TTCT - Trong nhiều tác phẩm viết về hai cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ và về những tướng lĩnh trực tiếp điều hành mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một điển hình, đại tá Trần Trọng Trung - một nhà nghiên cứu am tường lịch sử chiến tranh cách mạng - đã đưa ra nhiều tư liệu lịch sử đặc biệt mà ông có dịp tiếp cận, kể cả từ phía ta và phía đối phương.

Những tìm tòi công phu của ông đã khắc họa một chân dung Võ Nguyên Giáp không chỉ với tài năng cầm quân, đạo đức cách mạng mà còn thấm đậm một tinh thần nhân văn sâu sắc.

* Ông có thể kể về lần đầu tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

- Quê tôi ở Nam Định, nhà nghèo nên từ nhỏ tôi theo cha mẹ tha phương cầu thực tận trên Tuyên Quang. Học xong tiểu học, tôi vừa đi làm kiếm sống vừa nuôi mẹ, vừa quyết tâm học xong chương trình tú tài toàn phần. Sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp, tôi tham gia giành chính quyền ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang) rồi được ông Nguyễn Công Bình (tức Chì), chỉ huy Cứu quốc quân, giới thiệu đi Tân Trào học Trường Quân chính kháng Nhật khóa 1. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp ông Giáp.

Tôi không phải là học sinh Trường Thăng Long (nơi ông Võ Nguyên Giáp dạy học lúc đó - BTV). Nhưng mấy anh bạn ở Trường Quân chính cho biết đó là một thầy giáo dạy sử rất được học sinh kính trọng về nhân cách và phương pháp sư phạm.

Sau này nghiên cứu về Võ Nguyên Giáp, được biết khi được Cụ Hồ giao nhiệm vụ vận động đồng bào dân tộc ít người trên vùng Cao Bằng, ông đã tự học tiếng Tày, Nùng, Dao... để có thể nói chuyện với bà con và vận động các tầng lớp nhân dân làm cách mạng. Trèo đèo lội suối ở đâu ông cũng không nề hà.

Ông còn dịch bài Việt Minh ngũ tự kinh sang các tiếng địa phương để bà con dân tộc đọc được và hiểu được. Giao nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng, Cụ Hồ đã rèn luyện cho ông về ý thức người cán bộ đối với nhân dân từ những buổi ban đầu.

Ông Trần Trọng Trung - Ảnh: Hoàng Điệp

 - Tôi viết bài báo đầu tiên vào tháng 8-1946, nhân kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Tám. Khi đó anh Xuân Thủy - chủ bút báo Cứu Quốc - động viên tôi viết một bài ký về chiến khu Tân Trào. Bài báo đầu tiên đó tôi viết về Bác Hồ với đầu đề “Ông già làm ruộng ở Tân Trào”.

* Còn việc nghiên cứu và viết, ông đã bắt đầu như thế nào?

Cụm từ “Ông già làm ruộng” là bắt nguồn từ ông Giáp. Chẳng là vài ngày sau khi Trường Quân chính khai giảng, Cụ Hồ đến thăm trường. Trước đó, chúng tôi cũng như rất nhiều chiến sĩ Giải phóng quân ở Tân Trào chưa biết Cụ Hồ là ai. Giới thiệu Cụ Hồ với học sinh quân chính, ông Giáp nói: Cụ ké đây là một lão nông người địa phương rất quý cách mạng, hôm nay đến thăm các đồng chí...

Nhưng không lâu sau đó, nhất là từ khi nhóm người Mỹ trong OSS (tổ chức tiền thân của CIA - Mỹ) đến Tân Trào, chúng tôi được chứng kiến Cụ nói chuyện (bằng tiếng Anh) với đội trưởng A.Thomas và các thành viên của đội thì cái điều “bem” (khẩu ngữ chỉ bí mật của Nhà nước, tổ chức) kia dần sáng tỏ, nhưng vì nguyên tắc bí mật hồi đó rất nghiêm nên không ai dám tò mò tìm hiểu thêm.

* Trong cuốn sách mới xuất bản: Từ hang Cốc Bó đến dinh Độc Lập (NXB Quân Đội Nhân Dân, 2010) có khá nhiều chi tiết lần đầu tiên được công bố. Về một số sự kiện (ví như mùa khô năm 1947 hay Mậu Thân năm 1968...), ông đưa ra khá nhiều thông tin thẳng thắn. Từ đâu ông có được những tư liệu ấy?

- Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, do giúp việc tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái nên nhiều trường hợp tôi được giao nhiệm vụ trong tổ thư ký ghi chép các cuộc hội nghị quân sự.

Sau ngày 30-4, nhiều tư liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ dần được công bố, đặc biệt là sách báo nước ngoài viết về cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân ta với đế quốc Mỹ. Sau này khi làm công việc nghiên cứu tại Viện Khoa học quân sự và ban tổng kết chiến tranh trong Bộ tổng tham mưu, tôi có điều kiện tiếp cận khá nhiều tài liệu về hai cuộc chiến.

Những gì thuộc trí nhớ là một phần, nhưng nguồn tư liệu quan trọng chính là những ghi chép còn giữ được từ trước. Có những tư liệu hồi chống Pháp đánh máy trên giấy dó đến nay tôi vẫn giữ được. Tôi còn quen biết và cộng tác với nhiều nhân chứng là những người giúp việc đại tướng nên có thêm điều kiện để tổng hợp thông tin và tư liệu. Một nguồn tư liệu khác là sách báo công khai từ nước ngoài. Theo tôi, một điều cần khẳng định là sách báo nước ngoài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều hơn và cụ thể hơn ở trong nước.

Trong nước, đánh giá ông Võ Nguyên Giáp là danh tướng thời đại Hồ Chí Minh có người còn đắn đo, trong khi đó học giả và sử gia nước ngoài khẳng định: Võ Nguyên Giáp là danh tướng của mọi thời đại. Với tôi, viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguồn tư liệu trong nước và ngoài nước đều quan trọng như nhau.

Về sự kiện Mậu Thân năm 1968, đợt 1 ta thắng lớn, lớn đến nỗi báo chí nước ngoài nói rằng Việt cộng đem chiến tranh vào tận đầu giường tướng lĩnh Mỹ, lớn đến nỗi không những buộc chính quyền Washington phải xuống thang chiến tranh mà trong diễn văn đêm 31-3-1968, Lyndon Johnson còn tuyên bố với quốc dân rằng không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ 2 nữa.

Tuy vậy về phía ta, nhiều tài liệu cho thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp không tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa trong cuộc tổng tiến công chiến lược Mậu Thân. Theo ông, điều kiện và quy luật của khởi nghĩa và của chiến tranh không thể là một, nhất là khởi nghĩa trong bối cảnh hàng nửa triệu quân Mỹ - trang bị tận răng - còn ở miền Nam. Ông cũng không tán thành đợt 2 và đợt 3. Tuy nhiên, ý kiến của đại tướng là thiểu số và như ta đã biết, thiểu số phải phục tùng đa số, số đông là quyết định. Thực tế khó khăn của chiến trường những năm sau đó đã chứng minh ông Võ Nguyên Giáp đúng.

 “Năm 2006, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia cho in cuốn Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhưng thật ra khi viết tôi đặt tên là "Võ Nguyên Giáp - danh tướng thời đại Hồ Chí Minh". Bởi vì thật sự ông rất xứng đáng với danh xưng đó. Gọi ông Giáp là “danh tướng thời đại Hồ Chí Minh” là cách gọi khiêm tốn, có ý nói rằng cuộc đời và sự nghiệp của ông Võ Nguyên Giáp gắn chặt với Cụ Hồ. Trong khi sách báo nước ngoài gọi ông là Thống soái cỡ lớn của mọi thời đại, là Người vật ngã những gã khổng lồ, là Người góp phần nắn dòng chảy của lịch sử... thì ở trong nước gọi ông là danh tướng thiết nghĩ cũng không có gì là quá. 

Tôi rất cảm ơn Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia đã trả lại tên cũ khi tái bản cuốn sách này năm 2010”.

                                                     Nhà nghiên cứu Trần Trọng Trung

Đông đảo cán bộ chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên ra đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông về thăm lại chiến trường xưa dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004) - Ảnh: Việt Dũng

* Công bố những thông tin này, ông có ngần ngại gì chăng?

- Không có gì ngần ngại nếu đúng là sự thật lịch sử và công bố ra với động cơ duy nhất là tôn trọng sự thật lịch sử. Vấn đề là sao cho không trượt khỏi hai đường ray: tính Đảng và tính khoa học.

Cần nói thêm rằng có những thông tin đích thực mà hiện nay chưa được công bố vì nhiều lý do. Nhưng chắc chắn những thông tin ấy sẽ đến với người đọc vào thời điểm thích hợp. Một điều khá đặc biệt “rất Việt Nam” là chiến tranh đã kết thúc hơn một phần ba thế kỷ, vậy mà rất nhiều tư liệu thời chiến trong kho lưu trữ vẫn chưa được giải mật. Tôi tin rằng đến một ngày nào đó mọi giá trị chân thực của lịch sử sẽ được trả về đúng chỗ của nó.

* Trong nhiều cuốn sách, người ta thường nhìn Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới góc nhìn về một vị tướng huyền thoại. Nhưng trong cuốn Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ông đưa thông tin nhiều chiều khiến đại tướng trở nên gần gũi và đầy nhân văn.

- Tôi chú tâm nghiên cứu và viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất phát từ tấm lòng mến mộ ông. Đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, ông có những phẩm chất mà không phải ai cũng có.

Tôi đưa thông tin nhiều chiều, tức là nói cả ưu, cả khuyết trong việc cầm quân của ông. Vì sao tôi nêu cả khuyết? Trước hết và chủ yếu vì trong hoạt động thực tế, ông luôn tỏ ra là con người có dũng khí dám nhìn thẳng vào sự thật, vào thiếu sót và tự mình sửa chữa để đưa toàn quân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ta nói nôm na là không giấu dốt. Vì cầm quân mà giấu dốt thì tốn xương máu chiến sĩ lắm.

Một ví dụ là năm đầu kháng chiến chống Pháp (năm 1947), do mới vào ngày đầu kháng chiến nên ta chưa có mạng tình báo chiến lược. Điều đó giải thích vì sao ta nắm địch không chắc, mà đã nắm địch không chính xác thì kế hoạch đặt ra không sát.

Khi địch tiến công lên Việt Bắc, sớm hơn ai hết, ông Giáp phát hiện, báo cáo với Cụ Hồ và thường vụ để thay đổi kế hoạch. Chính nhờ thay đổi cách đánh chiến dịch mà cuối cùng ta lật ngược thế cờ, chuyển từ bị động sang chủ động và giành thắng lợi. Đấy là dũng khí của người cách mạng, là tính nhân văn của người cầm quân - không vì giấu dốt mà gây tổn thất cho cách mạng, gây thêm thương vong cho chiến sĩ dưới quyền chỉ huy của mình.

Tướng Trần Văn Trà đã khái quát: Võ Nguyên Giáp là tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Chính vì lẽ đó mà trong chương kết của cuốn sách Võ Nguyên Giáp - danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, tôi để hẳn một mục nhan đề Cây đại thụ rợp bóng nhân văn.

* Tiếp xúc nhiều với đại tướng và cũng nghiên cứu nhiều tư liệu về đại tướng, điều gì khiến ông xúc động về nhân cách ông Võ Nguyên Giáp?

- Bên cạnh tính nhân văn là tính quần chúng của đại tướng. Ví dụ như chuyện ông viết thư gửi nhân dân xã vùng cao Nguyên Bình (Cao Bằng) để cảm ơn đồng bào đã cưu mang đùm bọc trong những ngày trứng nước của cách mạng.

Trong ký ức những người làm việc bên cạnh đại tướng, không ai quên buổi trưa 30-4-1975 khi tổng hành dinh nhận được báo cáo quân ta đã cắm cờ trên dinh Độc Lập. Sau cuộc họp bàn những vấn đề cần làm sau chiến thắng, khi mọi thành viên trong bộ thống soái tối cao đã ra về, đại tướng cho gọi những cán bộ, chiến sĩ thông tin, mật mã đến phòng làm việc của mình. Chỉ 15 phút liên hoan với chè Hồng Đào, thuốc lá Điện Biên, bia Hà Nội nhưng những người phục vụ quân ủy suốt những ngày xuân 1975 khẩn trương căng thẳng thấy rõ thủ trưởng quan tâm đến anh em như thế nào. Có người nói: chỉ 15 phút thôi, nhưng nhớ đời.

Sau gần một tuần ăn ngủ ngay trong sở chỉ huy để theo dõi và trực tiếp chỉ đạo cuộc tổng tiến công giải phóng Sài Gòn, đêm 30-4-1975 ông bảo lái xe đưa đi quanh mấy phố chính nội thành Hà Nội. Đêm ấy thủ đô bắn pháo hoa. Hàng ngàn, hàng vạn người đổ xuống phố reo mừng chiến thắng, nhưng ít ai trong số họ biết rằng trong chiếc xe con đang lăn bánh chầm chậm trên đường có một người lặng lẽ cảm nhận và chia sẻ niềm vui chung. Con người ấy 31 năm vâng lệnh Cụ Hồ cầm quân từ những ngày trứng nước để có ngày vui trọn vẹn của toàn dân, 31 năm cầm quân và những năm sau này... đã vượt qua mọi sóng gió, giữ trọn vẹn uy tín với nhân dân và quân đội. Con người ấy chỉ có một mà thôi. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

* Trân trọng cảm ơn ông.

“... là tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh” - Ảnh: Việt Dũng

Cán bộ tham mưu tác chiến có mặt tại sở chỉ huy trong một số chiến dịch phát triển không thuận lợi từng chứng kiến tổng tư lệnh nhiều đêm mất ngủ hoặc nhiều lần chảy nước mắt khi nghe báo cáo số lượng cán bộ và chiến sĩ bị thương vong quá cao trong một trận đánh...

Tướng Đồng Sĩ Nguyên, tư lệnh bộ đội Trường Sơn, kể đầu năm 1973, ông hướng dẫn tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đi thăm cụm trọng điểm ATP trên đường chiến lược Hồ Chí Minh. Ông hỏi tường tận về tình hình vận chuyển trên đường, tình hình hoạt động của không quân địch, về thương vong của ta. Tối hôm đó, ông Nguyên về ghi lại trong nhật ký: “Những giọt nước mắt dành cho những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên trọng điểm này của vị tổng tư lệnh giữa chiều Trường Sơn thật sự thấm đậm tình người, lắng sâu trong tâm khảm chúng tôi, không thể nào quên”.

Sinh năm 1923, đi từ Cách mạng Tháng Tám qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với phần lớn thời gian công tác tại tổng hành dinh từ ngày đầu lập Bộ tổng tham mưu, giúp việc Đại tướng Hoàng Văn Thái, đại tá Trần Trọng Trung có điều kiện tiếp xúc nhiều tư liệu liên quan các sự kiện quân sự. Trên cương vị chủ nhiệm bộ môn lịch sử chiến tranh (Viện khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng), ông đã xuất bản một số tác phẩm như:

- Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu (NXB QĐND 1979, tái bản 2004)

- Kể chuyện Điện Biên (NXB QĐND 1994)

- Nhà Trắng và cuộc chiến tranh xâm lược VN (NXB CTQG, 2004)

- Hai bộ thống soái trước bàn cờ Điện Biên Phủ (NXB QĐND, 2004)

- Võ Nguyên Giáp - danh tướng thời đại Hồ Chí Minh (NXB CTQG, 2006, tái bản 2010)

- Từ hang Cốc Bó đến dinh Độc Lập (NXB QĐND 2010).

Ông cũng chấp bút một số sách khác như:

- Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - lịch sử thành lập và những chiến công đầu tiên (NXB Vui Sống, 1948)

- Điện Biên Phủ - chiến dịch lịch sử (NXB QĐND 1984, tái bản 1994)

- Những năm tháng quyết định (NXB QĐND 1985, tái bản nhiều lần)...

Tuy đã 88 tuổi, ông vẫn đang viết sách. Sắp tới NXB Chính Trị Quốc Gia sẽ xuất bản cuốn sách mới của ông mang tựa đề Bộ tổng tham mưu - những năm chiến đấu trong vòng vây.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận