"Xóm nghĩa địa"

NGỌC LAN - ĐÌNH DÂN 05/04/2009 19:04 GMT+7

TTCT - Ngay cả người dân sống lâu năm ở đây cũng không biết chính xác cái “xóm nghĩa địa” nằm bên dòng kênh Rạch Lào, khu phố 4, phường 15, quận 8, TP.HCM có tự khi nào. Chỉ biết “xóm nghĩa địa” kỳ lạ này tồn tại ngay giữa trung tâm TP.HCM đã mấy chục năm nay. Mặc cho xung quanh nhiều cao ốc chọc trời mọc lên cùng những con phố sầm uất, nhộn nhịp thì khu dân cư sống chen lẫn với nghĩa địa này vẫn cứ tồn tại.

Phóng to
Một góc “xóm nghĩa địa” - Ảnh: Đình Dân

Mộ quanh nhà, mộ trước cửa, mộ trên thềm, mộ cả dưới nền là cảm giác ớn lạnh mỗi khi ai có dịp ghé thăm xóm ngụ cư này.

Họ đều là dân nhập cư từ các địa phương khác. Lịch sử của họ từng lang bạt làm ăn nhiều nơi nhưng đều khổ cực, không một tấc đất cắm dùi. Trong vòng khoảng chừng 300m2 đất nghĩa địa bao bọc xung quanh là trên 200 con người chen lấn tù túng nghèo khó quanh năm.

Sân chơi cho cả xóm ấy là bãi nghĩa địa với hàng chục ngôi mộ. Ở nơi này hình như sống lâu thành quen nên chẳng ai sợ hãi. Họ ngồi lên mồ mả đánh bài, uống rượu, hát hò, chơi đùa. Lũ trẻ con thì chạy nhảy thượng cẳng chân, tè lên cả những ngôi mộ một cách tự nhiên. Không biết bao nhiêu dây mắc quần áo được phơi từ ngôi mộ này qua ngôi mộ khác.

Nhìn bãi nghĩa địa xen lẫn những túp lều, chẳng biết đâu là lều, đâu là mả. Bao nhiêu thứ rác rưởi ô uế ngổn ngang khắp mọi nơi.

Gắn chặt với nấm mồ

Ló đầu ra từ đám bụi dày đặc của những chiếc bao ximăng, bà Đinh Thị Lùn, người trong xóm quen gọi là bà Tư, vừa ho sù sụ vừa nói: “Có ai muốn sống trên đất người chết đâu! Cùng đường lắm mới phải vào đây ăn ở chung với những nấm mồ mả. Chắc kiếp trước có nợ nần gì nên kiếp này mình phải làm bạn với những người đã khuất...”.

Bà Tư năm nay 70 tuổi, sống ở khu nghĩa địa này từ năm 1974 tới nay. Đã 35 năm trôi qua mà bà vẫn nhớ rất rõ ký ức của những ngày mới vào đây sống: “Hồi đó nhà tui ở sát khu nghĩa địa này, tui bị bệnh viêm xoang nặng, nhà thì nghèo, tiền thuốc men trở thành gánh nặng. Túng quẫn quá, tui và chồng bàn nhau bán nhà vào dựng lều sống trong nghĩa địa này. Ngày mới đến khu này chỉ có mồ mả, cỏ dại, rắn rít”.

Bà Tư không thể nhớ nổi mình có bao nhiêu người cháu, người chắt đang sống ở khu nghĩa địa này. Bà chỉ biết mình có cả thảy tám người con (sáu gái, hai trai). Đứa con trai út vừa chết cách đây ba tháng vì bệnh lao nặng do nhiễm nguồn nước giếng đào cạnh mả.

Đối diện nhà bà Tư là nhà ông Cao Văn Phấn, cũng là một cư dân lâu năm của “phố” mồ mả này. Năm nay đã 90 tuổi, ông Phấn là người cao tuổi nhất trong khu dân cư nghĩa địa. Ông đến “xóm nghĩa địa” này vào năm 1995, trước đó ông sống trong một xóm lao động nghèo ở quận 4 toàn dân nghiện hút, xì ke nên ông và gia đình đành dắt nhau qua đây. Ông không phải tốn tiền mua đất, mua nhà, chỉ trả mấy trăm ngàn đồng và một chầu nhậu để “chia” lại một khoảnh đất mả với cư dân cũ rồi cất cái chòi mà ở, gắn chặt đời mình với những nấm mồ.

Ông Phấn nói dân ở khu “phố nghĩa địa” này ăn ở, sinh sống, mưu sinh ngay trên mả rồi chết cũng ngay tại mả. Sống ở nghĩa địa, đối diện với ô nhiễm hằng ngày nên tuổi thọ cư dân ở đây vô cùng ngắn ngủi.

Ông Phấn có tới chín người con, hai người con trai đầu của ông một chết vào năm 1997, một chết năm 2004. Cả hai người con ông đều chết vì căn bệnh lao phổi do nhiễm bệnh từ nguồn nước nghĩa địa.

Hằng ngày ông đi bán vé số dạo quanh các con đường ở quận 8. Ban đêm thì trở về thả mình trên chiếc phản gỗ mục nát đặt cạnh một nấm mồ hoang trong căn lều chỉ vài mét vuông, là nơi cư ngụ của gần chục người gồm ông và vợ chồng, con cái của người con trai út. Căn lều ông ở được dựng nên bởi những tấm tôn hoen gỉ mà ông và người con trai thu lượm được. Nền nhà lỗ chỗ sau những lần đắp vá vì đất lún, có chỗ còn lún nhão nhoét, ướt át và được bao quanh bởi 6, 7 ngôi mộ san sát nhau.

Phóng to
Những đứa trẻ trong “xóm nghĩa địa” - Ảnh: Ngọc Lan

Xóm nhiều “không”

Ở xóm này có rất nhiều cái “không”, đó là nhà không số, chủ không tên, trẻ con không khai sinh, không học hành, không được quan tâm. Người lớn không có việc làm, không hiểu biết, không có đám cưới và không có nước dùng cho sinh hoạt... Không có nước nên họ phải đi mua lại những người xung quanh với giá 10.000 đồng/m3.

Cái thiếu nhất với xóm nghèo này là việc làm, ai cũng muốn có một công việc ổn định kiếm cơm qua ngày vậy mà rất khó. Đa số phụ nữ đi bán vé số, đàn ông đi phụ hồ, bốc vác nhưng bữa có bữa không. Thanh niên lại càng chẳng biết làm gì. Ngày kiếm được việc thì chớ, không thì kiếm chai rượu, mấy quả ổi xanh, mớ ốc ngồi trên mộ nhâm nhi. Và từ đây sinh ra nhiều chuyện không hay.

Ở đây mười mấy năm qua không có đám cưới. Các bạn trẻ đến với nhau bằng tình cảm thắm thiết chứ chẳng có lấy một mâm cỗ, cơi trầu. Bà Thạch Thị Hồng tủi thân: “Con gái tui lấy chồng năm ngoái. Hai đứa thương nhau rồi về với nhau chứ có cỗ chác gì, mà lấy đâu ra tiền làm cỗ. Tui thương nó lắm, nhưng chỉ biết khóc thôi”.

Những phận trẻ lụi tàn

Cả xóm hầu hết trẻ con đều thất học, chủ yếu học lớp 1 lớp 2 rồi nghỉ vì không tiền. Hiếm lắm mới có em học tới lớp 6 lớp 7 như Trần Thị Mỹ Luông nhưng cũng có nguy cơ bỏ học vì nhà quá nghèo. Bà Nguyễn Thị Thu Ba - mẹ Luông - cho biết: “Tôi đi bán vé số từ tờ mờ sáng tới tối mịt mới về, mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đong gạo để mẹ con ăn qua ngày. Tằn tiện chắt chiu từng đồng một nuôi nó đến giờ thì kiệt sức rồi. Học xong năm nay chắc phải bỏ vì tiền học nhiều quá”.

Ba chị em Võ Ngọc Hân 11 tuổi, Võ Trùng Dương 7 tuổi, Võ Minh Thư 6 tuổi - con vợ chồng anh Võ Hồng Dũng và chị Võ Minh Hạnh - đứa nào cũng nửa chữ bẻ đôi không biết. Anh Dũng quần quật suốt ngày làm thuê khắp nơi, không kể đêm khuya hay trời mưa nắng. Còn chị Hạnh mỗi ngày cuốc bộ hàng chục cây số bán vé số kiếm tiền nuôi con. Bé Hân tủi thân vì mỗi khi ra ngoài đường lớn thấy các bạn được tung tăng đi học mà không phải lo nghĩ gì, còn ba chị em phải quanh quất trong căn chòi lụp xụp, đi ra gặp mả đi vào đụng tôn.

Còn Ngô Hoàng Sang 15 tuổi, ngày đi lượm ve chai phụ mẹ. Mẹ em bán vé số. Thấy chúng tôi chụp hình, em nói: “Nhiều đứa nghèo như cháu lên tivi rồi được giúp đỡ, đi học phải không chú?”.

Mẹ Sang nghe thế liền mắng té tát: “Học hành cái gì chứ. Cơm chưa có mà ăn nữa là học. Ngày hôm ni mày lượm được mấy ngàn đồng?...”.

Những đứa trẻ ở xóm này nhiều em không có giấy khai sinh như ba chị em nhà Võ Ngọc Hân. Chúng sinh ra đều có giấy chứng sinh của bệnh viện, tuy nhiên do cha mẹ chúng không có hộ khẩu nên không thể nào làm khai sinh cho chúng được.

Chị Trần Thị Mỹ Hạnh - tổ trưởng tổ 38 - tâm sự: “Cái xóm này ai cũng thương các em lắm. Nhà các em đứa nào cũng nghèo nên phải bỏ học phụ giúp gia đình kiếm sống. Tổ và phường đến vận động cho các em học lớp ban đêm, nhưng học được mấy hôm các em lại bỏ”. Liệu với hoàn cảnh túng quẫn như gia đình các em thì chúng có đủ sức theo những lớp đó không? Bao nhiêu mặc cảm, bao nhiêu áp lực đè lên cái đầu nhỏ bé của chúng.

Một chuyện thật đau lòng đã xảy ra với cậu bé Nguyễn Văn Định 15 tuổi: hồi tháng 8-2008, khi bố mẹ mới bị bắt vì buôn bán ma túy, em phải sống một mình. Không có gì ăn uống em phải làm thuê làm mướn. Người hàng xóm trong nghĩa địa xin cho đi làm phụ hồ để kiếm cơm qua ngày, làm được mấy hôm không đủ sức nên bỏ. Em bị kẻ xấu rủ rê đi đưa hàng trắng ở đường Lương Văn Can thì bị công an bắt...

Không biết rồi cuộc đời của những người dân nơi đây sẽ ra sao và số phận của những đứa trẻ nheo nhóc, ít được học hành nơi nghĩa địa tăm tối này sẽ trôi về đâu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận