên Bì, Phương Cù... là những làng thêu nổi tiếng. Lần theo biển chỉ dẫn “Làng nghề thêu tay truyền thống Nguyên Bì”, chúng tôi đi vào mà chẳng thấy khung thêu, người thêu. Tất cả chỉ vì trào lưu tranh thêu chữ thập.

Bà Thoa - một trong những nghệ nhân thêu ít ỏi còn theo nghề truyền thống - Ảnh: Hà Hương

Làng Quất Động hiện nay vẫn còn nhà thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành (giỗ tổ hằng năm vào ngày 12-6 âm lịch). 

Từ thế kỷ 17-18, nghề thêu được truyền từ Quất Động sang các làng lân cận như Nguyên Bì, Đào Xá, Phương Cù (thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội) rồi truyền sang cả các tỉnh khác như Bắc Ninh, Hưng Yên... 

Nhiều người làng thêu cũng đã ra Hà Nội hành nghề, lập phường tại Hàng Trống, Hàng Mành, Hàng Nón. Tuy nhiên, ngay tại ngôi làng sinh ra tổ nghề thêu, hiện chỉ còn vài cơ sở hoạt động cầm chừng.

Đường thêu chảy máu

“Tranh chữ thập đang là thời thượng, ai cũng thích vì đứa trẻ con cũng biết thêu lại được giá. Không còn nhiều người cần đến tay nghề của người thợ thêu truyền thống nữa nên giá tranh thêu truyền thống rẻ lắm. Giờ người làng thêu đi buôn bán, làm công nhân... Cả làng chẳng còn ai học thêu nữa” - anh Bùi Lê Thuần bùi ngùi.

Thời hoàng kim, phòng khách nhỏ của anh từng là xưởng của hơn chục thợ thêu. Tranh thêu của làng nghề nổi tiếng này làm không đủ bán cho khách Tây hay các mối hàng khu phố cổ. Nhưng thời đó đã cách đây 5-7 năm rồi.

Hàng loạt khung thêu ở làng được xếp vào một góc phủ đầy bụi. Những xưởng thêu giờ biến thành xưởng cơ khí, cửa hàng tạp hóa. 

Bà Thoa, một trong những người làng Nguyên Bì hiếm hoi còn cần cù bên khung thêu, cho biết: “Khắp cả vùng này ngày xưa con gái 7, 8 tuổi đã ngồi thêu rồi. Sinh ra đã thêu, thêu đến già, đến chết. Nhưng giờ bọn trẻ không thêu nữa, chúng đi làm nhà máy, thu nhập cao hơn mà nhàn hơn”.

Hơn 40 năm thêu tranh nhưng giờ đây công cho mỗi ngày thêu 9 giờ của bà Thoa chỉ 90.000-100.000 đồng. Mà cũng chẳng mấy người còn chú ý đến những bức tranh thêu kỹ của bà nữa. 

Rảnh rỗi, bà mang cả bức Đức Mẹ đồng trinh thêu dở từ cách đây 10 năm ra thêu. Thêu chỉ để có việc làm, nếu không bán được thì bà Thoa để treo trong nhà.

“Cũng muốn mấy đứa con học nghề thêu để biết nghề nhưng chẳng đứa nào chịu. Chúng nó bảo học gì, làm gì cũng được nhưng đừng bắt con ngồi một chỗ thêu, đau lưng lắm. Thế còn thêu thùa gì nữa hả cô. Mấy năm nữa chúng tôi mà đi thì cả cái làng thêu này chẳng còn ai. Chắc còn mỗi cái biển ở đầu làng” - bà Thoa buồn bã.

Cũng nhìn thấy rõ nguy cơ mất nghề, những người thợ thêu làng Quất Động mới nghĩ đến việc phải có nhà truyền thống của nghề thêu.

“Mấy chục anh em chúng tôi xin thôn một mảnh đất rồi tự bỏ tiền xây nhà truyền thống. Kẻo mấy năm nữa, trẻ con lớn lên lại chẳng biết tranh thêu của làng là cái gì thì chết. Nhưng xin mãi người ta chẳng cho. Còn nhà văn hóa thôn cao tầng chỉ dùng để họp vài lần một tháng mà không chịu mở cho người thêu chúng tôi trưng bày” - anh Thuần nói.

Một cơ sở thêu ở làng Phương Cù vẫn còn hoạt động - Ảnh: Hà Hương
Hàng thêu truyền thống ngày càng vắng khách, các cửa hàng chuyển sang bán tranh chữ thập - Ảnh: Hà Hương

Cũng vì mưu sinh

Làng thêu thoi thóp nhưng các cửa hàng bán tranh thêu lại tấp nập hơn trước. Đi tìm một bức tranh thêu tay kỹ của thợ làng thì hiếm, nhưng tranh thêu chữ thập thì bạt ngàn. Con đường quốc lộ chạy qua các làng thêu nổi tiếng giờ giăng đầy biển quảng cáo cho tranh thêu chữ thập, đóng khung tranh chữ thập...

“Bức tứ bình thêu tay này giá 1,8 triệu đồng. Cửa hàng cũng có loại đắt hơn đấy. Cũng là tứ bình nhưng tranh thêu chữ thập những bốn triệu cơ” - chủ cửa hàng tranh Thu Diệu ở thị trấn Thường Tín cho biết.

Trước đây cửa hàng này cũng có tranh thêu tay nhưng bán chậm, vài ba năm nay chuyển sang bán cả tranh chữ thập thì khách hàng đông hơn hẳn. “Tôi thì bán tranh, chồng tôi đóng khung tranh không ngơi tay. Thợ thêu ở xưởng cũng chuyển sang thêu tranh chữ thập” - chị khẳng định.

Không chỉ mỗi Thu Diệu, các cửa hàng tranh ở các làng nghề đã chuyển sang mặt hàng có lãi hơn là tranh thêu chữ thập. “Chỉ cần học năm phút cũng biết thêu. Nhiều người thích lắm vì có thể tự thêu tranh để treo hoặc bán. Giá tranh chữ thập lại cao” - một người bán hàng nói. Những bức tranh thêu chữ thập không hề rẻ, có bức giá tới hơn 10 triệu đồng.

“Tranh chữ thập này tuy dùng màu gì đều được đánh số, đục lỗ thêu sẵn nhưng vẫn phải trả công người thêu 100.000 đồng/ngày, bằng công của nghệ nhân thêu tay truyền thống. Tôi là gái làng thêu, cũng biết nghề thêu tay là của cha ông mình, nhưng mà vì mưu sinh cả, tranh chữ thập đang được giá thì chúng tôi bán” - chị Thu Diệu giải thích.

Cửa hàng Tùng Anh ngay cạnh treo biển bán tranh thêu tay truyền thống nhưng cũng không quên để bức tranh chữ thập to đùng trước cửa. Phía ngoài bán nguyên liệu làm tranh chữ thập, phía trong cũng bán tranh chữ thập. Những người đến cửa hàng chủ yếu mua tranh thêu loại này, rất hiếm khách hỏi tranh thêu truyền thống. Chủ cửa hàng cũng chẳng mặn mà với vài vị khách hiếm hoi cần mua tranh thêu tay.

“Cũng chẳng biết làm thế nào. Đã là mốt thì người ta đè chết tranh thêu tay chúng tôi thôi. Làm một cái lá, tranh chữ thập chỉ cần luồn chỉ đúng ô đã đánh dấu là xong, còn thợ thêu chúng tôi phải lát nền, phải canh độ sáng, pha màu chỉ, không phải 1-2 mà phải mất cả chục đường kim mũi chỉ mới được một cái gân lá. Đằng này người ta làm nhanh lắm, vèo cái là xong, cũng chẳng cần học nghề vất vả gì cả” - anh Thuần bức xúc.

Chỉ có thể giải thích được cái nghịch lý về giá của những bức tranh thêu bằng lý do thời thượng. Xưởng thêu làng Phương Cù vốn tự hào làm ra những bức tranh thêu tay cao cấp làm quà tặng khách nước ngoài, nay cũng âm thầm cho thợ chuyển sang thêu tranh chữ thập khi có đơn hàng.

“Mấy đứa từ chối theo nghề thêu truyền thống, nhưng lại quay đi thêu tranh chữ thập. Bức ông phỗng hai vợ chồng đứa con gái thêu rồi mang đi đóng khung được người ta trả 7 triệu đồng. Giá đó ai chả ham. Tranh thêu truyền thống rời tay thợ bán cũng chỉ được 900.000 đến vài triệu với bức to” - bà Thoa thở dài.

Nhưng vẫn còn may là đi khắp làng Đào Xá, Quất Động, Phương Cù hay Nguyên Bì, các thợ thêu lâu năm đều từ chối tranh chữ thập với lý do: đó là tranh Trung Quốc, chẳng phải truyền thống của mình. Cái lắc đầu dứt khoát dù được trả công cao hơn, thêu nhẹ nhàng và nhanh hơn.

Thêu tranh chữ thập nhẹ nhàng nên giới văn phòng ở các đô thị lớn xem đó là cách giải tỏa căng thẳng trong giờ làm việc hoặc tại nhà. Thậm chí có không ít người “nghiện” loại tranh này vì mẫu mã, hình ảnh, chi tiết rất đa dạng. Ngoài các kiểu tranh thêu chữ thập đơn giản, các loại tranh thêu 3D, 5D được bán rộng rãi trên thị trường.

Không đòi hỏi sự khéo tay hay khả năng sáng tạo, tranh chữ thập được làm nên bởi tấm vải đã được đục lỗ và đánh dấu. Người thêu chỉ cần căn cứ vào số ô đánh dấu để thêu chỉ màu tương ứng vào. Nguồn hàng tranh thêu chữ thập ở Việt Nam hiện nay chủ yếu xuất phát từ Trung Quốc. Giá của các nguyên liệu làm tranh chữ thập không hề rẻ, khoảng từ 100.000 lên tới cả triệu đồng.

 Tranh thêu XQ vẫn ổn định

Đó là khẳng định của ông Võ Văn Quân, người sáng lập doanh nghiệp XQ Việt Nam tại Đà Lạt. Ngoài hàng chục cơ sở, đại lý trên toàn quốc, tranh thêu XQ còn có mặt ở Nga, Anh, Nhật và Mỹ.

Để giữ được thị trường như ngày hôm nay, ông Quân cho biết XQ hướng đến quan điểm không bán một bức tranh mà bán một nền văn hóa, bởi tranh thêu XQ là sản phẩm sáng tạo, mỗi bức tranh thêu là một cảm xúc như tình yêu, hạnh phúc, sự cô đơn... được nghệ nhân thể hiện rất tinh tế. Vì thế, dù tranh thêu XQ giá rất cao nhưng du khách vẫn mua.

Ngoài ra, để chạy đua trong thời buổi kinh tế thị trường, XQ đã áp dụng mô hình kết hợp bán tranh thêu với nhiều loại hình lễ hội, nghệ thuật khác như nghi lễ cung đình, không gian âm nhạc, không gian ẩm thực, khu vui chơi giải trí... nhằm thu hút du khách. Từ đó, mô hình “xuất khẩu” tranh thêu tại chỗ đã ra đời.

Cùng với lượng khách tham quan ngày càng đông, số tranh thêu XQ bán ra ngày càng tăng, tạo nguồn thu ổn định.

PHAN THÀNH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận