Bùn và vàng mã

SÔNG NHUỆ 12/09/2010 07:09 GMT+7

TTCT - Ở giữa phố Hà Nội, đôi khi chúng tôi thấy một đống bùn lớn giữa đường của một ôtô tải nào đó đổ trộm trong đêm. Trời mưa, đống bùn đó nhanh chóng làm lầy lội cả con đường dài, trời nắng thì bụi bốc lên mịt mù cho đến hàng tuần sau.

Sự việc này tuy không phổ biến nhưng cũng không hiếm. Nhưng đến vụ nhiều ôtô tải đổ bùn thải vào nghĩa trang Đồng Trưa, Dương Nội, Hà Đông vừa qua thì người ta phải nhìn nhận vấn đề theo một cách khác.

Ảnh: Như Hùng

Đổ trộm phế thải, xét cho cùng mục đích chỉ là tiết kiệm tiền vận chuyển của một công ty hoặc của lái xe. Nhưng việc đó phổ biến đến nỗi chúng ta thường ít quan tâm hoặc kêu ca chút ít.

Nhà này dắt chó sang cửa nhà khác phóng uế, nhà khác lại đổ rác trước cửa nhà nọ, rồi một đống rác bất ngờ hình thành ở đâu đó ngoài đường, ngoài nơi công cộng của xóm, chỉ vài ngày sau nó trở thành một đống rác không có khả năng giải tỏa được nữa. Có khi là vài ba năm mới kết thúc được một đống rác.

Ở nông thôn, xe chở đất, vật liệu xây dựng vẫn vô tư phun bụi ra mọi con đường làng, và đổ phế thải ra mọi chỗ nào có thể đổ được. Tóm lại là ý thức về môi trường hầu như không có trong rất nhiều người dân.

Tuy vậy, ý thức về mồ mả tổ tiên, cha ông thì có thể khẳng định rất chắc chắn trong mỗi người, dù họ là ai. Nếu bạn đến một nghĩa trang, không thiếu cảnh người này thắp hương cho vong linh gia đình mình và cũng không quên thắp thêm mấy nén nhang cho những ngôi mộ bên cạnh. Không ai dám giẫm lên mộ nhà ai dù đường đi rất chật.

Đó là một tín ngưỡng ăn sâu vào lòng mỗi con người, tất nhiên không chỉ người Việt mà người phương Tây, người phương Đông nói chung cũng thế.

Thời phong kiến, khi hai thế lực đánh nhau, việc đầu tiên họ quan tâm là triệt phá lăng mộ cha ông của đối phương. Không phải vì họ thích thế, mà vì họ muốn triệt những thế lực huyền bí phù trợ cho đối thủ của họ. Sau khi giành thắng lợi, họ thường thu nhặt di hài, di vật của đối phương vào một miếu thờ nhất định, cũng không quên trấn yểm để đối phương không ngóc đầu dậy trả thù được nữa.

Điều này từng xảy ra ở thời Trần, quân Nguyên luôn tìm tòi lăng mộ các vua Trần, khiến nhà Trần phải phân tán và giấu các mộ phần từ Thái Bình đến Quảng Ninh. Thời Nguyễn, Gia Long cũng có đợt thanh trừng mộ phần Tây Sơn như vậy.

Nhưng đồng thời chế độ phong kiến cũng rất nghiêm khắc về tội phá hủy lăng miếu của người khác. Tín ngưỡng này thật sự được nâng lên mức tôn giáo.

Câu chuyện hôm qua có lẽ nguyên nhân của nó là sự thờ ơ, tính thực dụng của con người hôm nay, và nó lại phát triển cùng với sự dị đoan thái quá hiện thời.

Có lẽ chúng ta phải nhìn thấy việc đốt vàng mã tới 400 tỉ đồng cho một lễ Vu lan là mặt bên kia của việc đổ bùn thải vào nghĩa trang, và biết đâu anh chàng lái xe đổ bùn xong lại chẳng về nghiêm trang chiêm bái cửa Phật.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận