Xem Múa trò Xuân Phả, nhớ thuở oai linh hiển hách

TTCT - Hôm 10-2 âm lịch vừa qua, chúng tôi cùng nhà “Thanh Hóa học” Phan Bảo về làng Xuân Phả (Xuân Trường, Thọ Xuân, Thanh Hóa) để xem một buổi trình diễn cực kỳ độc đáo và nổi tiếng gọi là múa trò Xuân Phả hoặc còn gọi là năm điệu múa ngũ quốc, nói về năm quốc gia hay năm phương đến chúc mừng nhà vua sau khi khải hoàn.

Phóng to
Trò Tú Huần, mô phỏng đoàn sứ thần của dân tộc Lục Hồn sống ở miền núi phía Bắc. Người nghệ sĩ mặc quần áo màu sắc dân tộc miền núi, đội tóc giả, tay cầm hai mảnh gỗ gõ vào nhau làm phách theo nhịp trống - Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Phóng to
Mở màn của trò Tú Huần (trò Lục Hồn nhung). Bà cụ ốm yếu, nhăn nheo đi ra đầu tiên, có người con đi theo quạt hầu - Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Những điệu múa này là một phần dư vị anh hùng của các nền quân chủ phong kiến sau khi giành lại nền tự chủ, là lễ nhạc triều đình hoán vị dân gian hóa trở lại thành một thứ lễ nhạc làng xã...

Thời gian qua đi, con người, non nước, nhà cửa, tâm tình, tiếng nói thay đổi. Nhưng cái gì đã là tinh hoa của cha ông được đúc kết lại thì luôn tìm được chỗ trú ngụ để đến với tương lai.

Điệu múa nửa thiên niên kỷ...

Một dân tộc có hàng ngàn năm lịch sử thì quá khứ không bao giờ mất đi mà ẩn hiện dưới rất nhiều hình thức văn hóa. Một ngôi chùa, ngôi đình, một điệu dân ca hay một điệu múa... nếu chỉ nhìn thoáng qua thì bất quá chúng ta chỉ cảm nhận chúng như một thắng cảnh, một trò chơi thưởng ngoạn, nhưng nếu xem xét kỹ chúng chứa đựng nhiều ký ức cổ xưa, nhiều ký hiệu mà ngay cả những người trình diễn nó cũng không biết rõ hết ý nghĩa.

Có lẽ sự tích và nội dung của năm điệu múa Xuân Phả lại không quan trọng bằng hồn cốt của dân tộc và của một thời lắng đọng qua những hành vi tối cổ, tới mức người ta có cảm giác người Xuân Phả và những điệu múa của họ chứa đựng những thông tin quá khứ bí ẩn nhất của người Việt.

Theo truyền thuyết, từ đời này qua đời khác người Xuân Phả vẫn truyền nhau các điệu múa và tổ chức lễ hội hằng năm vào mồng 10, 11 tháng 2 âm lịch. Theo trình tự hội lễ thì ngày mồng 10 diễn trò Hoa Lang (tức Hà Lan), Ai Lao, Tú Huần, ngày 11 diễn trò Chiêm Thành và Ngô Quốc. Tuy nhiên trong bốn điệu múa của bốn quốc gia trên thì Hà Lan chỉ có thể đến Việt Nam vào khoảng thế kỷ 16-17. Như vậy ít nhất một hai trò trong múa ngũ quốc xuất hiện trong thế kỷ 15, và nhất là đến thế kỷ 17 mới có các thương thuyền Hà Lan đến quan hệ với Đàng Ngoài. Các điệu múa có thể hình thành dần trong quá trình hội lễ và lịch sử.

Điệu múa Lục Hồn nhung và hai điệu Chiêm Thành, Ai Lao có lẽ cổ xưa nhất. Có động tác múa mang những gốc rễ tinh thần ngấm vào máu thịt người Xuân Phả, để họ bật thành những động tác mà ngày nay họ cũng khó lý giải được.

Các điệu múa được sắp xếp như sau:

1. Điệu Chiêm Thành, gồm có ông Chúa, bà Nàng, một người hầu, hai phỗng hầu và 16 quân (theo ông Đỗ Hứa là 10 quân). Sau khi Chúa đọc văn tế và hai phỗng dâng hương, đoàn quân ngậm mặt nạ gỗ kỳ dị bắt đầu nhảy múa thành hai hàng. Khi đứng, khi quỳ khuỵu các tư thế chuyển nhanh và cương hoạch như các thế võ, các thế tay vặn ngược không khác gì tư thế trong các tượng Chàm cổ xưa.

2. Điệu Ai Lao. Đi đầu là voi và hổ múa cùng những người thợ săn. Vua Ai Lao tuổi già đường xa nên có người dìu và theo sau đấm lưng. Mười quân múa thành hai hàng với những điệu mang tính săn bắn, hái lượm rất uyển chuyển.

3. Lục Hồn nhung, còn gọi là điệu Tú Huần, chữ lục hồn nhung hiện không ai rõ nghĩa chính xác là gì. Điệu múa bắt đầu từ ông cố già, bà cố già. Bầy con trẻ tất cả đầu đội mũ tre và các bó lạt chẻ xơ ra như tóc rối, đeo mặt nạ có chấm như bị bệnh đậu mùa có số răng từ một chiếc đến năm chiếc. Mười con chia thành từng đôi, xếp hai hàng tiến lùi theo mẹ, mỗi lần nhảy lại hú lên, khi hát thì xoạc chân chèo và gõ phách theo nhịp múa.

4. Điệu Hoa Lang, đi đầu là con kỳ lân, thật ra giống con thủy quái ở biển, múa sát đất như bơi lội. Đoàn người Hoa Lang có cô gái Việt ra đón tiếp, đầu đội mũ kê-pi cao, ngậm mặt nạ mũi thẳng, kết thúc là điệu bơi chèo. Họ vượt biển đến rồi lại trở ra biển để đi.

5. Điệu Ngô Quốc, tức là đoàn múa Trung Hoa, có cô gái Việt ra đón và hiện tại ăn mặc như người Mãn Thanh. Kết thúc cũng là điệu chèo thuyền.

Trong năm điệu múa thì chỉ ba điệu Chiêm Thành, Hoa Lang và Tú Huần có mặt nạ, đặc biệt trò Chiêm Thành và Hoa Lang người múa không đeo mà ngậm mặt nạ nửa mặt bởi một chột gỗ vào miệng. Điệu Tú Huần, Hoa Lang và Ngô Quốc có bài hát, riêng hai đoàn Hoa Lang và Ngô Quốc có một người nữ Việt ra múa đón (bởi là đối đãi bang giao nước lớn).

Cả năm điệu múa đều toát ra tinh thần rất dũng mãnh, điệu bộ như biểu diễn võ thuật, trong nhịp trống dồn mãnh liệt. Xem động tác múa thấy cứ như những động tác này khái quát được hết hành vi trong sinh hoạt của cư dân Việt thuở trước: chèo thuyền, đi săn, đánh võ, gõ mạn thuyền, xoay vòng, đảo luồn, phất tay thần bí... lồng vào các động tác múa một cách hết sức khéo léo. Điều này làm bất cứ ai từng xem qua điệu múa cũng xúc động như chạm đến một cái gì đó ở đáy ngực!

Phóng to
Điệu Chim Thành - Ảnh: Phan Bạch

Di sản múa trò Xuân Phả - cần sớm được lập hồ sơ

Tuy múa trò Xuân Phả hiện nay chỉ là những điệu múa trong một hội làng Thanh Hóa, nhưng theo ông Phan Bảo, lịch sử của trò ngũ quốc có thể là lễ nhạc của triều đình nhà Lê, được ông Trịnh Quý Thuật và ông Nguyễn Mộng Tuân (hai vị quan) đem về truyền lại ở Xuân Phả và Đông Sơn là quê hương hai ông. Rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa từng xem đều khẳng định sự kỳ lạ và độc đáo có một không hai của trò múa này.

Tuy nhiên, tất cả tài liệu thành văn nghiên cứu về trò múa ngũ quốc đều mới dừng ở mức mô tả. Những điều kỳ lạ và bí ẩn của âm nhạc, các động tác múa, của cách làm mặt nạ, trang phục... đều chưa được giải mã. Cần có một sự đầu tư cấp thiết nghiên cứu phân tích vũ hình, vẽ và quay phim các điệu múa, ghi âm các bài trống thành tổng phổ...

Tất cả những nghiên cứu ấy phải được lập hồ sơ và đưa ra hội thảo khoa học để tìm lời giải đáp. Nếu không sớm thì muộn điệu múa cũng sẽ bị suy thoái theo việc các nghệ nhân mất dần đi.

Trao đổi việc này với ông Phan Bảo, ông cho biết vừa rồi ông và Quỹ Văn hóa Thụy Điển cùng phối hợp đầu tư để may lại trang phục đúng như cổ truyền cho trò múa này, đã tốn vài trăm triệu đồng và phải đi năm tỉnh, sang cả Lào mới may được đúng như yêu cầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận