Hãy thử "ngắt cầu dao điện"!

TÂM AN 02/12/2012 23:12 GMT+7

LTS: Hưởng ứng loạt Câu chuyện cuộc sống mới về việc giới trẻ quá sa đà trên thế giới ảo là tâm sự của hai bà mẹ. TTCT trích giới thiệu.

So ra, ông bảo, an tâm hơn ông ngày xưa vừa học không giỏi lại ham chơi, phá phách nổi tiếng ở trường.

Sống cùng công nghệ cao

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Một hôm có người đến tìm cậu con hỏi mua một cây kiếm rao bán trên mạng. Ông bố giật mình, con ông có bao giờ đem “đồ hung của dữ” này về nhà? Lộn địa chỉ chăng? Quan sát đối tượng tóc nhuộm vàng, một tai xỏ khuyên, ông càng khẳng định chắc chắn không phải đến tìm con mình. Tuy nhiên, hỏi ra mới thấy đúng tên thật, địa chỉ nhà. Hoảng hồn ông truy vấn tới nơi, tá hỏa khi biết thằng con rao bán cây kiếm với giá 2 triệu đồng (cây kiếm ảo trong một trò chơi online).

Hỏi tới ông bố mới biết con ông thuộc loại game thủ có số má đạt đến trình độ cao rồi! Sau đó ông còn biết thêm số giờ con ông đến lớp ít hơn nhiều ngồi đồng ở tiệm game. Tất cả những điều bí mật (đối với ông), bà vợ ông bao thầu hết. Đã vậy còn cung cấp tiền cho thằng con. Chậm còn hơn không, may mà ông bố phát hiện kịp thời từ cây kiếm ảo.

2. Thời công nghệ số phát triển rất nhanh như bây giờ, thú thật ngay như tôi, một bà mẹ hơn 50 tuổi, cũng có những đam mê từ thế giới ảo. Tôi có thể bỏ nhiều giờ liền vào các diễn đàn nghiên cứu về tính năng của một loại điện thoại hay máy ảnh nào đó mà tôi dự định mua. Và khi tậu được rồi, tôi mất khá nhiều thời gian tìm hiểu các ứng dụng.

Tuy không chơi điện tử như giới trẻ, nhưng tôi phải thừa nhận rằng đã sống với máy vi tính hơi bị nhiều. Phần do công việc, nhưng không thể chối cãi đó là sức hấp dẫn của thế giới mạng. Tìm gì cũng có, bí gì cũng giải quyết được ngay. Từ một bài thuốc cho đến cách nấu một món ăn… Tôi có thể tán chuyện với bạn bè khắp năm châu, thậm chí có thể khoe ngay với bạn bè trên thế giới tấm hình nơi tôi đang đứng hay đoạn clip tôi đang quay. Nói chung, tôi thấy không sa vào thì thôi, vào rồi rất khó… thoát ra.

Từ kinh nghiệm chính bản thân mình, tôi thấy bọn trẻ đam mê thế giới ảo hoàn toàn có thật và chúng luôn thích thú khi có điều kiện để ngồi vào máy vi tính. Đứa con trai 17 tuổi của tôi cũng vậy. Đi đâu thì thôi, về nhà là bật ngay máy vi tính. Nếu cấm vi tính, nó ôm điện thoại. Từ chiếc điện thoại bé tí xíu nó vẫn có thể giao lưu toàn cầu và cũng đủ trò chơi trong đó. Thậm chí, tôi cũng biết được con tôi không chỉ chơi ở nhà mà còn hẹn hò bạn bè ra quán net. Theo chúng, cấu hình máy ngoài quán mạnh hơn ở nhà, có thể chơi cùng lúc nhiều bạn với nhau…

Đã đến lúc cha mẹ phải chấp nhận sự thật rằng thế giới ảo đã chiếm phần lớn thời gian của con người thế giới thật, phải thở cùng với nó. Nhiều người đã đặt câu hỏi về mối quan hệ của con người trong tương lai khi mà mọi sự việc trong hiện tại đều qua màn hình vi tính, người ta không cần nhìn nhau, ngay cả khi ngồi cùng với nhau! Thử quan sát bọn trẻ đang chơi game online, chúng chỉ nhìn vào màn hình và đâu cần nhìn vào người chơi. Hay bạn bè ngồi cà phê với nhau mà ai cũng chăm chăm vào màn hình điện thoại, máy tính bảng.

Bây giờ rất ít thấy những nhóm bạn trẻ sinh hoạt ngoài đời. Tôi thấy ở lớp con tôi mọi thứ đều liên lạc qua mạng. Nghỉ học báo qua mạng, bài học trao đổi qua mạng… Cuối năm, bảng điểm tổng kết lớp cũng được gửi cho tất cả bạn bè trong lớp qua email hay chat. Thậm chí, giờ đây nhiều thầy cô phải tạo ra trang Facebook riêng của mình để liên lạc với học sinh.

Mới thấy rằng từ năm lớp 8, tất cả học sinh đều được trang bị kiến thức máy tính và có điều kiện sống trên mạng ảo. Và cho đến khi vào được đại học rồi chẳng hạn, tôi thấy nhiều bạn trẻ có thêm điều kiện “cày game”, ăn, ngủ cùng thế giới ảo. Không còn áp lực bài học và sự kèm cặp của bố mẹ như thời phổ thông, khẳng định được sự trưởng thành qua tuổi 18… Tôi biết có nhiều bạn trẻ không qua được ải đại học vì không có sự kiểm soát của cha mẹ.

3. Ai cũng biết rằng game máy tính rất dễ nghiện và đó là thử thách cho các bậc cha mẹ. Nhưng không phải đứa trẻ nào ngồi vào máy tính đều nghiện. Một bà mẹ cho rằng tốt nhất là hãy canh bọn trẻ và “rút phích cắm”, như thế là đủ rồi và chúng phải đứng lên. Thậm chí, có lần bực mình vì đứa con trai 15 tuổi ngồi trước màn hình vi tính quá lâu, bà bèn tắt cầu dao điện. Coi như cúp điện! Có thế bà mới lôi được đứa con lên sân thượng cùng bà chăm sóc cây cảnh.

Có một đứa trẻ hỏi rằng tại sao lúc nào cũng thấy mẹ ngồi máy tính, đi làm về mẹ cũng mở máy tính ngay? Câu trả lời nào của mẹ cũng khó thuyết phục bọn trẻ con. Đâu phải mẹ ngồi máy tính chỉ có làm việc? Mẹ cũng chat, lướt net, thậm chí con còn bắt quả tang mẹ chơi game nữa cơ!

Tùy theo điều kiện, mỗi gia đình phải có cách khống chế thời gian con cái ngồi máy tính. Nhiều người khuyên rằng thôi thì trong “tam thập lục” cách, hay nhất là “tắt quách cái cầu dao”, kéo con cái tham gia các hoạt động ngoài trời, đọc sách, vẽ tranh, lao động tay chân, chơi thể thao…

Tất nhiên đây là việc không đơn giản, đòi hỏi không chỉ quyết tâm của cha mẹ mà còn là thái độ làm gương. Trò chuyện với con, đi chơi cùng con, thậm chí có bà mẹ phải đánh đòn tâm lý “thương mẹ” của đứa con… Tất cả những điều đó đều là những cách “cắt cầu dao” và phải quyết tâm ngay từ khi con cái bắt đầu chập chững bước vào thế giới ảo!

______________

Là mẹ của hai đứa con ở tuổi teen, tôi rất thấm thía chủ đề Câu chuyện cuộc sống kỳ này. Câu hỏi nên sống thế nào trong một thế giới có quá nhiều “đồ chơi” nhờ sự phát triển vũ bão của công nghệ truyền thông cũng là câu hỏi âm ỉ trong gia đình tôi. Âm ỉ là bởi nó chưa bộc lộ những vấn đề lớn, nhưng không phải vì thế mà không cần những quan tâm đúng mức.

Con gái tôi thuộc thế hệ 9x đời đầu, lớn lên cùng với sự du nhập Internet vào VN và tiếp đó là rất nhiều tiện ích ngày càng cập nhật, nên có một thói quen kỳ lạ: chỉ học bài trên nền...Internet. Nhiều lần tôi nhắc con tắt máy để tập trung thì nhận được câu trả lời mà tôi không hiểu nổi: chính mở mạng như thế con học mới vô. Và cứ thế, nó vừa học vừa nghe nhạc, vừa xem Facebook, đôi khi trả lời cả những lời nhắn bạn bè từ đâu đó bất ngờ “buzz”! Mà kết quả học tập của con lại không có gì đáng chê trách, nên tôi đành đầu hàng thói quen kỳ lạ (?) này của con gái.

Con trai tôi đang tuổi teen, đi học về là bật máy ào vào xem... kết quả bóng đá. Khác với chị mình, cháu phải tập trung mới học bài được, nhưng thời gian còn lại ngoài việc học bài (mà cháu dành cho rất ít thời gian) chính là... net. Ngoài “món” bóng đá, trên mạng con trai tôi còn xem phim, nghe nhạc, chat chit, chơi game, thậm chí tập đàn piano qua những bài hướng dẫn trên Internet. Lợi hại cứ thế trộn lẫn vào nhau, tôi chỉ còn biết... lâu lâu “rình” sau lưng để xem con mình đang ở “chỗ nào” trên thế giới ảo. Nhưng dĩ nhiên, như tác giả Thi Trang, tôi cũng biết sự giám sát của mình chỉ có tính chống chế, chủ yếu để... chính mình yên lòng; chứ không thể là phên giậu che chắn hết mọi hiểm họa mà cái màn hình nhỏ ấy có thể mang tới.

Tôi đoán có lẽ cách tốt nhất để cùng con đi qua những tháng ngày này là trang bị cho chúng nội lực đủ để tự vệ. Nội lực đó là những cuộc trò chuyện, tâm tình để chúng hiểu thêm những mặt lợi bất cập hại của thế giới ảo. Nội lực đó là những lúc ta cố lôi chúng ra khỏi màn hình, đưa chúng đi xem phim ngoài màn ảnh rộng, đi dã ngoại những ngày cuối tuần, hoặc ít ra là tham gia những cuộc họp mặt gia đình.

Tôi hỏi những bạn bè mình và được học thêm những cách thức khác: một chị bạn thường đưa con đi làm công tác từ thiện ở nhiều nơi, bằng nhiều hình thức khác nhau vào cuối tuần. Có người ra “kèo” cho con đọc sách. Nếu con đọc được một cuốn sách hay thì thưởng cho cháu một khoản tiết kiệm. Một anh bạn thì kéo con vào các hoạt động thể thao. Một anh bạn khác thậm chí hi sinh cả thú vui cuối tuần của mình để đưa con tới chơi ở nhà văn hóa nhằm “cai” cho con khỏi nghiện trò chơi trên mạng.

Tất cả những hoạt động này nhằm để bọn trẻ hiểu là ngoài thế giới mạng còn có một cộng đồng xã hội thực không kém thú vị nếu ta dấn thân nhiều hơn, sống nhiều hơn.

Có lẽ cuối cùng cũng phải thú nhận lợi ích của Internet là không thể chối cãi. Chính lướt web tôi mới biết là chúng ta đang sống trong một cái “bẫy tốc độ” của công nghệ cao (từ của tác giả một bài báo trên Newsweek Andrew Blum sau vụ xìcăngđan do bộ phim Sự ngây thơ của người Hồi giáo mang tới). Và để khỏi phải sập bẫy, sự thận trọng và tỉnh táo là cần thiết.

Xem các bộ phim Hollywood, bạn trẻ nào chẳng nằm lòng câu nói mà các thanh tra, cảnh sát đọc cho tội phạm trước khi giải họ đi: “Những gì anh nói có thể chống lại anh”, nên bạn có thể nhắc các con mình lời khuyên của tiến sĩ Laura Berman: Những gì con lưu dấu trên mạng, dù đã “delete” nhưng nó sẽ không bao giờ mất đi. Nó vẫn ở đó mãi mãi. Nhiều người (các nhà tuyển dụng, các bạn học) có thể tiếp cận những thông tin này và không hiếm khi nó có thể được sử dụng để chống lại con!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận