GS Phan Huy Lê: Xác minh sự thật lịch sử không đơn giản

THƯ HIÊN 06/05/2012 18:05 GMT+7

TTCT - “Chức năng cao cả nhất của lịch sử là tôn trọng sự thật. Tuy nhiên, nhận thức lịch sử là một quá trình” - giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trò chuyện cùng TTCT sau lễ vinh danh học sinh giỏi quốc gia môn sử lần đầu được tổ chức.

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê - Ảnh: Thư Hiên


Khát vọng chấn hưng môn Sử

* Nên bắt đầu từ việc cải thiện chất lượng dạy học sử trong trường phổ thông ra sao, thưa giáo sư?

- Trước khi thực hiện một cuộc cải cách về giáo dục, trong đó có vấn đề dạy và học môn lịch sử, có một số việc mà Bộ GD-ĐT có thể thực hiện ngay để cải thiện chất lượng dạy học sử trong trường phổ thông. Chẳng hạn, tiếp tục chỉnh sửa những sai sót trong sách giáo khoa (SGK) và bổ sung một số điều cần thiết để dạy cho lớp trẻ. Đến giờ mà chưa đưa Hoàng Sa - Trường Sa vào SGK phổ thông, theo tôi, đó là hẫng hụt rất đáng tiếc.

Đây là trách nhiệm của nền giáo dục phổ thông của ta hiện nay. Trong SGK của bất kỳ nước nào cũng vậy, quá trình hình thành xác lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia là một nội dung bắt buộc trong môn lịch sử. Ở ta điều này chưa được quan tâm trong trang bị kiến thức lịch sử cho lớp trẻ.

Dù chưa thay đổi được một cách căn bản SGK nhưng Bộ GD-ĐT nên cập nhật một số kết quả nghiên cứu gần đây. Ví dụ nên bổ sung lịch sử miền Trung, miền Nam ở thời kỳ trước khi người Việt vào khai phá. Khu di tích Mỹ Sơn của Champa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1999 nhưng gần đây SGK mới bổ sung bài về lịch sử và văn hóa Champa.

Cũng như thế, văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam trên đất Nam bộ vẫn là khoảng trống trong SGK. Có thể bổ sung kiến thức lịch sử mới bằng cách tổ chức tập huấn giáo viên dạy sử hằng năm...

* Vậy đâu là trách nhiệm của các nhà sử học trong việc dạy học môn sử, khi những người biên soạn chương trình - SGK cũng chính là các nhà sử học?

- Đúng là biên soạn SGK cũng là các nhà sử học, dạy sử cũng là các nhà sử học, đều là thành viên của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Nhưng bạn nhớ cho một điều căn bản, họ làm việc dưới những định hướng và yêu cầu của cơ quan quản lý. Họ không thể không chấp hành.

Ví dụ như biên soạn SGK là phải theo đúng chương trình, mà chương trình hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học sử phổ thông. Hoặc việc tổ chức biên soạn SGK tuy được giao cho một số nhà sử học nhưng thành viên nhóm biên soạn đó không phải do những người làm sử tự tập hợp mà do được trên chỉ định.

Một số thầy giáo chủ biên than phiền: chúng tôi chủ biên nhưng không được làm trách nhiệm của chủ biên, hoặc tiếp nhận những thành viên mà chúng tôi thấy không thể chấp nhận được.

Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và giới sử học nói chung chịu trách nhiệm về chuyên môn trên hai phương diện. Phương diện thứ nhất, theo tôi quan trọng bậc nhất, là tư vấn, phản biện. Nghĩa là đóng góp cho cơ quan quản lý nhà nước phản ánh đúng thực trạng giáo dục, đề ra các giải pháp cần phải thay đổi.

Trách nhiệm thứ hai, trên cơ sở xây dựng được định hướng mới, phải tham gia toàn bộ quá trình từ xây dựng lại chương trình, biên soạn lại SGK cho đến thẩm định SGK, thậm chí đến cả đào tạo hệ thống giáo viên sử của các trường sư phạm (đại học và cao đẳng).

Tôi muốn nhấn mạnh giới chuyên môn không thể tránh trách nhiệm của mình. Nhưng trách nhiệm đó vẫn dừng lại ở trách nhiệm của giới chuyên môn và dừng lại trách nhiệm của những người thực hiện và đề xuất. Còn trách nhiệm chỉ đạo và quyết định là của cơ quan quản lý nhà nước.

Việc tổ chức biên soạn SGK tuy được giao cho một số nhà sử học nhưng thành viên nhóm biên soạn đó không phải do những người làm sử tự tập hợp mà do được trên chỉ định.

GS Phan Huy Lê

* Bộ GD-ĐT dự kiến soạn chương trình, SGK mới cho giai đoạn sau năm 2015. Các nhà sử học sẽ nỗ lực thế nào để đảm bảo sự tham gia của nhà chuyên môn được tôn trọng?

- Cái này thì không thể nói trước. Hai hội thảo trước đây chúng tôi đều gửi kiến nghị lên Bộ GD-ĐT nhưng chưa bao giờ được hồi âm. Nhưng lần này, từ tháng 2 vừa rồi, có một sự kiện mới mà tôi rất mừng, cá nhân tôi cũng lóe lên tia hi vọng mới, đó là buổi trao đổi rất cởi mở, rất thẳng thắn, rất có trách nhiệm giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Chúng tôi đã có một bản ghi nhớ về trách nhiệm cùng hợp tác để chấn hưng môn sử, sẽ cùng nhau tổ chức một loạt hội thảo chuyên sâu với sự tham gia của các chuyên gia quản lý về dạy học môn sử, về khoa học lịch sử. Chúng tôi cũng sẽ cùng đánh giá lại tình hình dạy học môn sử cho thật trúng, tìm cho ra các giải đáp, trên cơ sở đó mới đề ra giải pháp chấn hưng sử học.

Sử học càng nghiên cứu một cách khách quan, khoa học thì càng rút ra được nhiều bài học lịch sử có giá trị và càng cung cấp các căn cứ khoa học cho những nhà lãnh đạo, quản lý trong hoạch định chính sách.

GS Phan Huy Lê

Sử học đang khôi phục tính khoa học

* Giáo sư nghĩ gì về ý kiến cho rằng thủ phạm làm sử học kém hấp dẫn là do nhà sử học chưa tôn trọng lịch sử chân thật và độc lập?

- Chức năng cao cả nhất của sử học là luôn phải tôn trọng sự thật. Vì chức năng cao cả đó mà có khi nhà viết sử phải trả giá. Ba anh em Thái sử (chức quan chép sử vương triều) nước Tề chỉ vì bảo vệ một sự thật lịch sử liên quan đến nhà vua mà hai người bị chém đầu.

Trong lịch sử sử học thế giới có được mấy tấm gương như thế? Thời Lê, vua Lê Thánh Tông đòi xem thực lục (ghi chép đúng sự thật của sử quan), sử quan Lê Nghĩa lúc đầu không nghe nhưng rồi cũng phải nhượng bộ. Tuy nhiên, vua xem xong đã trả lại Sử viện, không can thiệp vào ghi chép của sử quan.

Một khi sử học không khách quan và không trung thực thì làm sao tạo nên niềm tin của xã hội đối với môn sử được. Phải thừa nhận sử học Việt Nam có những mặt hạn chế, nhưng cũng phải ghi nhận nhận thức lịch sử là một quá trình. Không thể một lúc nắm bắt được tất cả, càng không phải một lúc xác định được tất cả sự thật lịch sử.

Trong quá trình đó, nhìn chung tôi vui mừng vì nhận thức ngày càng được nâng cao, nhất là tính khách quan và trung thực đã được đề cao.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề, nhất là về phần lịch sử hiện đại, chưa được làm sáng tỏ, chưa được thảo luận đầy đủ. Tôi nghĩ ở đây có mối quan hệ giữa sử học và chính trị. Sử học và chính trị học là hai khoa học khác nhau dù có mối quan hệ mật thiết.

Vì vậy quan niệm đồng nhất sử học với chính trị, dùng sử học chỉ để minh họa chính trị là thu hẹp chức năng của sử học, làm mất tính độc lập và vai trò sáng tạo của sử học.

Đó là quan niệm chính trị hóa sử học mà tôi và một số nhà sử học từng phê phán. Sử học càng nghiên cứu một cách khách quan, khoa học thì càng rút ra được nhiều bài học lịch sử có giá trị và càng cung cấp các căn cứ khoa học cho những nhà lãnh đạo, quản lý trong hoạch định chính sách và xử lý các vụ việc hiện tại.

Sử học còn giữ vai trò quan trọng trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị lịch sử và văn hóa, trong hình thành nhân cách, phẩm giá, bản lĩnh con người. Đấy mới là mối quan hệ chính đáng giữa sử học với chính trị. Việc xác minh sự thật lịch sử không đơn giản.

* Giáo sư có thể cho biết những sự thật lịch sử nào đã được sáng tỏ hơn sau xác minh?

- Tôi lấy một ví dụ nhỏ gần đây: Năm 1975, xe tăng nào vào dinh Độc Lập đầu tiên? Phải mất bao nhiêu năm, qua tư liệu của một nhà báo nước ngoài - người chụp ảnh được sự kiện đó - cuối cùng mới làm sáng tỏ được.

Việc xác minh sự kiện lịch sử đòi hỏi cả một hệ thống thao tác mang tính chất nghiệp vụ chuyên môn, phải tập hợp tư liệu, giám định, xử lý tư liệu..., cuối cùng mới xác minh được sự thật lịch sử.

Hoặc có những điều nhầm lẫn trong một thời gian dài, như bức ảnh cắm cờ trên nóc hầm tướng De Castries. Tất cả SGK và các bảo tàng đều coi đó là bức ảnh lịch sử, tức cắm cờ ngay thời điểm chiến thắng. Sự thật về sau đã được xác minh, thời khắc lịch sử đó quân ta tập trung vào chiến đấu, các nhà báo chiến tranh cũng không kịp quay phim, chụp ảnh.

Bức ảnh đó là do ta đóng rồi chụp lại sau chiến thắng nhưng trong bối cảnh vẫn còn không khí chiến trường, dù là chiến trường vừa mới tắt tiếng súng. Vì vậy bức ảnh có ý nghĩa lịch sử nhưng không phải là ảnh lịch sử đích thực, phản ánh đúng sự kiện cắm cờ trên nóc hầm tướng De Castries.

Có một sai lầm nữa cũng kéo dài, đi vào cả SGK, cả bảo tàng, đó là bức ảnh về sự kiện thành lập đội Tuyên truyền giải phóng quân, ghi là tại Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang). May là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người sáng lập đội quân đó theo lệnh của Bác Hồ, đã phát hiện và cải chính. Cụ nói khi xem ngạc nhiên quá, vì sự kiện đó mới xảy ra, còn nhiều nhân chứng, nó xảy ra ở khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng (còn gọi là rừng Sam Cao, huyện Nguyên Bình). Sau đó sự kiện đã được cải chính.

Tôi kể những câu chuyện trên để nói rằng tìm ra sự thật phải có thời gian, trong đó quan trọng nhất là thời gian thu thập và xác minh tư liệu. Cũng phải nói thật rằng có những sự kiện ta biết, xác minh nhưng không phải lúc nào cũng công bố được, nhất là những sự kiện liên quan đến lợi ích tối cao của đất nước.

Nhưng tôi thừa nhận sử học Việt Nam đang trên con đường khôi phục tính khoa học của mình, tức là nâng cao nhận thức lịch sử một cách khách quan và trung thực. Điều này đòi hỏi một quá trình. Quá trình đó đến nay đang tiến triển, dù nhiều vấn đề, rất nhiều vấn đề đang đặt ra và đang chờ đợi được giám định.

* Xin cảm ơn giáo sư.

Nhà sử học làm hai trách nhiệm. Họ ghi chép lại lịch sử một cách khách quan và trung thực, đồng thời họ có nghĩa vụ công dân đối với đất nước. Nghĩa vụ công dân cũng là nghĩa vụ chính trị thôi. Nhà sử học đích thực trước hết phải khách quan nhưng trong quá trình nghiên cứu lịch sử, nhất là lúc công bố kết quả thì phải chú ý cả trách nhiệm công dân. Tôi nói chú ý nghĩa là có những sự thật nào đó, trong một bối cảnh nào đó chưa thể công bố được. Nhưng cái gì đã công bố thì phải đúng sự thật. Biết sự thật là như thế mà vẫn nói sai đi là không thể chấp nhận được đối với nhân cách nhà sử học.

Khi trở thành giảng viên sử ở trường đại học, tôi có mối quan hệ mật thiết với Viện Sử học do GS Trần Huy Liệu làm Viện trưởng, sau đó tôi tham gia nhiều công trình do GS Trần Huy Liệu chủ trì. Chính trong quá trình đó (những năm 1960), GS Trần Huy Liệu nhắc lại chuyện hồi năm 1945, khi cụ còn là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, trong chuỗi sự kiện nhiều người xả thân vì nước diễn ra ở Sài Gòn, ngọn đuốc sống được gọi tên rồi thành biểu tượng Lê Văn Tám là do cụ dựng lên. Cụ nói: bao giờ chiến tranh kết thúc, tình hình đất nước thật ổn định, nếu chẳng may lúc ấy tôi không còn nữa (cụ mất năm 1969), thì nhờ các anh cải chính giúp. Tôi chỉ có trách nhiệm thực hiện lời căn dặn của một nhà sử học lão thành giờ không còn nữa. Tôi nghĩ rằng thời điểm tôi công bố, năm 2011, là không quá muộn.

Giáo sư PHAN HUY LÊ


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận