Thế giới của nước mắt và nụ cười

L.TR. 29/03/2010 19:03 GMT+7

TTCT - Sau những câu chuyện về các bậc cha mẹ có con bị tự kỷ, Câu chuyện cuộc sống số này kể về một lớp trẻ hội nhập ở Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Q.5, TP.HCM). Lớp chỉ có 21 trẻ từ 7-14 tuổi nhưng ồn ào, hỗn loạn tưởng chừng như tất thảy hỉ, nộ, ái, ố trên toàn cõi nhân gian được gói vào đây. Tất cả các em đều bị hội chứng Down, tự kỷ, chậm phát triển…

Phóng to
Giờ ăn trưa của một lớp hòa nhập Trường tiểu học Trần Quốc Toản - Ảnh: Hà Thanh

Nhật ký mẹ và con
Mở trường vì con

Hỗn loạn

Cô có đau không?

Có lần, cô Trần Thị Hương vì mải viết bảng nên bị hụt chân ngã. Cả lớp cười ồ. Cô đau và hụt hẫng trong lòng.

Bỗng T.B. chạy vụt lên đỡ cô đứng dậy: “Cô có đau không?”. Cô giáo mắt ngấn nước, bao nhiêu yêu thương ùa về xoa mọi nỗi đau.

Có khách, mặc dù cô Tiêu Thị Anh Đào (giáo viên chủ nhiệm) nhắc lớn nhưng lẹt đẹt mới có học sinh đứng lên chào. Một em tên D. gần như không nhận biết sự hiện diện của khách, vừa đi lòng vòng vừa huơ tay huơ chân và nói những câu vô nghĩa. Mặt bạn nhỏ nào cũng phảng phất chút ngây ngây dại dại. Sự hiện diện của tôi, dù ở cuối lớp, cũng khiến các bé thỉnh thoảng quay xuống tò mò nhìn.

Sau khi ổn định trật tự, cô Đào giảng tiếp bài tiếng Việt dang dở. Giữa những câu giảng của cô là những tràng vỗ tay lộp bộp, những câu “ô hô, a ha” bất ngờ và những tràng cười, câu nói lầm bầm vô nghĩa…

“Buông tao ra”, một em tên M.T. hét lớn khi tự nhiên bị một cậu bé ôm ghì, hôn tới tấp. Cô Mỹ bảo mẫu vội vàng tách hai bé ra. “Bốp, bốp, bốp, bốp…”, lời giảng của cô Anh Đào bị ngắt quãng bởi tiếng đập bàn, tiếng hét, tiếng cười của D.. Cô Mỹ xoa đầu D. và thì thầm. “Con muốn làm ca sĩ” - D. ú ớ ngọng nghịu.

Rồi bỗng nhiên tiếng khóc cất lên giữa những tiếng cười ngơ ngẩn. Giữa những trận âm thanh ồn ào và loạn xạ bóng các em ngả nghiêng ngọ ngoạy là hình dáng hai cô giáo vừa xoa dịu, vừa dỗ dành, vừa nghiêm khắc với các em để vãn hồi trật tự.

Lớp có 21 em và mỗi em một tật, một tính. M.T., cô bé đã học ở đây bảy năm, hiếu động, chỉ thích chơi với con trai. B., cậu học sinh lúc đầu vào lớp không biết nói, chỉ phá phách, sau chín năm học ở đây đã nói được, học được. T. viết chữ rất đẹp nhưng ít chịu đọc chịu nói, hay mút ngón tay. D. đọc được tất cả từ trong sách nhưng không chịu tập viết. Nếu có, D. cũng chỉ viết những con chữ vô nghĩa. Thỉnh thoảng, em xé tất cả sách vở. P.T., cô bé mắc hội chứng Down, ngoan ngoãn, ham học và hồn nhiên kể chuyện ba em mất như chuyện hôm qua nhà hàng xóm có con mèo đi lạc…

Điều ước lớn nhất của các phụ huynh ở lớp trẻ hội nhập là con được đến trường cùng các bạn đồng lứa, được đối xử như một người bình thường. Thậm chí chỉ cần con có thể gọi “ba, mẹ”, biết đọc, biết viết... đã là tất cả.

Suốt buổi học, cô Mỹ không một lần ngồi xuống quá 5 phút. Hết giúp một số em viết bảng, không để các em phá hỏng dụng cụ học tập, can ngăn các em đánh nhau, nhắc nhở các em không la hét thì cũng vừa lúc quay ra tất bật chuẩn bị bữa trưa.

Trưa ở lớp hội nhập, những tấm chiếu cá nhân được nối lại, ngay ngắn. Trước khi những đứa trẻ ngủ, cô Mỹ đi quanh lớp, ngó nghiêng lục túi từng học trò…

“Sợ tụi nhỏ giấu vật gì đó rồi nuốt vào cổ họng. Trước đây, có bé hay gặm mấy cục gôm - cô giải thích và đột nhiên gọi giật: T., không mút ngón tay nữa con. M.T., kéo váy xuống. Con gái không được giở váy lên như vậy đâu”. Hình như cô không lúc nào ngừng quan sát học trò.

Khi những đứa trẻ ngủ say, cô ngồi lặng lẽ ở góc phòng. “Sao cô không ngủ một chút?” - tôi hỏi. Cô Mỹ cười hiền: “Thức quen rồi. Trưa nóng, thỉnh thoảng có mấy bé bị động kinh. Ngủ rồi trở tay không kịp. Bé lên cơn là phải nhanh tay lấy cây thước chặn vào miệng để bé không cắn lưỡi”.

Phóng to
Ba mẹ chỉ mong con được đi học - Ảnh: Hà Thanh

Chỉ có tình yêu mới vượt qua

Một số địa chỉ nhận nuôi dạy trẻ tự kỷ

* Hà Nội: Trung tâm tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ Sao Mai (phường Nhân Chính, Q.Thanh Xuân), Trung tâm Hi Vọng (290 Kim Mã, Ba Đình).

* TP.HCM: Trường dân lập Đa Thiện (P.Tân Thuận Tây, Q.7), Trường chuyên biệt Bình Minh (10 Nguyễn Thái Học, P.Tân Thành, Q.Tân Phú), Trường chuyên biệt Niềm Tin (16/2/8 Đặng Văn Ngữ, Q.Phú Nhuận), Trường giáo dục chuyên biệt Tương Lai (27 Trần Nhật Duật, P.Tân Định, Q.1), Trường chuyên biệt Anh Vương (260/44A Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình), Trường khuyết tật Tương Lai (27 Ngô Quyền, Q.5)...

Bạn đọc cần thêm thông tin về các bài viết, xin gửi thư cho chúng tôi theo địa chỉ: danhchophuhuynh@gmail.com.

Khoản thu nhập trên dưới 1 triệu đồng kèm 30% phụ cấp không thể nào bù đắp được với tất cả gian nan, vất vả trong từng cuộc chiến hằng ngày đó nếu không có yêu thương. Dạy trẻ hòa nhập còn thách thức sự kiên nhẫn, lòng yêu nghề của những giáo viên đã dạn dày kinh nghiệm.

Năm 2001 là năm cô Đào nhận dạy lớp hội nhập. Rồi cô bỏ ý định chỉ dạy 1-2 năm như ban đầu. Cô đi đăng ký học cao đẳng sư phạm, khoa giáo dục đặc biệt. Cô bảo như thấy cuộc đời mình gắn với thế giới của những đứa trẻ, những người mẹ người cha có con bất hạnh như thế này.

“Nhiều phụ huynh tội nghiệp lắm, sinh con đầu lòng là trẻ chậm phát triển hay bị Down, tự kỷ là sợ không dám sinh thêm” - cô Đào bùi ngùi.

Nhận dạy lớp hòa nhập ngay sau khi tốt nghiệp, cô Lưu Kim Ngân (khối trưởng khối 3 Trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, Q.3) “chạm trán” bé Q.T. chậm phát triển, hay cáu gắt và không chịu kết bạn. Sau này, lớp cô nhận thêm nhiều bé hòa nhập ít nói, thường hay co vào khoảng không gian riêng, rất nhạy cảm và dễ tổn thương. Nhiều đêm, cô trăn trở tìm phương pháp truyền đạt mới để các em tiếp thu được bài.

Là bí thư chi đoàn, chiến sĩ thi đua cấp thành phố, giải nhì giáo án điện tử năm 2009…, cô Ngân nhận được nhiều lời mời từ các trường khác. Nhưng cô vẫn quyết định ở lại vì đã nặng lòng với ngôi trường chỉ có hơn 600 học sinh, nơi hầu hết giáo viên đều hiểu học sinh như con đẻ. Để đủ trang trải cuộc sống, cô nhận dạy thêm tiếng Anh ngoài giờ ở một trung tâm.

Năm đầu dạy hòa nhập, cô Nguyễn Thị Phượng (Trường tiểu học Hồ Thị Kỷ, Q.10) ngay lập tức bối rối trước những học trò đặc biệt. U.N. bị Down, nước dãi chảy ròng, nói chưa thạo, đôi chân yếu ớt, lại hay đùn ra quần. Ngày đầu xếp hàng, bé D. la hét ỏm tỏi, không chịu đứng yên, còn luôn tay cấu véo bạn. Cô kể: “Động trời nhất là chuyện em D. đi tiểu: em thường cởi truồng rồi kéo lê chiếc quần ra tận bồn cây... Tôi từng nghĩ là không thể dạy nổi”. Vậy nhưng tình yêu nghề, yêu các em nhỏ bất hạnh đã giúp các cô vượt qua.

Thầy hiệu trưởng nhà trường (xin giấu tên) kể tôi nghe một chi tiết cảm động: trong túi nhiều cô giáo thỉnh thoảng có sẵn những miếng băng vệ sinh. Không thể tự chăm sóc mình từ nhiều việc nhỏ, không cảm nhận được nỗi đau mất người thân, nhiều em nữ lớp hội nhập cũng không tự nhận biết được dấu hiệu mình sắp thành thiếu nữ. Các cô, như người mẹ, đã làm vệ sinh sạch sẽ, thay băng và dạy các em cách chăm sóc mình trong những ngày ấy. Ở mỗi lớp đều dành ra một ngăn tủ nhỏ để những vật dụng con gái như thế.

Phóng to
Cô Lưu Kim Ngân và học sinh của mình - Ảnh: Hà Thanh

Đường vào đời hun hút

Không phải em nào cũng vào được cấp II, cấp III. Phần lớn khi đã quá tuổi học tiểu học, các em phải học nghề phổ thông hoặc ở nhà.

Thầy Trần Văn Bổ, phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi không đặt nặng chuyện bao lâu các em phải lên lớp hay học được nghề, bởi mỗi em có khả năng tiếp thu khác nhau. Phần lớn những em chậm phát triển không học được lớp điện tử, điện cơ, thiết kế quảng cáo, trang trí. Các em chỉ học vẽ, kết cườm, kéo mực, hạ khung lụa…”.

Ở trung tâm này, lớp vẽ của thầy Bùi Tường Huy có khoảng 30 học viên với nhiều dạng khuyết tật: khiếm thính, câm, Down, chậm phát triển, tự kỷ… Trong giờ học, chưa đến 10 bạn chịu ngồi yên vẽ. Những bạn khác xem sách, đọc báo, trò chuyện hoặc chỉ ngồi ngơ ngẩn. Lớp học khá lặng lẽ, thỉnh thoảng là tiếng cười vô hồn của vài em.

Thầy Huy buồn buồn nói: “Những em câm, điếc học xong có thể đi chép tranh thuê cho người ta. Những em chậm phát triển thường chỉ học cho biết, hầu như không thể ra nghề”. Là người khuyết tật từng thành công với công việc thiết kế ở các công ty vàng bạc đá quý lớn, thầy Huy vẫn sống đơn độc một mình khi tuổi không còn trẻ. Thầy bảo như thế sẽ tốt khi có nhiều em cùng cảnh ngộ cần đến mình.

Trang web những bậc cha mẹ có con tự kỷ

Hiện tại, ở VN, các trường học nhận bé tự kỷ phần lớn là trường tư thục; còn các ông bố, bà mẹ phải tự mày mò tìm kiếm phương pháp dạy và chăm sóc con tự kỷ của mình. Trong số các tổ chức tự phát có Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ thành phố Hà Nội. Qua hơn sáu năm mày mò, tự tìm kiếm thông tin, những phương pháp trị liệu, tự nguyện giúp đỡ nhau bằng cả tấm lòng... đến nay đây đã là nơi mà nhiều gia đình có trẻ tự kỷ tìm đến và tìm được hướng đi cụ thể riêng cho đứa con thiệt thòi của họ.

Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội do vợ chồng anh Mai Văn Tuệ và chị Phạm Thị Yến đề xuất với Hội Khuyết tật Hà Nội thành lập. Họ cũng chính là những người mở ra trang web www.tretuky.com. “Đừng khóc một mình, có bao nhiêu bờ vai của các bậc cha mẹ khác sẵn sàng an ủi bạn, an ủi lẫn nhau” - là chia sẻ của anh Tuệ, chị Yến.

Anh chị hình dung những ông bố, bà mẹ có con tự kỷ khác cũng lâm vào tình cảnh như mình. “Biến nỗi đau thành hành động”, họ vừa chiến đấu với bệnh tật của con mình vừa tập hợp, giúp đỡ, chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ khác. Họ quyết định mở Trường tư thục Albert Einstein, nơi chăm sóc trẻ tự kỷ.

Từ đây, anh chị tổ chức các cuộc gặp mặt chia sẻ kinh nghiệm, mời chuyên gia nước ngoài tới giảng dạy, tổ chức các lớp huấn luyện ngắn hạn dành cho phụ huynh. Ngoài ra, thông qua Hội Khuyết tật, họ tổ chức các hội thảo đề xuất quyền lợi của những người khuyết tật trí tuệ, khuyến cáo VN cần những nghiên cứu đầy đủ hơn để xã hội và cộng đồng có cái nhìn hiểu biết và cảm thông đối với những trẻ mắc bệnh tự kỷ. Website www.tretuky.com mở ra cũng là để giúp nhiều phụ huynh biết đến bệnh của con mình một cách bài bản, hệ thống và kịp thời hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận