25/05/2010 09:18 GMT+7

Hàn Quốc và thân phận "chén kiểu"!

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Một quả thủy lôi của Bình Nhưỡng nặng đến 1,7 tấn, chứa 250kg chất nổ được phía Hàn Quốc cho là đã đánh vào bên dưới và phía trái phòng máy tuôcbin khí tàu tuần tiễu Cheonan của Hàn Quốc hôm 26-3, khiến con tàu đứt đôi và chìm xuống biển, 46 thủy thủ thiệt mạng.

Kết quả cuộc điều tra quốc tế hỗn hợp dân - quân sự được công bố hôm thứ năm tuần trước đã đưa tình hình trên bán đảo Triều Tiên đến chỗ “khó xử”.

KLpclCl9.jpgPhóng to

Binh lính Hàn Quốc diễn tập cứu người trong tình huống xảy ra chiến tranh hóa học bên ngoài một khách sạn ở Seoul ngày 24-5 - Ảnh: AFP

Khó xử ngay cả với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon: hai miền Nam - Bắc cần tự kiềm chế. Khó xử hơn cả là Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae Yung: ngay sau sự cố, ông đã đe “sẽ trả đũa, bất kỳ dưới hình thức nào...”. Trong bối cảnh tang tóc ngay sau sự cố, các từ ngữ trên dễ được dân chúng Hàn Quốc hiểu trong nghĩa hẹp là “trả đũa quân sự”.

Sáng 24-5, ông nói lại như sau: “Hàn Quốc sẽ điều nghiên các cách thức khiêu khích khác nhau có thể có của kẻ thù, cải thiện khả năng sẵn sàng của chúng ta và huấn luyện quân đội một cách (sát) thực tiễn... - nối lại cuộc chiến tranh tâm lý (đã bị gác lại từ năm 2004)...”. Nghĩa là sẽ không có trả đũa quân sự, mà thay vào đó là trả đũa “bằng mồm” (chiến tranh tâm lý).

Có thể hình dung một đề tài tâm lý chiến khá nhạy cảm đối với miền Bắc, đó là vấn đề lương bổng của các công nhân “có máu mặt” CHDCND Triều Tiên làm việc trong Khu công nghiệp Kaesong của Hàn Quốc ở miền Bắc. Từ năm ngoái, Bình Nhưỡng đòi tăng lương tối thiểu lên 300 USD/tháng (dẫu sao mức lương tối thiểu gần 100 USD/tháng cũng đã là “thiên đàng” so với mức thu nhập của đa số người dân).

Một cuộc tấn công tâm lý chiến bằng câu chuyện “lương tiền” này càng hấp dẫn khi mà bức màn thông tin và ngoại tệ đã bị “rách” ở chợ trời biên giới với Trung Quốc và khi mà dân tình đã sốt ruột chuyện đổi tiền. Chiến tranh tâm lý trở lại trong khi chờ một ngày mai “ánh dương” (tên chiến dịch “thống nhất” của cựu tổng thống Kim Dae Jung). Chờ thời, bất chiến tự nhiên thành, còn hơn là trông chờ Trung Quốc “răn bảo” ông Kim Jong Il qua chuyến đi Trung Quốc hạ tuần tháng trước của nhà lãnh đạo này để có một nghị quyết trừng phạt khác của LHQ giống như nghị quyết mới đây nhắm vào Iran.

Cục diện bán đảo Triều Tiên giống cục diện Iran về hình thức “nguy cơ vũ khí hạt nhân”. Song trong thực tế từ năm 2006 cục diện đã thay đổi: không còn là nguy cơ nữa mà là “hiển nhiên”. Đó là chưa nói đến khác biệt về “nội dung”: Iran còn cách xa châu Âu khoảng 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm nâng cấp tên lửa; trong khi thủ đô Hàn Quốc nằm dưới vĩ tuyến 38 chỉ vài chục kilômet, hoàn toàn trong tầm bắn của đại bác và tên lửa Scud. Ngay cả lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc từ hơn chục năm qua đã “di tản chiến thuật” xuống thấp hơn về phía nam!

Ngày càng xa vời giấc mơ tái thống nhất trong hòa bình, đùm bọc như có thể thấy qua việc thành lập “Bộ Thống nhất đất nước”. Thay vào đó giờ đây là nỗi lo “vỡ đồ”!

Seoul ngừng mọi hoạt động thương mại với Bình Nhưỡng

Ngày 24-5, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak tuyên bố ngưng toàn bộ hoạt động thương mại với Bình Nhưỡng (trừ Khu công nghiệp Kaesong) và cấm các tàu của CHDCND Triều Tiên đi vào vùng biển của nước này. Chỉ trích “hành động khiêu khích” của Bình Nhưỡng đã đặt cả bán đảo Triều Tiên vào “thời khắc nguy kịch”, ông Lee tuyên bố Hàn Quốc sẽ “chủ động đánh chặn” nếu “lãnh hải, không phận và lãnh thổ bị xâm phạm bằng vũ trang”.

Theo Yonhap, ngay lập tức Bình Nhưỡng cũng đáp trả bằng tuyên bố sẽ bắn tất cả các thiết bị tuyên truyền của Seoul đặt dọc khu vực biên giới giữa hai miền. Hàn Quốc trước đó nói sẽ lắp đặt lại các hệ thống loa cỡ lớn dọc biên giới để phát các chương trình chống Bình Nhưỡng (được gỡ bỏ từ năm 2004 theo thỏa thuận liên Triều).

Để tăng cường khả năng quốc phòng, Hàn Quốc cho biết sẽ cùng với Mỹ tập trận chống tàu ngầm tại khu vực Hoàng Hải. Giới phân tích nhìn nhận hai miền Triều Tiên đều không muốn chiến tranh lúc này nhưng e ngại căng thẳng có thể bị đẩy quá xa dẫn tới xung đột vũ trang.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên