Giấc mơ ở bãi nghêu giống

NHƯ Ý 15/12/2008 17:12 GMT+7

TTCT - tình hình ngày càng phức tạp và quyết liệt trên bãi nghêu giống vừa xuất hiện ở vùng ven biển mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Đã có những cuộc chạm trán giữa hàng ngàn dân với các lực lượng bảo vệ.

Phóng to
Người dân ở bãi nghêu Khai Long (xã Đất Mũi) cào bắt nghêu
TTCT - tình hình ngày càng phức tạp và quyết liệt trên bãi nghêu giống vừa xuất hiện ở vùng ven biển mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Đã có những cuộc chạm trán giữa hàng ngàn dân với các lực lượng bảo vệ.

Chúng tôi trở lại bãi nghêu giống mũi Cà Mau vào những ngày đầu tháng 12-2008, khi mặt biển nơi đây vẫn đang nóng bỏng những vụ xung đột.

Rủ nhau đi cào

Trên bãi biển lúc này đã có hàng ngàn người dân. Và từ trong các con rạch nhỏ ở bìa rừng phòng hộ, những cửa biển, từng đoàn người đang tiếp tục kéo nhau ra bãi. Trong chốc lát, bãi biển biến thàng một rừng người chạy dọc hàng chục cây số. Trước đó, xã Đất Mũi cho biết có những ngày trên bãi nghêu này có đến 8.000 người. Rảo mắt một vòng, Lý Hiền - một dân cào - nhận xét hôm nay người ít hơn mọi khi.

Sau khi giấu xuồng máy đuôi tôm vào một góc rừng rậm rạp cây đước, mọi người vác đồ nghề lội xuống biển. Nước biển chỉ ngập tới mắt cá chân. Vừa sải những bước chân dài trên cát mịn, Lý Hiền tâm sự cả đời ở Đất Mũi, đây là lần đầu tiên anh được chứng kiến sự giàu có của biển cả. Những ngày đầu mới phát hiện bãi nghêu giống, anh cào nghêu mỗi ngày được cả triệu đồng. “Cầm tiền trên tay mà run cả người, cứ sợ ai đó đến giật lại vì nghi mình ăn cướp! Về đưa tiền vợ không tin, nói tôi trúng số đề. Đã thiệt. Nhưng bây giờ thì ít rồi, sắp hết mùa” - Lý Hiền nói.

Đi gần một cây số tính từ bìa rừng phòng hộ ra khơi, chúng tôi mới đến được bãi có nghêu. Cũng cái giọng sang sảng của Lý Hiền: “Bà con ơi, chỗ nào nhiều chỉ cho tôi với!”. Nhiều cánh tay giơ cao ngoắt Lý Hiền. Sơn Lùng lý giải người dân xứ biển này luôn hào phóng như thế. Anh ao ước Nhà nước cho dân tự do khai thác nghêu giống. “Được như thế thì dân chúng tôi đâu phải “bán diều bán quạ” nghêu giống. Nói thiệt, hổm rày mấy ổng bắt quá, mấy người mua nghêu giống cũng ép giá chúng tôi quá trời” - Sơn Lùng than.

Lý Hiền thả vợt xuống mặt biển thong dong kéo. Anh cho biết con nghêu giống nằm dưới mặt cát khoảng 1cm, chỉ cần ấn cây vợt nhẹ, lôi tới thì tự nhiên nghêu giống vào vợt. Đương nhiên vào vợt không chỉ có nghêu mà còn có tạp chất khác, người cào nghêu phải sàng lọc lại bằng rổ và lưới mành rất công phu mới có được những con nghêu giống. Lý Hiền kéo vợt được khoảng 5 phút thì anh dừng lại, tự tay sàng lọc lấy nghêu. Anh đem vợt nghêu đầu tiên đến chỗ một thương lái bán được 5.000 đồng. Anh nhăn hàm răng cười, nói: “Kiểu này làm tới chiều dám có 500.000 đồng lắm à! Sướng nghen!”.

Đứng sau lưng theo dõi câu chuyện của chúng tôi, anh Đặng Thanh Liêm - một lái buôn nghêu giống - gật đầu bảo: “Lái nghêu bây giờ ai cũng có hệ thống cơ sở vệ tinh. Nhất cử nhất động của lực lượng công an họ nắm rõ từng giờ. Nên việc mua và vận chuyển nghêu giống ra khỏi khu vực bãi nghêu này lên TP Cà Mau không khó khăn gì. Các đầu nậu lớn đến từ Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Giờ... cứ chờ ở các khách sạn. Chúng tôi sẽ mang nghêu đến”.

Xung đột nan giải

Phóng to
Mua bán nghêu giống ngay tại bãi nghêu
Giống như tình trạng rối ren ở bãi nghêu giống Bạc Liêu hồi tháng tư, từ ngày xuất hiện nghêu giống ở bãi biển mũi Cà Mau, xung đột liên tục diễn ra. Ông Võ Văn Hiện, phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi, từng bị dân tấn công bằng gậy. Và mới đây, ngày 1-12-2008, mấy trăm dân chiếm các bãi nghêu đã được thuê mướn. “Họ dùng gậy gộc và cả dao búa ép những người giữ bãi nghêu ra khỏi khu vực để họ tự do khai thác. Họ hăm dọa mổ bụng bằng búa nếu không cho họ vào cào nghêu. Và các lực lượng đã bỏ chạy, kể cả hơn 60 công an và dân quân tự vệ của xã cũng bó tay” - ông Nguyễn Việt Thắng, phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi, thừa nhận.

Ngày 2-12-2008, UBND huyện Ngọc Hiển đã chủ trì cuộc họp tại Đất Mũi để lắng nghe và bàn biện pháp bình ổn tình hình bãi nghêu. Tại đây, tất cả trưởng ấp của các ấp có nhiều dân tham gia cào nghêu đồng quan điểm là phải chia phần cho dân nghèo không đất. Ông Sáu Mốt - trưởng ấp Mũi, xã Đất Mũi - nói rõ: “Tôi không bênh cái sai của dân mình, nhưng xưa nay khi dân ra bãi đăng cua, mò sò bị bắt thì dân chịu phạt, không kháng cự bao giờ. Còn nay tại sao dân nổi giận như vậy? Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn lại mình trước khi trách dân”.

Lê Chí Hiếu, cán bộ thủy sản của Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn thường trực tại xã Đất Mũi, cùng suy nghĩ: “Tôi thấy rõ dân nghèo không đất ở đây không được chia phần thì không ai có thể vào đây làm ăn được. Bởi xưa nay, vùng bãi biển vốn là đất sống của trên 600 hộ dân nghèo không đất nơi đây, nay nó bị bao chiếm hết, dân rõ là không còn kế sinh nhai. Lãnh đạo tỉnh từng chỉ đạo triển khai mô hình quản lý cộng đồng trên bãi nghêu Đất Mũi. Đó là một phương án tốt, mặt dù còn một số điểm chưa sát thực tế”.

Xế chiều, nước biển bắt đầu lớn, một ngày cào nghêu kết thúc. Nhóm của Lý Hiền đã tập trung đầy đủ và ngồi bệt trên bãi biển nghỉ ngơi, lấy sức. Lý Hiền phấn khởi lắm vì được một ngày cào nghêu không bị rượt đuổi, anh nói: “Như vầy mới phải đạo trời. Trời đã cho vùng đất này những ngày “Hội cá đường”, “Hội ba khía”, nay thấy dân nghèo quá nên cho thêm “Hội nghêu giống”.

Có nghêu sống, có xung đột

Mô hình quản lý cộng đồng mà Lê Chí Hiếu nói thể hiện rõ trong quyết định 1285/QĐ-UBND, ngày 11-9-2008, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Xuân Hồng ký. Theo đó, UBND tỉnh đã thống nhất “phê duyệt dự án xây dựng mô hình quản lý vùng nuôi nghêu có sự tham gia của cộng đồng tại bãi Khai Long, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển”. Nội dung của dự án này là phân lô bãi nghêu có diện tích 2.379ha ở xã Đất Mũi để chính quyền địa phương và nhân dân xã cùng quản lý khai thác hợp lý tài nguyên vùng bãi.

Thế nhưng, trên thực tế người dân nghèo Đất Mũi không có phần. Mà hiện sở hữu bãi nghêu giống nơi đây hầu hết là cán bộ, công chức nhiều đơn vị, cơ quan, đoàn thể địa phương. Theo báo cáo từ Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, trước khi có nghêu giống xuất hiện, chỉ có HTX Rạch Thọ nhận đất và quản lý sử dụng, còn các đơn vị khác đều bỏ phế vùng đất bãi.

Thế nhưng hiện nay khi nghêu giống xuất hiện, tất cả vùng bãi đều có chủ. Họ là một số cán bộ xã Đất Mũi và những người giàu có. Họ cho biết đã thuê lại của các tổ chức nói trên. Những người đã xuất tiền thuê mướn bãi cũng đang ngồi trên lửa vì sự tấn công của “nghêu tặc”, vừa mất tiền vừa nguy hiểm tính mạng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận