Lở đất ở Trung Quốc: Thiên tai hay nhân họa?

DANH ĐỨC 22/08/2010 03:08 GMT+7

TTCT - Danh sách các tỉnh, thành Trung Quốc bị lụt lội, rồi lở đất... ngày càng nhiều cùng với con số nạn nhân và thiệt hại. Năm nay, Cam Túc, Cát Lâm, Hồ Nam, Tứ Xuyên... là những tỉnh bị tai họa này nhiều nhất. Đã có những tin tức cho biết các nhà khoa học Trung Quốc từng cảnh báo các vụ lở đất “long trời” này từ 13 năm về trước (1)!

Phóng to
Người dân gùi hàng qua khu vực ngập lụt do lở đất ở huyện Châu Khúc, tỉnh Cam Túc ngày 12-8-2010 - Ảnh: Reuters

Vụ lở đất ở huyện Châu Khúc, tỉnh Cam Túc được coi là tệ hại nhất trong vòng sáu thập niên qua tại Trung Quốc. Chỉ riêng tại Châu Khúc, số tử vong đã lên đến 1.144 người và vẫn còn 600 người mất tích. Cơ hội sống sót càng vơi đi khi lũ quét còn đang đổ về.

Do mưa dai dẳng làm “thối đất đá”?

Nhân Dân nhật báo (2) trích lời một số nhà khoa học cho rằng đây là một hiện tượng tự nhiên. Trước hết, địa hình cũng như cấu trúc địa chất huyện Châu Khúc đã là yếu tố quan trọng dẫn đến thảm họa. Khu vực núi đồi này càng dễ cho mưa dài ngày biến thành lũ quét. Đá ở Châu Khúc vốn dĩ mềm và dễ vỡ nên có xu hướng “hóa mùn”. Mưa càng dai càng làm cho “thối đất đá”, từ đó dẫn đến sụp núi, lở đất.

Kế đến, vụ động đất kinh hoàng 7,8 độ Richter năm 2008 ở Tứ Xuyên đã làm giãn nở nhiều nhánh núi, gây ra hiện tượng rạn nứt địa chất, và để đất đá gắn chặt lại với nhau như cũ phải mất... khoảng 5 năm! Không rõ họ dựa vào đâu để cho rằng 5 năm là đủ để tái tạo được độ nén chặt của triệu triệu năm tích lũy?

Các nhà khoa học trên cũng đã thừa nhận vụ lở đất có tác động phần nào của vụ động đất năm 2008. Để dễ hình dung mức độ kinh hoàng của vụ động đất ngày 12-5-2008 ấy, có thể tự hỏi điều gì đã khiến cho cả khối địa chất bỗng rung chuyển cực mạnh trên diện rộng khiến hơn 80.000 người phải thiệt mạng trong gạch đá và bêtông đổ vùi. May là vụ động đất đó mới chỉ đe dọa con đập Tử Bình Phô không xa chứ chưa phá vỡ.

Mặt khác, các nhà khoa học này giải thích nguyên nhân trực tiếp là sau vụ động đất, suốt năm ngoái hạn hán ở Châu Khúc làm một số mảng núi ở đây phơi ra nắng gió, mà đá ở Châu Khúc lại là đá mềm nên bị phân rã trong khô hạn. Năm nay mưa nhiều nên càng thấm đá và hậu quả là đất lở.

Do làm thủy điện?

Một số nhà khoa học Trung Quốc khác (3) thì cho rằng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là nạn phá rừng bắt đầu từ cú “đại nhảy vọt” năm 1958. Huyện Châu Khúc cho đến những năm 1980 vẫn còn kha khá rừng, giờ đây chỉ còn những ngọn núi trọc mùn đen. Tại huyện bé tí xíu này, với chỉ 130.000 người trong 20 trấn, đã có đến 53 dự án thủy điện được ký trong những năm qua, trong đó 41 dự án đã hoàn tất và 12 dự án đang sắp kết thúc. Có nghĩa là 3 triệu m3 đất đá đã bị ủi đi, hậu quả xói mòn là tất yếu.

Sau cơn lũ thảm họa năm 1950, Trung Quốc đã ra lệnh “dời sông xẻ núi”: 36 đập lớn, 159 đập nhỏ, 4.000 hồ chứa nước được xây dựng. Hậu quả là cả một bình nguyên ngày nào còn màu mỡ nay bị khô hạn kèm theo lũ lụt. Đến năm 1999, kỷ lục khô hạn suốt 247 ngày. Càng hạn, càng xây đập chứa nước, song do khai thác nước ngầm nên tầng nước ngày càng sâu hơn. 3.000 hồ chứa và đập đã vỡ. Tháng 8-1975, các đập Thạch Mạn Than và Bản Kiều vỡ tan, khiến 240.000 người chết.

Hậu quả là 2/3 số thành phố Trung Quốc giờ đây thiếu nước (4). 28 tỉnh Trung Quốc nay đang bị lũ lụt “thăm viếng”. Ngay trong vụ đất lở vừa qua, các quan chức địa phương phải thừa nhận rằng nước sông Bạch Long đã dâng cao do mưa khiến vỡ bờ ở phía tây nam tỉnh Cam Túc, từ đó dẫn đến vụ lở đất ở huyện Châu Khúc do nước thẩm thấu vào đất, đá (5).

Có một chi tiết trong vụ lở đất ở Châu Khúc: đó là việc các kỹ sư và công nhân Trung Quốc đã phải tìm cách khai thông một cái “đập” trên sông hầu làm cho mực nước sông hạ bớt. Số là đất đá lở đã tích tụ lại thành một cái “đập” cao 10m trên sông Bạch Long, làm cho nước lũ quét dọc con lộ Tân Hà từ phía bắc xuống phía nam.

Để khai thông, người ta đã phải đánh mìn phá cái “đập” từ trên trời rơi xuống trên sông Bạch Long (6). Cái “đập” do lở đất tạo thành trên sông Bạch Long làm nghẽn dòng chảy đe dọa lũ lụt đến nỗi chính Thủ tướng Ôn Gia Bảo phải ra lệnh giải quyết ngay (7). Song vấn đề ở chỗ nếu cứu Châu Khúc, e rằng thị trấn Võ Đô, gần Châu Khúc ở hạ lưu, sẽ lãnh đủ nước vừa được khai thông. Thế là dân chúng Võ Đô được sơ tán đề phòng sự cố lũ quét.

Do phá rừng?

Không nói đến việc lâm tặc phá rừng mưu sinh, riêng việc xây thủy điện cũng đã là tàn phá rừng. Và việc phá rừng tại các khu vực địa chất “nhạy cảm” càng làm cho các vụ lở đất nghiêm trọng hơn do đất không còn rừng để giữ nước. Bên cạnh đó, phá rừng còn chính là gây hạn.

Vương Hồng Xương, một học giả Trung Quốc đã nghiên cứu vấn đề phá rừng và gây hạn này (8), nêu ra vài thí dụ: “Khô hạn có thể dẫn đến giảm thiểu lượng nước mặt, kể cả tuyết và băng giá, nước ngầm, độ ẩm trong khí quyển, cũng như nước trong cây cối và cả trong đời sống các loài. Tại miền bắc và tây bắc Trung Quốc, từ những năm 1950 đến những năm 1980, lượng mưa trung bình hằng năm đã giảm đi 1/3, từ đó khởi phát tiến trình khô hạn. Hậu quả rất hiển nhiên: các hồ thủy điện như hồ Lobnor biến mất năm 1972, hồ Kukunor cạn đi mất 1/3 diện tích nguyên thủy, còn hồ Ohloin ở đầu nguồn sông Hoàng Hà thì mỗi năm cạn đi 2cm”.

Ông Vương sơ kết về cuộc “đại nhảy vọt” như sau: “Tỉ lệ rừng lớn bị tàn phá trong thời gian này là 1/3 ở tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc... Và xu hướng này cũng tiếp tục sang đến thập niên 1980”.

___________

(1) http://www.csmonitor.com/World/Asia-Pacific/2010/0812/China-mudslides-were-
(2) People’s Daily Online, August 09, 2010
(3)
http://shanghaiist.com/2010/08/11/gansu_landslide_another_manmade_dis.php
(4) Asia Times, 8-2003
(5)
http://online.wsj.com/article/SB20001424052748703435104575421170100705034.html
(6) Controlled blasts reduce surging lake water levels, China Daily, 2010-08-11
(7) Collapse of barrier lake unlikely: official, China Daily, 2010-08-11 17:11
(8) Deforestation and Desiccation in China: A Preliminary Study, Wang Hongchang

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận