Điêu khắc Sài Gòn - Hà Nội

NGUYỄN QUÂN 13/09/2010 04:09 GMT+7

TTCT - Triển lãm “Điêu khắc Sài Gòn - Hà Nội” (*) gợi nhớ triển lãm “Không gian mới” cách đây 10 năm của các nhà điêu khắc hai thành phố, được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) và sau đó tại Nhà triển lãm TP.HCM.

Phóng to

Dơi - Trần Việt Hưng

Với tôi, điêu khắc hiện đại Việt Nam chỉ hình thành “đầy đủ” từ thập niên 1990. Mặc dù có một truyền thống điêu khắc vô cùng rực rỡ suốt 2.000 năm với điêu khắc Chăm, điêu khắc đình chùa Bắc bộ, điêu khắc Tây nguyên, Khmer Nam bộ..., môn nghệ thuật này gần như đã “ngủ đông” suốt thế kỷ 20.

Nếu như giao thoa với nghệ thuật Pháp và Liên Xô đã thúc đẩy hội họa bừng nở thì lại chỉ sinh ra một dạng điêu khắc tả thực yếu ớt và một ngôn ngữ tượng đài “hình hộp” khoa trương, hời hợt. Những nỗ lực cá nhân của Lê Thành Nhơn, Mai Chửng ở Sài Gòn trước đây hay Lê Công Thành, Nguyễn Hải ở Hà Nội những năm 1970-1980 không đủ làm nên một trào lưu tư tưởng.

Phải đến thập kỷ cuối thế kỷ 20 mới xuất hiện cả một thế hệ điêu khắc hiện đại, đông đảo và hoạt động sôi nổi ở hai trung tâm nghệ thuật của đất nước. Mười năm qua ta được thưởng thức hàng loạt triển lãm và sự kiện điêu khắc thú vị, trong đó quan trọng là triển lãm của các tác giả “nhóm Bùi Hải Sơn” ở Sài Gòn và “nhóm Đào Châu Hải” ở Hà Nội như tại triển lãm này.

Tuy mỗi tác giả đều có phong vị riêng, tiếng nói riêng nhưng có lẽ cũng có những mối quan tâm chung kết nối họ với nhau. Các tác giả Hà Nội có vẻ tự sự tế nhị, duy mỹ, nghiền ngẫm về hình khối và những hàm ý lặn sâu sau hình ảnh thị giác chắt lọc. Trong khi đó các tác giả Sài Gòn bộc trực hơn, chấp chới giữa ý và hình.

Điêu khắc đến gần với design và không gian kiến trúc. Điêu khắc hiện đại muốn can thiệp trực tiếp vào thế giới đồ vật và không gian đô thị. Nó là để ngắm nhìn, thưởng thức nhưng cũng là để tương tác và thay đổi môi trường.

Nghệ thuật không chỉ phản ánh tâm tình và xã hội mà còn phản biện và biến đổi chúng. Đó cũng chính là khát khao và day dứt của người làm nghệ thuật hôm nay, trong thời kỳ đô thị hóa ào ạt như ở hai thành phố lớn nhất nước này. Nghệ thuật không được sống trong đô thị, không có đất đứng chân trong thành phố!

Chúng tôi từng ước mong dải dọc kênh Nhiêu Lộc sẽ trở thành một chuỗi cườm nghệ thuật trên cơ thể đô thị Sài Gòn với khoảng không gian xanh - văn hóa nghệ thuật dành cho người dân.

Không gian đô thị đang tràn ngập các công thự, công trường, tượng đài, lễ lạt... Mặt khác, không gian đô thị cũng đang được thương mại hóa với quảng cáo, văn phòng, các chiến dịch khuyến mãi và các sự kiện tiếp thị... Có cách nào để văn hóa hóa không gian sống của chúng ta? Nghệ thuật, trong đó có điêu khắc, có thể và cần phải làm điều đó. Nó tùy thuộc nhận thức và quyết tâm của cả bốn bên: chính quyền - doanh nghiệp - nghệ sĩ và dân chúng.

Triển lãm này còn thú vị vì nó đặt ra các câu hỏi thiết thực như trên.

Phóng to
Bay lên từ đây - Trần Trọng Tri
Phóng to

Phôi 2 - Bùi Hải Sơn

Phóng to

Nhịp sống - Trần Mai Quốc Khánh

Phóng to

Cong - Nguyễn Hoài Huyền Vũ

__________

(*) Từ ngày 4 đến 18-9 tại nhà triển lãm Đại học Mỹ thuật TP.HCM (5 Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh), với 30 tác phẩm của 15 tác giả gồm: Vĩnh Đô, Đào Châu Hải, Trần Việt Hưng, Trần Mai Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Lâm, Hoàng Tường Minh, Trần Thanh Nam, Phan Phương, Vũ Quang Sáng, Bùi Hải Sơn, Nguyễn Xuân Tiên, Trần Trọng Tri, Khổng Đỗ Tuyển, Lương Văn Việt, Nguyễn Hoài Huyền Vũ. Triển lãm được tổ chức thường kỳ hai năm/lần, luân phiên giữa Hà Nội và TP.HCM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận