400 triệu USD xây dựng bốn trường ĐH "trình độ quốc tế"

THANH HÀ THỰC HIỆN 14/06/2009 00:06 GMT+7

TTCT - “Mô hình mới, chất lượng cao, nhanh đạt tới chuẩn quốc tế” là khái quát của bà Trần Thị Hà - vụ trưởng vụ Giáo dục ĐH (bộ GD-ĐT) - về bốn trường ĐH mới sẽ được chính phủ đầu tư 400 triệu USD để xây dựng.

Phóng to
Bà Trần Thị Hà - Ảnh: Thanh Hà

Với khoản đầu tư này cùng rất nhiều cam kết trong hợp tác quốc tế và những cơ chế, chính sách đặc biệt về tổ chức, hoạt động..., bộ GD-ĐT kỳ vọng trong 10 năm nữa nơi đây sẽ trở thành những trường ĐH có “trình độ quốc tế”. Trao đổi với TTCT, bà Trần Thị Hà cho biết:

-Bốn trường này bao gồm Trường ĐH Việt - Đức hiện đã đi vào hoạt động tại TP.HCM với đối tác chính là CHLB Đức. Trường thứ hai là ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội đã được quyết định xây dựng với đối tác chiến lược là Viện Khoa học - công nghệ VN. Trong chuyến làm việc của Bộ GD-ĐT vừa rồi, phía Pháp cam kết sẽ hỗ trợ 100 triệu euro trong mười năm cho Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội - kinh phí chủ yếu để đào tạo 400 tiến sĩ làm giảng viên, cán bộ nghiên cứu cho trường. Đồng thời Pháp sẽ cử giảng viên sang giảng dạy, tham gia quản lý trường, mỗi năm xây dựng 1-2 phòng thí nghiệm chung...

Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị tiếp hai đề án thành lập hai trường ĐH trình độ quốc tế tại Đà Nẵng và Cần Thơ với đối tác chiến lược sẽ là ĐH Đà Nẵng và ĐH Cần Thơ, đồng thời sẽ lựa chọn tiếp các đối tác nước ngoài từ Mỹ, Nhật, Nga... Chính phủ sẽ đầu tư 400 triệu USD từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á để xây dựng bốn trường ĐH này.

Đầu tư nhiều, tự chủ cao

* Đối tượng đào tạo chủ yếu của các trường này có phải là người có đủ khả năng chi trả học phí?

- Mục tiêu của các trường không phải là thu học phí cao, tuy học phí có thể sẽ không ở mức như đào tạo ĐH đại trà...

Nói một cách đơn giản, đây là những trường ĐH dành cho sinh viên giỏi, tài năng, có năng lực và triển vọng trong nghiên cứu. Vì vậy, đối với sinh viên trong nước, năng lực của người học là yếu tố được ưu tiên hàng đầu chứ không phải khả năng chi trả.

Đối với những sinh viên tài năng nhưng không đủ khả năng chi trả học phí sẽ được xét cấp học bổng, được hỗ trợ các điều kiện khác... để có thể theo học tại đây. Còn đối với sinh viên nước ngoài có nhu cầu học tập tại các trường ĐH này sẽ đóng học phí theo mức quy định tương ứng với chất lượng đào tạo.

* Ngoài việc được đầu tư một lúc hàng trăm triệu USD ngay khi bắt đầu “khởi nghiệp”, các trường ĐH mới sẽ có gì khác biệt, mới mẻ trong mô hình và phương thức hoạt động, đào tạo so với hệ thống trường ĐH hiện có của VN?

- Bốn trường ĐH mới được xây dựng theo định hướng là các trường công lập, phi lợi nhuận, đào tạo chất lượng cao tiến tới trình độ quốc tế vào năm 2020. Các trường sẽ có tổ chức và hoạt động theo quy chế riêng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Được hoạt động theo quy chế riêng là để thuận lợi trong việc ứng dụng các mô hình mới về quản trị ĐH, thực hiện nội dung và phương pháp giảng dạy tiên tiến.

Mô hình hoạt động cụ thể của từng trường trong số bốn trường có thể khác nhau. Nhưng cũng giống nhau ở chỗ có tính tự chủ cao, là những trường công lập đầu tiên thuê người nước ngoài làm quản lý. Bộ GD-ĐT chủ trương khuyến khích các đối tác nước ngoài tham gia mạnh vào việc quản lý, giảng dạy, nghiên cứu của trường trong giai đoạn đầu.

Giữa bốn trường ĐH này với hệ thống giáo dục ĐH của chúng ta hiện nay còn một điểm khác biệt lớn nữa: đây sẽ là những trường ĐH công lập được tổ chức và hoạt động theo mô hình của các ĐH tiên tiến trên thế giới, từ sử dụng chương trình đào tạo, phương pháp dạy - học, cách thức đánh giá và quản lý đào tạo phải đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế... Các trường phải đáp ứng yêu cầu là những trường ĐH theo hướng nghiên cứu với tỉ lệ đào tạo ĐH/sau ĐH là 1:1, cao hơn rất nhiều so với các trường ĐH ở VN hiện nay.

* Liệu việc phải tiếp tục duy trì những khoản đầu tư khá lớn cho hoạt động của các trường hăng năm có khả thi khi ngân sách giáo dục ĐH hiện còn quá eo hẹp?

- Chính phủ VN cấp vốn chủ yếu xây dựng bốn trường, các trường này chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT. Các đối tác giáo dục ĐH nước ngoài hỗ trợ về nhân lực, học thuật và huy động một phần tài chính để tổ chức, quản lý và vận hành trường. Các trường đều được đối tác, địa phương ưu tiên cao về điều kiện cơ sở vật chất.

Do đây là những trường công lập, phi lợi nhuận nên trong quá trình vận hành ngân sách nhà nước vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ yếu bên cạnh nguồn học phí, nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ và các nguồn tài trợ khác.

Rút ngắn thời gian bằng chính sách

Phóng to
Lãnh đạo cấp cao Việt - Đức gặp gỡ trong ngày khánh thành Trường ĐH Việt - Đức năm 2008 - Ảnh: Như Hùng
* Vì sao Bộ GD-ĐT lại chọn hướng đầu tư xây dựng mới các trường ĐH đạt trình độ quốc tế thay vì phát triển từ một vài trường ĐH trọng điểm như đã có nhiều ý kiến đề xuất?

- Bộ GD-ĐT cùng các chuyên gia đã nghiên cứu kỹ lưỡng và đi đến kết luận: Trong điều kiện VN hiện nay, nguồn tài chính, nhân lực và cách thức quản lý chưa đảm bảo để xây dựng và phát triển một số trường ĐH hiện có thành trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Một giải pháp khả thi là kết hợp hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực hiện có của những trường ĐH, viện nghiên cứu có tiềm năng với sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài để xây dựng trường ĐH mô hình mới, đào tạo chất lượng cao, tiến tới đẳng cấp quốc tế.

Với giải pháp này, VN có thể triển khai nhanh một mô hình đào tạo chất lượng cao và có được trường ĐH đẳng cấp quốc tế như mong muốn. Đồng thời những bài học, kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện sẽ góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo, đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH.

* Làm thế nào để có đủ giảng viên chất lượng cao đáp ứng đủ yêu cầu của bốn trường ĐH trình độ quốc tế này trong một thời gian ngăn, thưa bà?

- Trong những năm đầu, khoảng 50-80% giáo sư của các trường đối tác sẽ đảm nhiệm việc giảng dạy. Trong thời gian đó, việc đào tạo đội ngũ giảng viên VN sẽ được cả hai bên, VN và các đối tác, ưu tiên phối hợp thực hiện. Tỉ lệ giảng viên nước ngoài giảm xuống khoảng 30% vào năm thứ mười khi đã có số giảng viên VN được đào tạo thay thế.

Như tôi đã nói ở trên, các trường ĐH này sẽ có cơ chế quản lý riêng, quyền tự chủ cao nên sẽ có đãi ngộ khác để thu hút đội ngũ giảng viên giỏi trong và ngoài nước, như mức lương thỏa đáng cùng với các điều kiện làm việc, nghiên cứu tương đương với các trường ĐH có uy tín trong khu vực. Theo tôi, quan trọng nhất là có được chính sách để thu hút người giỏi về làm việc, tạo được môi trường tốt để họ gắn bó chứ không lo thiếu nguồn.

* Như vậy có xảy ra tình trạng các trường ĐH mới sẽ “hút” hết giảng viên giỏi của những trường ĐH khác do có chế độ lương bổng, đãi ngộ tốt hơn?

- Có sự thu hút như vậy cũng là điều đáng quý, sẽ tạo ra sự cạnh tranh để các trường ĐH khác thấy có trách nhiệm phải giữ được người giỏi.

Nghị định 43 của Chính phủ đã cho phép các trường, người đứng đầu các trường bằng quyền tự chủ có thể thực hiện những chính sách trong quản lý, tài chính nhằm tạo động lực cho giảng viên làm việc. Thực hiện như thế nào, hiệu quả đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào sự năng động của người đứng đầu các trường ĐH. Thêm nữa, các trường không thể chỉ trông chờ vào đầu tư từ ngân sách mà phải tìm kiếm những nguồn tài chính khác, nhất là thông qua nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để có thu nhập cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn cho cán bộ, giảng viên, giữ được chân họ. Nếu không họ không chỉ tìm đến các trường ĐH mới thành lập mà còn có rất nhiều nơi khác sẵn sàng chào đón...

* Xin cảm ơn bà.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận