Vô vọng tìm bóng áo chàm

HẰNG NGUYỄN 17/05/2009 07:05 GMT+7

TTCT - Suốt ba ngày tụ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chợ tình Pác Khuông (xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia, Lạng Sơn), từ ngày 26 đến 28-4 (2 đến 4-4 Âm lịch), chúng tôi đi trong vô vọng tìm những bóng áo chàm vốn là đặc trưng của vùng cao Việt Bắc.

Phóng to
Đứng chờ nhau ở ngoài “chợ tình” - Ảnh: H.N.
TTCT - Suốt ba ngày tụ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chợ tình Pác Khuông (xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia, Lạng Sơn), từ ngày 26 đến 28-4 (2 đến 4-4 Âm lịch), chúng tôi đi trong vô vọng tìm những bóng áo chàm vốn là đặc trưng của vùng cao Việt Bắc.

Pác Khuông không mang đến cho chúng tôi nhiều kỳ vọng hấp dẫn nếu chỉ là một phiên chợ tình. Bởi vì các chợ tình của người dân tộc thiểu số có lẽ không mang nhiều màu sắc huyền thoại như người miền xuôi thường kể lại trong sách báo. Chợ tình vẫn xuất hiện một cách tự nhiên cùng với các phiên chợ vùng cao khi những buổi chợ trao đổi hàng hóa đó còn là cơ hội hiếm hoi cho bà con, nhất là trai gái các dân tộc, tụ họp và gặp gỡ. Chợ tình hay được nói tới ở Sa Pa (Lào Cai), diễn ra vào đêm trước chợ phiên, còn chợ tình Khâu Vai trên cao nguyên đá Mèo Vạc (Hà Giang) cũng là một đêm trước ngày chợ chính như thế. Đến bây giờ, khi thanh niên vùng cao đã có xe đạp, xe máy, có cả điện thoại nữa, hiển nhiên các chợ phiên sẽ mất dần ý nghĩa giao duyên của nó.

Mặc dù không đặt nhiều kỳ vọng, sau ba ngày, cảm giác đọng lại vẫn là nỗi buồn vì bản sắc các dân tộc thiểu số đã gần như biến mất, ngay ở một nơi heo hút gần như không có khách du lịch và cũng rất ít bóng dáng của người Kinh!

Ngày thứ nhất và ngày thứ hai, trong cả khu chợ và ở con suối mà người ta nói trước kia thường có trai gái các dân tộc hẹn hò và hát đối đáp quanh đó, vẫn chỉ thấy một chiếc áo chàm của Hoàng Văn Thiết, người Nùng, phó bí thư Đoàn xã Thiện Thuật và là... người đi cùng chúng tôi. Thiết giải thích rằng hai ngày đầu chưa phải là ngày chợ chính nên không có mấy người Dao, người Nùng nơi đây chú ý mặc trang phục truyền thống của họ. Đến hôm thứ ba, bắt đầu thấy vài cô gái mặc áo dài của người Nùng Phàn Slình, nhưng hóa ra họ mặc như thế để đến chụp ảnh trước một tấm phông xanh đỏ với đủ hình chim bồ câu và hoa hồng rồi lại quay về thay áo khác.

“Ở trường của tôi, nhiều học sinh dân tộc Nùng không biết quấn khăn đầu theo kiểu người Nùng, không biết thắt dây lưng áo chàm. Có lần tôi ra đề bài cho học sinh kể về lễ hội lồng tồng (lễ hội xuống đồng đầu năm của người Tày, Nùng - PV), một số em viết rằng đó là ngày mà mọi người tụ hội và cùng... đánh bóng chuyền” - Nguyễn Hữu Đinh, giáo viên văn học Trường THPT Pác Khuông, kể.

Phóng to
Thay trang phục Nùng đi chụp ảnh - Ảnh: Hoàng Văn Thiết
Trang phục được coi là “truyền thống” hơn cả của các thiếu nữ người Nùng, dân tộc đông đảo nhất nơi đây, chỉ còn chiếc khăn quấn đầu. Ngoài ra các cô gái “thôn dã” nhất cũng đã mặc quần đen và áo cánh vốn là quần áo thường mặc của phụ nữ nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Một chiếc áo cánh được bán với giá vài chục nghìn đồng, còn trang phục các dân tộc thiểu số đắt hơn nhiều vì phải làm kỳ công hơn, nhưng cũng không thấy ai mua bán ở đây. Trước những hàng quần áo đổ thành từng đống, các cô gái Nùng xúm lại chọn áo phông và đủ thứ vải hoa sặc sỡ khác. Nữ thì chọn quần áo, nam đi tìm đĩa nhạc. Ngay sát chỗ bán quần áo là quầy bán đĩa nhạc với đủ cái tên từ Ngọc Sơn đến Duy Mạnh.

“Mấy năm trước vào ngày chợ tình, ủy ban xã vẫn cho phát trên loa các bài sli (điệu hát giao duyên của người Nùng - PV), nhưng đến năm nay cái băng đó lại hỏng mất rồi” - Hoàng Văn Thiết bảo.

Ngày cuối cùng của lễ hội, đã hoàn toàn thất vọng với mong muốn nghe những bài sli được trình diễn tự nhiên khi các cặp nam nữ người Nùng xuống chợ, chúng tôi tìm đến nhà Triệu Văn Thượng, một thảu slay (thầy dạy, tiếng Nùng) trẻ tuổi nhưng đã dạy hát cho nhiều đôi nam nữ giành giải trong mấy cuộc thi hát sli gần đây. Lục tục tìm kiếm người hát mãi, đủ đôi nữ thì thiếu nam, đủ đôi nam lại phát hiện nữ hát... chưa vào, hơn hai giờ sau những bài sli đầu tiên mới được cất lên. Một đôi hát phải có một người ngồi gần đó... nhắc lời cho chính xác!

Suốt mấy ngày hội, không thấy những hoạt động mang dấu ấn văn hóa đặc sắc của Việt Bắc, chỉ thấy rượu chảy tràn trên các bàn ăn, còn các cán bộ văn hóa thì bận rộn thu xếp cho giải bóng chuyền vào buổi chiều cuối cùng của ngày hội.

Hình ảnh cảm động cuối cùng mà tôi còn nhớ là bóng dáng ba người đàn ông Nùng của hai thế hệ ngồi trong một căn phòng nhỏ, say sưa hát sli trong bữa cơm vào đêm cuối hội. “Như ngày xưa đến ngày hội, từng đôi từng đôi đứng chật trên đồi, trên bờ sông rồi hát sli vui lắm. Ngày xưa tôi làm dâu, làm gì có bố mẹ nào cho mặc quần áo ngắn như bây giờ” - chị Hoàng Thị Đặng, người dân bản Chúc, xã Thiện Thuật, nói bằng một giọng bùi ngùi khi nhớ lại ngày xưa mà thật ra chỉ là vài chục năm về trước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận