Bà Cầu bị ốm

HOÀNG ĐIỆP 30/03/2009 02:03 GMT+7

TTCT - Ngày 20-3, sau hai ngày giỗ tổ nghề hát xẩm diễn ra tại đình Hào Nam (Tuổi trẻ ngày 19-3), tôi bắt xe về Yên Mô (Ninh Bình) thăm bà Hà Thị Cầu. Nhiều người biết đến bà Cầu như một báu vật quốc gia, một di sản sống của nghệ thuật hát xẩm. Cái tin bà ốm, phải truyền nước biển, không thể dự lễ giỗ nghề khiến rất nhiều người quan tâm đến hát xẩm phải nuối tiếc, bởi cả năm chỉ có dịp này...

Phóng to
TTCT - Ngày 20-3, sau hai ngày giỗ tổ nghề hát xẩm diễn ra tại đình Hào Nam (Tuổi trẻ ngày 19-3), tôi bắt xe về Yên Mô (Ninh Bình) thăm bà Hà Thị Cầu. Nhiều người biết đến bà Cầu như một báu vật quốc gia, một di sản sống của nghệ thuật hát xẩm. Cái tin bà ốm, phải truyền nước biển, không thể dự lễ giỗ nghề khiến rất nhiều người quan tâm đến hát xẩm phải nuối tiếc, bởi cả năm chỉ có dịp này...

Nhà bà Cầu đấy! Một người đàn bà tay cầm chiếc nón nghiêng che cái nắng non trưa hất hàm chỉ vào ngôi nhà nho nhỏ ven đường gần UBND xã Yên Phong, cách trung tâm Ninh Bình chưa đầy hai chục cây số.

Một phụ nữ trung niên chạy ra mở cửa, đó là chị Mận, con gái áp út bà Cầu, sau chị là một người đàn ông, lúc đầu tôi cứ ngỡ đó là con trai cụ.

Bu ốm lắm - chị Mận nói thế - Mấy hôm trước giỗ xẩm bu không đi được, cứ tiếc mãi.

Căn nhà nhỏ nhưng sạch sẽ, gọn gàng được chia thành hai gian nhỏ xíu. Phòng khách chật hẹp được kê thêm chiếc giường đôi, vừa làm chỗ ngủ, vừa làm chỗ tiếp khách. Phía trong, chị Mận vén tấm rèm xoa mỏng che cửa buồng, đủ để tôi nhìn thấy chiếc giường một, nơi bà Cầu đang nằm nghỉ.

Tôi hỏi chị Mận: “Bà ốm lâu chưa?”. “Ốm lâu rồi, người yếu lắm, chả ăn được gì, mỗi bữa được thìa cơm và một chén rượu!”.

“Bác sĩ bảo bệnh gì hả chị?”. “Tôi chả nhớ, nhưng chân tay run, thần kinh thần kiếc gì đó, bu đang uống thuốc đấy”.

Bà Cầu đang thiu thiu ngủ, nghe tiếng người bèn hỏi vọng ra: “Ai đến thế, lâu lắm chả có khách qua chơi”.

Phóng to
Rồi tấm rèm cửa bằng vải xoa lại được vén lên, bà Cầu lật đật bước ra. Mái tóc xổ trắng, miệng vẫn bỏm bẻm nhai trầu, nước cốt trầu còn vương nơi vết chân chim bên khóe môi. Bà sẽ sàng ngồi ké một bên mép giường, lưng tựa vào song cửa sổ.

“Bu theo mẹ đi hát từ khi 10 tuổi, lang thang khắp chốn cùng nơi, đến khi 16 tuổi về làm thiếp thứ 18 của ông Trùm Mậu. Khi ấy ông Trùm Mậu đã 49 tuổi. Bu bị bỏ bùa đấy, bé tí thế biết gì đâu, ông ấy làm trùm, ai đến đất Ninh Bình hát cũng phải “nộp thuế” cho ông ấy. Ông ấy bảo bu: “Cháu cứ ở đây mà hát”, rồi bu bị bỏ bùa. Thế mà ông ấy ghen lắm, đánh bu suốt, có lần tọt cả con”. Bà Cầu hoạt bát hẳn lên khi được hỏi về nghề hát xẩm.

Dường như câu chuyện này bà Cầu đã kể đi kể lại nhiều lần với nhiều người khác nhau về nỗi cơ cực đắng cay của cuộc đời một người hát xẩm: “Bảy lần sinh thì bốn lần con chết. Năm bu 32 tuổi thì ông ấy bệnh tật rồi mất, vòng xuyến, của nả bán đi để thuốc men cho ông ấy. Khi ông ấy mất bu trắng tay. Đứa con gái út ra đời đói quá, được tám tháng bu cho người ta nuôi. Nó cũng ở gần đây, sau này có biết bu là mẹ, cũng có về tìm, nhưng bu nghèo quá nó chẳng nhận...”.

Bà Cầu vẫn vừa nhai trầu vừa kể: “Năm ấy ốm lắm, tưởng theo ông Trùm Mậu”. Chị Mận ngồi trước cửa buồng nói đế vào: “Bu đã gần như chết ngất đi rồi, gọi mãi không được, tôi khóc toáng lên, người bên UBND xã nghe tiếng tôi khóc gọi mới chạy sang. Đận ấy tưởng không qua được. Tôi mới gọi điện lên chỗ giáo sư Phạm Minh Khang và nhạc sĩ Thao Giang (Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam), ngày hôm sau có ôtô đưa bác sĩ từ bệnh viện về, người ta khám, cho thuốc, thế là bu khỏi. Mẹ con tôi không bao giờ quên ơn các anh chị ở trên Hà Nội”.

Chị Mận đã ngoài 40 tuổi, nói năng toàng toàng:

“Nhiều nghệ sĩ về đây thương bu lắm, nhưng cũng có những người bảo bu lên Hà Nội dạy hát, bảo cho cả tiền tàu xe, ăn uống nhưng lúc lên dạy học cả một tuần chỉ được cho một ít tiền, lại phải tự trả tiền tàu xe đi lại. Những người ở đây bảo bu bị lợi dụng, nhưng bu bảo may nhờ có các anh các chị trên Hà Nội nên bu mới được đi đây đi đó, chứ ở dưới quê này có ai giúp được gì bu đâu. Sở văn hóa cũng nghèo, Hội Văn học nghệ thuật cũng nghèo, ngoài những đồng tiền của người hảo tâm trên Hà Nội, bu chả được hưởng đồng tiền nào của Nhà nước”.

Tôi hỏi chị Mận cụ có nằm trong diện hộ nghèo không. Chị Mận bảo có, tết vừa rồi được cho 400.000 đồng và 26kg gạo ăn tết. Mới đây nghe nói có làm nhà cho các gia đình khó khăn, nhưng người ta gạt bu ra vì đã có xã hội lo rồi, nay lại có thêm anh con rể nuôi nấng, giúp đỡ nên nhà bu không được tiêu chuẩn nữa.

Người đàn ông trung niên mà tôi ngỡ con trai bà Cầu hóa ra là chồng chị Mận, anh chị mới về ở với nhau: “Tôi tên là Nới, người xã trên, chỉ là đi đánh lươn, câu ếch. Có đêm được nửa cân lươn, có đêm chả được con nào, bán đi lo thuốc thang cho vợ và thức ăn cho bu. Nhưng dạo này bu ốm, thịt băm nhỏ cũng chả ăn được, sức khỏe càng ngày càng yếu”.

Có khách, bà Cầu vui hơn, bớt đi mệt mỏi, vén lại mái tóc: “Để bu chơi cho mày nghe một bài”. Nói rồi bà lật đật đứng dậy. Chị Mận biết bà muốn kéo nhị, chạy vào buồng trong lấy ra cây nhị cũ kỹ đã phủ bụi, vật bất ly thân của bà Cầu 70 năm nay. Bà so dây, hỏi: “Tên gì?”. Tôi nói tên, bà vừa kéo vừa hát: Điệp ơi nghe tiếng nhị này/Bà Cầu kéo rõ ngày rày cho Điệp nghe...

Tiếng nhị tha thiết mà thân quen như tiếng bà tôi vẫn ru thuở nào, nghe thánh thót như dân ca, lại êm êm như tiếng nước, mang cả tuổi thơ tôi sống lại trong làn điệu da diết buồn và ấm áp. 87 tuổi, giọng hát của bà vẫn tròn, ngón tay gầy guộc vẫn đưa đúng nốt nhạc, cây nhị cũ kỹ vẫn vang lên đủ những âm sắc của tiếng nói người Việt Nam.

Có bao nhiêu nghệ nhân trên đất nước này đang sống như bà Cầu? Tôi không biết, cũng không ai biết. Bà vẫn tựa lưng vào cửa sổ, bàn tay kéo nhị và miệng vẫn vừa nhai trầu vừa hát. Ánh nắng gay gắt đầu giờ chiều hắt vào cửa sổ. Bóng người đàn bà hát xẩm đổ xuống chiếu.

“Mới tháng 2 mà nóng thế này, mùa hè năm nay nắng to” - bà ngừng tay kéo nhị, miệng lẩm bẩm.

Năm 2006, sau nhiều lần về tận tư gia nghèo nàn của bà Cầu để thu âm những bài hát xẩm mà trước đây bà vẫn hát để làm tư liệu cho trung tâm, GS.TS Phạm Minh Khang nhận được tin bà Cầu bị ung thư. Con bà Cầu nói gia đình không có tiền để đưa bà đi chữa bệnh, những huy chương, bằng khen trong các hội diễn của bà chẳng thể bán đi để lấy tiền. Sự sống của nghệ nhân được coi là báu vật của hát xẩm chênh vênh vì một chữ nghèo. Tin ấy đến khi đêm diễn ở chợ Đồng Xuân sắp diễn ra. Giáo sư Phạm Minh Khang bàn với các anh em nghệ sĩ tìm cách ủng hộ và giúp đỡ bà Cầu từ chính chiếu xẩm này.

Căn bệnh hiểm nghèo của bà Cầu được kể trước khi biểu diễn, một chiếc chậu được đặt trước chiếu xẩm Đồng Xuân. Rất may hôm đó giáo sư Nguyễn Bá Đức, giám đốc Bệnh viện K, đi ngang qua, biết câu chuyện đáng thương của bà Cầu, ngay hôm sau ông cho xe về tận Ninh Bình đón bà lên chữa bệnh hoàn toàn miễn phí. Số tiền mà anh chị em chiếu xẩm quyên góp được tối hôm đó tổng cộng 6 triệu đồng, vừa để bà bồi dưỡng vừa sửa lại căn nhà ọp ẹp.

GS.TS Phạm Minh Khang bày tỏ: “Bà Hà Thị Cầu, một người được coi là giọng xẩm số một, tay nhị số một còn sót lại của thế kỷ trước, báo chí cũng nhắc nhiều đến nỗi cơ cực của bà, nhưng cuộc sống của bà chẳng có gì thay đổi. Ai nghe câu chuyện của bà Cầu cũng thương. Nếu có một chính sách hoặc một chút quan tâm của xã hội đối với những nghệ nhân thì chúng tôi, những người đi bảo tồn, cũng bớt có cảm giác vô ơn đối với các bậc tiền bối.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận