"Tự tin, thẳng thắn, trung thực, khiêm tốn"

VĂN CẦM HẢI THỰC HIỆN 12/09/2007 20:09 GMT+7

TTCT - Từ năm 1946, chương trình Fulbright, do nghị sĩ Hoa Kỳ J.W. Fulbright khởi xướng, xúc tiến việc trao đổi giáo dục, giao lưu văn hóa giữa Hoa Kỳ và thế giới, với hơn 150 quốc gia tham dự.

Phóng to
Ông Trần Xuân Thảo
TTCT - Từ năm 1946, chương trình Fulbright, do nghị sĩ Hoa Kỳ J.W. Fulbright khởi xướng, xúc tiến việc trao đổi giáo dục, giao lưu văn hóa giữa Hoa Kỳ và thế giới, với hơn 150 quốc gia tham dự.

* 15 năm qua, trong số 400 thành viên VN tham gia chương trình Fulbright, nhiều người sau khi học tập tại Mỹ trở về đã không tiếp tục chuyên ngành của họ.

- Thay đổi công việc hoặc nơi làm việc phản ánh tính năng động của cá nhân và của xã hội - điều kiện cần thiết cho sự phát triển. Tôi sẽ rất thất vọng nếu có người sau khi đi học về cứ khư khư giữ một công việc đã không còn phát huy được tác dụng hoặc đóng góp của mình.

Tôi tin ngoài năng lực, rất nhiều việc mình làm còn chịu tác động của số phận, hiểu theo nghĩa rủi ro hay may mắn. Tôi không tin nếu ai đó nói rằng năng lực là yếu tố duy nhất đã giúp họ thành công hay thành đạt. Nhưng tôi tin có không ít người sẽ không khoanh tay chấp nhận rủi ro và bằng mọi cách vươn tới thành công.

* Hằng năm, có hơn 1.000 ứng viên nhưng chương trình Fulbright chỉ chọn 20 người. Phải chăng đó là “những hạt gạo trên sàng” tiêu biểu cho trí tuệ và tài năng của VN?

- Tôi tin là ở VN có rất nhiều người giỏi. Những người chúng tôi tuyển chọn là nằm trong số đó. Chúng tôi rất mong ngày càng có nhiều người tài giỏi ở VN gặp được những cơ hội xứng đáng với trí tuệ và tài năng của họ. Các chương trình tài trợ có mục tiêu riêng, nhưng đều có điểm chung: chúng tôi không tuyển chọn những người mà tất cả những gì họ ước mơ trong đời là có một học bổng để đi học nước ngoài.

Chương trình Fulbright tuyển chọn những ứng viên có năng lực và trong mọi tình huống đều có thể phát huy được tác dụng, hoặc trong những biến động của cuộc đời luôn làm chủ được hướng đi, là người lãnh đạo - giúp những người khác hoặc bản thân mình qua được những khủng hoảng nhỏ hay lớn. Chúng tôi cũng muốn thấy những người này có một kế hoạch chiến lược cho bản thân nhằm góp sức cải thiện cuộc sống xã hội.

* Một trong những điều kiện của chương trình Fulbright là các ứng viên phải có chứng chỉ TOEFL đạt 550 điểm trở lên. Liệu đây có phải là rào cản đối với nhiều người có năng lực chuyên môn nhưng còn hạn chế về ngoại ngữ?

- Điểm TOEFL là điều kiện xét duyệt nhập học của các trường đại học Hoa Kỳ đối với sinh viên quốc tế đến Mỹ học theo tài chính cá nhân hay học bổng. Chúng tôi đòi hỏi ứng viên phải đạt điểm TOEFL từ 550 trở lên để có thể giới thiệu họ vào những trường uy tín. Chúng tôi muốn nói với các ứng viên rằng họ phải đầu tư vào chính họ trước khi muốn được chương trình đầu tư. Chúng tôi không giúp họ học tiếng Anh vì muốn dành toàn bộ ngân sách cho học bổng để đưa được nhiều người hơn đi học.

Với những người có năng lực và điểm TOEFL trên 550, nhưng ngành học và trường học thích hợp đòi hỏi điểm TOEFL cao hơn, ví dụ 580, thì chúng tôi có xét đến việc cho họ tham gia một khóa học bổ sung tiếng Anh tại một trường đại học ở Hoa Kỳ, trước khi họ được xét tuyển vào chính khóa để họ đạt điểm TOEFL như trường yêu cầu chứ không đi tìm một trường có yêu cầu thấp hơn. Chúng tôi rất thất vọng với những ai bảo là điểm sàn TOEFL cao quá mà không nghĩ đến việc có kế hoạch nâng cao trình độ tiếng Anh của mình cho đạt chuẩn.

* Khi phỏng vấn các ứng viên là đồng bào mình, có khó khăn nào cho ông và các đồng nghiệp hay không?

- Có thể nhiều người chưa biết, nhưng bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp đang làm việc ở chương trình không tham gia việc tuyển chọn ứng viên. Tôi chẳng thấy có sự xung đột nào giữa việc vừa là công dân VN vừa là giám đốc chương trình cả. Ngược lại, tôi lại thấy đó là một thuận lợi. Có người đã đặt câu hỏi nếu đứng trước một tình huống phải chọn thì tôi sẽ bảo vệ bên nào, Hoa Kỳ hay VN. Câu trả lời là: “Tôi sẽ bảo vệ chân lý!”.

* “Chân lý” trong hoàn cảnh này được hiểu như thế nào?

- Một ví dụ, là ở vị trí của mình, tôi sẽ làm đúng chính sách và qui định của chương trình Fulbright VN, đảm bảo tính cạnh tranh tự do trên cơ sở minh bạch và công bằng cho tất cả mọi người tham gia chương trình, cho cả ứng viên người Mỹ hay là người VN. Quay lại câu hỏi trước, thú thật cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ phải đứng trước tình huống như thế cả. Một năm sau khi bắt đầu công việc, trong khi kiểm tra hồ sơ, tôi thấy thư giới thiệu của ông đại sứ cho một ứng viên.

Tôi gặp ngay vị tham tán văn hóa và hỏi bà ấy là tôi phải đối xử với thư giới thiệu ấy như thế nào. Tôi chưa dứt lời thì bà tham tán hỏi lại: “Tôi muốn ông cho tôi biết là ông cần phải làm gì?”. Tôi trả lời ngay là tôi muốn hội đồng tuyển chọn xem thư này cũng như tất cả những thư giới thiệu khác. Bà ấy đã dành cho tôi một ngạc nhiên đầy thú vị: “Ông tiến sĩ ơi, ông cứ thế mà làm!”. Năm ấy, ứng viên được ông đại sứ giới thiệu không được chọn vì chúng tôi có nhiều ứng viên giỏi hơn.

Phóng to
Ở Trung Quốc có 175 triệu người học tiếng Anh, ngôn ngữ của các công ty đa quốc gia, các đại học hàng đầu và giới khoa học
* Điều gì các ứng viên làm ông e ngại nhất và thích thú nhất? Ông trông đợi gì từ họ?

- E ngại nhất là thấy ứng viên thiếu tự tin và không trung thực. Tôi thật sự thú vị khi thấy ứng viên bước vào phòng phỏng vấn tràn đầy tự tin và trao đổi một cách thẳng thắn, trung thực với tất cả sự khiêm tốn của mình.

* Tự tin, thẳng thắn, trung thực, khiêm tốn - không chỉ là đức tính cá nhân, mà có thể là nền tảng cần có của một nền giáo dục muốn phát triển.

- Đúng như thế. Nhìn chung, có một mối quan hệ hỗ tương giữa những đức tính cá nhân và những giá trị xã hội. Một hệ thống không đánh giá cao sự thẳng thắn và trung thực thì khó có thể đòi hỏi các cá nhân trung thực và thẳng thắn.

* Sinh viên và học giả Mỹ đến VN, qua chương trình Fulbright, đã có những ấn tượng gì về VN trong các công trình nghiên cứu của họ?

- Dù chưa có một nghiên cứu cụ thể, tôi tin là tất cả những cá nhân tham gia chương trình từ hai phía VN và Hoa Kỳ đều có những thu hoạch về kiến thức và kinh nghiệm trong thời gian nghiên cứu hay học tập ở VN hay ở Hoa Kỳ. Những kinh nghiệm và kiến thức này là nguồn thông tin sống động bổ sung cho những gì chúng ta tìm thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng về hai đất nước và hai dân tộc.

* Đối với nhiều sinh viên và học giả VN, được tham gia chương trình Fulbright là một ước mơ. Với tư cách là giám đốc chương trình, ông sẽ làm gì để giúp họ biến những ước mơ trở thành sự thật trong tương lai?

- Có lẽ điều duy nhất mà tôi có thể làm được một cách tích cực là khuyên họ nên chuẩn bị bản thân tốt hơn để nắm bắt cơ hội. Để chuẩn bị, trước hết họ phải có một kế hoạch chiến lược cho bản thân tối thiểu cho năm năm sắp tới. Và như tôi đã nói từ đầu là phương hướng phát triển của bản thân họ phải hòa nhập với phương hướng phát triển tất yếu của xã hội. Họ phải có ước mơ góp sức làm xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho mọi người.

Sau đó, họ phải nghiên cứu những yêu cầu cụ thể của chương trình Fulbright và có kế hoạch để đáp ứng những yêu cầu chưa đạt. Họ phải lên một kế hoạch chuẩn bị để khi đến thời hạn nộp đơn thì hồ sơ của họ đã hoàn chỉnh. Một điều nữa tôi muốn nhắn với họ rằng đây là một chương trình tự do cạnh tranh trong sáng và công bằng cho tất cả mọi người, nên ngoài việc hội đủ điều kiện để nộp đơn họ phải chuẩn bị bản thân sao cho tính cạnh tranh của họ cao hơn những ứng viên khác. Nghĩa là họ phải trả lời câu hỏi “Tại sao chương trình chọn bạn mà không phải là ai khác. Điều gì làm bạn nổi bật hơn những ứng viên khác?”.

* Còn ông, điều gì ông cần làm để “nổi bật” hơn so với những giám đốc khác?

- Một câu hỏi khá thú vị, nhưng tôi chưa bao giờ đặt cho mình hay thấy mình đứng trước câu hỏi ấy. Quan tâm và trọng tâm của tôi là làm sao cho chương trình làm được chức năng cầu nối để qua trao đổi giáo dục, mọi người có thể thông hiểu nhau hơn và đến gần nhau hơn. Tôi thật sự thú vị khi thấy có những ứng viên đầy năng lực nộp đơn và có bằng chứng cho thấy họ sẽ là những viên gạch tốt củng cố và phát triển chiếc cầu này. Tôi rất hi vọng là với vai trò hiện nay trong thời gian ngắn nhất có thể đóng góp đưa chương trình lên một tầm hợp tác cao hơn giữa hai nước Việt - Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận