Tìm triết lý nào cho nền giáo dục nước nhà?

NGUYỄN ĐÌNH CHÚ 19/09/2011 01:09 GMT+7

TTCT - Trong nội dung góp ý cho giáo dục vốn rất phong phú và đa diện, vào những năm gần đây đề nghị nổi lên chủ yếu từ một số trí thức tên tuổi là cần có triết lý giáo dục.

Vốn là một người gắn bó với sự nghiệp giáo dục của nước nhà hơn 60 năm qua, tôi cũng đã suy nghĩ về vấn đề triết lý cho giáo dục. Nhưng bằng thói quen nghề nghiệp, khi tiến hành bất cứ một đề tài khoa học nào, tôi cũng phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tạo cho được một khái niệm công cụ chủ lực và sắc bén để từ đó xử lý đề tài. Trong trường hợp này chính là khái niệm triết lý.

Chọn lựa gì từ những di sản khổng lồ?

Nói một cách khác, muốn có nội dung triết lý giáo dục một cách đích đáng, trước hết phải giới thuyết sao cho thật tường minh nội hàm của khái niệm triết lý. Để làm việc này, trong thực tế lao động tư duy không biết bao nhiêu câu hỏi đã vụt dậy: Triết lý là gì? Triết lý và triết học là một hay là hai (trong tiếng Pháp chỉ có một từ là philosophie, ta thì có cả hai)? Có phải triết học đòi hỏi có hệ thống lý thuyết, hệ thống khái niệm quy mô bề thế, trong khi triết lý chỉ là một vài câu nói nào đó sâu sắc, có tầm khái quát và có ý nghĩa triết học? Triết lý lại có triết lý cao siêu và có triết lý giản đơn, triết lý bác học và triết lý bình dân. 

Trong thực tiễn, sự khác nhau giữa các loại triết lý đó là thế nào? Chưa kể còn thứ triết lý mà người đời mệnh danh là triết lý rởm. Vậy phân biệt triết lý đích thực với triết lý rởm là thế nào trong thực tiễn?

Trong học thuyết Nho giáo đã có những mệnh đề như: nhân bất học bất tri lý (người không học thì không biết lẽ phải), ấu bất học lão hà vi (ở tuổi ấu thơ mà không học thì già biết là gì), học nhi bất yểm hối nhân bất quyện (học không biết chán, dạy người không biết mỏi), tiên giác giác hậu giác (người biết trước dạy người biết sau), học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ (học mà luôn có tập thì không vui sao), tiên học lễ hậu học văn (học lễ trước, học văn sau)... 

Dù ít ai nói đó là triết lý giáo dục của Nho giáo, nhưng khách quan có đáng coi là triết lý giáo dục, thậm chí là triết lý giáo dục cao siêu không? Ngay với Phật giáo cũng có mệnh đề tự giác giác tha không đáng coi là triết lý giáo dục sao?

Nói riêng trong lịch sử giáo dục Việt Nam ta hàng ngàn năm đã có hai mốc son chói lọi là nền giáo dục ở thời đại Lê Thánh Tông (1460-1497) và hiện tượng Đông Kinh nghĩa thục năm 1907 dù chỉ tồn tại được chín tháng (tháng 3-1907 đến tháng 12-1907). Với triều vua Lê Thánh Tông, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có Chiếu khuyến học và từ đó là nhiều chính sách, nhiều biện pháp tích cực để phát triển giáo dục rực rỡ. 

Thành quả giáo dục rực rỡ đó là sản phẩm một tư tưởng vĩ đại của đất nước mà tưởng như một đi chưa thấy trở lại, không chỉ trên phương diện lý thuyết mà quan trọng hơn là ở thực tiễn rằng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuyện kẻ sĩ không biết thế nào là cùng” (Thân Nhân Trung).

Trường hợp Đông Kinh nghĩa thục chói sáng ở trạng thái khác. Tư tưởng giáo dục bao trùm của Trường Đông Kinh nghĩa thục nhằm xoay chuyển nền giáo dục cổ truyền của dân tộc vốn thiên về sách vở, nhẹ về thực tế sang một nền giáo dục thực nghiệp gắn với sự sống, vì sự sống. 

Đông Kinh nghĩa thục thực chất là một phong trào duy tân có ý nghĩa cách mạng về văn hóa và tư tưởng, trong đó có sự phê phán chống lại những tư tưởng lạc hậu, những hủ tục đang cản trở bước tiến của đất nước, đi đôi với việc tiếp thu những tư tưởng mới mẻ, tiến bộ chủ yếu của giai cấp tư sản thời kỳ còn có vai trò cách mạng ở các nước Âu Mỹ, dựa trên một tinh thần dân tộc vững chãi, một bản lĩnh văn hóa tinh ròng. 

Hôm nay chúng ta đi tìm triết lý cho nền giáo dục nước nhà, liệu có thể khai thác được gì ở hai mốc son chói lọi đã được khẳng định 100% đó?

Lại nói tiếp về nền giáo dục của nước nhà trong thời đại Hồ Chí Minh, đã có những khẩu hiệu đích đáng như: Gắn nhà trường với cuộc sống, Trường ra trường lớp ra lớp, Thầy ra thầy trò ra trò, Hai tốt (dạy tốt - học tốt), kể cả khẩu hiệu được lấy lại của tiền nhân là Tiên học lễ hậu học văn... 

Tất cả cái đó chưa phải là triết lý sao mà phải đi tìm cái khác? Hay có thể bổ sung? 

Rồi nữa, trong lý thuyết giáo dục quen thuộc thời nay đã có các thuật ngữ, khái niệm như: mục tiêu giáo dục, phương châm giáo dục, kể cả tư tưởng lớn của giáo dục, trong đó có tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh (ví như: Mọi người ai cũng được học hành) liệu có liên quan như thế nào đến khái niệm triết lý mà chúng ta đang muốn tìm thêm?

Lại được nghe một số vị cho biết Unesco đã đưa ra triết lý giáo dục, đại ý gồm các nội dung: 1) Phải coi giáo dục là một then chốt hàng đầu trong việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống xã hội. 2) Học, học mãi, học suốt đời. 3) Giáo dục có bốn cái trụ là: học để biết - học để làm - học để chung sống - học để tồn tại.

Vậy Việt Nam ta trong khi đi tìm triết lý cho giáo dục sẽ tiếp thu gì ở đây và có gì là khác?

Thực tế tôi đã nghe được một vài ý kiến của một vài vị có tên tuổi. Ví như có vị nói rằng triết lý giáo dục là chuyện đào tạo ra mẫu người gì: tự do, biết suy nghĩ, có suy nghĩ độc lập, sáng tạo hay chỉ biết chấp hành, vâng lời, phục tùng, hết sức dễ bảo? Có vị lại nói triết lý giáo dục là: tiểu học thuần Việt, đại học phải hội nhập... 

Thú thật tôi muốn hỏi lại quý vị đó rằng: nói như cách thứ nhất thì khác gì trước đây đã nói, có điều gọi là mục tiêu giáo dục chứ không gọi là triết lý giáo dục mà thôi? Còn nói như ý thứ hai thì xin hỏi sao tiểu học lại chỉ thuần Việt mà không hội nhập, ngược lại sao đại học chỉ hội nhập mà không thuần Việt?

Hành trình đi tìm triết lý cho giáo dục nước nhà mà cứ ở trạng thái mò mẫm, chao đảo... như vậy liệu chúng ta đi được bao xa?

Nhìn lại những vấn đề nội tại

Trước hết vẫn phải coi trọng việc giới thuyết nội hàm khái niệm triết lý sao cho thật tường minh, cho thật tự giác, có hệ thống chặt chẽ để có được một khái niệm công cụ đắc lực tối đa cho việc triển khai nội dung vấn đề. Xin nhớ cho rằng kết quả đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam của chúng ta có được xã hội chấp thuận hay không, chấp thuận nhiều hay ít bắt đầu từ công việc giới thuyết khái niệm gốc này. 

Mặt khác, phải ý thức đầy đủ rằng tìm ra triết lý đích đáng là quan trọng, nhưng quan trọng hơn còn là phải tìm cho được con đường hiện thực hóa triết lý vốn là điều vô cùng khó khăn. Vì ở đây sẽ đụng phải vấn đề quan hệ giữa giáo dục với cuộc sống của xã hội mà đáng ra đã phải được nghiên cứu một cách đặc biệt công phu, nhưng chúng ta lại chưa hề đặt ra để nghiên cứu cho ra nghiên cứu.

Trong khi xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam hôm nay cần có ý thức, kể cả năng lực đầy đủ, trong việc tiếp thu tinh hoa tư tưởng giáo dục của dân tộc, của phương Đông cổ trung đại, trong đó có tư tưởng giáo dục của Nho giáo mà theo tôi là có thể có điều bất cập không chỉ với thời đại ngày nay mà còn với thời đại nó tồn tại. 

Nhưng cái được của nó lại là vô địch trong thành tựu tạo ra mẫu người chân quân tử, không dễ gì có trong lịch sử nhân loại ở phương diện nhân cách.

Đồng ý là chúng ta phải ra sức tìm kiếm để có triết lý giáo dục Việt Nam với hôm nay và mai sau sao cho tối ưu. Nhưng song song với vấn đề xây dựng triết lý giáo dục, rất cần đặt vấn đề khoa học xã hội và nhân văn cho xứng đáng. Có thể khẳng định rằng vấn đề khoa học xã hội và nhân văn còn quan trọng hơn, cần thiết hơn cả vấn đề triết lý. 

Với nền giáo dục hiện thời của đất nước, muốn tiến lên vững chắc nhất thiết phải có một nền tảng khoa học xã hội và nhân văn vững chắc hơn những gì đang có. Trong giáo dục, có thể coi khoa học tự nhiên và công nghệ là động lực chính nhưng khoa học xã hội và nhân văn mới là nền tảng.

Phải chăng có hiện tượng này: ta cũng đã có triết lý giáo dục, dù có thể chưa đầy đủ và chưa gọi nó là triết lý nhưng do nhận thức chưa thật đầy đủ ý nghĩa, giá trị sâu sắc của nó, đặc biệt là bất lực trong khi thực hiện nó mà rồi quay ra cho nó chưa phải là triết lý? Ví như với khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” mà trong mấy chục năm qua hầu như không một trường trung học cơ sở, trung học phổ thông nào trên đất nước lại không nêu, nhưng gần đây trên báo chí đã có người cho rằng khẩu hiệu đó không hợp thời nữa. Vậy có đúng nó không hợp thời nữa không? Hay do không hiểu hết, hiểu đúng mà cũng là bất lực với nó? Hay môi sinh cần có cho nó đã không còn?


Triết lý giáo dục “Giá trị bản thân” sẽ giúp hình thành lại giá trị của từng học sinh? Trong ảnh: học sinh Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội - Ảnh: Quý Hiên

GIÁO SƯ PHẠM MINH HẠC: Chúng ta chắc chắn cần một triết lý giáo dục

- Nghiên cứu xây dựng và đề xuất triết lý giáo dục là một nhiệm vụ khoa học của Bộ GD-ĐT năm 2011 mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giao cho nhóm nghiên cứu của chúng tôi (Viện Khoa học giáo dục) thực hiện. Đó được gọi là một “nhiệm vụ khoa học” chứ không phải là một đề tài nghiên cứu vì có tính cấp bách hơn.

Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học này dự kiến là hai sản phẩm: một là kỷ yếu hội thảo khoa học về triết lý giáo dục được tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội; hai là cuốn sách do tôi viết với tựa đề Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam dự kiến khoảng 300 trang (hiện đã viết được 230 trang và sẽ hoàn thành trong năm nay). Trọng tâm cuốn sách là những kết quả nghiên cứu về triết lý giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ. So với một số cuốn sách của các tác giả nước ngoài đã viết về triết lý giáo dục, có cuốn đã được dịch ra tiếng Việt, hay triết lý giáo dục của Unesco do 13 nhà cải cách giáo dục thế giới được tập hợp lại để xây dựng và công bố năm 1996, cách tiếp cận về triết lý giáo dục của tôi sẽ khác, có thể sẽ mới mẻ với nhiều người...

 Triết lý giáo dục được UNESCO công bố năm 1996, do 13 nhà cải cách giáo dục được lựa chọn trên toàn thế giới cùng xây dựng, nêu ra “bốn cột trụ của giáo dục đi vào thế kỷ 21” gồm:

- Học để biết

- Học để làm

- Học để chung sống với mọi người

- Học để tồn tại


* Bộ GD-ĐT đặt ra việc phải nghiên cứu xây dựng triết lý cho giáo dục có phải vì từ trước đến nay nền giáo dục của chúng ta... chưa có triết lý, thưa giáo sư? Và việc phải có một triết lý giáo dục cần thiết như thế nào, tác động ra sao đến sự phát triển của giáo dục?

- Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến cách đây vài năm, không ai nói đến cụm từ “triết lý giáo dục”. Chúng ta nói đến đường lối, chủ trương về giáo dục của Đảng, Nhà nước, tư tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Những điều này trùng một phần với nội hàm của thuật ngữ “philosophy” có nghĩa là “triết học giáo dục”... 

Trong vòng 5 năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, giới khoa học giáo dục mới nói nhiều đến triết lý giáo dục. Nhưng có thể khẳng định từ trước đây, với một cách khác, chúng ta đã và đang có triết lý giáo dục và nhờ triết lý giáo dục đó chúng ta có nền giáo dục và những thành tựu như hiện nay.

Hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng chúng ta có triết lý giáo dục nhưng không còn phù hợp với hiện tại. Một số lại cho rằng chúng ta có triết lý giáo dục nhưng chưa chuẩn, chưa đúng. 

Một luồng ý kiến khác khẳng định ta chưa có triết lý giáo dục. Hai nhóm ý kiến sau cùng cho rằng thực trạng giáo dục hiện nay, mà có người gọi là sự lộn xộn hay bát nháo, là do chưa có triết lý giáo dục hoặc có nhưng chưa chuẩn.

Tôi được biết trong hai năm qua, Bộ GD-ĐT đã muốn nghiên cứu, tìm kiếm, xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam và hai lần giao cho hai cơ quan của bộ nghiên cứu nhưng đều chưa có sản phẩm cuối cùng như mong muốn. Khi nhận nhiệm vụ này, chúng tôi xác định đây là một vấn đề hệ trọng mà khoa học giáo dục của chúng ta cần nghiên cứu... Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định phải đổi mới một cách “cơ bản và toàn diện” GD-ĐT. 

Muốn làm được việc này cần phải có triết lý giáo dục. Đó chính là lý do Bộ GD-ĐT quyết định phải có nhiệm vụ nghiên cứu này và mong muốn thực hiện một cách khá cấp bách, không thể chậm trễ, kéo dài nhiều năm như một đề tài nghiên cứu khoa học bình thường...

Nếu đặt vấn đề có cần phải có một triết lý giáo dục hay không thì tôi có thể khẳng định là rất cần. Chúng ta đã cần, đang cần và sẽ cần có một triết lý giáo dục.

Giáo sư - viện sĩ Phạm Minh Hạc - Ảnh: Vĩnh Hà

Đề cao “giá trị bản thân”

* Vậy sau quá trình nghiên cứu, triết lý giáo dục cho Việt Nam được giáo sư đề xuất cụ thể như thế nào?

- Tôi đề xuất một triết lý mang tên “Giá trị bản thân” với ba nội dung lớn: 

Một là, toàn bộ nội dung dạy và học là giúp người học hình thành hệ giá trị của từng người, gồm tâm lực, trí lực và thể lực. Nội dung giáo dục trong nhà trường phải nhằm vào cả ba thành tố đó. 

Hai là, mỗi người học phải tạo lập được cho mình một năng lực thật sự để bảo đảm cuộc sống bản thân, để xây dựng gia đình và trách nhiệm với xã hội. Năng lực này cho phép con người không chỉ tồn tại mà tồn tại có đóng góp. Mỗi người cần khẳng định bản thân bằng cách có một cuộc sống tốt đẹp cho riêng mình và có đóng góp cho xã hội. 

Ba là, Nhà nước và xã hội phải có trách nhiệm tạo lập các chính sách, thái độ ứng xử, môi trường... để mỗi con người phát triển năng lực cá nhân, phát huy được các tác dụng giá trị bản thân cho chính người đó và cho xã hội.

Từ triết lý giáo dục kể trên sẽ đòi hỏi xây dựng chương trình giáo dục không chỉ thiên về học chữ, không chỉ học kiến thức mà còn phải trang bị cho người học cả kỹ năng, hành vi, thái độ...

* Khi đưa ra triết lý giáo dục nói trên, giáo sư đã nhận được những phản hồi như thế nào? Giáo sư dự đoán khi đưa vào vận dụng trong thực tế, triết lý giáo dục này có giúp tạo sự chuyển biến để đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam?

- Tôi đã trình bày ở hai cuộc hội thảo tại TP.HCM và Hà Nội để mọi người cùng thảo luận, phản biện, bổ sung nhằm hoàn thiện, đi đến một triết lý giáo dục cho GD-ĐT Việt Nam. Ngay cả khi cuốn sách được phát hành, tôi vẫn mong sẽ nhận được phản hồi, trao đổi từ giới khoa học giáo dục, từ những người quan tâm đến GD-ĐT nói chung, triết lý giáo dục nói riêng và dư luận xã hội đối với triết lý “Giá trị bản thân” của chúng tôi.

Triết lý giáo dục mà tôi đưa ra là sự tiếp nối tư tưởng của Đảng, của Bác Hồ về GD-ĐT, kết tinh của những thực tiễn và các định hướng phát triển giáo dục những giai đoạn đã qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đặc biệt là từ khi chúng ta xây dựng nền giáo dục cách mạng... Chắc chắn triết lý giáo dục này chưa thể hoàn chỉnh ngay được, cần có sự đóng góp, trao đổi ý kiến để hoàn thiện và từng bước đưa vào cuộc sống.

* So với triết lý giáo dục mà giáo sư đang đưa ra và mong muốn áp dụng thì giáo dục hiện nay đang thiếu cái gì, chưa thực hiện được nội dung nào?

- Theo tôi, hoạt động dạy và học chưa thật sự hướng tới sự hình thành hệ giá trị bản thân cho người học mà dạy - học chủ yếu để đi thi. Kiểu học thuộc, máy móc để trả bài khá phổ biến hiện nay sẽ không thể giúp hình thành trí lực cho người học. Trong quá trình học tập, người học chưa được thực hành nhiều, chủ yếu chỉ là thu nhận một mớ kiến thức, thiếu những kỹ năng, chưa xây dựng được thái độ và hành vi tích cực... 

Như vậy, chưa thể hình thành “chí” và “trí” cho người học để họ phát triển, phát huy hết các năng lực cá nhân phục vụ cuộc sống bản thân, gia đình và cống hiến cho xã hội. Và cuối cùng, yêu cầu có một thể chất khỏe mạnh nhà trường cũng chưa làm được.

Nhìn chung, cả tâm - trí - thể lực người học trong nhà trường hiện nay đều chưa đạt yêu cầu và mong muốn. Có rất ít người học với niềm say mê thật sự, tức là bản thân mỗi người đang thiếu cái “chí”, phần lớn học sinh, sinh viên thiếu niềm đam mê, khao khát học tập. Tất nhiên đó cũng từ một phần lỗi của nhà trường, của chương trình giáo dục...

* Xin cảm ơn giáo sư.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận