"Đồ tể" Duch trước ngày lãnh án

DANH ĐỨC 26/07/2010 18:07 GMT+7

TTCT - Cuối cùng thì từ 10g ngày thứ hai 26-7 tới, Tòa án đặc biệt Campuchia (ECCC) xét xử tội ác Khmer Đỏ sẽ tuyên án Kaing Guek Eav - còn gọi là “Duch”.

Phóng to
Duch trong phiên xét xử cuối cùng của kỳ xét xử đầu tiên tội ác của Khmer Đỏ tháng 11-2009 - Ảnh: thefirstpost.co.uk

Duch nguyên là trưởng trung tâm thẩm vấn S-21, người đã khiến 14.000 người, trong đó có ít nhất 345 nạn nhân người Việt, phải chết tức tưởi. Tất nhiên, đây sẽ không phải là một bản án “đòi nợ máu”, mà chỉ là một bản án “biểu tượng” dành cho một trong năm thủ phạm “đầu têu” còn sót lại đã gây ra cái chết thảm cho 1,7 triệu người. Bốn thủ lĩnh Khmer Đỏ bị cáo còn lại là Ieng Sary, Ieng Thirith, Khieu Samphan và Noun Chea sẽ lần lượt bị xét xử sau Duch. Gọi là một bản án biểu tượng vì lẽ năm bị cáo này sẽ “thay mặt” cho toàn thể Angkar, cái hệ thống - guồng máy - tổ chức phi nhân đồng nghĩa với thảm họa diệt chủng nơi dân tộc Campuchia.

Đã có nhiều nhân chứng ra trước tòa án đặc biệt này để thay mặt các nạn nhân làm chứng cho từng hành vi phạm tội của Duch. Như Malay Phcar, một người Pháp gốc Campuchia, lúc Khmer Đỏ tiến vào thủ đô Phnom Penh mới 9 tuổi, song vẫn còn nhớ như in những gì đã xảy ra cho gia đình mình, xã hội mình, đã đến với phiên tòa này trong tư cách nhân chứng. Trong 35 năm qua, Malay Phcar từng tố cáo tất cả qua hai quyển ký L’enfer Khmer rouge (Địa ngục Khmer Đỏ, NXB L’Harmattan, 1997) và Une enfance en enfer (Tuổi thơ trong địa ngục, NXB Robert Laffont, 2005). Trong các “tuyên cáo” của mình, Malay Phcar cho biết không chờ đợi một bản án trả thù, mà là một sự tưởng nhớ còn nợ các nạn nhân.

Nợ gì các nạn nhân?

Tại sao lại là “một sự tưởng nhớ còn nợ các nạn nhân”? Do lẽ 1,7 triệu người ấy đã bị tàn sát thê thảm trong khi các hung thủ lại nhởn nhơ sống cho đến cuối đời. Đã 35 năm qua, vụ thảm sát ấy vẫn chưa được một tòa án đúng nghĩa tuyên rằng đây là tội ác giết người. Xét xử không nhằm vào các cá nhân gây ác mà vào cái hệ thống cả tư tưởng lẫn nhà nước đã từng tự nhận là Campuchia dân chủ. 1,7 triệu người đã chết vì điều đó. Và nay phải gọi điều đó là cái gì, là tội gì?

Khi họ bị tù đày, đánh đập, hạ sát bằng mọi cách phi nhân, họ đã bị khơi khơi cáo buộc là “phản cách mạng”, là “chống lại tổ chức”... trong khi họ hoàn toàn chẳng “phản cách mạng” hay “chống lại tổ chức” gì cả. Nay là lúc công lý tuyên định tội nghiệt của những kẻ đã “lãnh đạo” cái chết oan ức của họ, khẳng định rằng họ đã chết oan ức vì cái gọi là “cách mạng Campuchia dân chủ”. Và công lý đó là công lý phổ quát của toàn cầu qua khuôn khổ một tòa án hỗn hợp Campuchia và quốc tế, hỗn hợp trong mọi khâu, từ chánh án, công tố, luật sư bên nguyên và luật sư bên bị cũng đều gồm người Campuchia “chủ nhà” và quốc tế. Để cho bản án này chính là bản án mà nhân loại tuyên nơi những kẻ đã gây tội ác cho nhân loại.

Duch và các nạn nhân người Việt

345 nạn nhân người Việt của Duch hầu hết đã bị giam giữ, đánh đập để nhận đại là “gián điệp cho CIA hay Hà Nội...”, rồi sau đó bị đem đi đập đầu vì cái tội nghiệt man trá đó!

Tại phiên tòa thẩm vấn ngày 10-6-2009, thẩm phán Silvia Cartwright lấy cung Duch về trường hợp các nạn nhân người Việt và Duch đã trả lời kiểu “nhún vai chạy tội”:

- Văn bản này cho thấy từ khi mở trung tâm S-21 cho đến ngày 6-1-1979, có 345 người Việt bị hỏi cung, thường bị tra tấn và giết hại ở S-21. Có đúng thế không?

- Thưa quý tòa, đúng thế. Tôi muốn điều chỉnh từ ngữ “thường bị tra tấn” thành “bị tra tấn trong trường hợp bất khả kháng”.

- Tôi nhận thấy có rất nhiều tên đàn ông và phụ nữ người Việt. Thế còn các trẻ em Việt Nam cũng bị đưa vào S-21 thì sao?

- Nếu các trẻ đó cũng đến S-21 cùng với cha mẹ chúng, nguyên tắc chung là chúng cũng bị tiêu diệt!

- Bị cáo chủ trương không đưa tên trẻ em vào danh sách của S-21. Có đúng vậy không?

- Về câu hỏi danh sách, tôi không là người soạn ra nó. Tôi cũng không ra chỉ thị gì như thế. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ở S-21 thường là như thế.

- Thành ra đến nay không ai biết chính xác có bao nhiêu trẻ em Việt Nam có thể đã bị bắt, giam giữ và giết chết ở S-21. Có đúng thế không?

- Do không có thông tin gì về tên tuổi các trẻ đó nên không thể ước tính là bao nhiêu.

Một kiểu trả lời rất dửng dưng. 345 người (lớn) Việt có tên tuổi trong danh sách, còn bao nhiêu trẻ em không được ghi tên trong danh sách Duch không cần biết! Ông ta không cần biết hay cả cái guồng máy tinh thần và xác thịt đó? 345 hay theo bản danh sách tại tòa mà Duch đã khai nhận, hay 488 tù nhân hoặc 515 theo một số tài liệu khác?

Vẫn cố chống trả

Ngày 9-7 mới đây, theo AFP, Duch còn cách chức một luật sư bào chữa cho mình là Franc5ois Roux, chê là “không còn đáng tin cậy”, cho dù đây là một con cáo già đã tìm đủ cách để gỡ tội cho Duch. Và đến ngày 12-7 vừa qua, theo The Phnom Penh Post, Duch đã yêu cầu thay bằng một luật sư người Trung Quốc. Kar Savuth, luật sư người Campuchia cùng biện hộ cho Duch, cho biết thêm: “Lý do thân chủ của tôi muốn có một luật sư Trung Quốc là do nay thân chủ tôi không muốn có một luật sư thuộc phe tự do đến phán xét một người cộng sản như thân chủ tôi”.

Nỗi lòng một thân nhân nạn nhân

Năm ngoái, sau loạt bài Bản danh sách người Việt ở Tuol Sleng đăng trên Tuổi Trẻ, một bạn đọc đã nhận ra tên tuổi một nạn nhân trong loạt bài ấy chính là chị ruột mình. Chị ruột của độc giả này đi vượt biên và bị bắt, nhưng oái oăm thay lại bị Duch và đồng phạm xử tử vì tội danh “làm gián điệp cho Hà Nội”! Bạn đọc đó liên lạc và nhờ: “Nếu có thể, chú mail cho cháu bản tự khai của chị T. (chữ viết tay) để cháu đối chiếu nét chữ của chị T. lúc còn ở nhà (lúc chị T. đi cháu chỉ mới 5 tuổi nên không thể nhớ gì về chị, chỉ có thể đối chiếu hình ảnh, chữ viết mà thôi). Xin cảm ơn chú”.

Ít lâu sau, bạn đọc đó mở rộng tìm kiếm: “Cháu xin cung cấp thêm danh sách những người đi cùng tàu với chị cháu (chỉ có 10 người). Gia đình những người này cũng đang mong mỏi tin tức của người thân đã mất tích lâu nay, xin nhờ chú tìm giúp trong danh sách 345 người và những tài liệu liên quan. Một lần nữa, tất cả gia đình xin chân thành cảm ơn chú”.

Bạn đọc ấy đã tìm thấy tên tuổi những người quen cùng thọ nạn với chị mình và nhờ một điều rất lạ thường: “Do một số lý do đặc biệt, cháu không thể cho gia đình biết. Vì khi biết được sự thật như vậy cha mẹ sẽ bị sốc, không thể chịu đựng nếu đúng là như vậy. Vì lý do này cháu nhờ chú: phiền chú không đăng trên báo trong số 10 người này, vì khi biết tin trên báo cháu không còn giấu được sự thật”.

Ngay cả việc yêu cầu tòa án xử Khmer Đỏ buộc Duch phải nhận lỗi, bạn đọc nọ cũng từ chối: “Theo cháu, bấy nhiêu người tìm thấy người thân của mình đã mất tin tức trên 30 năm nay, mòn mỏi chờ tin với thời gian quá dài, nay được tin thì rất mừng (mặc dù tin ấy thật đau đớn, buồn thảm). Vong linh của những người bạc mệnh chết oan uổng này được sẻ chia nỗi đau đớn với gia đình, người thân, sẽ được an ủi, ấm áp...

Mọi người căm thù Khmer Đỏ và tên Duch. Đối với một tên mà hiện tại đã sa cơ thất thế thì một lời hay trăm ngàn lời xin lỗi của hắn có nghĩa lý gì, hoặc cho dù tòa xử chết hắn thì một vài viên đạn bắn vào người hắn cũng chưa thấm với nỗi đau của mọi người mà hắn đã gây ra (với người đã chết và người còn sống). Thưa chú, cháu đã suy nghĩ như vậy đó”.

__________

Tin bài liên quan:

Hai thủ lĩnh Khmer Đỏ bị cáo buộc diệt chủng
Sẽ tuyên án “tên đồ tể” Khmer Đỏ
Kỳ 1: Những thước phim bằng chứng
Kỳ 2: “Lò sát sinh ”Tuol Sleng
Kỳ 3: Những đứa trẻ sống sót
Kỳ 4: Chia Hua - người bị cắt cổ
Kỳ 5: Những người chưa lên tiếng
Kỳ 6: Không muốn một vụ Mumbai
Kỳ 7: Xảo thuật “câu giờ”
Kỳ 8: Lời thú tội của Duch
Kỳ 9: Ieng Sary - nhân vật số hai
Khi các nạn nhân chờ đợi đến 30 năm
Bắt đầu phiên tòa xét xử lãnh đạo Khơme Đỏ
Kết thúc phiên điều trần xét xử Duch
Sự sòng phẳng của lịch sử
Cỗ máy giết người
Bà Ieng Thirith bị cáo buộc diệt chủng
Ngày 26-7 tuyên án “tên đồ tể” Duch
Ngày 26-7, tòa tuyên án “đao phủ” Duch

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận