Nhật ký của mẹ và con

LƯU TRANG 14/03/2010 08:03 GMT+7

TTCT - Một người mẹ có đứa con trai duy nhất mắc chứng tự kỷ, đã từng xót xa phát hiện rằng: tự kỷ là căn “bệnh - nhà - giàu”, ở đó “chiến thắng” không dành cho đôi vợ chồng viên chức, tiền bạc chẳng mấy khi dư dả như anh chị...

Mỗi một cuộc đời quanh ta là những trải nghiệm khác biệt. Có thể là hạnh phúc, nhưng cũng có thể là bất hạnh, mà để vượt qua cần nhiều nghị lực, ý chí, cả những chịu đựng đớn đau... Bạn đã trải qua một quãng đời như thế. Bạn đã chứng kiến một câu chuyện đời như thế. Mời bạn chia sẻ những câu chuyện cuộc sống đó với chúng tôi. Mọi thư từ bài vở xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Câu chuyện cuộc sống.

Nhưng giờ chị đã nghĩ rất khác. Bé Đỗ Minh Phúc, con trai chị sắp tròn 5 tuổi, cơ bản hồi phục về thần kinh và đã có thể đến trường như bạn bè đồng lứa: Chị hiểu rằng tình yêu thương có sức mạnh vô hình...

Vì con là con của mẹ...

Phóng to
Cha mẹ là những bác sĩ tốt nhất cho trẻ tự kỷ - Ảnh: L.Trang

Ngày 28-7-2004, một bé trai kháu khỉnh chào đời. Thằng bé có đôi mắt tinh anh, vầng trán khôi ngô khiến người mẹ không giấu nổi niềm sung sướng trong nước mắt. Nhưng rồi những chuỗi ngày đau khổ của gia đình chị bắt đầu khi bé bước sang tháng thứ 2: bé khó ngủ, cứ khóc ngất từng cơn, không chịu bú mẹ, ói liên tục khi uống sữa.

Người mẹ thoáng lo lắng nhưng lại tự an ủi mình rằng: trẻ con đứa nào chẳng vậy. Sau thôi nôi, vợ chồng chị tập cho bé ăn lại phát hiện ra bé không biết nhai dù đã mọc được 8 chiếc răng. Mỗi lần đút cháo xay nhuyễn cho con là một lần người mẹ xót xa tự hỏi: sao con mình lại chậm phát triển hơn trẻ thường?

Những linh cảm không tốt đến với vợ chồng chị khi tiếp tục nhận thấy nhiều triệu chứng bất thường của con: bé không biết bò, không biết nói dù chỉ bập bẹ, không biết chỉ vào đồ vật hay cầm thức ăn cho vào miệng. Người mẹ bắt đầu lo ngại khi thấy con mình chỉ biết chạy lăng xăng, tông vào tường, tự xoay tròn hay la hét ăn vạ. Nhưng điều làm chị rơi nước mắt nhiều nhất, chính là khi mẹ gọi tên, bé không biết quay lại, dường như mẹ đang gọi ai đấy dù ở nhà chỉ có hai mẹ con.

Đó là chuỗi ngày đầy nước mắt của đôi vợ chồng trẻ. Đứa con lớn dần lên về thể xác, nhưng tâm trí hình như cứ mãi lửng lơ đâu đó. Phúc 22 tháng tuổi, khó khăn lắm người mẹ mới can đảm tìm tới bác sĩ, để rồi chị được nghe rằng: bé bị hiếu động thái quá dẫn đến mất tập trung (tên bệnh là tăng động, giảm chú ý - một trạng thái của bệnh tự kỷ) và không có thuốc chữa trị đặc hiệu. Cầm nắm thuốc an thần mà bác sĩ kê đơn ra về, chị như rơi vào ngõ cụt, đau đáu vò xe tâm can chị là cảm giác không được làm một người mẹ bình thường như bao người mẹ khác...

Phóng to
Giờ ăn của Phúc - Ảnh: L.Trang

Khó khăn lắm người mẹ mới tự thuyết phục được bản thân mình rằng đứa con khôi ngô, bụ bẫm của chị mắc chứng tự kỷ. Lại càng khó khăn hơn để vợ chồng chị gieo vào nhau một niềm tin rằng sẽ có phương thuốc cho con mình. Chị bỏ công việc ổn định suốt 11 năm, bồng bế con đi khắp nơi tìm thầy thuốc. Ở đâu có khóa tập huấn nói về tự kỷ là chị có mặt. Biết được gia đình nào có con bị bệnh chậm nói, hai vợ chồng chị đều tìm tới hỏi chuyện để có thêm kinh nghiệm.

Một gia đình có con bị bệnh tương tự bé Phúc của chị cho chị hay rằng: có thể trị liệu cho bé bằng phương pháp ABA của nước ngoài (phương pháp phân tích hành vi ứng dụng), nhưng số tiền phải đổ vào việc trị liệu này là quá sức với những gia đình bình thường, cùng với nhiều điều kiện khó khăn khác...

Mẹ mong con khôn lớn từng ngày...

Phóng to
Phúc đọc truyện - Ảnh: L.Trang

3 tuổi, Phúc vẫn tiểu tiện ra quần vô ý thức, không nói được dù chỉ là từ “ba” hay “mẹ”, bé không biết sợ ai. Người mẹ mừng như bắt được vàng khi tình cờ gặp một cô giáo chuyên điều trị tại nhà cho trẻ tự kỷ. Chị bỏ việc, xin theo học, dự giờ, nhờ cô tư vấn rồi về nhà dạy lại con những gì chị học được...

Nhìn những đứa trẻ con nhà người ta cũng quẩn quanh trong vỏ ốc của chứng tự kỷ, có những đứa bệnh tình còn nặng hơn con mình, chị se lòng, tưởng chừng nản chí. Nhưng rồi lại tự vực mình dậy với niềm hy vọng mong manh rằng mẹ con chị sẽ thắng...

Cuộc sống của người mẹ thay đổi hoàn toàn khi hàng ngày chị loay hoay tập thể dục cho bé, dạy con nói, cho con ăn, ru con ngủ, dỗ con khóc. Mấy tháng trời chị chỉ ngồi bên con, tay cầm chiếc khăn mùi soa tập cho bé... xì mũi. Cũng từng ấy đêm chị thức trắng để tập cho bé biết tự đi tiêu, đi tiểu. Ngay cả một hành động tưởng chừng là bản năng của các bé khác, như le lưỡi liếm thức ăn, hay súc miệng bằng nước, cũng phải dạy Phúc suốt ngày này qua tháng khác bé mới nhớ.

Bé không biết nhai, người mẹ phải tỷ mẩn ngồi nghiền từng miếng dưa hấu để tập cho cơ hàm của bé biết cử động. Bé khóc, quẫy, người mẹ phải đanh giọng, quyết liệt giằng bé ra khỏi thói quen lỳ lợm không biết sợ ai.

Phóng to
Trong giờ tập lăn banh để rèn mắt và tay - Ảnh: L.Trang

Riết rồi chị tập luôn cho mình thói quen nói rất to, hành động rất nhanh. Đó là kết quả của những lúc kéo con ra khỏi sự mất tập trung mà các bác sĩ thường gọi là “thăng thiên” (bé hoàn toàn vô thức, không nghe thấy gì xung quanh). Vật vã, miệt mài, trong căn nhà nhỏ, cứ một mẹ một con tập bò, tập lăn, tập cả leo trèo, tập chạy thế nào để con không húc vào tường, tập cho bé biết sợ nước nóng, sợ vật nhọn, sợ lửa...

Ngôi nhà lúc nào cũng trong trạng thái bừa bộn vì đồ chơi, dụng cụ tập luyện, sách vở, bút màu, tranh vẽ, bình nước, khăn chườm, thảm lăn, bóng cao su... nằm la liệt. Nhưng đó là lớp học của mẹ con chị, nơi sau hơn một năm ròng “chiến đấu”, Phúc đã biết nói (dù còn ngọng), biết gọi ba, mẹ, biết nghe lời và sinh hoạt như một đứa trẻ bình thường. Bé bắt đầu biểu lộ cảm xúc trong từng tiếng gọi “a, ba về” hay “mẹ ơi”... Những phút ấy, vợ chồng chị lại rưng rưng như một lần nữa được đón nhận đứa con chào đời.

“Câu chuyện của tôi hy vọng sẽ giúp những gia đình có hoàn cảnh tương tự một lời khuyên, xin đừng chờ đợi có điều kiện tiền bạc đầy đủ mới chữa bệnh cho con, bởi bé càng lớn thì khả năng phục hồi càng thấp. Không có lý do nào cho phép chúng ta dừng lại mà làm mất đi thời gian quý báu của con. Chính người làm cha, làm mẹ mới là người bác sĩ tốt nhất giúp con chiến thắng căn bệnh oái oăm này...” - chị Nguyễn Thị Thanh Thảo.

...Tháng 12-2008, Phúc đã được 4 tuổi rưỡi. Bé đã được nhận vào lớp chồi một trường mầm non ở gần nhà. Dù vẫn còn nói chưa rõ chữ, thỉnh thoảng la hét khi gặp người lạ, mới chỉ biết nhai với những thức ăn nhỏ và mềm như miếng dưa hấu, nhưng điều lạ lùng là Phúc đã biết đọc truyện, đọc báo và làm các phép tính cộng trừ đơn giản hay sử dụng máy vi tính.

“Tháng 9 năm nay Phúc của mẹ sẽ vào lớp 1”, người mẹ tự hào khoe. Chị kể: chị rất yên tâm về trình độ đọc chữ, làm toán của Phúc. Cô giáo ở trường mầm non bảo Phúc hay quậy phá, đi lung tung trong giờ học, thỉnh thoảng còn phát biểu vô thức. Bữa ăn của gia đình Phúc vẫn kéo dài hơn bình thường, vì Phúc nhai rất chậm, không thể ăn được miếng to. Bù lại, cháu rất biết nghe lời người lớn. Khó khăn vẫn còn đó, vẫn tiếp tục thử thách hai mẹ con Phúc, nhưng dường như một cánh cửa đã mở ra...

Khi kể câu chuyện này, mẹ của Phúc, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (quận Gò Vấp, TP.HCM) biết rằng, chị đã và đang đi đúng hướng. Không chỉ dạy con mình, giờ đây chị trở thành một giáo viên dạy trẻ tự kỷ tại nhà, với những kinh nghiệm suốt mấy năm hai vợ chồng chị học tập khắp nơi để can thiệp cho con.

Chị đến với những gia đình đồng cảnh ngộ trước hết bởi vì, chị thấu hiểu nỗi lòng của những người mẹ không may mắn như chị, lúc nào cũng đau đáu nỗi lo mất con. Vì không mấy ai có thể đứng vững trước những lời đàm tiếu của người đời rằng con mình bị thiểu năng trí tuệ, vô phương cứu chữa... nếu họ không bám víu vào một tia hi vọng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận