Những phát biểu gây dư luận của quan chức Trung Quốc

CẢNH CHÁNH 27/01/2010 19:01 GMT+7

TTCT - Tân Hoa xã và Nhân Dân nhật báo (Trung Quốc) đã tổng kết những câu nói gây sốc nhất và được lòng dân nhất của quan chức nước này trong năm 2009 . TTCT trích giới thiệu.

Phóng to
Ông Lộc Quân, phó cục trưởng Cục Quy hoạch Trịnh Châu Bà Chu Kế Hồng, phó chủ nhiệm trung tâm quản lý bơi lội Ông Vương Ái Dân, thị trưởng thành phố Lang Phường, Hà Bắc - Ảnh: baidu

Những câu gây sốc

Tiếng nói của anh đại diện đảng hay quần chúng?

Lộc Quân, phó cục trưởng Cục Quy hoạch Trịnh Châu, hỏi lại khi bị chất vấn về việc một khu đất quy hoạch xây nhà giá thấp biến thành khu biệt thự.

Anh có phải là đảng viên không?

Vương Quán Kỳ, trưởng ban xây dựng thành phố Cục Tài chính Trịnh Châu, phản ứng khi bị hỏi về chi phí quản lý nuôi chó của thành phố.

Việc này không nói chi tiết được

Trung Quốc đã bỏ quy định thu phí bảo dưỡng cầu đường nhưng Thiên Tân vẫn còn áp dụng. Ông Lưu, phó trưởng ban thu phí Cục Quản lý hành chính Thiên Tân, đã chống chế như vậy.

Đại tiện trên thảo nguyên tuy có hơi thối, vậy có phải ô nhiễm môi trường không?

Cư dân thị trấn Thượng Kiều, huyện Đông Hương, tỉnh Giang Tây lâu ngày sống trong môi trường ô nhiễm do Công ty công nghệ điện Nhật Cửu gây ra. Nhưng một cán bộ Cục Môi trường của huyện đã “ẩn dụ” như trên khi cho rằng ô nhiễm không nghiêm trọng, chỉ hơi ô nhiễm, thực phẩm ăn vào cũng không gây chết người.

Tòa án quen làm những việc như vậy

Một nhân viên tòa án nói khi bắt Mã Huy Quân, một doanh nhân ở Tảo Dương, tỉnh Hồ Bắc, do ghi hình hoạt động thi hành án của tòa.

Tại sao không công bố tài sản dân chúng?

Một quan chức bức xúc hỏi khi bàn về chế độ công khai tài sản quan chức.

Có phải đi vệ sinh cũng phải báo cáo anh?

Cán bộ Công ty đường cao tốc Tân Quang, Quảng Đông hỏi ngược khi bị chất vấn liệu phong tỏa đường có nên lấy ý kiến của dân.

Tôi không có động cơ nhận hối lộ, chỉ vì muốn phát triển mà thôi

Đàm Tân Sanh, phó huyện trưởng huyện Đồng Nam, Trùng Khánh, buột miệng khi bị thẩm tra vì dính líu hối lộ.

Anh ở đơn vị nào?

Bà Chu Kế Hồng, phó chủ nhiệm trung tâm quản lý bơi lội, hỏi ngược khi bị chất vấn về thông tin huy chương Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ XI được “phân chia” sẵn.

Chúng tôi không có thời gian tán gẫu với anh

Khi nhận được thư phản ảnh về tình hình ô nhiễm môi trường của người dân, chuyên mục Hộp thư thị trưởng trên trang web của thành phố Ứng Thành, Hồ Bắc đã hồi âm như trên và cho biết thêm: “Nếu có ý kiến, xin mời đến văn phòng gặp trực tiếp”.

Các nhà kinh doanh địa ốc đến đầu tư ở thành phố chúng tôi, lời của họ, thua do chúng tôi chịu

Vương Ái Dân, thị trưởng thành phố Lang Phường, Hà Bắc, khẳng định như vậy khi kêu gọi các nhà đầu tư. Ông Dân còn cho biết nếu trong hai năm thị trường nhà đất không khởi sắc, thành phố sẽ cấp đất bồi thường cho doanh nghiệp.

Muốn nhảy thì lên lầu 5 mà nhảy

Một nông dân Hồ Bắc đi nhờ lãnh đạo thị trấn giải quyết vấn đề đền bù giải tỏa không được quan tâm đã khóc than đòi nhảy lầu. Nhưng ông bí thư lại nói: “Điều đó tôi không lo nổi, muốn nhảy thì lên lầu 5, đừng nhảy ở lầu 1, lầu 2 nhé!”.

Phóng to
Bí thư Trần Quốc Huê tiếp xúc với người dân - Ảnh: baidu

Những câu được lòng dân

Bá tánh chửi là vì còn xem các anh là cha mẹ

Trần Quốc Huê, bí thư Ủy ban kỷ luật thành phố Tần Châu, Giang Tô, đã viết trên blog của mình: "Tôi biết hiện có dư luận cho rằng bá tánh ngày nay là dân chuyên gây rắc rối, bưng chén ăn thịt, bỏ đũa xuống là chửi, chuyên đi chống đối cán bộ. Đó là những lời nói thiếu trách nhiệm của cán bộ, họ không hiểu bá tánh chửi chúng ta là vì họ còn xem chúng ta là cha mẹ. Tôi lo là khi toàn xã hội không còn sự công bằng, bá tánh có còn xem chúng ta là cha mẹ nữa không?".

Lãnh đạo lên mạng là kiểu vi hành của thời này

Vương Kim Sơn, bí thư Tỉnh ủy An Huy, yêu cầu cán bộ phải biết sử dụng thành thạo Internet, vì lên mạng có thể lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, tìm hiểu tình hình thực tế. Cư dân mạng dù chỉ nói lên tiếng nói cá nhân nhưng đều bắt nguồn từ cuộc sống, xã hội, đại diện cho một cộng đồng. Cho dù đó là những lời chửi rủa, trách móc... nhưng đều có thể trở thành tài liệu tham khảo có giá trị khi ban hành chính sách.

Cảnh giác thế lực họ hàng, xã hội đen xâm hại quyền lợi đất đai nông dân

Từ Thiệu Sử, bộ trưởng tài nguyên đất đai, trong một buổi nói chuyện ở Tứ Xuyên cho rằng cần cảnh giác quá trình trưng dụng đất, xây dựng tập thể, quyền lực, vốn, thế lực họ hàng, thậm chí xã hội đen xâm hại quyền lợi nông dân.

Cơ quan giám sát như chương trình diệt virus của chính phủ

Mã Văn, bộ trưởng Bộ Giám sát, nói nếu xem chính phủ như máy tính thì cơ quan giám sát chính là chương trình diệt virus của chính phủ. Một mặt phòng ngừa virus phát tán, mặt khác phải khởi động chương trình diệt virus, tìm kiếm những tập tin bị nhiễm virus, phục hồi chúng, xóa bỏ những tập tin bị nhiễm nặng, giữ gìn hệ thống vận hành thuận lợi.

Bí thư huyện ủy bớt làm phụ huynh, nên tăng cường tính dân chủ

Trương Xuân Hiền, bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam, trong một buổi tọa đàm xây dựng đội ngũ yêu cầu các bí thư huyện ủy chỉ nên giữ chức lớp trưởng chứ không làm phụ huynh, quyết đoán nhưng không độc đoán.

Chấn chỉnh chính sách phải phòng chống hiện tượng trên bảo dưới không nghe

Khi nói về việc chấn chỉnh xây dựng môi trường mềm (chính sách, cơ chế, văn hóa, tư tưởng) phát triển kinh tế, Vương Dân, bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh, cho rằng do nhiều chính sách khi thực thi bị cắt xén, biến dạng nên cần tăng cường xây dựng tác phong cán bộ, xóa bỏ tình trạng chính sách bị tắc nghẽn ở địa phương, phải thực thi chính sách từ trung ương đến địa phương một cách triệt để.

Mười năm sau, tôi hi vọng...

Mười năm sau, chúng ta sẽ không còn nghe thấy những câu gây sốc từ miệng quan chức như: “Việc này không nói chi tiết được”, “Tại sao không công bố tài sản dân chúng?”, “Anh dám công khai trên mạng Tân Hoa xã, tôi sẽ đóng cửa luôn cả mạng”..., thay vào đó sẽ là những câu nói êm tai như nhân viên nói với ông chủ.

Mười năm sau, tôi hi vọng cảnh chạy chức không còn chạy lên trên hay chạy đến Bắc Kinh mà là chạy về cơ sở, về với quần chúng. Thậm chí quan chức sẽ tìm mọi cách lấy lòng dân để được bỏ phiếu và dám đấu khẩu gay gắt với đối thủ cạnh tranh.

Mười năm sau, tôi hi vọng có thể tra cứu tình hình đóng thuế, tài sản của tất cả quan chức; có thể xem bảng dự toán ngân sách nhà nước; một khi quan chức có hành động vượt khỏi khả năng chi trả của bản thân sẽ lập tức bị điều tra.

Mười năm sau, tôi hi vọng khi nói đến chống tiêu cực, không còn nhắc đến câu: “Dùng dao chém vào tay mình”...

Mười năm sau, với tư cách nhà báo, tôi hi vọng khi đi lấy tin ở cơ quan nhà nước, có thể dễ dàng đẩy cửa bước vào và hỏi hôm nay có gì mới, chứ không phải bị chặn ngay ngoài cổng với câu “Không phận sự miễn vào”. Dân thường khi gặp quan không cần khom lưng luồn cúi như dê gặp sói.

Mười năm sau, nếu vẫn còn là nhà báo, tôi hi vọng khi viết xã luận, không như viết bài báo này cứ đắn đo mãi, đã viết chưa, có bị vào tù không. Tôi nghĩ nếu mười năm sau tôi không còn lo lắng như ngày hôm nay, nền chính trị Trung Quốc lúc ấy nhất định rất thanh liêm và tham nhũng sẽ không còn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận