Bảo tồn cố đô Huế: 2.300 tỉ đồng

MINH TỰ - THÁI LỘC 12/09/2010 22:09 GMT+7

TTCT - Giữa tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt khoản đầu tư 2.300 tỉ đồng với mục tiêu hoàn thiện bảo tồn tổng thể di tích cố đô Huế vào năm 2020. Đó vừa là tin vui cho Huế, vừa là nỗi lo của nhiều người yêu mến những di sản có một không hai nơi này.

Bởi không ít bài học bảo tồn cho thấy có những bảo vật lịch sử đã vĩnh viễn mất đi chỉ vì một tác động không chính xác.

Phóng to
Lăng Khải Định được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành Huế - Ảnh: Trọng Chính

Phóng to
Kinh thành Huế bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Trong ảnh: bom nổ ngay trong kinh thành Huế - Tết Mậu Thân 1968 - Ảnh tư liệu

Có thể lấy năm 1981 là mốc khởi đầu cho hành trình hồi sinh của quần thể di tích cố đô Huế (bao gồm kinh thành Huế, các lăng vua triều Nguyễn, các kiến trúc liên quan cung đình và cố đô, cảnh quan cấu thành di tích), khi UNESCO phát lời kêu gọi cả thế giới cùng cứu vãn Huế, lúc đó đang trong cảnh đổ nát, hoang tàn do chiến tranh và thời gian tàn phá. Đến nay cũng đã 30 năm, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế và trong nước đã kịp thời cứu nhiều di sản, báu vật cung đình Huế, nhưng cũng không ít hiện vật quý hiếm đã mất đi trong quá trình cứu vãn ấy.

Khi vào thăm khu di tích hoàng thành, du khách thường được đưa đến xem sa bàn đặt ở phía sau điện Thái Hòa, thể hiện toàn bộ khu di tích như đã tồn tại trong quá khứ. Nhiều người không khỏi sửng sốt khi biết Hoàng thành Huế từng là một quần thể kiến trúc với hơn 100 công trình đa dạng, gồm cung điện, lâu đài, đình tạ, vườn cây, hồ nước… nối tiếp nhau phong phú mà ngày nay chỉ còn một phần nhỏ.

Cả thế giới cùng cứu di tích Huế

Năm 1980, Bộ Văn hóa cử KTS Hoàng Đạo Kính làm chuyên gia đặc trách theo dõi việc khôi phục di tích Huế. Cùng với KTS Pierre Richard, chuyên gia do UNESCO cử sang Huế, ông Kính bắt đầu thiết lập chương trình khôi phục.

“Khu di tích cố đô Huế lúc ấy ở trong tình trạng cực kỳ tồi tệ, đi đến đâu cũng thấy sự đổ nát, hoang phế. Di tích chưa bị đổ nát thì được trưng dụng cho đủ thứ mục đích khác, trong khi việc cứu vãn thì rất mờ mịt” - KTS Hoàng Đạo Kính hồi tưởng. Cung Diên Thọ, cung Trường Sanh bị ngăn phòng làm nơi ở, đàn Nam Giao trở thành đài liệt sĩ, Trai cung thành kho lương thực, phần lớn các di tích trở thành rẫy trồng sắn khoai. Trong vòng ba tháng điều tra, với sự giúp đỡ của đồng nghiệp VN, KTS Pierre Richard đã hoàn tất bản tường trình chi tiết về di tích Huế.

Phóng to
Khu vực Tử Cấm Thành vốn là nơi toà ngang dãy dọc cung điện , giờ vẫn còn là bãi đất hoang. Ảnh: Thái Lộc

Nhận được bản tường trình từ Huế, một phái đoàn do UNESCO - dẫn đầu đã đến Huế. Ngay sau đó, tháng 11-1981, lời kêu gọi của tổng giám đốc UNESCO -ông Amadou Mahtar M'Bow- với cả thế giới đã được phát đi: “Huế phải được cứu vãn, cứu vãn cho VN, mà Huế là một cao điểm thể hiện bản sắc dân tộc; và cứu vãn cho thế giới, vì Huế cũng là một bộ phận không thể tách rời của di sản văn hóa nhân loại”.

Đấy chính là một dấu mốc đậm nét trong hành trình hồi sinh của di tích Huế. Từ đây, di tích Huế đã được cả thế giới chú ý, và cuộc hồi sinh khu di tích Huế được xác định là một công việc khẩn thiết. Ngay sau lời kêu gọi này, 5 triệu USD từ nhiều nhà tài trợ và nguồn đầu tư trong nước đã đổ về Huế.

Năm 1983, Luận chứng kinh tế kỹ thuật trùng tu di tích Huế được phê duyệt. Một thập niên sau, năm 1993, di tích Huế chính thức được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới, được nâng tầm tương xứng với vị thế là di sản nhân loại đầu tiên của VN bởi đó là một quần thể rất lớn, không chỉ có di tích kiến trúc mà còn bao hàm cảnh quan, sông ngòi, đầm phá, núi non… bao quanh di tích.

Năm 1996, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế đến năm 2010 được Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư 720 tỉ đồng nhằm bảo tồn di tích Huế trên cả ba giá trị: vật thể, phi vật thể và cảnh quan di tích. Năm 1997, di tích Huế được trưởng đại diện châu Á của UNESCO đánh giá đã vượt qua “giai đoạn cứu nguy khẩn cấp” để bước vào “thời kỳ ổn định và phát triển”.

Phóng to
Ngọ môn về đêm - Ảnh: Thái Lộc

15 năm và “một cây cầu nhỏ”

Sau 15 năm thực hiện dự án này (1996-2010), ông Phan Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết gần 100 hạng mục công trình lớn nhỏ đã được bảo tồn, trùng tu, phục hồi từ hoang tàn, đổ nát. Kinh thành Huế về cơ bản được trả lại diện mạo xưa với mười cửa thành được phục hồi. Khu hoàng thành với Thế miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, nhà hát Duyệt Thị Đường, trường lang Tử Cấm Thành... được trùng tu hoàn chỉnh. Các lăng vua như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... đã và đang được trùng tu hoặc phê duyệt dự án phục hồi hoàn chỉnh. Hạ tầng khu vực hoàng thành và các lăng tẩm cũng được đầu tư phục hồi, một số cảnh quan được khôi phục khiến diện mạo các khu di tích về cơ bản không còn cảnh đổ nát như xưa.

Nhiều di sản phi vật thể gắn liền cung đình Huế cũng đã được phục hồi và phát huy giá trị. Năm 2003, nhã nhạc - âm nhạc cung đình Huế - được UNESCO tôn vinh là di sản phi vật thể của nhân loại, tạo nên một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tầm vóc và sự phong phú, toàn diện của di sản văn hóa Huế trên cả hai lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể.

Chương trình hành động quốc gia bảo tồn nhã nhạc cung đình Huế được đề ra và thực hiện với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhiều tổ chức trong nước, quốc tế. Những bài bản nhã nhạc, các điệu múa cung đình, tuồng cung đình được lập hồ sơ khoa học, đầu tư nghiên cứu, phục hồi. Một số lễ nghi quan trọng của triều Nguyễn như tế giao, tế xã tắc, tế miếu... được tái hiện. Điều quan trọng hơn, theo ông Phan Thanh Hải, quá trình trùng tu đã mang lại một đội ngũ nhân lực được đào tạo khá bài bản và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tuy vậy, trong hành trình dựng lại di tích Huế từ đống đổ nát thành hình hài như hôm nay, ông Phùng Phu - giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế - thừa nhận vẫn có tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” cả về mặt nhận thức đối với di tích Huế cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, khoa học trong quá trình khôi phục di tích.

Theo ông Phan Thanh Hải, các dự án trùng tu di tích vẫn áp dụng đơn giá như xây dựng cơ bản, đầu tư cho nghiên cứu khoa học chiếm phần rất nhỏ, chỉ 4-5%, thậm chí 1% trong tổng dự án đầu tư; trong khi tỉ lệ này ở Nhật Bản có thể lên đến 30-40%. Hiện nay, một dự án trùng tu từ khi thiết lập đến khi triển khai trên thực tế mất khoảng hai năm, qua rất nhiều khâu, từ UBND tỉnh ký, Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Tài chính thẩm định, đưa lên Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch... Phải lòng vòng, xuôi ngược nhiều lần, các con số trong dự án cứ teo tóp dần.

Trong vòng 15 năm qua (kể từ năm 1996), dù được phê duyệt 720 tỉ đồng trong tình trạng trượt giá của đồng tiền VN, nhưng tổng mức đầu tư cho di tích Huế cũng chỉ thực hiện trong khoảng 400 tỉ đồng, chủ yếu lấy từ nguồn thu bán vé tham quan di tích, một phần từ ngân sách và tài trợ. “Khi báo cáo 15 năm của trung tâm đưa lên Bộ Kế hoạch - đầu tư, các chuyên viên ở đây nói họ tưởng đầu tư cho di sản Huế lớn lắm, hóa ra chỉ bằng một cây cầu nho nhỏ hay bằng mấy kilômet đường giao thông thôi!” - ông Phan Thanh Hải kể.

Phóng to
Nội thất Hữu Tùng tự (lăng Đồng Khánh) năm 2010 vẫn phải giằng chống sụp đổ như thế này - Ảnh: Thái Lộc

Mười năm và mỗi ngày

Giữa tháng 6-2010, Chính phủ phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 2010-2020, với mục tiêu hoàn thiện tổng thể di tích Huế, bao gồm cả di tích vật thể, phi vật thể lẫn cảnh quan quanh di tích vào năm 2020, vốn đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng. Theo ông Phùng Phu, giai đoạn này sẽ có nhiều thuận lợi bởi được thừa kế những kết quả và kinh nghiệm đạt được của 15 năm qua, bởi: “Bây giờ không thể có chuyện tu bổ cấp thiết nữa, mà phải có khoa học đáp ứng tiêu chuẩn của quốc tế ”. Ông Phu hi vọng khi kết thúc dự án vào năm 2020, di tích Huế sẽ trở thành một mũi nhọn kinh tế, tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách tỉnh.

Tuy nhiên, ông Phan Thanh Hải cho rằng trong mười năm tới không thể hoàn thiện được việc trùng tu - phục hồi các di tích mà chỉ có thể hoàn thành cơ bản và tương đối ổn định cho toàn bộ khu di sản. Bao gồm phục hồi một ngôi điện tiêu biểu như điện Cần Chánh, một vườn thượng uyển tiêu biểu như Thiệu Phương, hệ thống sản xuất thủ công truyền thống như phủ Nội Vụ, phục hồi Văn Thánh, Võ Thánh, trùng tu các lăng, hoàn thành giải tỏa dân cư và quy hoạch chi tiết khu vực di tích - di sản, điều tra, thống kê lại các tài sản văn hóa phi vật thể của cung đình Huế, nghiên cứu cơ bản phần tài sản phi vật thể.

GS.TS-KTS Hoàng Đạo Kính lại cho rằng đừng nên đặt mốc thời gian cụ thể cho việc hoàn thành trùng tu di tích Huế, bởi “di tích tựa như người già, phải chăm sóc thường xuyên và không bao giờ dứt. Di tích Huế phần lớn bằng gỗ, do đó không thể cải lão hoàn đồng tức thì mà cần sự chăm sóc hàng ngày hàng giờ đúng lúc, đúng chỗ, với phương châm bảo quản còn hơn là tu sửa, tu sửa nhỏ còn hơn là tu sửa lớn, tu sửa lớn còn hơn là khôi phục từ đổ nát”.

Gần 20 năm gắn bó với cuộc trùng tu di tích Huế, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, đã chuyển công tác đến một viện nghiên cứu ở Đà Nẵng vẫn không nguôi quên những được - mất từ việc trùng tu di tích Huế.

Phóng to
TS Trần Đức Anh Sơn
Phóng to
Hầu hết thợ trùng tu di tích Huế từ các tỉnh phía Bắc vào (nhà thầu thi công là một đơn vị của Bộ Xây dựng) - Ảnh: Thái Lộc

* Từng tham gia trùng tu di tích Huế trong nhiều năm, ông thấy có những gì được và mất của di tích Huế?

- Quần thể di tích Huế được hồi sinh như hôm nay là kết quả nỗ lực rất lớn của chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế. Nhưng cũng có những việc chưa được khiến giới chuyên môn không an tâm, báo chí và dư luận từng phản ứng. Cụ thể như về tiến độ trùng tu di tích, theo đề án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 1996-2010 mà Chính phủ đã phê duyệt, đến năm 2010 phải “phục hồi hoàn nguyên toàn bộ khu vực Đại nội theo kiến trúc hoàng thành trước kia; cải thiện và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên của khu vực kinh thành, hai bên bờ sông Hương, các lăng tẩm còn lại và các làng cổ; xây dựng thêm cơ sở hạ tầng ở những điểm di tích chưa có”, với kinh phí lên tới 720 tỉ đồng. Nhưng đến giờ kế hoạch đó vẫn dang dở. Rất nhiều công trình trong Đại nội còn nằm trong dự án, tiền không giải ngân hết. Nguyên nhân chính, theo tôi, là do Huế chưa có đội ngũ chuyên gia bảo tồn di tích thật sự, cũng như chưa có nhiều công nhân lành nghề để đảm trách công việc này.

Đã từng có “phong trào” sơn son thếp vàng các cung điện của nhà Nguyễn bất chấp sự thật trong quá khứ. Ví dụ như điện Minh Thành ở lăng Gia Long, các nguồn sử liệu của nhà Nguyễn cho biết công trình này vốn không sơn son thếp vàng, thế nhưng khi trùng tu người ta đã tô son thếp vàng rực rỡ, mà thật ra là chỉ thếp bạc rồi quét cánh kiến lên để tạo màu vàng nên sau một thời gian, màu vàng ấy bị bạc phếch. Minh lâu ở lăng Minh Mạng, Hưng miếu trong hoàng thành cũng bị phủ lên những lớp vàng son “dỏm” như thế, vừa sai với nguyên gốc vừa làm nhòe các chi tiết chạm trổ vốn rất tinh xảo của công trình.

Mặt khác, trùng tu di tích mà quan tâm công trình phụ nhiều hơn công trình chính, tập trung tôn tạo công trình hạ tầng nhiều hơn là trùng tu các di tích kiến trúc. Vừa qua, người ta đã dựng lên một hệ thống trường lang rất hoành tráng trong Tử Cấm thành, trong khi các kiến trúc chính của khu vực này thì vẫn chưa được phục hồi. Theo tôi, việc này có thể gây khó khăn cho công tác trùng tu sau này. Bởi lẽ các công trình kiến trúc nơi đây được xây dựng qua rất nhiều thời kỳ: thời Gia Long khởi dựng nhưng từ thời Minh Mạng đến thời Khải Định, Bảo Đại lại trùng tu, sửa chữa rất nhiều. Nhiều vết tích kiến trúc của các thời kỳ sau chồng lấn lên vết tích của thời kỳ trước. Không rõ sau này khi có đủ căn cứ để phục nguyên Đại nội như thời Minh Mạng hay thời Tự Đức, làm cách nào để kết nối các công trình chính với hệ thống trường lang mới phục chế này?

Phóng to
Khu trường lang trong Tử Cấm Thành vừa mới phục hồi trong năm 2009 - Ảnh: Thái Lộc

Do việc trùng tu các công trình kiến trúc gặp khó khăn, người ta đã tập trung làm các công trình hạ tầng (đường, điện chiếu sáng, thoát nước…) nhằm tạo cảnh quan mới bắt mắt du khách, thế nhưng việc này sẽ nhanh chóng xóa đi cảnh trạng của di tích. Các công trình kiến trúc cổ cần được ưu tiên khôi phục nhưng trước đó cần phải có những nghiên cứu dài hơi, lập kế hoạch trùng tu rất chi tiết; đặc biệt là phải chuẩn bị một lực lượng có tay nghề và kiến thức vững vàng trong lĩnh vực này. Nếu không hội đủ các yếu tố vừa nêu, kết quả trùng tu chỉ thể hiện ở số tiền giải ngân chứ không thể phục hồi hoàn nguyên di tích.

* Sẽ có thêm 10 năm và 2.300 tỉ đồng để đưa di tích Huế vào thời kỳ ổn định bền vững, trong đó khu hoàng thành sẽ gần như được phục hồi nguyên trạng. Theo ông, với chừng ấy năm và chừng ấy tiền có thể đạt được mục tiêu đã đề ra?

- Tôi e rằng sẽ khó hoàn thành mục tiêu ấy. Theo tài liệu của người Pháp, khu hoàng thành có khoảng 147 công trình; còn theo một công bố của KTS Nguyễn Bá Lăng trước năm 1975 thì có hơn 130 công trình. Năm 1991, khi chúng tôi tiến hành khảo sát chỉ còn 82 công trình kiến trúc trong Đại nội có thể nhận diện được. Như vậy là có rất nhiều công trình đã sụp đổ hoặc vùi lấp trong lòng đất. 15 năm vừa qua, việc khai quật khảo cổ học chỉ mới làm xuất lộ các vết tích công trình mà thôi, chưa có công trình chính nào đã sụp đổ hoàn toàn được phục hồi hoàn nguyên thật sự.

Người Nhật đã mất gần 30 năm để trùng tu di tích Chu Tước môn ở thành phố Nara. Họ đã tốn nhiều công của để nghiên cứu tư liệu, khai quật phế tích, phục dựng các mô hình thử nghiệm, trưng cầu ý kiến của chuyên gia và dân chúng rồi mới tiến hành phục nguyên di tích. Họ có Viện nghiên cứu quốc gia Nara về di sản văn hóa (Nabunken) với đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và đội ngũ công nhân lành nghề mà vẫn tốn chừng ấy năm cho một di tích lớn cỡ Ngọ môn của Huế. Vì thế, với đội ngũ nhân lực bảo tồn của Huế như hiện nay, riêng việc phục nguyên các di tích quan trọng trong khu vực hoàng thành thôi cũng đã quá sức. Còn nếu làm vội làm vàng cho kịp tiến độ được phê duyệt, tôi e rằng tính nguyên gốc (authenticity) của di tích sẽ không được đảm bảo.

* Vậy theo ông, với chừng ấy thời gian và ngân sách, nên làm gì để bảo tồn một cách hợp lý nhất khu di tích này?

- Có rất nhiều việc phải làm nhưng quan trọng nhất là phải chuẩn bị đội ngũ có chuyên môn vững về trùng tu di tích. Hiện Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế có khoảng 700 cán bộ, nhân viên nhưng số người có chuyên môn bảo tồn di tích không nhiều. Cơ quan này đang tập trung vào nhiệm vụ quản lý và khai thác di tích là chính, chưa có một bộ phận nghiên cứu khoa học để phục vụ trùng tu di tích như kiểu Nabunken của Nara. Phòng nghiên cứu khoa học của trung tâm này chủ yếu nghiên cứu tư liệu, không có bộ phận thực nghiệm. Phòng kỹ thuật cũng chỉ thực hiện các bản vẽ là chính.

Hiện ở Huế, thợ trùng tu di tích phần lớn là từ phía Bắc vào, trong khi phong cách kiến trúc dân gian Bắc bộ lại khác hẳn phong cách kiến trúc cung đình Huế. Thợ thường làm theo thói quen, nếu giám sát “non tay nghề” thì sự hiện hữu của phong cách dân gian miền Bắc trên các kiến trúc cung đình mới được phục nguyên ở Huế không phải không thể xảy ra. Theo dự án vừa được phê duyệt, sắp tới sẽ có nhiều công trình phải tu bổ, phục hồi, nhất là những công trình quan trọng, nếu vẫn cứ đi thuê đội thợ bên ngoài vào làm thì chất lượng trùng tu khó đảm bảo.

Đã đến lúc Huế cần xây dựng một đội ngũ chuyên gia bảo tồn thật sự giống như đội ngũ của Nabunken ở Nhật Bản. Tôi cho đây là điều quan trọng nhất mà Huế cần phải làm ngay từ bây giờ. Có nhiều tiền mà không có người làm, hoặc là có người làm nhưng tay nghề không cao, hoặc tiến hành trùng tu khi chưa nghiên cứu một cách thấu đáo thì công cuộc trùng tu di tích Huế hẳn sẽ có vấn đề.

Hệ thống quản lý, chỉ đạo trùng tu di tích Huế, theo tôi, chưa có cơ chế hợp lý. Để làm nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích cố đô Huế mà chỉ có nỗ lực của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế thì chưa đủ. Thừa Thiên - Huế nên có một hội đồng di sản, quy tụ những nhà chuyên môn có kiến thức sâu về văn hóa, bảo tồn, có thể đại diện cho người dân Huế tham gia tư vấn, giám sát việc bảo tồn và khai thác giá trị di tích.

Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế khi triển khai các dự án trùng tu đều tổ chức hội thảo, mời những nhà khoa học có tên tuổi trong cả nước đến đọc tham luận, nhưng tôi thấy phần lớn các tham luận chỉ nói những điều có tính nguyên lý, chưa đặt trong môi trường thực tế của di tích cố đô Huế. Trong khi phần lớn những nhân chứng lịch sử từng sống ở Huế, những nhà nghiên cứu sâu về di tích Huế lại đứng ngoài những hội thảo khoa học cũng như những cuộc thẩm định hồ sơ trùng tu di tích.

Phóng to
Bà Andrea Teufel, chuyên gia phục chế người Đức, hướng dẫn một cộng sự thuộc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phục hồi các họa tiết trang trí trên cổng khu mộ lăng vua Tự Đức - Ảnh: Thái Lộc

Trong đề án bảo tồn di tích Huế vừa được Chính phủ phê duyệt, tôi thấy cách đặt vấn đề còn chung chung, chưa đúng tầm một khu di tích đặc biệt của quốc gia và di sản thế giới. Kể cả đề án giai đoạn trước đó cũng vậy. Chính phủ có thể đầu tư vài ngàn tỉ đồng để làm một cái cầu nhưng để phục hồi diện mạo của một kinh đô, để người Việt cũng như du khách thấy được một vùng văn hóa quan trọng của VN thì lại đầu tư nhỏ giọt, không tương xứng với “một cao điểm thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc” VN như đánh giá của vị cựu tổng giám đốc UNESCO, một nguồn tư liệu quý thể hiện nền văn hiến, trình độ phát triển của đất nước.

Phóng to

Hoàng Thành Huế là hạt nhân của quần thể di tích cố đô Huế đã được xếp hạng di tích đặc biệt của quốc gia và UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đây cũng là nơi được đánh giá là thể hiện cao nhất bản sắc Việt và trình độ văn minh của người Việt. Rất tiếc là khu di tích này đã bị mát mát quá nhiều do chiến tranh và thiên tai, rất cần phục hồi nguyên vẹn - ảnh: Trương Vững

Theo tôi, công trình bảo tồn, khôi phục Hoàng thành Huế cần được Chính phủ trực tiếp chỉ đạo và đơn vị triển khai phải là Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch thay vì UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Có vậy đề án này mới được đặt trong kế hoạch quốc gia, mới tập trung được nguồn vốn, trí tuệ của quốc gia và quốc tế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận