Đứa trẻ cần được tha thứ

WIKIPEDIA 02/01/2010 21:01 GMT+7

TTCT - Câu chuyện của một người đàn ông trung niên - nạn nhân của bạo hành gia đình - đã dành hơn 30 năm cuộc đời đi tìm câu trả lời cho những trận đòn roi trong quá khứ. Anh đã không ngần ngại trút hết gan ruột cùng bạn đọc TTCT, với hi vọng câu chuyện này sẽ làm bớt đi nỗi đau bạo hành trong gia đình thời hiện đại. Tên nhân vật đã được thay đổi.

Mỗi một cuộc đời quanh ta là những trải nghiệm khác biệt. Có thể là hạnh phúc, nhưng cũng có thể là bất hạnh, mà để vượt qua cần nhiều nghị lực, ý chí, cả những chịu đựng đớn đau... Bạn đã trải qua một quãng đời như thế. Bạn đã chứng kiến một câu chuyện đời như thế. Mời bạn chia sẻ những câu chuyện cuộc sống đó với chúng tôi. Mọi thư từ bài vở xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Câu chuyện cuộc sống.

Phóng to

Có một đứa trẻ luôn mặc cảm, tự ti, đau đớn, hoài nghi, xáo trộn... trong cơ thể tưởng như đã đủ độ “chín” của người đàn ông 42 tuổi.

Đứa trẻ ấy thường xuyên phẫn nộ. Đứa trẻ ấy tự trói buộc mình. Đứa trẻ giãy giụa trong vỏ ốc với khao khát được bung ra, được thể hiện mình, nhưng sức mạnh từ những nỗi ám ảnh trong quá khứ cứ như o ép, cản ngăn, ghìm nén...

Tất cả đều bắt đầu từ một tuổi thơ không thể gọi là tuổi thơ.

Ám ảnh

Trong ký ức non nớt lúc 3, 4 tuổi, với anh đó là những trận đánh không nương tay của người cha. Mười mấy năm sau, anh biết gọi đó là những trận bạo hành.

Và cũng lần đầu tiên, thằng anh dồn hết những bực dọc, đau đớn, bất lực của mình sang đứa em gái kém vài tuổi. Anh đánh em gái mình theo cách mà bố đã đánh anh, tàn nhẫn, không một lý do.

Một biểu hiện dễ thấy nữa ở những người bị tổn thương tâm lý: anh cực kỳ ghét trẻ con. Anh tránh xa trẻ con và thường “gầm gừ” chúng.

Đòn roi là một phần của tuổi thơ bé dại. Những trận đòn không ngớt và cũng chẳng cần lý do, để lại những vết bầm trên da thịt và những mảng vỡ nát trong tâm hồn đứa trẻ. Những lời can ngăn của người mẹ nhẫn nhịn dường như càng đổ thêm dầu vào lửa.

Phải đến vài chục năm sau, anh Trần Lâm, người đàn ông trong câu chuyện này, nay đã trở thành một doanh nhân, hiện đang sống ở Q.3, TP.HCM, mới nhận ra rằng hậu quả của những trận đòn roi ấy thật không sao đếm hết.

Anh kể rằng bài học đầu tiên của cuộc đời anh là câu nói của người mẹ vốn rất hiền lành: “Con phải đánh trả đi chứ!”.

Người mẹ ấy đã biết bao lần cầu xin, van lơn người chồng - thật khó tin, đó là một giáo sư, tiến sĩ khá nổi tiếng ở Hà Nội thời đó - rằng hãy buông tha cho đứa con trai bé bỏng. Nhưng những trận đòn vẫn tới tấp. Anh nhớ lại: trừ những khi bố đi công tác, còn khi ông về là anh bị đánh. Ngày nào cũng đánh. Đánh bằng bạt tai, bằng roi, bằng then cài cửa hay bất cứ thứ gì có thể gây thương tích. Những lời chửi bới rằng “mày là thằng mặt lợn”, “mày làm tao nhục nhã”, “tao móc mắt mày”... ám ảnh anh tới tận bây giờ.

Không khí gia đình làm đứa bé chỉ mới mấy tuổi đầu nhìn những vị khách đến chơi nhà bằng cặp mắt van lơn rằng “con muốn được mang đi, đi đâu cũng được”.

Đứa trẻ ấy thường tưởng tượng ra một câu chuyện trong đó mình là đứa con rơi, bố mẹ nhặt được đâu đó để giải thích chuyện bố ghét và đánh mình.

Lên lớp 4, đứa trẻ ấy bị rối loạn và tuyệt vọng đến mức đã bẻ một nhánh xương rồng đầy gai và nhai nuốt cho đến hết với ý nghĩ: “Muốn chết”.

Năm lớp 8, lần đầu tiên cậu bé đến tuổi dậy thì dám đỡ lại cây then cài cửa mà bố dùng để đánh mình và nói: "Nếu bố còn đánh con thì con sẽ đánh lại bố”.

Và cũng lần đầu tiên, thằng anh dồn hết những bực dọc, đau đớn, bất lực của mình sang đứa em gái kém vài tuổi. Anh đánh em gái mình theo cách mà bố đã đánh anh, tàn nhẫn, không một lý do.

Vài năm sau, anh thi vào Đại học Giao thông vận tải, với ý nguyện duy nhất là được trốn khỏi gia đình. Đó là lựa chọn trái với mong muốn đầy áp đặt của người cha rằng anh sẽ trở thành một kỹ sư cơ khí, dù từ nhỏ anh đã ham thích các bộ môn nghệ thuật và có sở trường về hội họa, văn chương.

Phóng to
Ảnh: Gia Tiến

Bế tắc

Tại Canada, các bác sĩ chẩn đoán anh bị “Rối loạn hậu chấn thương”, xếp chung với nhóm bệnh nhân là binh lính trở về sau chiến trận hoặc thoát chết từ các tai nạn thảm khốc như máy bay rơi, lênh đênh một mình trên đại dương...

Cuộc sống sinh viên và những năm đầu tiên đi làm của anh không hề giống bạn bè cùng trang lứa. Anh thu mình lại, tự ti, ngại giao tiếp, hay nổi nóng, căm phẫn, đau đớn bất chừng. Sau này, bác sĩ tâm lý cho anh biết đó là hội chứng chấn thương tâm lý và rối loạn tâm thần.

Tám năm sau đó anh vẫn không thoát khỏi những cơn trầm cảm liên miên, dù đã xây dựng được một cuộc sống khá về vật chất và địa vị xã hội không thua kém nhiều người. Anh không nghĩ đến chuyện lập gia đình chỉ vì nỗi sợ “sẽ có con và sẽ đánh con”.

Và một biểu hiện dễ thấy nữa ở những người bị tổn thương tâm lý: anh cực kỳ ghét trẻ con. Anh tránh xa trẻ con và thường “gầm gừ” chúng.

Anh lên kế hoạch về một cuộc sống ở nước ngoài để quên đi tất cả. Nhưng nỗi nhớ quê, nỗi thèm về với gia đình, niềm tin mình sẽ tìm lại được tình thương từ người cha khiến anh quay về. Về để rồi lại tuyệt vọng, bế tắc khi người cha vẫn chỉ dành cho anh những lời chửi mắng. Cơn giận của ông còn đổ lên cả đứa cháu trai 5 tuổi, con của em gái anh.

Thất bại trong việc trở về. Bệnh tình của anh nặng hơn, khiến anh trì trệ hơn. Những cơn giận dữ điên cuồng không lý do, những cơn mộng du về những trận đánh đấm túi bụi, anh bắt đầu quên nhiều thứ và trở nên trầm uất, sa vào rượu chè, ma túy và thuốc lắc chỉ để “tìm quên”.

Phóng to
Ảnh: Gia Tiến

Bài tập

Mọi thứ trở nên nặng nề khi anh bước vào tuổi trung niên. Rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, bất an. Anh phải dùng thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm loại nặng trong vài năm liền. Anh bỏ hết công việc, nhà cửa để đi các nước Bắc Phi, Nam Mỹ... với mong muốn một cuộc sống khác. Anh dành nhiều thời gian tìm các tài liệu liên quan đến tổn thương tâm lý và bạo hành gia đình. Anh đã tìm đến hàng chục chuyên gia tư vấn, bác sĩ để được trị bệnh.

Bạo hành trẻ em gây hậu quả khó lường

Theo cuốn Breaking the Cycle of Abuse của bà Beverly Engel (chuyên gia về bạo lực tinh thần và tình dục, bác sĩ trị liệu tâm lý hôn nhân và gia đình), có bốn hình thức bạo hành với trẻ em trong gia đình: bạo hành thể xác, lời nói, tinh thần, bạo hành tình dục. Trong đó, bạo hành tinh thần gây ra hậu quả rất lâu dài về tinh thần.

Các biểu hiện của bạo hành tinh thần là: chửi thề, gọi con bằng tên tục tĩu hay những danh từ hạ thấp phẩm giá; lấy làm trò cười về vẻ bề ngoài, trí thông minh hoặc tính cách của con; đe dọa đuổi con ra khỏi nhà, dọa đánh nhưng không làm; đánh, giết, vứt thú nuôi của trẻ; bỏ qua những yêu cầu của trẻ khi trẻ cần giúp đỡ; đặt bé vào trường hợp phải quyết định thay cho bố mẹ; buộc tội đứa trẻ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xấu của bố mẹ...

Phải đến khi anh gặp Laura, một chuyên viên tư vấn về chống bạo hành đối với trẻ em, tại một khu rừng thuộc vùng Magaret River, miền tây nước Úc, những ức chế trong anh mới vỡ ra.

Laura dành nhiều ngày để lắng nghe anh. Bài tập trị liệu đầu tiên: anh phải nhớ lại và viết ra giấy tất cả những câu chuyện quá khứ khiến anh đau đớn. Một tuần liền, anh gục mặt xuống bàn, vừa viết vừa khóc òa như đứa trẻ.

Hàng chục trang giấy ghi lại tuổi thơ lạc lõng, đau đớn, khát khao tình thương từ người cha trong vô vọng. Tất cả như một cuốn phim quay chậm với những phân đoạn loang lổ, tựa như vết dao cứa vào tận đáy tâm hồn.

Đó là những lúc ông bố lục tìm hộp đựng dế của cậu con trai rồi dùng tay đập nát từng con dế. Là những lúc ông hung dữ ném vỡ choang bể cá vàng mà đứa con rất quý, rồi dùng chân gí chết từng con cá.

Những lúc ông gọi con trai lại để ôm vào lòng, thằng bé quay đi vì sợ, ông lập tức lôi nó xềnh xệch ra sàn nhà và đánh tả tơi, rồi đi khoe với hàng xóm rằng “thằng này phải đánh nó mới bớt ngu đi”. Giữa bữa cơm, ông lấy bát cơm đánh lia lịa vào mặt con cho đến lúc mặt đứa bé bầm tím và rướm máu...

Những ký ức tuôn trào, rõ ràng, mạch lạc, mỗi hình ảnh đều gợi lại sự tổn thương, nhức nhối của đứa trẻ. Viết xong, anh được yêu cầu đọc lại và xé đi. Mỗi trang viết bị xé, anh phải tha thứ, không phải cho người cha hung dữ, mà là cho đứa trẻ vẫn đau đáu trong anh.

Suốt những năm thanh niên, anh đã mặc định rằng đứa trẻ ấy xấu xa, mang tội để đến nỗi bị đánh. Giờ là lúc anh phải tha thứ cho đứa trẻ trong tâm hồn mình. “Đứa trẻ - tôi - không có tội”.

Trở về Việt Nam, anh tiếp tục đi tìm những giải pháp cho mình. Anh gặp Gregor, bác sĩ tâm lý người Đức đang làm việc tại Bệnh viện SOS, TP.HCM. Ông giúp anh hóa giải những bế tắc trong công việc. Gần đây, những tài liệu khoa học cho anh thêm một điểm tựa: thiền là một biện pháp trị liệu tốt cho những nạn nhân của bạo hành gia đình.

Phóng to
Ảnh: Gia Tiến

Trở về

Gặp anh ở thiền viện Viên Không, Vũng Tàu, nơi anh thường lui tới mỗi dịp cuối tuần để thiền và tìm hiểu về đạo Phật, anh khoe với tôi rằng hai năm trở lại đây cuộc sống của anh đã khác trước nhiều, mà điển hình nhất là việc anh không cần dùng đến thuốc an thần nữa. Anh đã trở về nhà, đã có thể ôm bố và mẹ để trò chuyện một cách bình thường.

Anh kể: “Đó là cả một quá trình dài để tôi có thể tha thứ cho mình và rồi dần tha thứ cho bố. Tôi nhận ra ông - bố tôi - cũng bị rất nhiều áp lực từ cuộc sống. Ngang tàng là tính cách của ông. Tôi đã xóa đi những hồi ức đau buồn, thay vào đó là ký ức về những lần quan hệ tốt đẹp giữa hai bố con”.

Trước đây, mỗi lần nhớ đến bố mình, anh đau đáu câu hỏi: “Tại sao ông lại đánh một đứa trẻ 3 tuổi?”. Mỗi lần nhớ đến ông là nỗi căm thù tăng lên, có lúc anh nổi giận đến mức mờ mắt, ngạt thở. Nhưng giờ anh nhận ra: “Cuộc đời không còn bao nhiêu. Việc tôi hóa giải được những thù hằn và quay về với gia đình chính là một phần thưởng lớn mà tôi phải cảm ơn cuộc đời này. Tôi cũng gặp, tâm sự và xin lỗi em gái tôi về những đòn roi mà tôi dành cho em trong quá khứ”. Thì ra mấy chục năm qua, cùng với nỗi đau của một đứa trẻ ám ảnh vì bị cha bạo hành, còn có người em gái vẫn ôm nỗi thù hận anh trai mình...

Thiền giúp anh tĩnh tâm và hòa vào cuộc đời dễ dàng hơn. “Thắng lợi tinh thần” lớn nhất là anh không còn ghét trẻ con nữa mà thấy chúng ở đâu là anh ùa tới. Đã không dưới một lần anh dừng xe trên đường và đỡ lấy cây roi của một ông bố, bà mẹ sắp giáng xuống đứa con của họ. Nhìn cảnh ấy, có người nói với anh “rảnh rang hay sao mà lo chuyện bao đồng”.

Nhưng với người đàn ông mang nhiều ký ức về bạo hành gia đình, dù chỉ là một ngọn roi, một cái tát của người làm cha làm mẹ với con mình, cũng là một niềm đau xót khôn nguôi.

Bạn bè bảo anh là chuyên gia chống bạo hành trẻ em. Cũng đúng. Với những tư liệu, kiến thức và bài tập về tư vấn tâm lý cho những người bị ám ảnh về bạo hành trong quá khứ, anh đã giúp nhiều bạn bè, người quen biết đối mặt với thực tại và tìm cách quay về như anh. Mỗi ngày, khi lướt web, anh đều cố tìm một tổ chức chống bạo hành trẻ em tại Việt Nam, với hi vọng có thể góp một phần nào đó làm dịu đi những nỗi đau thầm kín vẫn hiện hữu trên cuộc đời này.

Kỳ tới: ngay chính chuyên gia điều trị cho trần lâm cũng là một nạn nhân của bạo hành gia đình

..................

Ý kiến bạn đọc:

Tiếng kẻng báo động đánh vào thế giới văn minh

* Sau khi đọc xong câu chuyện về tuổi thơ buồn của tác giả, tôi thật sự không cầm nổi nước mắt. Câu chuyện thật sự gây cho tôi một cảm xúc lớn đối với tác giả, với tuổi thơ của anh. Tôi không thể nào chịu nổi hình ảnh một đứa bé chỉ vài tuổi mà phải bị giáng những trận đòn roi khủng khiếp một cách vô tội vạ như thế. Thật kinh khủng hơn là những kí ức trẻ thơ của tác giả bị bao trùm bởi những hình ảnh đen tối của sự bạo hành của ông bố " giáo sư".

Tôi nghĩ, đây không chỉ là câu chuyện buồn của chỉ riêng tác giả mà nó quả là một tiếng kẻng lớn đáng báo động về nạn bạo hành gia đình trong xã hội hiện nay. Mỗi khi đọc những câu chuyện thương tâm gây bức xúc như: chồng đánh vợ đến ngất đi hay cha đánh con không thương tiếc... tôi cho rằng đó là những hành động thô bạo nhất mà một xã hội văn minh không thể chấp nhận được. Với tư cách là một người dân, tôi mong muốn Nhà nước nên có những phương pháp cứng rắn để bảo vệ phụ nữ và trẻ em Việt Nam.

* Tôi không thể tưởng tượng được người cha có thể đối xử với con trai mình như vậy. Anh là một người có nghị lực và sức mạnh tinh thần phi thường. Tuy bị bạo hành nhưng anh đã rất thành công trên con đường sự nghiệp của mình. Chúc anh thành công.

* Khi đọc xong câu chuyện của anh - hành trình đi tìm sự giải thoát cho tâm hồn của 1 đứa trẻ trong quá khứ, tôi rất xúc động, cảm phục nghị lực phi thường của anh, những tình cảm của anh dành cho các em nhỏ bị bạo hành.

Tôi tìm thấy trong anh ý nghĩa cuộc sống và thấy mình còn phải cố gắng hơn nhiều. Xin cám ơn anh! Chúc anh và gia đình luôn mạnh khỏe, anh sẽ tìm được nhiều niềm vui và yêu thương trong cuộc sống.

* Đọc qua bài này tôi cảm thấy mình ngày xưa cũng gần giống như anh vậy. Tất nhiên là gần giống thôi vì tôi không phải bị đánh dã man như anh. Cha tôi đánh tôi vì chỉ muốn tôi khá hơn. Tuy nhiên, đôi lúc trong suy nghĩ của mình, tôi thù cha tôi lắm. Cho dù đến bây giờ , nhiều lúc ông cũng đối xử với tôi như một đứa bé của ngày xưa vậy. Ông không thể thay đổi qua bao nhiêu năm tháng.

Càng đọc bài này tôi càng cảm thấy anh là người vô cũng đau khổ và bất hạnh, có lẽ khó bắt gặp những đứa trẻ nào có cuộc đời như anh. Quả thật cuộc đời bất hạnh nhất là khi đứa bé không có tuổi thơ thực sự, vì tuổi thơ đã bị đánh cắp. Chúc anh luôn mạnh mẽ và tin yêu cuộc sống hơn. Chào anh

Bạn có ý kiến như thế nào về vấn đề này? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận