29/08/2009 07:35 GMT+7

Nỗi buồn của ông tiến sĩ lái taxi

MỸ LOAN (Theo Straits Times, Nhật báo Quảng Châu)
MỸ LOAN (Theo Straits Times, Nhật báo Quảng Châu)

TT - Người dân Singapore gọi ông là “tài xế taxi trình độ cao”. Ông trở nên nổi tiếng bởi là người có bằng tiến sĩ của Mỹ nhưng phải đi lái taxi kiếm sống.

Ông tên Thái Minh Kiệt (Cai Ming Jie), là người Singapore gốc Hoa, đã lấy bằng tiến sĩ về sinh học phân tử của Đại học Stanford (Mỹ) năm 1990. Ông từng làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ trong khoảng hai năm cùng giáo sư Lee Hartwell, người đoạt giải Nobel y học năm 2001. Trong 20 năm làm khoa học (1989-2009), ông Thái Minh Kiệt đã có 16 năm cống hiến trong lĩnh vực gen di truyền tế bào ở Viện sinh học phân tử và tế bào (IMCB) thuộc Cơ quan Khoa học, kỹ thuật và nghiên cứu tại Singapore cho đến ngày bị chính cơ quan này sa thải và trở thành tài xế taxi vào đầu năm 2009.

Sự kiện ông tiến sĩ đi lái taxi được nhiều người biết đến và trở thành tâm điểm của cộng đồng dân cư mạng ở Singapore ngay khi ông bắt đầu viết blog từ ngày 6-4. Trang blog Nhật ký taxi của tiến sĩ Thái (http://taxidiary.blogspot.com/) chẳng khác những câu chuyện hấp dẫn trong quyển tiểu thuyết hay.

ItfojPPm.jpgPhóng to
Tiến sĩ Thái Minh Kiệt (ảnh nhỏ) đã trở thành tài xế taxi từ tháng 2-2009 cho Hãng SMRT -Ảnh: IMCB

Ông đã ghi lại nhịp sống đời thường và mạch suy nghĩ của một người cả đời chỉ biết làm công tác nghiên cứu, bỗng nhiên bị mất việc và phải tham gia đội ngũ lao động phổ thông, suốt ngày ôm vôlăng rong ruổi trên đường phố để mưu sinh. “Tôi bị buộc phải rời khỏi công việc nghiên cứu khi đang ở độ chín của nghề nghiệp khoa học và không thể tìm được việc làm mới.

Có thể nói đó là “chuyện chỉ có ở Singapore”. Kết quả là tôi đang lái taxi để kiếm sống và viết lên những câu chuyện đời thường này để tạo thêm chút sinh khí cho nghề lái taxi của tôi. Tôi hi vọng những câu chuyện này sẽ gây hứng thú cho các bạn” - ông Thái mở đầu trang blog như thế.

Từ năm 2007, tiến sĩ Thái đã nhận được thông tin IMCB sẽ chính thức cắt hợp đồng lao động với ông khi hết hạn vào tháng 5-2008. Ông bộc bạch trên blog của mình về tâm trạng khi đi tìm một công việc mới ở tuổi trên 40.

“Thất nghiệp ở độ tuổi của tôi là một cơn ác mộng tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với bất kỳ một người bình thường nào khác... Tôi đã gửi nhiều hồ sơ xin việc đến các trường đại học, cơ quan chính phủ và công ty tư nhân ở Singapore. Tuy nhiên phần lớn đều không hồi âm, có một số nơi trả lời cho tôi nhưng tôi chưa bao giờ được nhận vào bất kỳ vị trí cụ thể nào. Rồi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra đã dập tắt niềm hi vọng tìm việc cuối cùng của tôi. Tháng 11-2008, tôi quyết định học lái taxi để kiếm sống và nuôi gia đình”.

Nhật ký taxi đã trở thành diễn đàn bình luận sôi nổi cho nhiều giới như sinh viên, học sinh, người dân và cả các cơ quan truyền thông Singapore. Rất nhiều blogger đã lên tiếng chia sẻ, động viên. “Tôi thích đọc blog của anh và đánh giá cao sự thẳng thắn của anh. Nếu anh chuyển sang dạy học thì tôi tin kiến thức của anh sẽ giúp được nhiều người Singapore hơn là lãng phí tài năng vào việc lái taxi. Mong anh sớm trở lại với thế giới học thuật nơi mà sự đóng góp của anh sẽ lớn hơn” - blogger Albert nhắn nhủ.

Còn blogger Gia Dân động viên: “Đừng bỏ cuộc! Thật đáng kinh ngạc vì anh vẫn giữ được thái độ vững vàng, thậm chí khi đi làm một nghề không dính dáng gì đến nghề mà anh làm trước đây! Hãy cố lên!”.

Sự kiện tiến sĩ phải đi lái taxi cũng làm dấy lên những tranh luận về hiệu quả sử dụng nguồn lực của Singapore. Một blogger có biệt danh Alvinology II bức xúc: “Thật lãng phí khi mà nguồn lực, kỹ năng cũng như chất lượng học thuật không ăn nhập gì đến công việc mà người đó đang làm. Rõ ràng đây là một xu thế không lành mạnh nếu chúng ta cứ mãi chứng kiến ngày càng có nhiều người Singapore rơi vào tình trạng cam go như tiến sĩ Thái”.

Trong khi đó, blogger Kent Ridge thì ví von vị tiến sĩ lái taxi như cá bị bắt ra khỏi nước. “Singapore đang muốn trở thành trung tâm sinh hóa của thế giới, nhưng để làm được điều này, trước tiên chúng ta phải tạo ra môi trường cho các tài năng phát triển. Nếu môi trường ấy vẫn còn nhiều khó khăn như thế thì những giấc mơ của Singapore chỉ là giấc mơ ảo mà thôi!”.

“Theo lý thuyết chưa được kiểm chứng của tôi, khi đi taxi nhiều người có khuynh hướng trút bỏ cái vỏ bọc bên ngoài mà họ thường mang trong những bối cảnh xã hội khác. Họ không phải áy náy để đóng giả làm một người khác. Chẳng hạn như họ không cần phải giả vờ tử tế hơn, trau chuốt hơn. Có nhiều nguyên nhân giải thích về điều này. Ngoài sự thật là có một số người xem tài xế taxi là tầng lớp thấp nhất trong xã hội, chẳng hơn cô giúp việc nhà là bao, thì còn có một lý do rất rõ ràng là ít người có dịp gặp lại một tài tế taxi từng chở họ”.

MỸ LOAN (Theo Straits Times, Nhật báo Quảng Châu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên