TTCT - Sông Hồng nhiều đoạn cạn trơ đáy, nước mặn bủa vây đồng bằng sông Cửu Long, lấn sâu vào những vùng đất lúa một thời phủ mượt phù sa... Tất cả tin tức không vui ấy chỉ là khởi đầu cho một vấn đề lớn ở cả hai vựa lúa lớn nhất Việt Nam: sản xuất nông nghiệp đã và sẽ ngày càng khó khăn.

Phóng to
Nông dân Hồ Văn Liềng (ấp Tân Định, xã Định Trung, huyện Bình Đại, Bến Tre) trên ruộng lúa chết vì nhiễm mặn. Vùng này mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa do nhiễm mặn và phèn - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Một, hai tuần tới mới là đỉnh điểm xâm nhập mặn năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng kinh nghiệm thất bát tích tụ từ nhiều năm trên đồng ruộng khiến nỗi lo xâm nhập mặn ngày một trở nên nặng nề đối với người nông dân ở đây.

Nước mặn bủa vây tứ phía

Từ chục năm nay, nước mặn xâm nhập đã lấy đi của Bến Tre cả trăm tỉ đồng mỗi năm do thiệt hại nặng trong nông nghiệp. Tần suất nước biển xâm nhập sâu vào đất liền xảy ra ngày càng gần. Những năm 2000, 2002, 2004, 2005, 2007, 2009, 2010, độ mặn 1‰ xâm nhập hầu như toàn bộ tỉnh. Nước mặn không chỉ liên tục xuất hiện và vào sâu vượt qua cả TP Bến Tre mà có lúc ở Vàm Mơn - nơi cách biển tới 60km - cũng đo được độ mặn 4‰.

Ở Tiền Giang, năm ngoái nước biển xâm nhập sớm hơn thường lệ, lấn sâu nhanh vào đất liền với nồng độ cao hơn, thời gian kéo dài hơn và kết thúc muộn hơn mọi năm tới 23 ngày. Tiền Giang đã phải đóng cửa sớm các cống đầu mối để ngăn mặn, gây thiếu nước trầm trọng ở khu vực Gò Công, Bảo Định. Tại vùng ngọt hóa Gò Công đã phải bơm tưới từ 2-3 cấp vào cuối vụ đông xuân.

Cũng năm này, ở Sóc Trăng, độ mặn cao nhất đo được tại Đại Ngãi là 11,6‰, tại Trần Đề 26,6‰, tại Thạnh Phú 16‰. Nước mặn vào sâu đến 80km, khỏi phải nói đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp như thế nào.

Với những diễn biến khốc liệt ấy, năm 2010 được xem là năm hạn hán dữ dội nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, nước sông Mekong xuống thấp tới mức kỷ lục trong vòng 80 năm qua. Đây cũng là năm người làm nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long chứng kiến nước mặn xâm nhập sâu nhất vào đồng ruộng (hơn 70km), hơn 100.000ha đất bị ảnh hưởng.

Gian nan chống mặn

Đào các hồ trữ nước ngọt để trữ nước vào mùa lũ và mùa mưa để dùng trong mùa khô là một trong nhiều giải pháp cần được chú trọng một cách nghiêm túc hơn. Đây cũng là cách mà những lớp tiền bối từng ứng dụng rất hiệu quả trong việc chinh phục đồng bằng sông Cửu Long thuở trước. Trên thực tế, vài tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã làm được các hồ trữ nước ngọt rất hiệu quả, ở Trà Vinh có ao Bà Om, Sóc Trăng có hồ Nước Ngọt, Đồng Tháp có hồ Khổng Tử, Bến Tre có hồ Trúc Giang... Đó là việc các địa phương có thể tự làm mà không cần đến các dự án tiền tỉ. Ở đồng bằng sông Cửu Long thường có những hồ nhỏ ở cuối sông rạch, có thể lợi dụng các hồ tự nhiên này để nạo vét, đắp cao, cải tạo thành hồ trữ nước ngọt sử dụng trong 3-4 tháng mùa khô. Cứ như vậy, mỗi ấp, xã đều có thể làm được vài hồ trữ nước phục vụ nhu cầu ở địa phương, cách làm này cũng ít gây tác động đến hệ sinh thái, ít tốn kém vì dựa chủ yếu vào tự nhiên.

Năm nay, dù tình hình hạn hán và xâm nhập mặn được dự báo ít nguy hại hơn năm ngoái, nhưng không thể không đặt câu hỏi: trong vài chục năm tới vùng đồng bằng châu thổ này sẽ ra sao?

Kịch bản nước biển dâng (do Bộ Tài nguyên - môi trường xây dựng) dự báo khoảng 7.600km2 (tương đương 20% diện tích) đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm khi nước biển dâng 75cm và ở mức 100cm thì phạm vi ngập trải rộng trên diện tích 15.116km2, tương đương 37,8% diện tích tự nhiên toàn vùng. Cùng với đó là lưu lượng nước sông Mekong giảm 2-24% trong mùa khô.

Dự báo vào năm 2030, khoảng 45% đất của đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ nhiễm mặn cục bộ. Nhiễm mặn gây hại rất lớn cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, trung bình năng suất lúa có thể giảm 20-25%, thậm chí tới 50%.

Chưa kể dịch bệnh sẽ tấn công con người do các vùng dân cư đều lấy nước ngọt trên các sông rạch là nguồn nước sinh hoạt duy nhất, nước mặn xâm nhập sẽ gây ra thiếu nước sạch. Ngay cả vào mùa lũ, tình hình cũng không khả quan hơn vì nước lũ có thể cao hơn và thời gian ngập sẽ kéo dài hơn, do sự dâng cao của nước biển và sự hỗ trợ của gió chướng, việc tiêu thoát nước mùa mưa lũ vì vậy sẽ rất khó khăn.

Chống hạn cho đồng bằng sông Cửu Long, cấp nước sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô là vấn đề năm nào cũng bàn, tỉnh nào cũng nói. Tuy nhiên đến nay chưa có biện pháp nào thật sự hiệu quả. Trong tương lai, khi những đập thủy điện thượng nguồn được xây dựng hay khi phía Lào, Campuchia tăng vụ sản xuất lúa, sử dụng nguồn nước sông Mekong phục vụ tưới tiêu, chắc chắn đồng bằng sông Cửu Long sẽ khó thoát khỏi cảnh “chết khô” vào mùa khô.

Hiện nay, vào mùa khô, tổng lưu lượng nước sông Tiền và sông Hậu đã dưới mức 2.500m3/s, riêng nhu cầu cho lúa đông xuân của cả đồng bằng đã lên đến 1.700m3/s.

Tự cứu trước khi trời cứu

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 667/QĐ-TTg về việc củng cố hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang - một quyết định khá táo bạo. Nhưng để ngăn nước biển dâng, chống xâm nhập mặn, không có cách nào tốt hơn là đắp đê. Thời gian qua đã có những tranh cãi trong giới chuyên môn xung quanh vấn đề này, vẫn còn những e ngại về tác động của hệ thống đê biển đến môi trường sinh thái, gây ô nhiễm...

Có ý kiến phản đối việc đắp đê và đề xuất nên trồng rừng ngập mặn. Tuy nhiên, nếu nước biển dâng lên 1m, rừng không thể ngăn cản nước biển tràn vào đồng ruộng, chưa kể khi độ sâu ngập nước tăng, chế độ thủy văn thay đổi thì rừng ngập mặn cũng không tồn tại được.

Vì vậy, một mặt chúng ta có thể học tập, nghiên cứu ứng dụng các ưu điểm và có biện pháp giảm thiểu thấp nhất tác hại của việc đắp đê từ các quốc gia trên thế giới, mặt khác xem xét kết hợp giữa việc trồng rừng và đắp đê, có thể trồng rừng để giữ chân đê vùng bờ biển, phía trong rừng là đê. Các công trình giúp ghe thuyền lưu thông ra vào vùng đê bao, giúp điều hòa mực nước cùng hệ thống xử lý chất thải các loại cũng phải được đầu tư đồng bộ và triệt để.

Mới đây, các nhà khoa học từ các cơ quan nghiên cứu và phát triển của Bộ Nông nghiệp Indonesia đã sản xuất thành công mười giống lúa mới có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tờ Jakarta Post cho biết những giống lúa mới này là kết quả của những nghiên cứu kéo dài 6-7 năm. Ba trong số các giống mới được đặt tên Inpara (chịu ngập), Inpago (chịu hạn) và Inpari (kháng côn trùng).

“Trông người ngẫm đến ta”, thiết nghĩ việc thành lập trung tâm chuyên nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật canh tác, chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, cụ thể là xâm nhập mặn cho đồng bằng sông Cửu Long cũng nên bắt tay ngay từ bây giờ.

Cuối cùng, song không kém phần quan trọng, giúp người dân hiểu biết thêm về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn là việc không thể chần chừ. Nhà nước và tổ chức xã hội dù hoạt động hiệu quả đến đâu cũng không thể bảo vệ được toàn bộ xã hội, nếu như đa số người dân, nhất là người nghèo, thờ ơ hay không biết phải làm gì để ứng phó với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.

Phải giúp người dân hình dung và hiểu rõ tương lai họ sẽ phải đối mặt với điều kiện thời tiết và thủy văn bất lợi đến đâu, họ cần đối phó với những nguy cơ gì sắp tới và cần phải làm gì ngay từ hôm nay để bình tĩnh đón nhận những khó khăn ấy. Đấy cũng chính là cách thúc đẩy họ bắt tay ngay vào những việc cụ thể như bảo vệ nguồn nước, không làm môi trường ô nhiễm trầm trọng hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nước và năng lượng...

Những giải pháp này đều cần có thêm những nghiên cứu và phải được áp dụng một cách khoa học, thậm chí sẽ rất tốn kém. Nhưng trước nguy cơ mất cả một vùng đồng bằng lớn - nơi góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia - cùng hàng triệu con người mất nơi cư trú, mất nơi sản xuất, những đầu tư hôm nay luôn luôn rẻ hơn nhiều.

Giống lúa thơm bén duyên vùng mặn

“Chẳng lẽ nông dân vùng nước mặn không thể trồng lúa?”, canh cánh câu hỏi ấy trong lòng, kỹ sư Hồ Quang Cua - phó giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng - lặn lội từng cánh đồng trong nhiều năm để chọn lọc, nghiên cứu giống... Cuối cùng, ông cũng tìm được câu trả lời và giống lúa thơm mang thương hiệu ST ra đời.

Năm 1991, con tôm sú thâm nhập đồng đất Mỹ Xuyên, có lúc 1kg tôm giá trị bằng 100kg lúa. Lợi nhuận quá hấp dẫn ấy khiến nhiều nông dân Mỹ Xuyên “quên” cây lúa. Từ một địa phương được quy hoạch 18.000ha để sản xuất một vụ lúa, xen canh một vụ tôm, năm 2004 màu xanh cây lúa chỉ còn lác đác như da beo.

Một số nông dân duy trì trồng lúa trên nền đất mặn nuôi tôm, bị dịch vàng lùn và lùn xoắn lá tấn công. Sau nhiều năm canh tác, giống lúa IR 42 bị thoái hóa, cơm cứng, giá bán thấp làm nhiều nông dân thêm chán cây lúa.

Giữa lúc ấy, ông Cua kịp mang giống lúa thơm ST5 về. Không chỉ chịu mặn và chịu phèn tốt, giống lúa thơm ST5 còn cho năng suất cao. Thế là Mỹ Xuyên triển khai trồng lúa thơm ST5 trên quy mô lớn, một số xã như Hòa Tú 1, Ngọc Tố, Ngọc Đông... trồng lúa thơm lấp vụ trên nền đất nuôi tôm đạt 100% diện tích.

Liên tiếp từ năm 2008-2010, nền đất mặn sau khi thu hoạch tôm đều được nông dân trồng lúa ST5 với khoảng 11.000ha. Năng suất ổn định trên 5 tấn/ha, giá bán cao hơn lúa cao sản (cùng thời điểm) 15-20% nên cứ 1ha lúa thơm ST5, nông dân đạt lợi nhuận 20-30 triệu đồng/vụ. Một số tỉnh ven biển như Bạc Liêu, Kiên Giang cũng đi theo hướng này.

Xâm nhập mặn ngày càng diễn biến xấu thôi thúc kỹ sư Cua tiếp tục hành trình chọn lọc giống lúa thơm tốt hơn. Năm 2009, ông lai tạo được giống lúa thơm ST13 có thời gian sinh trưởng ngắn, chịu mặn, chịu phèn. Nông dân các vùng ven biển Sóc Trăng như Vĩnh Châu, Trần Đề và huyện tiếp giáp Bạc Liêu là Ngã Năm đang lựa chọn giống lúa này để canh tác.

__________

Từ nhiều tháng qua, vùng hạ du sông Hồng không chỉ phô ra cảnh cạn kiệt, lòng sông trơ cát sỏi mà ngay cả màu hồng phù sa đặc trưng của con sông cũng biến mất. Khô hạn ở đồng bằng sông Hồng nay không chỉ là nỗi lo về tổng lượng nước trên các dòng sông chính mà còn cả về chất lượng nước.

Phóng to
Sông Hồng đoạn qua cầu Long Biên nay cạn khô, đất nứt toác - Ảnh: Hải Hồ

Hạn hán và xâm nhập mặn đe dọa lúa

Hơn 21.000km2 diện tích tự nhiên với những điều kiện tự nhiên thuận lợi của đồng bằng sông Hồng đã được khai thác từ lâu đời, biến vùng châu thổ này thành vựa lúa lớn thứ hai của cả nước, sau đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích đất đai được sử dụng vào hoạt động nông nghiệp ở đây lên tới 79 vạn ha.

Mặc dù lưu vực sông Hồng có tổng lượng dòng chảy khá lớn (khoảng 135 tỉ m3/năm) nhưng phân bổ không đều theo thời gian và không gian. Trong 7-9 tháng mùa khô, tổng lượng dòng chảy chỉ chiếm 20-30% tổng lượng dòng chảy năm. Vài năm gần đây, tình hình hạn hán trên lưu vực ngày càng trở nên khắc nghiệt.

Theo tài liệu nghiên cứu của Viện Quy hoạch thủy lợi, lưu lượng trung bình năm giảm dần tại các trạm, lưu lượng trung bình mùa kiệt cũng cho thấy nguồn nước suy giảm nghiêm trọng. Việc giảm lưu lượng dẫn tới không đủ nguồn nước cấp cho nhu cầu ở hạ du, tạo điều kiện mặn xâm nhập sâu hơn. Việc điều tiết nước ở các hồ chứa lớn (Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang) trong một số giai đoạn đầu mùa khô chưa đáp ứng nhu cầu nước ở hạ du.

Chắc chắn việc trữ nước của các công trình thủy điện và lấy nước của một số hệ thống công trình thủy lợi vùng thượng nguồn sông Thao, sông Đà thuộc lãnh thổ Trung Quốc đã làm suy giảm dòng chảy đến Việt Nam về mùa khô.

Trên sông Đà từ năm 2007-2009, các hồ chứa phía Trung Quốc đã giữ lại một lượng nước khoảng 10-20%. Cụ thể hơn, vào thời kỳ đầu mùa lũ, cuối mùa cạn (tháng 5, tháng 6) năm 2009 thiếu nước xảy ra trên hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, do phía Trung Quốc đã giữ lại hơn 30% lượng nước làm ảnh hưởng đến nguồn nước về hạ lưu, ngay cả đoạn sông Hồng qua cầu Long Biên cũng bị cạn.

Trong khi đó, sự gia tăng dân số kéo theo quá trình phát triển của các ngành kinh tế cũng làm tăng mức độ phức tạp của hoạt động sử dụng nước. Các hệ thống công trình thủy lợi đồng bằng hầu hết được xây dựng từ lâu, đã và đang xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước hiện nay.

Xâm nhập mặn sâu vào các vùng cửa sông chủ yếu do hai nguyên nhân: nguồn nước bổ sung từ thượng nguồn không đủ để đẩy mặn và xu thế dâng lên của mực nước biển khiến mặn ngày càng xâm nhập sâu hơn. Phân tích mực nước đỉnh triều tại Hòn Dấu (Hải Phòng, nơi đặt cột mốc thủy chuẩn để đánh dấu độ cao số 0 của mực nước biển) từ năm 1956-2008 cho thấy giá trị trung bình của đỉnh triều chu kỳ 1973-1992 cao hơn chu kỳ 1956-1972 là 14cm.

Trở lại với hồ chứa

Trong bối cảnh này, việc nghiên cứu và đề xuất quy trình vận hành hợp lý các hồ chứa thượng nguồn như Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà và Sơn La nhằm bổ sung nguồn nước cho mùa kiệt là điều cần làm sớm. Các công trình lấy nước xây dựng đã lâu, bị xuống cấp, trong đó có các công trình lớn như Trung Hà, Bạch Hạc, Đại Định, Phù Sa, Thanh Điềm, Đan Hoài, Ấp Bắc, Liên Mạc, Xuân Quan, Long Tửu... cần được cải tạo, xây dựng lại.

Xa hơn, có thể xem xét việc xây dựng đập dâng trên các sông lớn như dòng chính sông Hồng, sông Thái Bình... đồng thời nạo vét, cải tạo cả hệ thống kênh mương cấp nước cho nông nghiệp.

Để giảm thiểu việc nước mặn xâm nhập sâu các cửa sông, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng có thể xem xét tới việc xây dựng các công trình ngăn mặn cửa sông: Đò Hàn, Sông Hóa, Kim Đài, đập sông Đào, Trà Lý..., thậm chí có thể xem xét cả việc xây dựng các hồ chứa nước ngọt và ngăn triều ở ven biển.

Việc nghiên cứu thay đổi cơ cấu cây trồng nhằm tiết kiệm nước tưới cũng phải được đặt ra ngay từ bây giờ, đi kèm sự khuyến khích các sáng kiến tiết kiệm nguồn nước.

__________

Thiếu trầm trọng nước ngọt cho sinh hoạt, trồng trọt, người dân ở Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang... đang phải hằng ngày chống chọi chỉ với tay không. Mà năm nay, nước mặn vào sớm hơn mọi năm.

Phóng to
Người dân xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) vẫn chủ yếu sống nhờ những bể chứa nước mưa bằng vải bạt như thế này - Ảnh: Mễ Thuận

Dân các xã ven biển thuộc huyện Bình Đại (Bến Tre) đang phải bấm bụng đổi nước ngọt với giá cắt cổ: từ 50.000-200.000 đồng/m3. Ông Bùi Lam Giang ở ấp Bình Lộc, xã Đại Hòa Lộc than thở: “Gia đình tôi phải mua nước từ tháng 10 âm lịch với giá 50.000 đồng/m3. Giá nước mắc vậy nên nhà tuy có bốn người nhưng một ngày chỉ dám xài khoảng 100 lít nước. Vậy mà một tuần cũng hết một bồn nước...”.

Giá nước ở Bình Đại đang được các chủ cây nước đổi với nhiều mức khác nhau, hộ ở gần được đổi với giá 50.000 đồng/m3, hộ ở xa địa điểm lấy nước (khoảng 3km) thì mức giá nâng lên 100.000 đồng/m3, xa hơn nữa thì tới 200.000 đồng/m3.

Muốn đổi nước cũng không dễ, phải hẹn người chở nước trước hai ngày. Vì vậy, ông Giang đã phải bỏ ra 14 triệu đồng đúc bảy bể ximăng, mỗi bể khoảng 1m3 để luân phiên chứa nước. Bà Trần Thị Liễu ở ấp 6, xã Thạnh Phước (Bình Đại) cũng bỏ công bỏ của đúc 48 bể chứa nước mưa dùng cho qua mùa khô, vậy mà hôm chúng tôi đến nước trong các bể đã cạn kiệt.

Huyện Tân Phú Đông là nơi nước mặn xâm nhập dữ dội nhất ở Tiền Giang. Muốn có nước ngọt phải dùng xe đạp chở can nhựa ra sắp hàng ở trục lộ chính, chờ xe chở nước đi ngang thì đổi với giá không hề rẻ. “Nhiều năm trước nghèo tiền bạc, nghèo đường, nghèo trường trạm, mấy năm nay lại thêm vụ nghèo... nước ngọt” - lão nông Ba Thuận ở ấp Lý Quàng 2, xã Phú Đông than thở. Nhiều gia đình ở vùng sâu chỉ dám dùng nước ngọt nấu ăn, chuyện tắm giặt vẫn phải dùng nước dưới kênh mặn chát.

Ở một huyện nghèo như Tân Phú Đông, người dân không có tiền để xây bể chứa, họ dùng tấm bạt quây bốn góc dựng lên thành bể trữ nước mưa. Bạt nhựa chỉ vài mùa là mục, mà nước mưa cũng chỉ đủ dùng trong chưa đầy một tháng nắng của mùa khô.

Bà Thạch Thị Oanh Thon, ngụ ấp Ba Thạch A, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú (Trà Vinh), cùng hàng trăm hộ dân khác đang lo lắng chuyện thất bát mùa màng. Bà con cho rằng chỉ vì một sơ sót nhỏ trong công tác quản lý cống ngăn mặn của các cán bộ canh gác cống đập Cần Chông (Tiểu Cần, Trà Vinh) đã khiến nước mặn đột ngột xâm nhập sâu nội đồng, làm thiệt hại trắng trên 1.700ha lúa đông xuân ở huyện Cầu Ngang và Trà Cú, nhà bà Thon mất trắng 6 công ruộng sạ muộn.

Cán bộ nông nghiệp huyện Trà Cú nói rằng thiệt hại này một phần do người dân chủ quan, không sạ lúa đúng thời điểm (sớm) theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp khi họ dự báo nước mặn sẽ xâm nhập nội đồng sớm. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Tiểu Cần, huyện còn hơn 5.000ha lúa đông xuân sạ muộn đang bị thiếu nước ngọt vì nước trong nội đồng không còn để lên được đến hệ thống kênh cấp 3. Hiện cống Cần Chông cũng đã đóng cửa, nguồn tiếp nước phải trông chờ vào kênh Trà Ngoa lấy nước từ huyện Vĩnh Bình (Vĩnh Long).

Ở huyện Tân Phú Đông, độ mặn đo được tại các cửa sông năm nay cao ngất ngưởng: khoảng 16g/lít ở các cửa sông, trong toàn bộ nội đồng độ mặn đo được đã đứng ở mức 2,2-2,9g/lít. Với độ mặn này, cán bộ nông nghiệp khuyến cáo nông dân chỉ trồng lúa hai vụ và phải sạ lúa sớm. “Thế nhưng trong vụ hai vừa qua, huyện cũng có diện tích bị thiệt hại do người dân chọn thời điểm sạ không theo khuyến cáo” - ông Nguyễn Trung Hòa, Phòng nông nghiệp Tân Phú Đông, cho biết.

Ở Bến Tre, nước mặn với độ mặn 4‰ hiện đã ăn sâu vào đất liền 30-40km, có nơi như xã Phước Long, Hưng Lễ (Giồng Trôm) dù cách cửa sông chính đến 35km nhưng độ mặn đo được lên đến gần 8‰. Bốn trạm đo mặn đã được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre cho xây dựng thêm để kịp thời thông tin tình hình xâm nhập mặn cho người dân chủ động ứng phó. Tất cả đang căng mình cho cuộc chiến chống mặn ngày một khó khăn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận