23/07/2005 12:31 GMT+7

Tường trình từ vùng khủng bố

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TTCN - Chiếc TG 235 từ Bangkok đáp xuống sân bay Hatyai sau khi vượt hơn ngàn cây số. Mặt trời đã tắt hẳn. Bước vội ra cổng sân bay, đập vào mắt tôi là cảnh sát và quân đội đứng san sát ở cổng ra vào sân bay.

1oiV9vZb.jpgPhóng to
Một em bé theo đạo Hồi đứng trước khung cảnh điêu tàn của khủng bố
TTCN - Chiếc TG 235 từ Bangkok đáp xuống sân bay Hatyai sau khi vượt hơn ngàn cây số. Mặt trời đã tắt hẳn. Bước vội ra cổng sân bay, đập vào mắt tôi là cảnh sát và quân đội đứng san sát ở cổng ra vào sân bay.

Những người lính mặc áo rằn ri, đeo băng đỏ tay phải, vũ trang súng ống đầy mình và ánh mắt luôn lướt qua tất cả hành khách một cách hoài nghi. Ngay chỗ tôi đang đứng là nơi đánh bom khủng bố đẫm máu vào ngày 3-4-2005, khiến nhiều người tử vong và bị thương.

Thiên đàng đã mất

Tọa lạc ngay góc phố trung tâm, Central Sukhontha Hatyai là khách sạn nằm trong một cụm cao ốc hỗn hợp có vị trí “đắc địa” bậc nhất thị trấn, song khi tôi đến lại đìu hiu màu đèn vàng âm u. “Gần đây chúng tôi rất ít khách, khác với những năm trước đây đủ mọi khách du lịch phương Tây, Singapore, Malaysia...” - cô nhân viên tiếp tân nhún vai ỉu xìu. Bên hông khách sạn là con đường chợ đêm Sanehanusorn từng được mệnh danh là “Đường dành cho người đi chơi đêm”, nhưng chỉ thấy lác đác vài người qua lại và một cảnh sát đội mũ nồi dựa mệt mỏi vào chiếc môtô cũ kỹ.

Iq9OqhWo.jpgPhóng to
Cảnh sát đang đưa người bị đánh bom khủng bố đi cấp cứu tại miền Nam Thái Lan
Hatyai đã từng là lợi thế du lịch ở vùng cực Nam Thái Lan vì có sân bay dân sự và trong quá khứ đã là một thiên đàng du lịch cho khách tứ xứ đổ về. Nhưng giờ đây thị trấn này trở nên quá buồn tẻ và lạnh lùng. Viên cảnh sát tuần tra phố đêm tên Sompoh nhăn mặt bảo: “Ở đây có thể bị đánh bom khủng bố bất cứ lúc nào, ma nào dám ghé nữa!”.

Hatyai chỉ là trạm dừng đầu tiên. Đích đến của tôi là Yala - nơi giáp với biên giới Malaysia.

Tôi chọn đường bộ vì theo dân địa phương đường tàu hỏa là mục tiêu khủng bố số 1 nơi này. Vậy mà để tìm một chiếc xe đi Yala không phải dễ, tài xế nào cũng lắc đầu từ chối...“Tôi tên Apinan, là người theo đạo Hồi. Tôi chuyên lái xe đường dài qua các tỉnh ở phía nam này hơn mười năm rồi” - người tài xế cuối cùng đồng ý đi đã giới thiệu về mình như thế và anh chìa tấm thẻ tình nguyện viên do cảnh sát du lịch Hatyai cấp như muốn trấn an tôi. Chúng tôi đi qua những cánh đồng cháy nắng trơ trụi nhiều đụn cây tán lá tầm thấp, rồi biển xanh cũng hiện ra trong tầm mắt, hàng loạt dãy nhà dành cho du khách ven biển điêu tàn và không một bóng người, trái ngược với quá khứ của nó được nhiều người biết đến với những hòn đảo “thiên đàng du lịch”.

CJavQlYz.jpgPhóng to
Người dân ở Yala đã quá quen với những hình ảnh bạo lực như thế này
Theo Hiệp hội Du lịch Thái Lan, mỗi năm có khoảng 1,4 triệu khách du lịch cả trong và ngoài nước tới ba tỉnh miền cực Nam là Yala, Pattani và Narathiwat. Nhưng lượng khách đã sụt giảm 70 - 90% kể từ năm 2004 khi tình trạng bạo động khủng bố tăng cao! Nhiều nước phương Tây đã khuyến cáo công dân nước họ không nên đến khu vực phía Nam này. Đời sống người dân từ đó cũng xuống cấp dần. Anh tài xế Apinan không ngại nói cho tôi biết trước đây làm tài xế chở khách du lịch như anh mỗi tháng kiếm được trên 20.000 baht, nay thu nhập chỉ còn phân nửa.

Thành phố vắng nụ cười

Đồng nghiệp nhật báo Thairath điện từ Bangkok giới thiệu tôi một người dẫn đường đáng tin cậy: Suwapitpoom “Tony”, một cựu giáo viên trung học cần mẫn và là thông tín viên của Thairath suốt ba thập niên tại Yala. Gặp nhau trước khu chợ trung tâm thành phố, Suwapitpoom gây thiện cảm ngay bởi ông nhanh nhẹn hơn rất nhiều so với độ tuổi 60 của mình. Nghe xong yêu cầu, Suwapitpoom cho xe chạy đến trước hiên nhà số 36-399 đường Siroros. “Đây chính là quán cà phê đã xảy ra hai vụ đánh bom liên tiếp trong vòng một giờ” - Suwapitpoom nói. Chị chủ quán Sutharath Suwanyaha vẫn còn thất thần kể lại: “Quán của tôi rất đông khách. Trong số khách thường xuyên có cảnh sát địa phương nên quán bị biến thành mục tiêu khủng bố”.

Ông Suwapitpoom cho biết: “Kinh hoàng lắm, bọn khủng bố còn đánh vào học trò, sư sãi”. Cuối năm 2004, một quả bom phát nổ từ chiếc xe máy dựng gần một trường tiểu học khiến hơn 30 người, phần lớn là học trò, tử nạn và bị thương. Đã có hàng trăm trường học bị đốt phá. Học trò bị nạn thì thầy giáo cũng không thoát. Tháng 3-2005, một hiệu trưởng trường phổ thông 44 tuổi bị bắn đến trọng thương; giữa tháng 5-2005 một giáo viên bị các tay súng không rõ tung tích bắn chết. Đến nay đã có 24 giáo viên ở miền Nam bị sát hại. Thời điểm đó chính quyền phải cho đóng cửa hàng trăm trường học ở hai tỉnh Yala, Narathiwat và Pattani. Và đến nay chính quyền đã chấp thuận cho phép giáo viên được mang súng tự vệ khi đi dạy.

nvKnwMUi.jpgPhóng to
Đồng nghiệp Thairath Suwapitpoom (phải) đang hỏi thông tin từ hai binh sĩ canh gác hiện trường bom nổ ở Yala.
Tôi đến thăm khu vực tư gia của chánh án Tòa án tỉnh Yala vừa bị đánh bom trước đó mấy ngày. Ngôi nhà tọa lạc tại một góc đường khá vắng vẻ, xe cộ qua lại thưa thớt. Khi Suwapitpoom và tôi đến hiện trường vụ nổ bom, dãy tường bị phá hủy đã được xây bít lại, song chưa kịp quét vôi trắng, vết toang hoác vẫn còn đó. Anupong và Churboonme là hai binh sĩ thuộc Sư đoàn bộ binh 9 đang canh gác hiện trường bom nổ, nói với ông Suwapitpoom rằng tình hình tại khu vực đã tạm ổn, nhưng công việc tuần tra của họ vẫn phải tiến hành nghiêm ngặt mỗi ngày.

Trong số khoảng 800 người thiệt mạng vì các cuộc bạo động, giết hại và bom khủng bố tại miền Nam Thái Lan từ năm 2004 đến nay, có khá nhiều cảnh sát, quân đội, viên chức chính quyền địa phương bị sát hại bằng đủ mọi hình thức man rợ: đánh đập cho đến chết, xả súng bắn ngay trên đường hay chặt đầu rồi vứt xác một nơi, thủ cấp một nẻo. Vị thẩm phán Rapin Ruenkeow là quan chức cao cấp đầu tiên bị giết. Ngay cả những cựu nhân viên cảnh sát cũng là mục tiêu không tha thứ của thành phần thù nghịch như cựu nhân viên công lực Pongchangkid đã được tìm thấy trong tình trạng “nát nhừ” bởi đạn M-16 tại một đồn điền vắng vẻ.

Tôi thật sự ngạc nhiên khi biết năm ngoái Yala từng được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố của hòa bình”. Khi trao tặng danh hiệu “Thành phố hòa bình” cho Yala, UNESCO kèm theo khuyến cáo thành phố này cần giải quyết rốt ráo tình trạng bạo động và bom khủng bố, thiết lập những tổ chức cộng đồng chung sống hòa bình, đẩy mạnh môi trường xanh và tạo điều kiện cho trẻ em được học hành và phát triển.

Tính đến tháng 6-2005, đã có hơn 10.000 người dắt díu nhau rời bỏ thủ phủ này trong nỗi sợ hãi về sự an toàn tính mạng. Dân số thành phố Yala từ 77.000 người (điều tra tháng 3-2004) đến nay chỉ còn 65.000 người. Pongsak Yingchoncharoen, thị trưởng Yala, thừa nhận kể từ sau vụ phiến quân ly khai đánh cắp một kho vũ khí lớn ở miền Nam của quân đội chính phủ vào đầu năm ngoái thì người dân càng lúc càng mất niềm tin vào sự an toàn của họ.

“Nỗi bất an đã gây tác động dai dẳng hơn cả nạn sóng thần ngày 26-12 năm ngoái bởi bom khủng bố, nạn đốt phá và giết người xảy ra quá thường xuyên, hầu như mỗi ngày” - bác tài xế Apinan buồn bã than thở. Trong một cuộc điều tra vào đầu năm 2005, sự rối loạn về tinh thần như bóng mây đen phủ xuống Yala. Kết quả thăm dò cho thấy hơn 20% người dân ở Yala đang phải chịu đựng sự căng thẳng và rối loạn thần kinh do phải sống trong một vùng đất bất an đầy bạo động.

Cư dân bỏ xứ khiến nền kinh tế Yala sa sút, tiền thuế bị thất thu 30% so với trước. Tính bình quân một người dân nhu cầu tiêu xài khoảng 2.000 baht/tháng, vị chi lượng 10.000 người ra đi là 20 triệu baht/tháng thì lượng tiền luân chuyển trong thị trấn giảm 240 triệu baht/năm. Pote Paiboonkasemsut, trưởng phòng thương mại Yala, nói giới kinh doanh đã bị tác động nặng nề mà sự trợ giúp của chính phủ không nhiều như mong đợi. Còn các doanh nghiệp nhỏ thì đang trên bờ vực phá sản.

Chia tay Yala, tôi tìm đến miền đất dữ không kém là Pattani cách đó chỉ 40km. Những người Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan chưa thể lãng quên sự kiện một thánh đường Hồi giáo tên là Kruesae ở Pattani đã là nơi diễn ra cuộc đấu súng đẫm máu giữa quân đội chính phủ và lực lượng phiến quân làm 30 người thiệt mạng. Ngày xảy ra sự kiện, 28-4-2004, đã trở thành một trong những ngày đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại Thái Lan với tổng số người bạo loạn bị chết tại Pattani, Yala và Songkhla lên đến hơn 100 người. Miền Nam Thái Lan bao giờ mới yên tiếng súng, ngớt tiếng bom? Một câu hỏi mà trong suốt những ngày ở Yala, Pattani... tôi đã nghe nhiều người nhắc đến nhưng câu trả lời thì hình như vẫn là sự im lặng...

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên