Thành Lộc làm kịch lịch sử: Làm hay chứ không làm lớn

CÁT VŨ THỰC HIỆN 09/11/2008 08:11 GMT+7

TTCT - Tình sử ngàn năm là vở kịch lịch sử về nhân vật Lý Thường Kiệt sẽ được sân khấu IDECAF dàn dựng và ra mắt vào đầu năm 2009. Sau sự thành công đáng trân trọng của vở Bí mật vườn Lệ Chi, dư luận đang đặt nhiều kỳ vọng vào Tình sử ngàn năm.

Phóng to
NSƯT Thành Lộc vai Tạ Thanh (Bí mật vườn Lệ Chi)

- Tình sử ngàn năm là vở kịch nhắc lại một mảng đời của danh tướng Lý Thường Kiệt. Lúc đầu, đây là đề cương một kịch bản phim của nhà văn Nguyễn Quang Lập nhằm chào mừng sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng để kỷ niệm việc trọng đại này, người ta lại chuộng những sáng tác về Lý Công Uẩn (mặc dù Lý Thường Kiệt mới là người gốc Hà Nội) nên đề cương này chưa được chấp thuận. Đọc qua đề cương thấy có những yếu tố có thể trở thành một vở kịch hấp dẫn, tôi đã nhờ tác giả chuyển thể sang sân khấu.

Đó là một câu chuyện buồn về thân phận Lý Thường Kiệt. Thuở mới lớn, ông đem lòng yêu một cô gái cùng quê song chẳng bao lâu sau cô bị tiến cung. Để có cơ hội gặp được người yêu, ông tình nguyện trở thành thái giám để rồi khi tương phùng, cả hai đều phải đối đầu với một bi kịch khác. Lúc vua băng hà, các cung tần mỹ nữ được cho về quê, Lý Thường Kiệt khi ấy cũng nghỉ hưu, về tìm kiếm mới hay người xưa đã xuống tóc đi tu. Vở kịch sẽ có nhiều tình tiết, liên quan đến một số nhân vật lịch sử mà khán giả đã từng được biết qua một số vở diễn trước đây như Lý Đạo Thành, hoàng hậu Thượng Dương, hoàng hậu Ỷ Lan...

Vở kịch không miêu tả tiểu sử của Lý Thường Kiệt mà qua một mảng nhỏ cuộc đời ông, nó đề cập đạo lý và nhân nghĩa. Lúc sinh thời, không chỉ là một vị tướng tài, ông còn là một nhân sĩ, đóng vai trò hàn gắn các mối quan hệ giữa những người quanh ông.

* Thường khi làm kịch lịch sử, người ta chú trọng đến việc ca ngợi chủ nghĩa anh hùng để làm bài học cho đời sau. Hẳn anh cũng không ngoài mục đích trên?

- Tôi thật sự không muốn tuyên ngôn gì qua vở kịch mình làm. Đúng là xưa nay khi làm kịch lịch sử, người ta thường chú trọng đến việc ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, nhưng người ta quên rằng trước khi trở thành anh hùng, những nhân vật lịch sử ấy cũng là con người bình thường với những niềm vui, nỗi buồn rất đời. Tôi thích kể một câu chuyện mà trong đó nhân vật của mình là một con người mang đầy đủ tính người, không phải thần thánh để mọi người cùng suy ngẫm.

Tôi quan niệm rằng làm sân khấu lịch sử không phải để minh họa mà để nói lên những suy tưởng, và đạo diễn có quyền có cái nhìn khác với những gì mà sử sách chép lại. Bởi tôi không tin những người viết sử đã viết hoàn toàn trung thực, vì họ ít nhiều bị chi phối bởi chế độ mà họ phục vụ. Các nhà làm nghệ thuật ở phương Tây, gần đây là Trung Quốc, đã làm điều này, không phải để tạo ra một nỗi hoài nghi mà là để giúp thế hệ sau hiểu về tiền nhân một cách rõ ràng hơn, con người hơn.

* Phải chăng khi dựng Bí mật vườn Lệ Chi, anh cũng đã tuân theo tiêu chí đó?

- Đúng như vậy. Trước đây, trong vở cải lương Rạng ngọc Côn Sơn, bà Nguyễn Thị Anh là một nhân vật rất ác. Nhưng trong Bí mật vườn Lệ Chi, hai nhân vật chủ mưu là Nguyễn Thị Anh và tổng quản nội quan Tạ Thanh có những lúc lương tâm ray rứt, biết rõ mình đã làm trái với đạo lý rồi nhưng không thể có sự lựa chọn nào khác. Phải xuất phát từ cái gì đó rất đời mới thuyết phục được người xem.

Tôi nghĩ sự thành công của Bí mật vườn Lệ Chi chính là ở chỗ đó. Để thực hiện được tiêu chí này không phải là điều dễ dàng. Thú thật, tôi rất sợ bị “chụp mũ” là làm sai lệch lịch sử. Việc vở Bí mật vườn Lệ Chi bị dừng diễn trong năm năm, cũng như mới đây khi dựng vở Trần Quốc Toản ra quân, có ý kiến đề nghị chúng tôi đừng cho nhân vật Trần Quốc Toản kề sát gươm vào cổ tướng giặc Sài Thung vì... nhạy cảm khiến chúng tôi vừa buồn cười vừa nản. Nếu những người quản lý nghệ thuật có cách nhìn như vậy thì người làm nghệ thuật làm sao thăng hoa được?

* Ở vở Bí mật vườn Lệ Chi, anh đã đem đến cho người xem một không khí kịch nghiêm cẩn như thánh đường, còn với Tình sử ngàn năm lần này, anh định đưa khán giả đi về đâu?

- Vở Tình sử ngàn năm sẽ được dàn dựng theo thể loại ca vũ nhạc kịch. Tôi vốn xuất thân từ một gia đình sân khấu truyền thống dân tộc, những vở cổ trang đã đi vào trong máu nhưng đồng thời tôi cũng rất mê nhạc kịch của châu Âu. Tôi như ở giữa hai lằn ranh cổ điển và hiện đại. Vì vậy, tôi chọn cách làm kịch lịch sử VN bằng ngôn ngữ nhạc kịch đương đại từ trang phục, âm nhạc cho đến diễn xuất...

Lý Thường Kiệt của tôi lần này là một nhân vật rất đời, đánh giặc giỏi song cũng thổi sáo hay, khí phách mà lãng mạn, oai phong nhưng cũng thật cô đơn... Phục trang sẽ hoàn toàn cách điệu, gần với trang phục múa balê. Âm nhạc sẽ được phối âm, phối khí giữa nhạc ngũ cung và nhạc mới. Tóm lại, đây là một câu chuyện xưa nhưng được kể bằng ngôn ngữ hiện đại. Tôi tin vở sẽ được nhiều đối tượng khán giả chấp nhận.

* Nhưng những vở cải lương lịch sử trước đây được dàn dựng hoàn toàn theo lối cổ điển như Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên Phong, Thanh gươm và nữ tướng... cũng rất thu hút người xem?

- Mỗi giai đoạn sáng tạo nghệ thuật phục vụ một giai đoạn lịch sử. Quả thật những vở ca kịch này đến nay vẫn còn in đậm trong trí nhớ của tôi, nhưng nếu bây giờ dựng lại y chang như vậy tôi e sẽ khó có người xem, bởi cách sống, quan niệm của con người ngày nay đã khác. Tính hấp dẫn bằng ngôn ngữ nghệ thuật sẽ mang yếu tố quyết định. Điều đó buộc chúng tôi phải tìm ra được chiếc chìa khóa phù hợp cho màu sắc vở diễn. Hình thức có lôi cuốn thì nội dung mới đi vào được lòng người.

* Tuổi thọ của vở kịch lịch sử lâu nay vẫn là mối lo hàng đầu của các sân khấu. Anh làm cách nào để có thể vượt lên thực tế này?

- Tuổi thọ của một vở lịch sử thường ngắn hơn một vở hiện đại, một vở bi kịch ngắn hơn vở hài kịch, đó là lẽ thường. Nhưng một sân khấu thì không thể thiếu mảng kịch lịch sử. Chúng tôi cố gắng lấy thu bù chi để giữ cho được sự cân bằng, không chỉ vì món ăn tinh thần của khán giả mà còn vì sự cân bằng ngay trong đời sống người làm nghề. Làm vở lịch sử chi phí rất tốn kém nhưng nếu nghĩ rằng cứ đổ tiền cho hoành tráng là hấp dẫn thì hoàn toàn sai lầm. Phải làm hay chứ không phải làm lớn. Đơn giản mà hay vẫn thu hút khán giả hơn cầu kỳ mà dở.

* Kịch bản là vấn nạn chung của sân khấu, kịch bản hay về đề tài lịch sử càng khó. Ở cương vị đạo diễn, anh phải làm việc như thế nào để vở diễn được hình thành như ý?

- Đúng là xưa nay có quá ít người viết kịch bản kịch lịch sử. Mà có viết cũng quá khô khan, các nhân vật thường bị nhồi nhét những tuyên ngôn lớn lao, ít chi tiết đời thường. Có người lại viết quá miên man, sự việc nào cũng muốn đưa vào, khiến thời lượng một vở diễn dài hai giờ không thể nào tải hết. Điều đó khiến công việc của đạo diễn thêm phần vất vả, phải cắt gọt, gia công phù phép nhiều, vở mới đến được với công chúng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận