13/05/2013 13:00 GMT+7

Một người Úc thầm lặng ở Hà Nội

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - 2.629 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt là thế nào? Nếu so lớp học 35 em thì đó là ngôi trường có 75 lớp. Nếu so gia đình bốn người thì tương đương với 657 gia đình.

Biết việc thiện nguyện Michael Brosowski làm từ lâu, tôi vẫn nghĩ ngợi mãi về con số quá lớn này.

b8caR77z.jpgPhóng to
Michael Brosowski cùng những đứa trẻ được anh cưu mang - Ảnh: Blue dragon

Nhưng đó là một câu chuyện thật, thật đến từng chi tiết được ghép lại bằng chính 2.629 số phận kém may mắn và những gì anh đã làm được cho các em... Biết nhau đã lâu, nhưng hẹn mấy lần tôi mới gặp được Michael Brosowski. Anh bận lắm. Mỗi ngày làm việc của anh chàng người Úc ở Hà Nội này thường mãi đến 2g-3g sáng.

Bên tách cà phê nóng, người cha, người anh và thầy của 2.629 trẻ trả lời thẳng những gì tôi còn đang luẩn quẩn trong đầu: “Bạn bè đã cản tôi: Này Michael, bạn chẳng làm được gì đâu. Hãy nhìn ra ngoài phố xem đang có bao nhiêu trẻ bất hạnh? Mình bạn làm được gì cho chúng?”. Michael kể lúc đầu cũng chẳng nghĩ mình gắn bó lâu với trẻ em Việt Nam như vậy. Tất cả chỉ tình cờ, mà theo tiếng Việt thì anh gọi đó là “duyên nợ”.

“Duyên nợ” đêm đông

lAjWLovm.jpgPhóng to
Phút thư giãn của Michael Brosowski cùng các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt - Ảnh: Blue dragon

Tuổi thơ cơ cực

Từng phối hợp đưa trẻ bị bóc lột lao động hồi gia, ông Trần Xuân Phát, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thừa Thiên - Huế, bày tỏ sự ngưỡng mộ việc làm thiện nguyện của Michael và Tổ chức Rồng Xanh. Ông nói giúp được một người đã khó, Michael còn giúp được rất nhiều người và cả những trẻ hư, nghiện ngập. Điều đáng quý là anh không chỉ giúp đời sống, mà quan tâm dạy dỗ trẻ nên người. Nhiều em từ đường phố được Michael giúp đỡ đã nhận học bổng du học nước ngoài... Năm 2011, Michael được Đài CNN vinh danh là một trong những người hùng của năm vì những đóng góp to lớn của anh cho các em khó khăn ở Việt Nam.

Michael kể hồi còn nhỏ cũng khổ lắm. Nhà anh ở hoang mạc cách Sydney 600km, từ nhà anh đến trường xa 30km mà anh phải đi bộ suốt cả giờ mới đến trạm xe buýt trường. Cha mẹ anh làm công nhân, sau vào hoang mạc nuôi dê, cuộc sống rất thiếu thốn, không có điện, nước. Tuổi thơ Michael là chuỗi ngày chỉ biết học và làm lụng phụ gia đình. Anh không được chơi với thứ gì ngoài đàn dê và những sáng đi lấy nước từ rất xa. “Tôi nghĩ mình đồng cảm với các trẻ em bất hạnh, vì tôi thấy chính hình ảnh mình trong đó” - Michael tâm sự.

Lần đầu đến TP.HCM dạy học năm 1999, rồi Michael ra Hà Nội dạy tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Một buổi tối ngồi ăn bún chả bờ hồ Hoàn Kiếm, anh tình cờ nhìn thấy đứa trẻ bưng bê đang đỏ bừng vì sốt. Dấu hiệu trên người em khiến Michael nghĩ ngay bệnh thủy đậu. Đêm đông Hà Nội rét cắt da, đứa trẻ ốm đau vẫn phong phanh bộ quần áo tả tơi. Khách đông, chủ quán cứ liên tục hét thúc. Em mệt mỏi, luống cuống như chực ngã lăn.

Michael lặng nhìn cậu bé. Anh nhờ người bạn Việt Phạm Sĩ Trung cùng đi, xin chủ quán cho dẫn em đi mua thuốc. Chủ quán ngạc nhiên nhưng cũng gật đầu vì khách nói năng tử tế và tiệm thuốc cũng gần đấy. Đưa được ra ngoài, Michael thân tình hỏi thăm hoàn cảnh. Em thều thào kể mình tên Kiều, quê Nam Định, nhà rất nghèo, phải bỏ học lên Hà Nội giúp việc.

Lặng nghe tâm sự, Michael lóe suy nghĩ hỏi nếu mỗi tháng có ít tiền thì em chịu về quê học lại không? Kiều gật đầu ngay. Michael quay lại quán. Anh xin “chuộc” đứa trẻ về quê chữa bệnh, mỗi tháng trích tiền lương mình gửi cho em đi học lại.

Từ tối tình cờ này, Michael ra đường hay để ý trẻ em. Anh thấy có những trẻ thật hạnh phúc trong vòng tay bố mẹ, nhưng nhiều em lại quá nghèo khổ, vất vả kiếm sống. Hình ảnh trẻ lang thang đánh giày, bán báo, nhặt rác, bưng bê ở quán ăn... ám ảnh Michael. Anh lại lóe suy nghĩ: “Nếu biết chút tiếng Anh, chắc bọn trẻ sẽ đỡ vất vả ở thành phố du lịch này”. Thế là anh nhờ người bạn tên Trung cùng đi “dụ” trẻ đường phố tối tối về phòng trọ của Michael ở Cầu Giấy để uống nước ngọt và trau dồi tiếng Anh.

Ban đầu chỉ vài em lò dò đến. Nhưng rồi cách dạy đơn giản, vui nhộn của Michael, mà đặc biệt là không tốn học phí lại được chiêu đãi nước ngọt, đã làm bọn trẻ rỉ tai nhau. Chỉ vài hôm, phòng trọ chật cứng đám trẻ đen đủi, lỉnh kỉnh xách theo cả xấp báo, hộp đánh giày.

Giải cứu những mảnh đời

Tìm thêm sự hợp tác của người bạn Việt Tạ Ngọc Vân cùng nhiệt huyết thiện nguyện, họ ngược xuôi tìm vào tận Thừa Thiên - Huế, để kể cho các bậc cha mẹ biết những gì con cái mình đang phải tha hương chịu đựng. Có người đã bật khóc. Nhiều người đã nhờ họ giúp đỡ đưa con cái mình về. Đó cũng chính là tâm nguyện của Michael. Sau lần ấy, Michael và Tạ Ngọc Vân trở thành “nhịp cầu” đưa trẻ đường phố trở lại gia đình. Họ làm rất quyết liệt, tìm cách tiếp cận, tâm sự với các em rồi đưa điện thoại di động cho nghe trực tiếp giọng cha mẹ đang mong mỏi con về.

Mấy lần Michael và Tạ Ngọc Vân suýt bị tấn công vì chuyện này. Các bà dẫn dắt chửi bới thậm tệ. Đám thanh niên vác dao đòi xử. Thậm chí có kẻ còn hù dọa tố cáo công an. Michael và Tạ Ngọc Vân kiên quyết không chùn bước, cứng rắn trả lời: “Chúng tôi đang rất muốn đến công an để làm rõ chuyện này. Hãy đi với chúng tôi”. Thế là họ tản dần.

Khó khăn vẫn chưa hết khi họ tiếp tục bị hiểu lầm ở chính quê nhà các em. Một số địa phương đã nghi ngờ “ông Tây” và người lạ mặt nói giọng Hà Nội. Có lần Vân bị công an địa phương mời làm rõ việc anh photocopy các bài báo, hình ảnh phản ánh nguy hiểm của trẻ em đường phố để gửi cho cha mẹ. Tuy nhiên, rồi sự thật tốt, xấu cũng rõ ràng. Chính một số địa phương ở Huế đã cử người đi cùng họ vào TP.HCM, dẫn trẻ bị lạm dụng về quê.

Từ bước đầu với trẻ đường phố, Michael và các cộng sự thiện nguyện dần vào thẳng những cơ sở lao động sử dụng lao động trẻ vị thành niên như cầm tù. Việc giúp đỡ như giải cứu khi phải vào tận nhà chủ để dẫn các em ra. Tạ Ngọc Vân từng tốt nghiệp đại học luật. Anh vừa mềm dẻo vừa cứng rắn vượt qua được khó khăn, kể cả những lần đối mặt với các ống sắt lăm lăm trong tay ông bà chủ.

Tuy nhiên, việc phức tạp nhất mà Michael và các bạn phải đối mặt chính là những lần giải cứu các em gái bị bóc lột tình dục, hầu hết ở khu vực biên giới Trung Quốc và cả ở sâu nội địa. Michael cùng Tạ Ngọc Vân phải tính toán nhiều phương án để giải thoát thành công. Nhiều trường hợp họ phải nhờ công an Việt Nam và Trung Quốc. Ngược lại chính họ cũng được công an nhờ giúp đỡ dẫn dắt, nơi ở lánh nạn cho các em. Michael đã không kịp giấu ánh mắt đỏ hoe khi tâm sự với tôi: “Đau xót nhất là các em gái bị bệnh xã hội. Nhìn ánh mắt thơ dại, đau khổ của các em mà tim mình nghẹt lại, như chính mình cũng đang bị bệnh”!

Michael không chìa tay ra một lần rồi rụt lại. Cách giúp trẻ bất hạnh của anh rất đặt biệt với quan điểm không chỉ cho ổ bánh mì, mà quan trọng là giúp các em nên người. Anh dùng quỹ quyên góp hỗ trợ học bổng, cuộc sống cho các em về lại gia đình. Trường hợp quá khó khăn, anh đưa về nuôi ăn học tại trung tâm ở Hà Nội. Ngoài giải quyết sang chấn tâm lý kỹ năng sống, Michael chú trọng cho các em học văn hóa và ngoại ngữ. Sau này nhiều em có việc làm lại chìa tay ra với em khác.

Việc Michael làm như dòng suối thầm lặng nhưng trôi chảy không ngừng nghỉ, và giờ đó là câu chuyện 2.629 cuộc đời trẻ thơ như 2.629 cỏ dại cằn cỗi trên hoang mạc đã hồi sinh...

Ngôi nhà cười

Để bọn trẻ thoải mái, Michael thuê hẳn một căn nhà trong ngõ nhỏ 131 Hồng Hà. Đó là “ngôi nhà cười”, khi tối tối lại rộn rã tiếng cười vui của đám trẻ đường phố với thầy Michael “tả xung hữu đột” dạy tiếng Anh bằng cả miệng và múa may tay chân để diễn tả thế nào là dog (con chó), ra sao là cat (mèo)... Việc Michael giúp trẻ bất hạnh nhanh chóng được cộng đồng nước ngoài ở Hà Nội biết, đặc biệt là khi một số học trò anh tạm đủ tiếng Anh xin việc ở các khách sạn lớn.

Có người quyên góp giúp chút tiền để anh có điều kiện tận tâm với việc thiện nguyện. Đặc biệt, một số người còn chia sẻ công việc với Michael. Trong đó có bà Alison Kember, phu nhân ngài cựu đại sứ New Zealand, cứ chiều chiều lại ghé lớp, truyền đạt kỹ năng sống và tiếng Anh cho đám trẻ. Ngoài ra, một số bạn trẻ Việt Nam cũng đến góp sức.

Đó cũng là lúc Michael hiểu việc mình làm đến giai đoạn cần phải rõ ràng và hiệu quả hơn. Thế là anh nộp đơn xin mở Tổ chức giúp đỡ trẻ em Rồng Xanh ở Hà Nội. Cái tên tiếng Việt Rồng Xanh được Michael kể: “Ý tưởng độc đáo của chính một học trò đường phố. Cậu ta ghép màu xanh biển quê hương thầy ở Úc với con rồng huyền thoại dân tộc Việt. Tôi mới nghe đã thích ngay sự liên tưởng, gắn kết thú vị này”.

Từ năm 2003, ngôi nhà cười Rồng Xanh thêm đông đúc. Việc giúp đỡ trẻ đường phố không còn là sự tình cờ nữa. Michael chủ động tìm các em. Anh vào tận TP.HCM để giúp những trẻ có nguy cơ bị lạm dụng. Những ngày la cà ở phố Tây Phạm Ngũ Lão, Đề Thám..., anh phát hiện nhiều đứa trẻ nghèo khó, gầy gò bị ép buộc đi bán bánh kẹo, đồ lưu niệm, hoa tươi suốt đêm. Các bé trai đã xanh xao, tả tơi. Bé gái còn chịu nhiều nguy hiểm hơn khi phải lang thang suốt đêm ở các phố du lịch đông đúc. Michael cùng bạn người Việt giả vờ mua này nọ để tâm sự với các em. Anh lần mò, điều tra được có cả những “ông bà chủ” ở miền Trung chuyên lừa đảo, dẫn trẻ quê nghèo khó vào làm công việc nhạy cảm, rủi ro. Các em chỉ được hứa trả lương một lần mỗi năm là vài triệu đồng. Nhưng nhiều em làm suốt mấy năm vẫn chưa được đồng nào ngoài chén cơm nguội và manh chiếu tả tơi ở xóm trọ nghèo.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên