Chuyện xưa - nhà cổ

DƯƠNG THẾ HÙNG 04/01/2011 03:01 GMT+7

TTCT - Quỹ nhà cổ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khá dồi dào nhưng chưa được khai thác cũng như bảo tồn đúng với giá trị của chúng, như trường hợp ngôi nhà “công tử Bạc Liêu” báo Tuổi Trẻ từng đề cập.

Những ngày cuối năm 2010, phóng viên TTCT đã khảo sát một số kiến trúc cổ ở nhiều tỉnh Tây Nam bộ, được nghe nhiều câu chuyện xưa dưới những mái nhà đã có tuổi trăm năm.

Phóng to
Nhà cổ ông Cai Cường - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Không chỉ là những tác phẩm kiến trúc tuyệt đẹp, đồng thời là các kho báu về nghệ thuật chạm khắc gỗ cùng nhiều giá trị thẩm mỹ khác, những ngôi nhà cổ ở miền sông nước Nam bộ còn là những chứng nhân lịch sử, là nơi phát xuất của những câu chuyện hấp dẫn về một thời mở cõi gian nan, về một điệp vụ tình báo ly kỳ cũng như một mối tình lâm ly đã đi vào văn học và điện ảnh.

Dấu chân người tình

Nằm cặp bờ sông Sa Đéc, ngay trên con đường dẫn vào chợ, ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê hầu như lúc nào cũng đông khách tham quan. Nhà được xây theo kiến trúc Pháp, nhìn ra mé sông với hàng hiên gạch trát vôi, trên chạm khắc phù điêu thời Phục hưng, vòm cửa hình bán nguyệt, mái ngói lợp âm dương, hai đầu hồi cong vút hình mũi ghe biểu tượng vùng sông nước Nam bộ. Bên trong nhà lại đậm chất Á Đông với các hàng cột, khuôn bao, cửa lá sách toàn bằng gỗ quý, được chạm khắc kỳ công.

Nét lộng lẫy nhất của nội thất ngôi nhà là bộ khánh thờ bằng gỗ, trên khắc chạm tinh tế hình long phụng, chim muông, tất cả đều sơn son thếp vàng. Tủ thờ, tủ quần áo, tủ rượu, bàn ghế, bộ đivăng... đều cẩn ốc xà cừ hết sức tinh xảo.

Cô Nguyễn Thị Thúy Oanh, người hướng dẫn du khách tham quan nhà cổ, cho biết: “Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà này là ông Huỳnh Cẩm Thuận, một người Hoa giàu có trong vùng. Năm 1895, ông xây dựng ngôi nhà bằng gỗ ba gian hai chái đặc trưng Nam bộ. Năm 1917, ngôi nhà được sửa lại theo kiểu biệt thự, kết hợp kiến trúc Đông - Tây, vẫn giữ nguyên mái ngói âm dương truyền thống, chỉ sửa lại mặt tiền, hàng ba và xây tường “bốn mươi” (dày 40cm) theo kiểu Pháp. Năm 1934, ông Huỳnh Cẩm Thuận mất, quyền thừa kế ngôi nhà được truyền lại cho con trai út là Huỳnh Thủy Lê”.

Điều gây tò mò và hấp dẫn du khách chính là câu chuyện tình lãng mạn đầy nước mắt giữa Huỳnh Thủy Lê và thiếu nữ Pháp xinh đẹp Marguerite Duras. Năm 1929, khi trên đường về Sài Gòn, hai người tình cờ quen nhau trên chuyến phà Mỹ Thuận.

Marguerite lúc đó mới 15 tuổi, còn Lê là một chàng trai 23 tuổi. Họ yêu nhau say đắm nhưng ông Thuận kịch liệt phản đối khi con trai muốn cưới cô gái Pháp làm vợ; bởi hai gia đình không “môn đăng hộ đối”: mẹ Marguerite bấy giờ là giáo viên dạy Trường nữ Trưng Vương (Sa Đéc), cha cô mất sớm vì phá sản, các anh trai lại hư hỏng. Ông bắt Lê phải cưới một cô gái Mỹ Tho tên là Nguyễn Thị Mỹ. Lê đành nuốt lệ chia tay người yêu, còn Marguerite theo gia đình trở về Pháp. Nhiều năm sau, cô gái Pháp bị bội tình trở thành nhà văn nổi tiếng.

Trong số các tác phẩm của bà, có tiểu thuyết Người tình (L’Amant) kể về câu chuyện tình của chính mình, hết sức ăn khách và được dịch sang nhiều thứ tiếng. Năm 1984, L’Amant được trao giải thưởng Goncourt và đến năm 1990 được đạo diễn nổi tiếng Jean Jacques Annaud dựng thành bộ phim cùng tên với bối cảnh quay tại Sa Đéc và Sài Gòn - Chợ Lớn những năm 1930.

Năm 2006, Công ty Du lịch Đồng Tháp mở tour “Theo dấu chân người tình” đưa du khách đến thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nơi còn lưu giữ hình ảnh của cô gái Pháp lúc tuổi trăng rằm, khi đã trở thành nữ sĩ danh tiếng và hình ảnh gia đình ông Huỳnh Thủy Lê. Năm 2009, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được xếp hạng di tích quốc gia.

Phóng to
...nhưng bên trong là một tác phẩm tuyệt mỹ - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Ngôi nhà xây dựng trong 15 năm

Đó là nhà của ông Hương Liêm (Huỳnh Ngọc Khiêm), ở ấp Khu Phố, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Nhìn bên ngoài, ngôi nhà tựa như ngôi đình với chiều ngang 27m, sâu 25m, mái lợp ngói âm dương, nền nhà bọc đá xanh cao tới 1,5m. Trải bao tháng năm và mưa nắng, ngôi nhà đã phần nào xuống cấp, tường loang lổ vì thấm, mái ngói không còn như xưa, nền gạch nhiều chỗ bị lún sụt, nhưng toàn bộ đồ đạc nội thất hầu như còn nguyên vẹn.

Chủ ngôi nhà hiện nay là ông Huỳnh Ngọc Thu, 52 tuổi, cháu đời thứ 6 của ông Hương Liêm. Ông Thu kể: “Ông nội tui là Huỳnh Ngọc Thoại kêu ông Hương Liêm bằng ông cố. Theo lời ông nội tui, khoảng năm 1870 khi ông Hương Liêm đi ghe trên sông Hàm Luông xuống vùng Tân Phong, Đại Điền này, bỗng dưng ghe bị đứt quai chèo.

Ông Hương Liêm buộc đi buộc lại ba lần mà quai chèo vẫn đứt, mới ngẫm nghĩ: “Cây khô tưới nước cũng khô, phận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo”, chắc đây là ý trời muốn ông trụ lại xứ này mần ăn, vậy nên “thuận thiên thừa vận” làm theo mệnh trời. Ông liền cặm sào, đậu ghe lại, bắt tay khai khẩn đất hoang. Hồi đó cây rừng ở đây dày mịt, rắn rít tùm lum, lau lách mọc đầy, một mình ông chỉ có cây rựa bên mình, lẻ loi cô độc. Ông đang lo lắng sức mình không kham nổi, bỗng dưng một vạt rừng bị cháy, lòi ra đám rẫy ngoài mé sông, đất đai bằng phẳng, tôm cá lội đầy.

Ông mừng rỡ dựng chòi, tỉa bắp, trồng rau đậu sinh sống qua ngày và lần hồi khai phá đất trồng lúa, kêu bà con xóm giềng ở Mỏ Cày kéo nhau về làm ăn sinh sống. Vùng đất đó (xã Phú Khánh ngày nay) trở nên trù phú, cây trái tốt tươi. Sau nhiều năm khai phá đất hoang, ông Hương Liêm có khoảng 2.000 mẫu đất, trở thành người giàu có nhất vùng. Chính quyền thuộc địa bấy giờ thấy ông chăm chỉ làm ăn, cấp cho chức hương cả, cai quản vùng này. Sau này dân làng gọi Hương Khiêm trại ra thành Hương Liêm”.

“Theo dấu tích để lại - ông Thu kể tiếp - ngôi nhà mừng tân gia vào năm 1904 nhưng ông nội tui nói rằng nhà cất trong vòng 15 năm mới xong, cho nên có thể khởi công vào khoảng năm 1889. Lúc khởi công, thầy thợ ăn bưởi quăng hột xung quanh, không dè mọc thành cây, năm năm sau bưởi có trái cũng là lúc nhà dựng xong.

Ngày gác đòn dông cũng là ngày ông Hương Liêm ra vườn hái trái bưởi chín đầu tiên nhưng tới lúc đó cũng chỉ mới đi được một phần ba đoạn đường. Quá trình dựng vách, lọng chạm, điêu khắc gỗ, làm đồ nội thất mới công phu, tốn kém thời gian, công sức, phải mất thêm 10 năm nữa”.

Chỉ vào một chi tiết chạm trổ trên khánh thờ ở gian nhà chính, ông Thu cho biết: “Muốn có hình rồng phượng này, các thợ mộc phải lọng nó ra từ tấm gỗ lim nguyên bản, chứ không ráp nối. Những chữ nho cũng phải đục, khắc từ nguyên tấm gỗ”. Ngó lên mái ngói, hàng ngàn tấm ngói mỗi tấm đều vẽ hình một cây bông, không bông nào “đụng hàng” với bông nào. Còn các tấm liễn, hoành phi, câu đối, khánh thờ... được thếp bằng vàng thật, sắc vàng lấp lánh mỗi khi có ánh sáng chiếu vào.

Bàn thờ, bộ trường kỷ, bộ ván ngủ đều bằng các loại danh mộc như gõ, giáng hương, căm xe... và được chạm khắc tinh xảo. Ông Huỳnh Ngọc Chất, thân phụ của ông Thu, kể lại trong những ngày đói kém năm 1979, có người trả giá bộ trường kỷ tới 30 cây vàng nhưng ông nhất quyết không bán.

Ông Nguyễn Hùng, trưởng phòng kế hoạch - hành chính Bảo tàng tỉnh Bến Tre, cho biết: tháng 11-2010 ngôi nhà đã được Cục Di sản văn hóa thẩm tra đưa vào hồ sơ xét duyệt di tích cấp quốc gia, sau đó sẽ được địa phương đầu tư kinh phí trùng tu, bảo tồn để tạo thành điểm tham quan du lịch.

Phóng to

Bên trong nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, đồ đạc nội thất vẫn giữ nguyên như trăm năm trước

Ván bài lật ngửa

Quyển tiểu thuyết tình báo Ván bài lật ngửa của Nguyễn Trương Thiên Lý (một bút danh của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng) được đạo diễn Khôi Nguyên dựng thành bộ phim cùng tên năm 1985 đã thu hút người xem bởi tính hấp dẫn ly kỳ. Một phần bối cảnh bộ phim được quay tại ngôi nhà cổ nằm trên bờ sông Bến Tre (đường Hùng Vương, phường 3, TP Bến Tre).

Tọa lạc trong khuôn viên rộng đến 1,4ha, ngôi nhà kiểu dinh thự Pháp với một trệt một lầu, bốn mặt bốn hướng, vòm cửa hình bán nguyệt, chân tường rào ốp đá da quy này được xây dựng khoảng năm 1876-1878, từng là dinh tham biện (thời Pháp), dinh tỉnh trưởng chính quyền Sài Gòn (1954-1975), trụ sở ủy ban quân quản (sau ngày 30-4-1975) và hiện là Bảo tàng Bến Tre.

Theo ông Nguyễn Hùng, năm 2010 ngôi nhà này đã được đăng ký vào danh mục xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Ngoài giá trị của một kiến trúc cổ, ngôi nhà còn là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử của quê hương Đồng khởi. Đây là cơ sở nội tuyến bí mật in ấn tài liệu vào năm 1938 theo sự chỉ đạo của bí thư tỉnh ủy Phạm Thái Bường; đồng thời gắn với cuộc đời hoạt động bí mật của đại tá Phạm Ngọc Thảo, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một cán bộ tình báo chiến lược được Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo giữ những vị trí trọng yếu trong chế độ Sài Gòn.

Năm 1952-1953, ông Phạm Ngọc Thảo là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 410 (thuộc trung đoàn chủ lực Tây Đô), sau năm 1954, dưới cái mác “đứa con nuôi vị giám mục” (Ngô Đình Thục), ông len lỏi vào hàng ngũ địch, tạo thế thân cận với gia đình họ Ngô, được phong hàm thiếu tá phục vụ trong phủ thủ tướng. Năm 1960-1962, ông được chính quyền Sài Gòn bổ nhiệm tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre ngày nay).

Anh hùng Phạm Ngọc Thảo là một trong những nhân vật quan trọng tác động tới cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963 và hai cuộc đảo chính lật đổ Nguyễn Khánh ngày 13-9-1964 và 19-2-1965. Ông hi sinh ngày 7-7-1965.

Ngôi nhà cổ trong bộ phim Ván bài lật ngửa chính là nơi làm việc của “tỉnh trưởng” Kiến Hòa Phạm Ngọc Thảo.

Phóng to

Mặt tiền nhà cổ Hương Liêm đã xuống cấp...

Bảo tồn nhà cổ

Qua bến phà Đình Khao, đi đến xã Bình Hòa Phước (Vĩnh Long), hỏi thăm nhà cổ ông Cai Cường ai cũng biết. Ngôi nhà nằm trên rạch Cái Muối, vẫn giữ được kiến trúc cổ, bên trong vật dụng từ ngày xưa còn gần như nguyên vẹn mặc dù nhà được xây dựng cách đây 125 năm (1885).

Ông Võ Huỳnh Long, chủ nhà hiện tại, cho biết: “Nhờ công ty du lịch tỉnh đầu tư sửa chữa rồi thuê lại khai thác du lịch từ hơn 10 năm qua nên nhà cổ được bảo tồn”. Ông Long cũng cho biết dù giá thuê nhà hiện đã tăng lên 4 triệu đồng/tháng, nhưng do cuộc sống gia đình đang gặp khó khăn, có thể ông buộc phải tận dụng khoảng sân trước nhà cho thuê làm lò sấy nhãn dù biết sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới cảnh quan, không gian nhà cổ.

Ở Long An, ngôi nhà trăm cột của ông Trần Văn Hoa xây dựng từ năm 1898 (ấp Trung, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) có kiến trúc độc đáo của nhà rường Nam bộ, ba gian hai chái, với 120 cột được bố trí khung sườn theo kiểu bát trụ, mỗi hàng cột đúng 10 cây, 12 hàng dàn hàng ngang đều nhau. Nhà trăm cột đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1997.

Tuy nhiên ngôi nhà hiện đang bị lấn chiếm bởi những người hàng xóm nạo vét ao mương để nuôi tôm. Dù tỉnh đã có văn bản chỉ đạo xử lý nhưng xã vẫn chưa giải quyết. Trong khi đó, gia đình bà Trần Thị Ngỏ - chủ thừa kế ngôi nhà - hiện đang sống rất khó khăn nhờ vào đồng lương hưu và số tiền ít ỏi tùy lòng hảo tâm của khách tham quan.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh, phó giám đốc Bảo tàng Vĩnh Long, cho biết việc bảo tồn nhà cổ đã được ngành bảo tàng đặt ra từ nhiều năm nay. Kinh nghiệm cho thấy nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước thì nhà cổ được trùng tu, giữ gìn rất tốt. Ngoài ra, một số người có thú chơi nhà cổ sưu tầm nhà cũ về làm mới cũng là nguồn lực bảo tồn vốn quý này.

Tuy nhiên, đa số chủ nhân thừa kế nhà cổ hiện đều gặp khó khăn trong cuộc sống nên không đủ khả năng sửa chữa.

Chưa kể có nhà là đồng sở hữu thừa kế của nhiều người nên còn tranh chấp, nhà nước muốn đầu tư sửa chữa làm du lịch cũng khó. Hiện nay, mô hình hợp tác của công ty du lịch tỉnh với các chủ nhân nhà cổ đưa vào tour tham quan, kết hợp thăm thú sông nước miền Tây được coi là khá thành công. Nếu được nhân rộng mô hình, có hỗ trợ tốt hơn về giá thuê nhà, được chủ nhà đồng thuận thì nhà cổ có khả năng được bảo tồn lâu dài.

Ông Nguyễn Hùng chia sẻ kinh nghiệm: “Đối với nhà cổ Hương Liêm, khi thấy nhà xuống cấp, chúng tôi đã chủ động hỗ trợ gia đình kinh phí sửa chữa chỗ lún sụt, giặm vá mái ngói, chống mối mọt định kỳ. Khi vận động xếp hạng di tích, phục vụ du lịch, chúng tôi đã bàn trên tinh thần có lợi trước là cho chủ nhà.

Cả gia đình được hỗ trợ kinh phí cất nhà ở kế bên, kinh phí trùng tu do Nhà nước lo, gia đình vẫn là chủ sở hữu ngôi nhà và được giao gìn giữ nhà kiêm luôn hướng dẫn, thuyết minh khách tham quan. Gia đình yên tâm và vui vẻ nhận lời”.

Phóng to

Nhà trăm cột ở Cần Đước, Long An - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận