Làm vua có sướng?

QUẾ VIÊN (TỪ COPENHAGEN) 03/05/2010 07:05 GMT+7

TTCT - Ngày 16-4 vừa rồi, người dân Đan Mạch mừng sinh nhật thứ 70 của nữ hoàng Margrethe đệ nhị. Bên cạnh những hoạt động được tổ chức trọng thể, lại có những chuyện khiến ngày vui này không trọn vẹn.


Nữ hoàng Margrethe đệ nhị được chào đón nhân sinh nhật 16-4 vừa rồi - Ảnh: Politiken

Đảng Nhân dân xã hội Đan Mạch đang đòi nữ hoàng và các thành viên hoàng gia phải công khai hoạt động của họ, cũng như việc chi tiêu số tiền được cấp từ tiền đóng thuế của dân. 

Còn kết quả thăm dò của Tổ chức YouGov Zapera công bố ngày 14-4 cho thấy 35% số người được hỏi trả lời “đồng ý” và “rất đồng ý” với ý kiến là các thành viên hoàng gia phải làm việc tích cực hơn để xứng với bổng lộc được hưởng hằng năm. 

Theo nhật báo Ekstra Bladet, tuy ngân sách của hoàng gia Đan Mạch thuộc loại cao nhất nhì trong các hoàng gia châu Âu, nhưng họ lại làm việc quá ít. 

Cụ thể năm 2008, nữ hoàng Margrethe làm việc tất cả 144 ngày, ít hơn so với quốc vương Thụy Điển Carl Gustav làm việc 166 ngày, quốc vương Na Uy Harald 195 ngày, nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị 189 ngày. 

Thái tử Frederik chỉ làm việc 81 ngày, trong khi trưởng công chúa Thụy Điển Victoria làm việc 104 ngày, còn thái tử Na Uy Haakon làm việc 118 ngày.

Hơn thế nữa, theo nhật báo Jyllands Posten ngày 13-4, cũng giống như trường hợp số tiền hoàng gia Hà Lan chi tiêu trên thực tế hằng năm cao gấp năm lần số tiền được chu cấp, thực chi của hoàng gia Đan Mạch cũng cao gần gấp năm lần ngân sách được công bố là 98,4 triệu kroner (khoảng 19,6 triệu USD) năm 2009 (hoàng gia được miễn tất cả loại thuế).

Theo thông tấn xã Ritzau, số tiền người dân đóng thuế chi cho hoàng gia trên thực tế lên tới 400 triệu kroner (khoảng 80 triệu USD) do rất nhiều khoản chi được tính vào ngân sách của các bộ. 

Ví dụ như toàn bộ chi phí di chuyển việc công hay tư của các thành viên hoàng gia do Bộ Quốc phòng chi trả; phí bảo vệ, an ninh canh gác... thuộc Bộ Tư pháp; tiền bảo trì các lâu đài, điền sản... thuộc Bộ Tài chính.

Nữ hoàng Margrethe lên kế vị cha là quốc vương Frederik thứ 9 năm 1972. Bà kết hôn với bá tước Pháp Henri de Laborde de Monpezat và có hai hoàng tử Frederik và Joachim. Tuy đa số người Đan Mạch vẫn tôn kính nữ hoàng nhưng những năm gần đây nhiều người than phiền bà dành nhiều thời gian sống tại lâu đài miền nam nước Pháp hơn là Đan Mạch.

Riêng thái tử Frederik thì người ta không biết ông làm gì trong năm 2009, ngoại trừ việc đưa hai con nhỏ đến trường và tháp tùng nữ hoàng cùng hoàng thân Henrik trong chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Trước áp lực của dư luận, Thủ tướng Lars Loekke Rasmussen đã tuyên bố yêu cầu của Đảng Nhân dân xã hội đòi hoàng gia minh bạch trong các khoản chi tiêu là hợp lý, nhưng không nói rõ cách thực hiện như thế nào.

Phía hoàng gia không lên tiếng, nhưng ông Soern W. Kruse, quan chức phụ trách các vấn đề kinh tế cho triều đình, lưu ý mọi người rằng nhiều chi phí như việc bảo trì các lâu đài, nghi lễ đổi phiên gác mỗi ngày của các vệ binh hoàng gia trước lâu đài Amalienborg... không chỉ nhằm tôn vinh nữ hoàng mà còn dành cho người dân và du khách.

Nhiều người đồng tình với ông Kruse. Theo họ, nữ hoàng Margrethe là biểu trưng cho truyền thống và lịch sử của Đan Mạch, nhưng họ cũng mong được thấy bà nhiều hơn. Nhật báo Ekstra Bladet từng gọi nữ hoàng Margrethe là “Người mẫu cao giá nhất Đan Mạch” khi so sánh số tiền bà được cấp hằng năm với số phút xuất hiện trước công chúng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận