29/06/2010 02:23 GMT+7

Phận "Lính thợ" giữa đêm dài nước Pháp - Kỳ 7: Người phụ nữ kỳ lạ

Bà TRẦN NỮ LIÊM KHÊ
Bà TRẦN NỮ LIÊM KHÊ

TT - Toulouse được người Pháp mệnh danh là “thành phố hồng” bởi màu hồng của nhiều bức tường trong thành phố. Tôi phải vận dụng đến công cụ định hướng GPS trên xe hơi. Gõ vào tên làng Gaillac, rồi trang trại Mai Cassanis, vậy mà cái thiết bị hiện đại nối đến vệ tinh cứ nhất quyết đưa ra câu trả lời “Không rõ địa điểm”. Thế là đành dò hỏi đường để đến làng Gaillac.

6DECIZAF.jpgPhóng to

Kỳ 1: Kế hoạch Mandel Kỳ 2: “Ấy năm Kỷ Mão trên tòa mộ binh” Kỳ 3: “Đêm dài” trên đất Pháp Kỳ 4: “Một cổ hai tròng” Kỳ 5: Về nhà, về nhà... Kỳ 6: Trở lại Camargue

Lịch sử có trong mỗi gia đình

"Một xã hội không thể tiến lên theo đúng hướng nếu không hiểu biết, không đối diện với lịch sử của mình"

Chợt nhớ câu cảnh báo của Liêm Khê khi chỉ đường: “Chỗ tôi ở nằm ngoài nền văn minh loài người!”. Quả thật đến làng Gaillac rồi còn phải bỏ tiền lẻ gọi đến bảy cuộc điện thoại từ buồng điện thoại công cộng vì điện thoại di động nơi này “ngoài vùng phủ sóng”. Sau đến 45 phút vừa chạy vừa tìm đường, tôi mới đến được nơi gọi là trang trại Mai Cassanis nằm khuất giữa các ngọn đồi.

“Người ta cứ hay nhầm tôi với cô em, nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê. Nhưng vẻ ngoài tôi già hơn và nói thật là cũng chẳng xinh bằng em mình” - Liêm Khê mở đầu câu chuyện khá hài hước và thậm chí còn tự trào về gia đình “khiến đàn ông phải khiếp sợ” của mình vì có hai cô em gái và hai cô con gái ở tuổi thiếu niên. Khó nghĩ được rằng người phụ nữ gốc Huế 47 tuổi này lại là nữ giáo sư sử địa, nhà nghiên cứu của Trường đại học, cao đẳng Khoa học xã hội (EHESS) ở Paris.

Cô hiện là một chuyên gia có tiếng về lịch sử nhập cư ở Pháp, đặc biệt chuyên về những người Việt nhập cư sau khi làm luận án cao học về những “lính thợ” Việt năm 1988. Cô đã dành bảy năm chuyên sâu nghiên cứu về những “lính thợ” Việt bị đưa sang Pháp giai đoạn 1914-1918 và 1939-1952 để tiếp tục luận án tiến sĩ đang làm. Cô nhìn nhận sự lựa chọn hướng đi cuộc đời mình xuất phát từ chính những gì xảy ra trong gia đình cô.

Ông ngoại cô, ông Phạm Chu Toàn, từng là tình báo của cách mạng trong cả hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ. “Ông tôi thường bị bắt, vào tù ra khám như cơm bữa. Ông tôi có thể bị tra tấn, bị phá hủy về thể chất chứ không về tinh thần. Vì thế từ bé tôi đã ý thức được rằng con người ta có thể phải chịu đựng lịch sử và có thể cũng là nhân vật trong lịch sử đó”.

Ngay cả những sự kiện sau này xảy ra với chính những người thân gần gũi nhất với cô: cha mẹ ly dị - chuyện hiếm có ở một gia đình trí thức trung lưu thời đó; mẹ lấy chồng mới người Pháp rồi sang Pháp năm 1973 để quên đi quá khứ; em gái qua đời năm 1968 ở Huế... Những bi kịch của gia đình cô - gắn với lịch sử đầy biến động của thời đó - đều được kể lại trong hai bộ phim Mùi đu đủ xanh và Mùa hè chiều thẳng đứng của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng và nhân vật chính trong hai phim này do chính cô em gái Yên Khê thủ vai.

Lịch sử “lính thợ” thuộc về cả hai nước!

Liêm Khê tự nhận cuộc sống hiện tại của mình giống một vận động viên chạy nước rút và cả chạy marathon. Chồng cô là giáo sư Đại học Grenoble, làm việc cách xa nhà nên chỉ về nhà vào dịp cuối tuần. “Một mình tôi phải lo tất cả. Đi chợ, nấu nướng cho con cái, dạy học và nghiên cứu khoa học”. Liêm Khê khẳng định chính nền tảng gia đình Việt đã giúp cô có niềm đam mê và cả sự kiên trì cho công việc, trong đó có những dự án đòi hỏi thời gian nghiên cứu kéo dài nhiều năm liền.

Những năm tháng đầu tiên theo mẹ và cha dượng - một giáo sư địa lý người Pháp về Paris sinh sống - đã ảnh hưởng lớn đến định hướng cho hai niềm đam mê trong đời Liêm Khê: lịch sử và chính trị. “Tôi là một người theo chủ nghĩa Marx. Khi vừa đến Paris, gia đình chúng tôi sinh sống ở khu ngoại ô Boulogne-Billancourt, nơi tập trung của giới công nhân theo cánh tả. Hồi đó tôi đi học cùng những đứa trẻ con của những người cộng sản thường xuyên nói chuyện chính trị và cuộc đấu tranh chống chiến tranh ở Việt Nam. Từ bé tôi đã sống trong bầu không khí đó!” - Liêm Khê cho biết.

Nguồn gốc Việt Nam, đam mê lịch sử đã dẫn cô đến việc tìm hiểu về số phận của những người lính thợ Việt bị trưng dụng sang Pháp. Bảy năm trời nghiên cứu miệt mài từ các kho tư liệu, từ những cuộc phỏng vấn với các nhân chứng còn sống... Đầu tháng 6 vừa rồi, cuốn sách song ngữ kết tinh từ những nghiên cứu lặng thầm của cô đã ra mắt tại Việt Nam: Những người lính thợ (NXB Đà Nẵng).

Liêm Khê khẳng định ngay từ lúc đầu cô đã có ý định cho xuất bản sách ở Việt Nam vì “đây là phần lịch sử liên quan những người Việt Nam, đa số “lính thợ” sinh sống ở Việt Nam”. Qua nghiên cứu, cô biết đa số “lính thợ” đã quay về Việt Nam đều là nông dân và hầu hết quay trở về với ruộng đồng như lúc họ ra đi. “Xuất bản sách ở Việt Nam sẽ cho phép nhiều người tiếp cận với phần lịch sử này hơn” - Liêm Khê nói đơn giản.

Từ năm 2006, cô đã dành nhiều tháng trời quay về Việt Nam để tìm kiếm các nhân chứng lính thợ Việt ở nhiều miền quê hẻo lánh. Là một nhà nghiên cứu sử học, Liêm Khê hiểu cô đã đào được “mỏ vàng” với những nhân chứng và những câu chuyện thật, không bị bóp méo, sửa đổi theo ý định chủ quan: “Những người “lính thợ” trở về sống ở Việt Nam hầu hết đều không tiếp xúc với những diễn biến, tư liệu và những cuốn sách, cuốn phim ấn hành tại Pháp kể về số phận của họ. Vì vậy tôi có thể nói những lời chứng của họ hoàn toàn đáng tin cậy hơn, gần với sự thật hơn so với những lời kể tôi đã nghe ở Pháp”.

Những nghiên cứu dày công của Liêm Khê về “lính thợ” Việt đã được nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu tại Pháp sử dụng lại, làm nền tảng cho những phát triển tiếp theo. Còn giờ đây cô đang muốn gửi gắm thêm một điều - cũng là mong muốn của những “lính thợ” còn sống tại Việt Nam cũng như của đa số thân nhân “lính thợ”: sự thừa nhận của nước Pháp. “Các sự kiện và lời chứng cho thấy những “lính thợ” Việt đã hồi hương xứng đáng và phải được nước Pháp trả khoản tiền hưu trí cho những năm tháng họ đã lao động trên đất Pháp. Nước Pháp phải làm một cử chỉ gì đó nằm ngoài khuôn khổ của những yếu tố giấy tờ, luật pháp” - Liêm Khê không quên nhấn mạnh - Nước Pháp phải làm điều đó nhanh lên nữa kìa”, bởi các nhân chứng ít ỏi của một thời lịch sử đang lần lượt ra đi...

“... Lịch sử những người “lính thợ” này thuộc về lịch sử của nước Việt Nam cũng như đã thuộc về lịch sử của nước Pháp. Vượt trên những sự tàn bạo của đẳng cấp thực dân và vượt trên những đau khổ dạn dày của những người “lính thợ”, ở một quốc gia đang trong thời chiến, những nhân chứng cũng cho chúng ta thấy được các cuộc gặp gỡ giữa những người nông dân Việt Nam và giới thợ thuyền Pháp, có nhiều gia đình Pháp đã mở rộng cửa nhà để mời đón họ” - Liêm Khê viết trong lời bạt của cuốn sách.

__________

Câu chuyện xúc động của một doanh nhân người Tây Ban Nha tình cờ biết chuyện “lính thợ” ở Việt Nam, đã tự mình lặn lội sang tận Pháp để giúp một gia đình tìm ra người thân lưu lạc.

Kỳ tới: Jean Pierre và một gia đình “lính thợ”

Bà TRẦN NỮ LIÊM KHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên