Nơi lòng đất cất lên tiếng nói

QUỐC THANH - MINH QUANG 15/11/2010 00:11 GMT+7

TTCT - Có đặt chân đến Bảo tàng Địa chất VN mới cảm nhận được sâu sắc hơn câu nói đã gieo vào lòng mỗi người dân Việt từ thuở nhỏ - “rừng vàng biển bạc”. Không chỉ dựng lên diện mạo của ngành địa chất VN, nơi đây còn gợi nên cả những suy tư về sự giàu có, phong phú về tài nguyên khoáng sản của đất nước...

Phóng to
Giới thiệu mẫu khoáng sản trong Bảo tàng Địa chất Việt Nam - Ảnh: Quốc Thanh

Nằm ngay phía sau Nhà hát lớn Hà Nội và được người Pháp xây dựng từ năm 1914, Bảo tàng Địa chất VN là một trong những bảo tàng được xây dựng sớm nhất trong hệ thống bảo tàng hiện nay ở VN.

TS La Thế Phúc - giám đốc Bảo tàng Địa chất VN - không giấu vẻ tự hào khi khẳng định đây là một bảo tàng chuyên ngành khoa học về địa chất lớn nhất ở VN, có vị thế đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản lưu trữ, trưng bày và tuyên truyền giáo dục cộng đồng về khoa học trái đất, về tài nguyên địa chất và khoáng sản VN cũng như lịch sử tiến hóa của chúng.

Trở về thế giới cổ xưa

Bảo tàng Địa chất (BTĐC) VN được hình thành và phát triển trong ba giai đoạn, trước năm 1954, 1954-1975 và từ năm 1975 đến nay.

Năm 1898, sau khi thành lập Sở Địa chất Đông Dương, hai nhà địa chất Pháp là Lantenois H. và Mansuy H. được giao nhiệm vụ xây dựng BTĐC. Năm 1914, tòa nhà BTĐC được xây dựng tại vị trí hiện nay, trưng bày mẫu vật trên lãnh thổ Việt Nam cũng như ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia). Đến năm 1928, bảo tàng có khoảng 5.000 mẫu, gồm các loại mẫu đá, quặng, hóa thạch và các mẫu khảo cổ.

Năm 1954, do hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, một số lớn mẫu vật bị chuyển vào miền Nam, sau đó trở thành cơ sở 2 của BTĐC. Từ năm 1991 đến nay, BTĐC được xếp hạng là bảo tàng cấp quốc gia và đang được quy hoạch phát triển thành hệ thống BTĐC trong hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên VN.

Hướng dẫn viên Ngô Ngọc Tú cho biết bảo tàng có khoảng 40.000 mẫu vật được lưu giữ và trưng bày trong diện tích hơn 12.000m2 theo ba chủ đề, gồm “Lịch sử địa chất VN và hành tinh của chúng ta”, “Địa chất và khoáng sản VN” và các sưu tập chuyên đề.

Khách tham quan muốn chiêm ngưỡng hết những tinh túy của thế giới địa chất khoáng sản nằm sâu trong lòng đất VN phải dành cả một ngày để xem hết hàng chục ngàn mẫu vật mang theo ngồn ngộn những thông tin giới thiệu thành quả của khoa học địa chất, về cổ sinh vật (các hóa thạch), khoáng vật, quặng, đá, đá quý... có mặt ở khắp nơi, từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng đến cao nguyên.

Những mẫu vật cổ, quý hiếm nhất được tìm thấy ở VN có thể giúp quay ngược thời gian về hàng trăm, hàng nghìn triệu năm trước. Những mẫu đá có tuổi (địa chất) cổ nhất hình thành từ cách đây 4.500 triệu năm, được tìm thấy ở khu vực Kon Tum; những mẫu đá trẻ hơn có cách đây 2.600 triệu năm có số lượng nhiều hơn được tìm thấy ở khu vực đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, đủ để hình dung về mặt bằng địa chất VN qua các thời đại cơ bản của ngành địa chất.

Ở khu trưng bày mẫu cổ sinh vật, những mẫu vật địa chất, mẫu hóa thạch đã khẳng định VN từ nhiều triệu năm trước là một thế giới tự nhiên đầy sức sống.

Những bộ sưu tập của các nhà địa chất Pháp như Dussault, Deprat, Mansuy, Zeiller, Lantenois, Jacob... thu thập được tại VN, Lào, Campuchia và Vân Nam (Trung Quốc) đầy những hóa thạch quý giá như phần đầu của xương đùi khủng long được tìm thấy trong trầm tích ở Mường Phalan (Lào) với tuổi địa chất được xác định là thuộc kỷ Creta thượng (kỷ địa chất dài nhất trong đại Trung Sinh) cách đây đã nhiều triệu năm, hay hàm răng tê giác được tìm thấy ở Hang Mon (Sơn La).

Những hóa thạch này có thể khẳng định nhiều triệu năm trước, trên dải đất cong cong hình chữ S này đã xuất hiện hàng loạt cổ động vật quý hiếm. Cũng có thể nghiên cứu kỹ những sinh vật biển từ cả triệu năm trước qua nhiều mẫu vật như bộ mẫu cá Devon (khoảng 400 triệu năm trước) được đánh giá là khá phong phú với nhiều giống và loài mới - một trong những mẫu vật là tâm điểm gây chú ý không chỉ với những nhà địa chất...

Đáng quý hơn cả là mẫu hóa thạch cúc đá (Ammonoidea) - mẫu vật độc đáo ở chỗ lần đầu tìm thấy và xác lập loài mới ở VN, cũng là mẫu vật có kích thước lớn nhất được tìm thấy trong trầm tích Jura hạ (một kỷ trong niên đại địa chất kéo dài từ khoảng 200 triệu năm trước) ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Lòng đất Việt thu nhỏ

Khu trưng bày về địa chất khoáng sản VN là cả một thế giới bí ẩn dưới lòng đất Việt được thu nhỏ, gần như tái hiện toàn bộ những gì ẩn sâu dưới lòng đất mà các nhà địa chất xác định được.

Hầu hết các mỏ khoáng sản lớn của VN được xác định đều có mặt ở bảo tàng như sắt Thạch Khê, đồng Sinh Quyền, chì, kẽm... Các nhà địa chất đã phát hiện được khoảng 5.000 điểm quặng, khảo sát thăm dò gần 60 loại khoáng sản, lấy mẫu vật và đưa về đây trưng bày, minh chứng sống động cho sự phong phú, đa dạng của khoáng sản VN.

Khi bên ngoài bảo tàng dư luận đang đặt sự quan tâm rất lớn đối với việc khai thác bôxit thì ngay trong bảo tàng, những mẫu đất đá màu đỏ này cũng được đặt ở một vị trí đặc biệt, ghi dấu một hành trình tìm kiếm bôxit nhiều năm với những mẫu vật lấy được từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang đến Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum...

Cũng kết quả khảo sát, thăm dò đã cho biết bôxit ở VN hiện diện trên diện tích hơn 18.000km2. Quặng bôxit trong trầm tích Permi ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lỗ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp đã được thăm dò từ trước và trong những năm 1960. Hàng loạt vùng quặng bôxit laterit từ đá bazan neogen ở Bản Tấu (Điện Biên), Đắk Nông, Sông Bé, Bù Na, Bảo Lộc, Măng Đen, Vân Hòa, bắc Quảng Ngãi cũng đã được phát hiện và mang về. Riêng bôxit laterit từ đá bazan ở Tây nguyên đã được thăm dò có trữ lượng lớn.

Nằm khiêm tốn phía cuối phòng trưng bày, những mẫu vật đất hiếm Nậm Xe, Đông Pao, Yên Phú... có một sức hút lạ kỳ với nhiều khách tham quan, nhất là khi câu chuyện đất hiếm đang “nóng” lên mỗi ngày. Tâm điểm của các nhà tiêu thụ nguyên tố hiếm đang đặt vào một số quốc gia, trong đó có VN. Với tài nguyên dự báo vào loại lớn trên thế giới, tiềm năng đất hiếm VN đang được đánh thức với hi vọng sẽ đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ quốc gia.

Tất cả sự giàu có ấy không chỉ mang lại niềm tự hào. Cũng như băn khoăn của TS La Thế Phúc, giữa câu chuyện đánh giá, thăm dò và câu chuyện khai thác bền vững, đưa ngành công nghiệp khai khoáng của VN phát triển vẫn có một độ chênh cam go. Bởi kết thúc một hành trình tìm kiếm tài nguyên khoáng sản công phu với những tin tức tốt lành về trữ lượng cũng chính là mở ra nỗi lo lắng lớn hơn là làm thế nào khai thác hợp lý, chế biến, sử dụng một cách có ích, đúng lúc, phục vụ nhu cầu của nhân dân và phát triển bền vững kinh tế đất nước...

Phóng to
Mẫu bôxit trưng bày tại Bảo tàng Địa chất Việt Nam chi nhánh TP.HCM - Ảnh: C.P.

Tổng hợp trữ lượng đã xác định và tài nguyên dự báo một số khoáng sản của VN cho thấy một số loại khoáng sản có tiềm năng rất lớn:

Titan: Số liệu đánh giá năm 2009 xác định trữ lượng 14 triệu tấn, tài nguyên dự báo là 34,5 triệu tấn.

Bôxit: trữ lượng đã xác định là 4,4 tỉ tấn, tài nguyên dự báo 7,1 tỉ tấn.

Sắt: Trữ lượng xác định là 1,2 tỉ tấn, tài nguyên dự báo 3,5 tỉ tấn.

Than (than antraxit, than bùn và các loại than khác): Trữ lượng xác định là 4,9 tỉ tấn, tài nguyên dự báo 11,4 tỉ tấn. Riêng khu vực đồng bằng sông Hồng được xác định trữ lượng than hơn 166 triệu tấn, dự báo có trên 202 tỉ tấn.

Cát trắng: các mỏ phân bố ở nhiều tỉnh ven biển Bắc bộ và Trung bộ, được đánh giá là rất lớn nhưng mức độ điều tra còn hạn chế. Tổng trữ lượng của 13 mỏ đã thăm dò hơn 120 triệu tấn, còn tài nguyên dự báo lên đến 3 tỉ tấn.

Đá hoa trắng: phân bố tập trung tại Nghệ An và Yên Bái. Chỉ thăm dò ở hơn 65 mỏ đã xác định trữ lượng đạt gần 190 triệu m3, đủ điều kiện sản xuất đá ốp lát và hơn 1 tỉ tấn làm bột canxi cacbonat, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp khai khoáng.

Đất hiếm, apatit, đá vôi ximăng được các nhà địa chất đánh giá là có tiềm năng lớn, đã xác định được một phần trữ lượng.

Ngoài ra, kết quả khảo sát đã ghi nhận khoảng 400 nguồn nước khoáng - nước nóng, trong đó có khoảng 30 nguồn dưới 300C làm nước khoáng, còn lại là các nguồn nước trên 300C, một số nguồn có nhiệt độ trên 1000C có thể khai thác làm nhà máy điện địa nhiệt.

Phóng to
Mẫu quặng fluorit - baryt - đất hiếm ở Đông Pao (Lai Châu) - Ảnh: Quốc Thanh
Phóng to
Mẫu vàng thạch anh - Ảnh: H.T.V.

--------------------------

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Trở lại khu mỏ cũ
Kỳ 2: Đẩy nhanh tiến độ thăm dò đất hiếm
Kỳ 3: Vươn tới ngành công nghiệp chủ lực
Làm chủ công nghệ chế biến đất hiếm

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận