TTCT - Đã là người Văn Lâm không ai không biết thêu. Những sản phẩm thêu Văn Lâm từ lâu đã vượt biên giới đến với nhiều quốc gia trên thế giới... Nhưng một vị cán bộ của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khi được hỏi về làng nghề thêu Văn Lâm đã thú thật: “Tôi không biết gì về làng nghề này”.

Phóng to

Ông Chu Văn Khương vừa thêu vừa lắng tai nghe tiếng loa gọi điều đò - Ảnh: Hoàng Diệp

Tuy vậy, những người già trong làng vẫn âm thầm truyền nghề, những em bé vẫn cần mẫn học còn những người trẻ năng động đang tìm cách vinh danh nghề thêu nói riêng và nghề thủ công nói chung của Ninh Bình, mà trước mắt là làng thêu Văn Lâm.

Nông dân = lái đò = thợ thêu

Có mặt bên khung thêu từ rất sớm, ông Chu Văn Khương, năm nay đã 65 tuổi, tay thoăn thoắt thêu còn tai lắng nghe tiếng loa gọi điều đò. “Hôm nay đến lượt nhà tôi chở khách vào Tam Cốc. Vừa làm nông dân, vừa làm nghề thêu và tranh thủ chở đò cho du khách. Mỗi thứ mỗi tí”.

“Thôn Văn Lâm hiện có 1.100 hộ với 3.300 nhân khẩu, trong đó có đến 80% số dân biết thêu. Các mặt hàng của Văn Lâm làm rất phong phú đa dạng, từ sản phẩm gia dụng đến hàng trang trí chủ yếu được 12 doanh nghiệp trong thôn xuất khẩu đi các nước Pháp, Ý, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc... “.

Ông Khương cho biết bắt đầu thêu từ lúc 6 tuổi, đến nay ông đã có 60 năm cầm kim và không nhớ mình đã thêu bao nhiêu sản phẩm. Tuy nhiên, việc chính của ông vẫn là làm nông vì nhà ông còn vài sào ruộng. Còn một nguồn thu nhập khác của gia đình là chèo đò chở khách. Thôn Văn Lâm ở đầu bến của Ngô Giang, cửa ngõ của khu du lịch Tam Cốc, Bích Động nên hầu hết các gia đình ở đây đều tham gia chở khách. Mỗi gia đình được đánh số thứ tự lần lượt nên ông Khương vừa làm vừa lắng nghe loa gọi. Mặc dù cả chở khách, cả thêu không phải được nhiều tiền nhưng chịu khó mỗi thứ một tí thì cuộc sống cũng đỡ vất vả.

Ngồi ngay sau ông Khương là anh Chu Đức Phương, 35 tuổi, bị liệt hai chân từ nhỏ. Anh Phương cũng là một thợ thêu kỳ cựu của Văn Lâm: “Tôi bị liệt từ bé nên không có nhiều lựa chọn nghề khác cho mình. Tôi học thêu từ bố mẹ và đến nay đã có 30 năm làm nghề. Với nhiều người, thêu chỉ là nghề phụ nhưng với tôi thêu là nghề chính. Một tháng chăm chỉ làm việc tôi cũng kiếm được 2 triệu đồng. So với cuộc sống nông thôn và một người khuyết tật thì đó là số tiền không nhỏ. Tôi làm không chỉ nuôi mình mà còn nuôi hai đứa con”.

Sách dạy thêu

Chiều nắng, ở ngay bến thuyền du lịch là gốc đa và đình làng thờ tổ nghề thêu. Chiều nào ông Chu Văn Lượng cũng ra đây ngồi ngắm khách, ngắm sông Ngô Giang. Ông Lượng đã 85 tuổi, mái tóc bạc trắng như cước, là một trong hai thợ thêu lâu năm ở làng nghề được Nhà nước phong nghệ nhân cách đây vài năm. Ông cho biết nghề thêu ở Văn Lâm khác với nghề thêu những nơi khác nhờ kỹ thuật thêu đếm hạt.

Bất kể người thợ thêu nào của Văn Lâm cũng được cha mẹ rèn dạy cho tất cả kỹ thuật thêu mà chỉ cần nhìn vào tranh, không cần vẽ mẫu cũng thêu được theo kỹ thuật đếm. Ông nói những năm trước, gần 100% người Văn Lâm tham gia thêu thùa nhưng giờ con số ấy giảm đi. Các nam thanh niên không mấy hứng thú với công việc này nữa vì họ muốn làm những việc khác có tiền nhiều hơn. Tuy thế, ở lớp người cao tuổi việc duy trì đường kim mũi chỉ vẫn được chăm chút.

Ông Chu Văn Lượng là nghệ nhân hiếm hoi của Văn Lâm nhưng các con không theo nghiệp. Bởi vậy ông Lượng truyền nghề lại cho cháu họ. Sợ những tinh anh trong nghề mai một, ông đã soạn một bản thảo viết tay giới thiệu khá kỹ nghề thêu của Văn Lâm. “Đây là tất cả những bí quyết nghề nghiệp mà tôi đúc rút được trong suốt 80 năm qua. Tôi mong rằng những bí quyết này vẫn được các cháu học và lưu giữ. Có bí quyết để nhiều người cùng học, cùng biết. Nhưng không phải ai biết cũng thêu được đẹp vì đó còn là cái duyên, cái tài, cái khéo của từng người”.

Tạo tiếng vang

Phạm Thị Hoài, một người con Ninh Bình, sinh năm 1984, tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm nhạc họa Hà Nội năm 2005. Khi còn là sinh viên Hoài từng đến rất nhiều làng nghề của Hà Tây, Hà Nội, tới những nơi mà các sản phẩm thủ công rất được ưa chuộng như lụa Vạn Phúc. Trở về quê dạy học cô mới thấy đất Ninh Bình có nhiều làng nghề, tay nghề của những người thợ đều rất giỏi nhưng cuộc sống của họ quá cơ cực.

Thợ thêu gia công cho một số doanh nghiệp với đồng lương ít ỏi: 30.000 đồng/ngày. Nỗi vất vả quá lớn khiến rất nhiều người đã bỏ nghề thêu đi làm việc khác mặc dù có đến 80% người dân thành thạo nghề thêu truyền thống.

Làm sống lại nghề thêu gần như đã mai một trở thành ước muốn lớn nhất của Hoài. Cô giáo mỹ thuật quyết định tạm gác việc đi dạy để dồn sức vào việc “tạo tiếng vang” cho nghề thủ công quê hương.

Khi Hoài về nhà ông trưởng thôn để trình bày ý tưởng và đề nghị được giúp đỡ, trưởng thôn hết sức ủng hộ vì “đây là cô ấy nghĩ cho Văn Lâm”. Và ý tưởng của Hoài được đưa tới bà con: thêu một bức tranh lớn để triển lãm nhân 1.000 năm vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.

Hoài giải thích: “Cái tôi muốn nói đến ở bức tranh không phải là tạo ra kỷ lục về bức tranh thêu tay lớn nhất, có số nghệ nhân tham gia đông nhất hay bất kể kỷ lục gì, mà đơn giản Ninh Bình là cố đô và có mối liên hệ mật thiết tới Thăng Long: có vua Lý Công Uẩn mới có Thăng Long như ngày nay. Ngoài yếu tố lịch sử, tôi cũng muốn giới thiệu bàn tay tài hoa của người nông dân Ninh Bình, phong cảnh núi non, những thắng cảnh, di tích liên quan đến nước Đại Việt”.

Những người thợ thêu khi nghe Hoài trình bày đều mừng rỡ. Và thế là từ giữa tháng 8-2009 đến nay, ngày nào cũng có khoảng 60 tay kim của làng Văn Lâm - bao gồm nhiều nghệ nhân và thợ thêu giỏi của làng - miệt mài thêu từ 8g-22g.

Đến nay, sau gần tám tháng, bức tranh thêu mang tên “Cội xưa” đã hoàn thành 80% và đang được hoàn thành để mang ra trưng bày vào dịp đại lễ.

Ngày 6-5-2010, trong buổi lấy ý kiến đóng góp của các nhà văn hóa, sử học, mỹ thuật liên quan đến bức tranh “Cội xưa”, bức tranh thêu tay có diện tích 170m2 do các nghệ nhân làng nghề thêu Văn Lâm thực hiện, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã nói: “Tôi rất khâm phục việc làm này, nhất là bởi một cô gái nhỏ nhắn mà trí lực lớn, dám nghĩ, dám làm một bức tranh thêu tốn rất nhiều công sức, tiền bạc. Theo tôi biết, đây là bức tranh lớn nhất với hàng vạn ngày công, hàng triệu mũi chỉ mô tả về vùng đất Ninh Bình với nhiều địa danh như gạch nối với Hà Nội: cầu Đông, cầu Dền... Đó là một việc làm thật đáng khen”.

Còn GS-TS Nguyễn Đỗ Bảo, chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, cho rằng: “Nhìn vào bức tranh đã cho tôi cảm giác trắc trở và khúc khuỷu của địa hình chốn kinh đô xưa. Khi mà mọi phương tiện di chuyển còn rất khó khăn, tiền nhân đã dựa vào núi đá làm thành chắn, lấy sông Hoàng Long làm hào sâu để bảo vệ kinh thành. Bức tranh đã nói lên được nhiều ý nghĩa của kinh đô xưa của nước Việt Nam. Về mỹ thuật, đây là bức tranh đẹp, bố cục chặt chẽ”.

Phóng to
Phạm Thị Hoài (phải) - Ảnh: Lê Xuân Trường

Phạm Thị Hoài: Người nhỏ, lá gan thì to

Đó là nhận xét của những nghệ nhân thêu ở Văn Lâm (Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình) khi nói về Phạm Thị Hoài.

Những buổi ngồi trên xe khách chạy đôn chạy đáo từ Nam ra Bắc tìm kiếm đối tác, những buổi tối mệt nhoài trở về góc xưởng thêu gục mặt xuống đống chỉ để khóc rồi lịm đi trong cái đói, cái rét và cả nỗi sợ hãi nếu bức tranh không thể hoàn thành và được trưng bày đúng dịp đại lễ. Cô gái bé nhỏ vốn yếu đuối cứ héo hon dần vì những lo toan đầy vơi.

Nhưng tất cả những điều đó đã qua rồi... Bởi: “Thật may vì tôi đã gặp được những nghệ nhân thêu hết lòng vì nghề, hết lòng vì lịch sử. Có những lúc đến ba tháng trời họ không nhận được một đồng lương nào nhưng họ vẫn miệt mài làm việc với niềm tin rồi bức tranh sẽ hoàn thành, và những người thợ ấy sẽ góp phần làm nên một vật phẩm nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

Sau xưởng thêu tranh Cội Xưa, Hoài hi vọng đây sẽ là nơi đi về của những người thợ thêu lành nghề để sản xuất ra những sản phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế. Và chính nó sẽ làm thay đổi cuộc sống vốn rất cơ cực của người dân cố đô xưa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận