Mỗi hiện vật là một câu chuyện bình dị về bác

VIỆT HOÀI THỰC HIỆN 20/05/2013 20:05 GMT+7

TTCT - Tiến sĩ Chu Đức Tính, giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, là người đã gần 30 năm sưu tầm, nghiên cứu và cùng các đồng sự công bố, trưng bày các tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vừa trở về từ nước cộng hòa vùng Trung Mỹ Dominican sau khi dự lễ khánh thành tượng Bác Hồ ở thủ đô nước này, ông chia sẻ những câu chuyện nghề nghiệp của mình với TTCT nhân dịp sinh nhật Bác (19-5-1890 - 19-5-2013).

Phóng to
Ông Raymond Aubrac - chiến sĩ kháng chiến nổi tiếng của Pháp, một người bạn thân thiết của Bác Hồ - tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh

* Thưa ông, một Bảo tàng Hồ Chí Minh đồ sộ như chúng ta đang có liệu đã đầy đủ những tư liệu quan trọng nhất về Hồ Chủ tịch?

- Bảo tàng Hồ Chí Minh là một bảo tàng đặc biệt, vì đây vốn là cơ quan phục vụ Bác Hồ chuyển sang. Như chúng ta đã biết, sau ngày Bác mất, năm 1969, toàn bộ tài liệu, hiện vật của cơ quan Văn phòng Chủ tịch nước được chuyển sang bảo tàng quản lý (trừ những tài liệu mà Văn phòng Trung ương Đảng xử lý).

Suốt 20 năm, từ năm 1970-1990 (thời điểm nhận bàn giao tòa bảo tàng từ các chuyên gia Liên Xô), Bảo tàng Hồ Chí Minh đã cùng lúc thực hiện các nhiệm vụ: giữ gìn khu di tích Phủ chủ tịch, chuẩn bị nội dung Bảo tàng Hồ Chí Minh tương lai, sưu tầm hiện vật về Bác Hồ...

Ông Chu Đức Tính - Ảnh: Tuấn Phùng

Hiện vật về Hồ Chủ tịch được sưu tập từ các nguồn: bảo tàng bạn ở các tỉnh, các ngành, cơ quan lưu trữ chính phủ, trong nước, quốc tế, của bà con đồng bào ta biếu tặng và anh em bảo tàng tự tổ chức sưu tầm.

Đến lúc này, kho Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có 13 vạn tài liệu hiện vật, trong đó một nửa là tài liệu ảnh, còn lại là các hiện vật, tài liệu văn bản... thể hiện cuộc đời Bác Hồ từ niên thiếu đến khi thành lãnh tụ và qua đời, thể hiện cuộc đời hoạt động cách mạng của một con người Hồ Chí Minh ở tầm dân tộc và thời đại.

* Thưa ông, với kho tư liệu đồ sộ như vậy, Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ trưng bày như thế nào để hợp lý hơn, hấp dẫn hơn?

- Vâng, dù bảo tàng có tổng diện tích sàn 13.000m2 nhưng chỉ có 4.000m2 trưng bày cố định và 600m2 trưng bày lưu động, tổng cộng 4.600m2. Chúng tôi chỉ có thể bày thường xuyên được 2.000 hiện vật. 2.000/13 vạn hiện vật, quả là con tem dán trên lưng voi.

Chúng tôi từ lâu đã rất muốn thay đổi phong cách trưng bày, giới thiệu hiện vật cho mới mẻ, hiện đại, sinh động hơn. Nhưng phải thừa nhận một thực tế là chúng tôi chưa đủ năng lực để trình bày một phương án mới. Phương án trưng bày cũ trông thì đơn giản nhưng thật ra so với thời điểm đó, trong tương quan với thiết kế tòa nhà và với cả hiện vật của chúng ta, các chuyên gia Liên Xô đã thực hiện nó một cách đầy trí tuệ.

Theo thông lệ của bảo tàng thế giới, cứ 5-10 năm người ta lại đổi mới hoàn toàn phong cách trưng bày. Bảo tàng Cố Cung Đài Loan, với kho hiện vật đồ sộ mà Tưởng Giới Thạch mang khỏi Trung Quốc năm 1949, thậm chí còn đổi mới hiện vật sáu tháng một lần. Chúng ta tất nhiên không thể có điều kiện làm như vậy, nhưng chúng tôi đang cố gắng để có một đợt cải tiến trưng bày và giới thiệu với đông đảo đồng bào những tư liệu, hiện vật gắn liền với cuộc đời Bác nhưng còn ít được biết đến.

Phóng to
Chiếc huy hiệu Bác Hồ bằng sắt do một Việt kiều ở huyện Thát Pha Nôm (Thái Lan) tự đúc, đeo trước ngực để tưởng nhớ Người

* Nhân nói về những hiện vật, tư liệu quan trọng nhưng ít được biết đến của Bác Hồ, ông có thể giới thiệu thêm với công chúng về quá trình sưu tập, những khó khăn để có thể được chạm vào hiện vật và cả những khúc mắc khi quyết định công bố các tư liệu ấy?

- Xét dưới góc độ bảo tàng học, hiện vật về Bác Hồ được mang về rất nhiều, nhưng nhiều thì nhiều mà thiếu vẫn rất thiếu. Có hai mảng hiện vật hiện đang còn thiếu nhiều là hiện vật gắn với quá trình hoạt động bí mật của Bác ở nước ngoài và hiện vật thời Bác ở chiến khu.

* Về hiện vật, tư liệu trong quá trình Bác hoạt động bí mật ở nước ngoài, có ba mảng thời gian - địa lý mà chúng ta đang khuyết: 16 tháng Bác ở Thái Lan nhưng chỉ có 1 dòng trong tiểu sử: Bác làm những gì? Gặp những ai? Kiều bào tham gia hoạt động theo lời Bác như thế nào? Đặc biệt, bác đã đến Lào chưa? Không lẽ 16 tháng, với một chiến sĩ cách mạng gần gũi quần chúng như Bác, đường đất, dân cư Lào - Thái thân thiết như vậy, Việt - Lào lại đoàn kết ruột thịt như vậy mà Bác chưa từng sang Lào suốt khoảng thời gian đó?

- Khoảng thời gian từ 1934-1938, Bác hoạt động trong Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô, Bác đã gia nhập, làm việc ở Quốc tế Cộng sản ra sao? Chúng ta cũng đã có lúc rất thiếu tư liệu về giai đoạn này. Trước nữa, thời kỳ Bác ở Mỹ, ở Pháp, độ lùi thời gian quá xa, nhân chứng đã mất nhiều, kinh phí khó khăn, chúng ta không có điều kiện thường xuyên cử người sang tiếp cận, sưu tầm, củng cố tư liệu.

Ở trong nước cũng không phải không khó khăn: báo chí, văn kiện cho biết Bác có đến hơn 700 lần đi xuống cơ sở trong 15 năm ở Hà Nội với tư cách Chủ tịch nước. Văn bản thì có ghi đủ, nhưng hiện vật để lại là những gì? Mỗi hiện vật là một câu chuyện về cuộc sống bình dị của Bác. Và người làm bảo tàng phải kể câu chuyện ấy theo cách của mình. Thật sự là rất khó.

Có một điều làm chúng tôi luôn tự hào và cảm động, đó là mỗi khi có dư luận đồn đại, thắc mắc xung quanh những câu chuyện về đời tư của Bác, hay những nghi ngờ về những “góc khuất lịch sử” trong cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh, thì những chứng cứ lịch sử mà chúng tôi có được, từ văn khố của các nước mà Bác từng sống, các tổ chức quốc tế mà Bác từng làm việc, đều chứng minh một chân lý giản dị: Hồ Chí Minh là con người trong sáng, hết lòng vì Tổ quốc, vì đồng bào, đồng chí...

Có những chuyện mà hiện tại tôi biết người ta vẫn “rỉ tai” trên mạng, như chuyện Bác có vợ là bà Tăng Tuyết Minh không? Tôi và các đồng nghiệp nhà nghiên cứu ở Bảo tàng Hồ Chí Minh từng tranh luận không ít lần với tác giả của “giả thuyết” đó - GS Hoàng Tranh của Viện Khoa học xã hội Quảng Tây (Trung Quốc) để đi đến kết luận: đó là một giả thuyết mang tính “tiểu thuyết” nhiều hơn.

Cá nhân tôi thấy chuyện đời tư của một lãnh tụ, một chính khách là bình thường và nên được tôn trọng. Nhưng vấn đề là người làm lịch sử, làm bảo tàng phải dựa trên những bằng chứng khoa học rõ ràng, và chúng tôi đã đi tìm, đã đối chiếu, so sánh, đã hỏi đến rất nhiều nhân chứng. Thực tế đã chứng minh điều đó là không có thật.

* Được biết là trong rất nhiều tư liệu từ Nga mà các chuyên gia của bảo tàng mang về, có rất nhiều tài liệu chưa công bố. Liệu bao giờ thì những tư liệu đó được công bố, thưa ông?

- Thật ra, từ sau năm 1991, rất nhiều tài liệu lưu trữ quốc gia của Liên Xô đã được giải mật và bây giờ chỉ cần có tiền (lệ phí) là ai cũng có thể tiếp xúc với bản photo của chúng. Những ghi chép và hình ảnh về hoạt động của Bác Hồ giai đoạn ở Liên Xô đã không còn là bí mật ở Nga, cũng như có thể tìm kiếm trên mạng. Nhưng đúng là để công bố và trưng bày một cách chính thống thì có nhiều tư liệu chúng tôi phải đợi sự cho phép của Văn phòng Trung ương Đảng.

Tôi cũng xin khẳng định lại một lần nữa là những hình ảnh thư từ, ghi chép ấy rất xúc động, nó chỉ càng làm chúng ta và bạn bè thế giới yêu mến và cảm phục Bác hơn mà thôi. Chúng ta nên yêu kính lãnh tụ của mình một cách khoa học. Trước mắt, một phần nhỏ tư liệu giai đoạn này đã được bổ sung vào Tuyển tập Hồ Chí Minh lần xuất bản mới nhất, chúng tôi đã bổ sung 900 tư liệu mới, bạn đọc có thể tìm đọc trong bộ sách đó.

Một loạt tư liệu mới cũng sẽ được các nhà khoa học đưa ra trong hội thảo “90 năm Bác Hồ đến nước Nga” tổ chức vào ngày 4-6 tới đây, nhân kỷ niệm 90 năm ngày người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đặt chân lên nước Nga (30-6-1923 - 30-6-2013).

* Xin chân thành cảm ơn ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận