Những kẻ lạc đường

KHÁNH LINH 06/03/2013 02:03 GMT+7

TTCT - 1. Tôi đang là sinh viên đại học. Thời điểm này bạn bè đồng trang lứa với tôi bắt đầu đi thực tập và chuẩn bị lãnh bằng tốt nghiệp. Còn tôi vẫn ngắc ngứ giữa sách vở và những bài thi lại.


Minh họa: Vũ Đình Giang


Lẽ ra tôi đã là sinh viên năm tư, nhưng do cả một năm học mất phương hướng mà tôi trượt hết các môn thi và phải học lại một năm. Tưởng như một năm học lại có thể giúp tôi lấy lại kiến thức và kỹ năng cần thiết, nhưng trong tôi chỉ có cảm giác chán chường và sự lạc hướng lại càng rõ hơn. Năm nay tôi đã 22 tuổi, nhưng tôi không biết sẽ làm gì với cuộc đời mình.

Tôi vốn là học sinh giỏi 12 năm liền, luôn được giải thưởng cấp thành phố trong những năm học phổ thông. Sau lớp 12, tôi thi đậu ngay vào một trường đại học danh tiếng ở thành phố để theo đuổi ngành học mình yêu thích. Mọi chuyện có vẻ như suôn sẻ, nhưng từ khi vào đại học, việc đi học dường như trở thành cực hình với tôi.

Trái với tưởng tượng của tôi về một môi trường học thuật say mê, lý thú, mỗi ngày lên giảng đường tôi đều phải nghe những bài giảng hết sức khô khan với kiến thức từ chương, cứng nhắc, thiếu sáng tạo. Tôi thấy như mình lại quay về thời tiểu học, trung học với lối áp đặt suy nghĩ từ giảng viên, kể cả khi chúng tôi đã qua tuổi 20.

Từ đó, tâm thế tôi với chuyện học chỉ đầy nỗi chán ngán. Tôi không thấy mình tiếp thu được gì đáng nhớ hay khuấy động tư duy lúc ngồi ở giảng đường. Rồi dần dần tôi bỏ những tiết học tự cho là không quan trọng. Sách vở chữ nghĩa ngày một xa tôi dần.

 Dường như chúng tôi vẫn chỉ là những đứa trẻ chưa lớn. Nhưng khi chúng tôi chưa tròn 20 tuổi thì xã hội đã đặt lên tay chúng tôi những lựa chọn. Và theo một cách hiểu nào đó thì chúng tôi không được phép sai. Sai một li, đi một dặm. Chọn sai một ngành học hay một ngôi trường thì ít nhất là lỡ mất một năm, còn không là mất cả quãng đời đại học. Khi đưa ra những lựa chọn thế này tôi cảm thấy rất chơi vơi. Và chơi vơi nhất vì tôi không có niềm tin thật sự vào nền giáo dục xung quanh tôi.


2. Tôi có người bạn theo học ngành y. Ban đầu bạn cũng rất hăng say với ngành học. Bạn lại là người rất sáng láng, cần mẫn, ai thấy bạn theo ngành y cũng tin bạn sẽ có tương lai sáng sủa. Nhưng ngay sau năm đầu, bạn tâm sự với tôi rằng bạn có cảm giác “vỡ mộng,” như là đã chọn sai đường.

Bạn bảo bạn vẫn rất thích ngành y, nhưng môi trường mà bạn đang theo học đầy những tính toán, hơn thiệt và những bài kiểm tra chỉ mang tính từ chương đã làm bạn mất đi niềm hứng khởi. Thế là sang năm hai bạn bắt đầu làm hồ sơ đi du học. Bạn sang một xứ sở khác, nói một thứ ngôn ngữ khác, để học lại cũng chính ngành y.

Lại nói về những người bạn khác của tôi sắp sửa thành cử nhân vào mùa hè tới. Trong số này có một người là sinh viên ưu tú của Đại học KHXH&NV, yêu ngành, làm nghiên cứu miệt mài, điểm số hoàn hảo. Nhưng ngay cả khi sắp sửa tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, bạn vẫn tâm sự với tôi những dằn vặt và thất vọng về những gì mà mình từng coi là yêu sống yêu chết. Bạn nói sau bốn năm miệt mài, bạn chẳng còn cảm thấy đam mê gì với những điều bạn vốn tôn thờ, thậm chí còn thấy hoài nghi giá trị của chúng nữa.

Bạn vẫn đi học đều đặn, đúng giờ, không bỏ học vì giảng viên điểm danh hằng ngày, chứ cũng chẳng phải vì bạn thích lên lớp. Ngoài những môn học chính mà bạn còn chút hứng thú thì những môn học bắt buộc khác rất vô lý và đáng chán với bạn. Kết quả là bạn đi học nhưng chui xuống cuối lớp ngồi và chơi carô với người bạn ngồi cạnh để giết thời gian.

Chính bạn cũng thấy việc này hết sức ngớ ngẩn. Bạn hay nửa đùa nửa thật rằng chẳng phải người ta hết sức ý thức được về sự nghèo nàn trong cách giảng dạy của mình, đến nỗi phải đem chuyện điểm danh ra để lôi kéo sinh viên đến lớp đó sao?

Tôi còn một cô bạn khác, học tài chính ngân hàng bốn năm, đã bắt đầu đi thực tập vào tháng 1 rồi. Sắp tốt nghiệp đến nơi thì cô thở dài thở ngắn với bạn bè rằng đến nước này mới nhận ra niềm mơ ước thật sự của mình là làm nghề gõ đầu trẻ, chứ chẳng phải chuyện tính toán gì cả. Mà quả thật là suốt mấy năm học trung học, cô luôn là học sinh chuyên văn.

Thế cớ sự sao mà bạn lại đi học ngân hàng? Cô trả lời nhẹ tênh, vì học ngành này có tiền, ít ra còn có thể kiếm được việc. Nhưng tới thời điểm này thì bạn bắt đầu mất phương hướng, mất niềm tin, mà lùi cũng chẳng còn kịp nữa. Sắp tốt nghiệp, câu cửa miệng mà tôi nghe thấy nhiều nhất từ những người bạn lạc lối như thế này là: thôi tới đâu thì tới vậy. Chính tôi cũng muốn nói câu này với mình.

3. Tôi có một người bạn du học từ năm cuối trung học, sau đó trở thành sinh viên ngành tâm lý học. Bạn kể có một dạo bạn tìm thử tài liệu ngành bằng tiếng Việt để tham khảo, sau một thời gian “đánh vật” với những tài liệu này, bạn dần nhận ra thà bạn đọc tài liệu bằng tiếng Anh có khi lại dễ hiểu hơn (?!).

Theo bạn, tài liệu tiếng Việt khó hiểu đến nỗi bạn phải dịch chúng ngược ra tiếng Anh để nắm rõ hơn ý tưởng của nó, mà nguyên nhân chính là do từ ngữ của nó quá cao siêu và trùng lặp không cần thiết, cách diễn giải cũng rườm rà, thiếu thực tiễn. Rồi bạn công nhận với tôi là nếu bạn không đi du học mà vẫn học ở Việt Nam, có lẽ bạn chẳng dám theo ngành bạn đang học, cũng chẳng nuôi được đam mê mà dấn thân vì nó tới cùng. Hoặc nếu có thì chắc đến nửa đường bạn cũng thấy nản thôi. Chuyện này làm tôi nghĩ tới người bạn sắp sửa tốt nghiệp cử nhân loại ưu mà tôi đã nói ở trên.

4. Trở lại vấn đề của tôi, tôi là đứa thích được tư duy, được sáng tạo, được vận dụng sức suy nghĩ và trí tưởng tượng của mình, thích được đặt vấn đề, thích đưa ra câu hỏi, mày mò tìm cách lý giải và trả lời. Bởi vậy tôi nhìn những người bạn mình đi học ở xứ người, đến năm cuối họ bắt đầu làm đề tài nghiên cứu, đặt vấn đề và đưa ra tranh cãi về những điều mà họ thích thú, được thỏa sức bộc lộ suy nghĩ của mình, một cách ghen tị.

Tôi không tìm được nhiệt huyết và sự tự tin như thế trong tôi. Tôi vẫn như con gà công nghiệp đi loanh quanh trong lồng, hoàn toàn không có sự giải phóng về mặt suy nghĩ.

Thế là tôi, 22 tuổi, học đúp một năm, đang đứng ngẩn ngơ trước tương lai của mình. Sau này tôi đi đâu, làm gì, làm thế nào, tất cả vẫn còn là bài toán đố cho một kẻ đã loay hoay trong sân trường đại học suốt bốn năm. Sau này tôi có đủ tự tin và bản lĩnh để bảo vệ sản phẩm trí tuệ của mình không lại là một câu hỏi khác.

Tôi, 22 tuổi, lạc đường...

___________

Tôi tốt nghiệp sư phạm ngành ngữ văn. Từng là học sinh giỏi ở bậc phổ thông, tôi bước vào đại học với bao hăm hở, cứ nghĩ mình sẽ học được những kiến thức bổ ích và gần gũi với nghề mình chọn. Nhưng thực tế là những gì khiến tôi và những người bạn cùng lớp thất vọng rất nhiều.

Trước nhất là chương trình khung quá nặng nề và gần như chiếm hết thời gian những môn học chính. Kinh tế, chính trị, lịch sử Đảng, triết học Mác-Lênin với số lượng tiết học rất lớn và hệ số (điểm thi) rất cao, trong khi những giáo viên dạy môn này chỉ đọc cho sinh viên chép, chép rã rời tay mà chúng tôi vẫn rất mù mờ. Đó là chưa kể một số môn như tâm lý giáo dục hay ngôn ngữ học lẽ ra sẽ là những môn học hấp dẫn nhưng giáo viên vẫn cứ đọc chép!

Lý thuyết thì “tràng giang đại hải” nhưng chúng tôi không hiểu hết và hoang mang không biết nó có ích gì cho nghề nghiệp của chúng tôi không. Khoảng cách giữa kiến thức mà chúng tôi học trên lớp và thực tế cuộc sống hiện tại ngày càng vời vợi. Chúng tôi chênh vênh, chán nản dần.

Các buổi lên giảng đường mất dần hứng thú và trở thành những buổi “trả nợ tình xa” không hơn không kém. Đó là chưa kể những tiết kiến giảng và thực tập sư phạm cũng ngắn, giống như “cưỡi ngựa xem hoa”. Sự va chạm thực tế của chúng tôi, những sinh viên sư phạm, khá sơ sài và ít ỏi. Kỹ năng soạn giáo án chúng tôi chưa được trang bị, phương pháp giảng dạy lơ mơ, lý thuyết cũng từ những tài liệu cũ ít được cập nhật và cũng từ việc đọc chép của giáo viên. Chương trình ngoại khóa hầu như không có.

Nếu như các ngành khác của bậc đại học mà cũng được học như chúng tôi thì các nhà tuyển dụng “kêu trời” không có gì quá đáng lắm. Cũng theo cơ cấu chương trình, chúng tôi có 30 tiết học về việc dạy kỹ năng sống cho học sinh nhưng không có giáo viên, giảng viên cho môn này, chúng tôi cũng không học một tiết nào. Chúng tôi tự hỏi bao nhiêu thứ một giáo viên cần như kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, kỹ năng sáng tạo, quản lý cảm xúc... sao chúng tôi chưa được trang bị?

Tôi có một người bạn đang học ngành tâm lý giáo dục của một trường đại học ở TP.HCM. Theo cái nhìn của bạn, tình hình không có gì khả quan hơn ngành học của tôi. Hầu hết những cơ sở nghiên cứu tâm lý trong nước đều dựa vào tài liệu nước ngoài. Trên bục giảng, các giáo sư và giảng viên dù có học hàm học vị gì đi nữa cũng không nói ra ngoài những tài liệu có sẵn. Cả sinh viên làm khóa luận và luận văn cũng theo kiểu nhai lại kiến thức cũ chứ không có nghiên cứu gì khác biệt và đột phá.

G., bạn tôi, trước là một học sinh giỏi nhiều năm liền của cấp trung học phổ thông, nay cũng là một sinh viên nổi bật của khoa tâm lý. Trong cuộc sống G. là người sôi nổi và chịu khó tìm tòi, sáng tạo. Khi làm luận văn tốt nghiệp, bạn tôi định chọn một đề tài nghiên cứu mới thì lập tức giảng viên hướng dẫn gạt đi vì “không an toàn em à, các giáo viên phản biện sẽ đánh tơi tả”.

Không được giáo viên hướng dẫn đồng ý, dĩ nhiên bạn tôi không thể viết và bảo vệ đề tài mình tâm đắc mà phải chọn viết theo gợi ý của giáo viên hướng dẫn. Bao nhiêu hứng thú bay biến, bạn chỉ biết ngậm ngùi làm theo cách mà giáo viên cầm tay chỉ việc. Nhận một số điểm rất cao ngày tốt nghiệp mà G. không thấy vui. Các bạn sinh viên chúng tôi hay nói với nhau: “Cá không ăn muối cá ươn. Không nghe (giáo viên) hướng dẫn trăm đường rớt thôi”.

Những lý thuyết xám xịt, mênh mông nhưng cũ rích, thừa thãi đang nhận chìm tâm huyết chúng tôi theo thời gian. Thử hỏi nhà tuyển dụng nào có thể nhận những sinh viên học để “trả nợ” như chúng tôi đây?

NGUYÊN THI

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận