Học tiếng Anh: Vượt qua nỗi sợ, tự tìm cơ hội

PHẠM TUẤN ANH 24/07/2014 02:07 GMT+7

TTCT - Năm 1990, tôi lúc đó học lớp 11, trên đường về nhà sau giờ học đã ghé chùa Một Cột chơi và bắt chuyện với một khách du lịch người Anh. Nhưng dù vừa hoàn thành một khóa tiếng Anh bằng A kéo dài gần sáu tháng, tôi không thể diễn đạt nổi một câu hỏi đơn giản với người khách đó.

Tiếng Anh ở Singapore
Học và dạy tiếng Anh: Về ba bí quyết then chốt

Về nhà, tôi vừa ngượng, vừa hối hận. Bố mẹ tôi hồi đó chỉ là công chức nghèo, để có tiền cho tôi đi học thêm tiếng Anh buổi tối là một cố gắng không nhỏ. Tôi quyết định tự học.

Khoảnh khắc xấu hổ xoay chuyển cuộc đời

Tôi chép lại từng từ mới của bài đọc “All aboard” - bài đầu tiên trong quyển hai của giáo trình Streamline English và tự học hết giáo trình trong vòng vài tuần lễ. Sau giờ học hằng ngày, tôi ra chùa Một Cột và bắt chuyện với các khách du lịch nước ngoài, thời đó Việt Nam mới mở cửa nên họ là “của hiếm”.

Việc học tiếng Anh lúc trước là một trách nhiệm nặng nề bỗng thành một niềm đam mê mới. Mỗi ngày tôi chuẩn bị một vài từ mới, trong lúc trò chuyện, tôi cố gắng gài những từ mới đó vào. Sau khoảng 2-3 tháng thực hành liên tục như vậy, tôi đã cảm thấy khá thoải mái với việc giao tiếp bằng tiếng Anh.

Ngay khi vốn từ vựng bắt đầu “có da có thịt”, tôi đọc sách tiếng Anh, bắt đầu bằng tiểu thuyết Breads upon the waters của Irwin Shaw mà một người khách du lịch đã tặng. Mất bốn tháng tôi mới tạm đọc xong, nhưng trình độ tiếng Anh của tôi khá hẳn lên, tôi bỗng nhiên hiểu rõ mọi vấn đề ngữ pháp do đã được tiếp xúc nhiều lần với các đặc trưng ngữ pháp trong văn cảnh của cuốn tiểu thuyết...

Suốt năm năm, tôi có mặt gần như hằng ngày quanh khu vực chùa Một Cột và Bảo tàng Hồ Chí Minh, trò chuyện với hàng ngàn người khách du lịch, đọc cả trăm quyển sách tiếng Anh và viết hàng trăm lá thư với bè bạn khắp thế giới.

Sau này, tôi học thêm một lớp tiếng Anh bằng C buổi tối, tiếng Anh không còn là một thử thách nữa. Từ đó tới nay, tôi chưa từng học thêm một khóa tiếng Anh nào.

24 năm qua, từ một đứa trẻ con nhà nghèo ở Hà Nội, tôi đã đạt được những thành quả tạm gọi là có thể làm cha mẹ tự hào: 19 tuổi, nhờ tiếng Anh tốt, tôi được mời đi dịch cho đại biện Mỹ, dịch cho những cuộc gặp của các nhân vật lịch sử và cao cấp của cả hai bên Mỹ - Việt như bộ trưởng ngoại giao Madeleine Albright, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau đó tôi sang Mỹ du học tại Đại học Princeton, đi làm cho Liên Hiệp Quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới và trở thành một người cung cấp dịch vụ dịch thuật cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tham gia các sự kiện lịch sử giúp thúc đẩy quan hệ hữu nghị gắn bó giữa hai quốc gia.

Tất cả những thành quả này đều nhờ vào cái hạt giống nhỏ nhoi của sự xấu hổ mà tôi cảm nhận được ngày hôm đó ở Hà Nội. Đó là khoảnh khắc xoay chuyển của cuộc đời mà tôi mãi biết ơn.

Hãy học như một đứa trẻ

Giỏi tiếng Anh là một khái niệm tương đối. Khi đã học tiếng Anh nhiều năm, thành công với nghề nghiệp bằng tiếng Anh, sử dụng tiếng Anh thành thạo, tôi càng cảm thấy khái niệm “giỏi tiếng Anh” là khá mông lung. Bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có một cấp độ mà ở đó và từ đó người học có thể tự học để tiếp tục tiến bộ. Cấp độ này thường là thấp, người học chuyên cần kiểu vừa học vừa chơi như trên có thể đạt được đến cấp độ này sau khoảng sáu tháng. Ở điểm này, người ta đã tiếp cận với hầu hết các hiện tượng ngữ pháp chừng hai, ba lần và biết đó là hiện tượng nào để tìm tài liệu tham khảo, kiểm chứng và có một vốn trên dưới 1.000 từ tiếng Anh thông dụng nhất. Từ điểm này trở đi, rất khó phân biệt “giỏi” hay “không giỏi” vì lúc đó tiếng Anh chỉ còn là phương tiện để trăm hoa đua nở thông qua nó.

Hơn 20 năm qua, tôi cố gắng đúc rút lại kinh nghiệm học tiếng Anh của mình và thấy rằng mặc dù cách học của tôi có phần không chính thống so với cách tiếng Anh được dạy ở Việt Nam, nhưng tính hiệu quả của phương pháp này là do nó có cơ sở khoa học rõ ràng chứ không hề tình cờ.

Trong cách nghĩ phổ biến ở Việt Nam, tiếng Anh hay ngoại ngữ nói chung đòi hỏi người ta phải có một thứ năng khiếu, một tài năng thiên phú bí ẩn nào đó. Niềm tin này tạo ra một thứ rào cản về tâm lý và là trở ngại lớn nhất đối với tôi khi cố gắng truyền thụ cách học giản đơn và hiệu quả của mình.

Một em bé sơ sinh có bố mẹ đều là người Việt, nếu lớn lên ở Việt Nam sẽ nói tiếng Việt thành thạo và nếu lớn lên ở Mỹ, Nga sẽ nói tiếng Anh hay tiếng Nga như người bản xứ. Đây là ví dụ đơn giản để chỉ ra rằng người ta không cần phải có khả năng thiên phú để làm chủ một ngôn ngữ nhất định.

Yếu tố quyết định đối với việc thâu nhập một ngôn ngữ là cách người ta học chứ không phải là năng khiếu. Nếu một đứa trẻ có thể học để làm chủ được bất kỳ ngôn ngữ nào thì theo tôi, cách học để làm chủ bất kỳ ngôn ngữ nào là học như một đứa trẻ.

Một đứa trẻ trong giai đoạn học nói khác với một người lớn tuổi học ngoại ngữ ở chỗ cảm giác về cái tôi và những hàm ý xã hội (những kỳ vọng, quy tắc ứng xử...) áp đặt lên cái tôi đó còn trong giai đoạn sơ khai. Đứa trẻ vì thế được học trong tự do, không bị trói buộc bởi những gông cùm tâm lý mà người học lớn tuổi tự mang vào mình.

Một đứa trẻ nói sai thì cố gắng nói bằng nhiều cách tới lúc truyền đạt được ý nó muốn mà không sợ bị chê cười là dốt kém. Một người càng lớn tuổi, càng có vai vế trong gia đình, xã hội, nhất là trong một nền văn hóa trọng thể diện như nền văn hóa của chúng ta không sẵn lòng phô bày lỗi sai, điểm yếu của mình. Nhưng lỗi sai lại là cái giá phải trả để đứa trẻ đạt được sự thành thạo ngôn ngữ.

Để học ngôn ngữ thành thạo như đứa trẻ, dứt khoát người lớn phải vượt qua được rào cản tâm lý là sợ sai, sợ ngượng, sợ xấu hổ, coi những lỗi sai, sự ngớ ngẩn, sự ngượng là những người thầy tốt, bạn học tốt dẫn dắt mình tới thành công.

Kinh nghiệm của tôi cho thấy cảm giác ngượng nghịu ban đầu thường qua rất nhanh, bất kỳ ai chịu vượt qua rào cản tâm lý, nỗi sợ vô hình này đều tiến bộ rất nhanh trong việc học tiếng Anh. Hãy dũng cảm, học vô tư như một đứa trẻ, nói sai thì sửa, tự ti làm gì.

Biết mình muốn gì

Tuy thế, để học bền bỉ, chuyên cần, đạt được tới mức độ thành thạo cần thiết, người học trưởng thành cần xác định được mục đích của việc học tiếng Anh. Theo kinh nghiệm của tôi, những người học vì họ phải học, ví dụ để vượt qua kỳ thi, để được thăng tiến trong công việc, để đi du học... thường chỉ đạt được mức độ thành thạo tiếng Anh một cách máy móc.

Ngược lại, những người học vì họ thích học, học cho vui, học để đọc tin tức, lời bài hát, để giao tiếp với những người cùng sở thích trên thế giới, để đọc sách của tác giả yêu thích bằng nguyên bản... thường đạt được sự thành thạo sâu sắc. Cố gắng biến tiếng Anh thành một thú vui, một trò chơi, một con vật nuôi mà các bạn chăm sóc, chẳng vì lý do nào nghiêm trọng.

Cứ học được một từ mới, hiểu được một hiện tượng ngôn ngữ mới là bạn đang chăm sóc cho con thú cưng đó lớn khỏe rồi. Năng nhặt thì chặt bị, lối học kiểu mọi lúc mọi nơi, vui là chính này sẽ mang lại cho bạn hiệu quả cao hơn nhiều lối học tầm chương trích cú nhồi nhét hàng giờ trong lớp.

Có thể tạm phân chia theo chức năng sử dụng của tiếng Anh đối với người học: học để trở thành một người giao tiếp hiệu quả và học để trở thành một người học hiệu quả. Một người học tiếng Anh chủ yếu để giao tiếp hiệu quả bằng lời nói hay lời văn với những người cùng sử dụng tiếng Anh sẽ có cách tiếp cận hơi khác so với một người học tiếng Anh chủ yếu để dùng nó làm công cụ giúp tiếp cận các kho tàng kiến thức vĩ đại của loài người.

Đối với tôi, học tiếng Anh để trở thành một người học đi truy tầm kiến thức và sự hiểu biết là mục đích quan trọng hơn cả.

Trong kinh tế học, một yếu tố mang tính quyết định đối với sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia là năng suất. Năng suất, tức là sản lượng của một người lao động trong khoảng thời gian nhất định, phụ thuộc vào chất lượng của người lao động đó, mức độ kiến thức cần thiết cho công việc mà người lao động sẵn có.

Người lao động có trình độ hiểu biết kiến thức chuyên môn càng cao, càng sâu thì năng suất lao động của người đó càng được cải thiện, lượng của cải xã hội tạo ra lại càng nhiều hơn. Trình độ phát triển kinh tế Việt Nam tới giờ mới vừa vượt qua chuẩn nghèo của thế giới, thể hiện năng suất lao động của chúng ta còn thấp, lượng kiến thức của người dân nói chung chưa cao.

Nếu người dân ai cũng có khả năng tiếp cận kho tàng kiến thức của nhân loại (phần lớn đều được viết/dịch ra tiếng Anh), có thể hi vọng là họ thu nhận được nhiều kiến thức, góp phần làm tăng năng suất lao động, cách tân để đa dạng hóa các hoạt động kinh tế và sản xuất, thúc đẩy sự phồn vinh trong xã hội.

Tầm quan trọng của việc phổ cập tiếng Anh giúp người dân có phương tiện tiếp cận kiến thức nhân loại, góp phần tạo ra hiệu ứng bình thông nhau cần thiết đưa đất nước lên những quỹ đạo phát triển cao hơn, lành mạnh hơn thiết tưởng là rất rõ ràng.

Tiếng Anh còn là một thứ công cụ giúp giải phóng cá nhân khỏi giặc dốt, giặc mê tín một cách hữu hiệu, mở ra cho mỗi người học một cửa sổ hiểu biết và cơ hội, tạo cho họ cảm giác thực chất họ là một phần cơ hữu, không thể tách rời của nhân loại và qua đó khuyến khích những hành vi cao thượng, đạo đức, hòa bình, bác ái.

Càng giỏi tiếng Anh, mỗi chúng ta lại càng cởi mở hơn với thế giới, càng có khả năng điều tiết tốt hơn phần Việt Nam so với phần toàn cầu trong chính mỗi người. Cảm giác về sự bình đẳng, “sánh vai” là cảm giác hướng thượng rất có ích cho sự phát triển tinh thần lành mạnh của mỗi cá nhân.

Ai cũng tự học được

Một khi người học nhận thức được lợi ích và mục tiêu của việc học đối với bản thân, họ vẫn cần có được cách thức biến niềm tin đó thành hành động thiết thực. Cách làm của tôi có thể là một tham khảo, nhưng với phần lớn, việc đi nói chuyện với khách du lịch nước ngoài không phải là khả thi. Vậy người ta nên học thế nào cho hiệu quả?

Bất kỳ ai cũng có thể tự học tiếng Anh. Ngay cả những người theo học tiếng Anh trong một khuôn khổ truyền thống như lớp học với giáo viên cũng cần xác định thành công của họ không phải do giáo viên mà khả năng tự học của họ quyết định. Việc tự học tiếng Anh nay đã trở nên dễ dàng hơn nhiều so với thời tôi bắt đầu học 24 năm trước.

Xưa, từ điển là vật bất ly thân giúp người tự học mô phỏng cách phát âm hay phỏng đoán nghĩa của các từ mới. Hôm nay người học kết nối Internet có thể học được cách phát âm, ý nghĩa, cách sử dụng chuẩn xác của bất kỳ từ nào, câu nào. Những nguồn tài nguyên hỗ trợ việc học tiếng Anh ngày hôm nay nhiều vô kể, vì thế không có lý do gì để biện minh cho việc người ta không học được tiếng Anh.

Người học cần nhận thức mình học tiếng Anh là để có công cụ tiếp cận những kiến thức khác chưa có trong tiếng Việt. Vì lẽ này người học cần tiếp cận những tài liệu và văn bản càng sớm càng tốt. Theo kinh nghiệm của tôi, thời điểm thích hợp này là khi người học đã sở hữu chừng 300-400 từ tiếng Anh căn bản.

Hãy bắt đầu đọc ngay lập tức, đọc bất kỳ cái gì mà bạn cảm thấy quan tâm. Tài liệu là một cỗ xe chuyên chở kiến thức tiếng Anh cho mình. Tôi đã đọc tiểu thuyết trinh thám và tâm lý do nội dung của tiểu thuyết thường cuốn hút và hấp dẫn, có sự đa dạng về chủ đề, các hoàn cảnh, cách hành văn, từ vựng. Hãy cho tiểu thuyết một cơ hội.

Cuốn sách đầu tiên sẽ gây cảm giác như một trở ngại không thể vượt qua. Nhìn trang sách đầu tiên chi chít từ mới và những cấu trúc câu trúc trắc, rất dễ làm nản lòng. Chỉ có tự nhủ “phải vượt qua” mới giúp được bạn thành công. Với các công cụ từ điển trên điện thoại chẳng hạn, người học sẽ học có hiệu quả hơn nếu tra từ mới thường xuyên.

Đối với ngữ pháp, hãy học như đứa trẻ không cần biết ngữ pháp là gì mà tự kết luận thông qua các lần thử sai để xác định ra quy tắc ngữ pháp chấp nhận được và các ngoại lệ của chúng. Người học trưởng thành có lợi thế hơn trẻ em ở chỗ khi cần có thể tham khảo các tổng kết ngữ pháp để giúp đẩy nhanh quá trình học.

Xin lưu ý chỉ nên tham khảo các chuẩn ngữ pháp để hiểu một hiện tượng ngôn ngữ mới gặp chứ đừng mất thời gian học thuộc hết các quy tắc ngữ pháp trước khi bắt đầu tiếp cận văn bản.

Những công cụ mới

Thế giới hiện có những xu thế lớn và mới trong lĩnh vực học tập, tạo ra cả thách thức và cơ hội cho các quốc gia và cá nhân, trong đó có học tập toàn xã hội và học tập cả đời. Khi môi trường giáo dục ở Việt Nam còn đang tìm cách dịch chuyển trọng tâm của học tập từ người thầy sang người học, ở nhiều nơi người học đang được tăng thêm quyền tự chủ trong việc quyết định không chỉ nội dung mà cả cách thức học tập.

Công nghệ phát triển như vũ bão đang gạt bỏ những trở ngại truyền thống của việc học tập như ranh giới địa lý, thời gian, hành chính, thu nhập... N

gười học ở bất kỳ đâu, bất kể giới tính, tuổi tác, quốc tịch có thể cùng học trong những nguồn tài nguyên kiến thức quan trọng nhất, chất lượng tốt nhất thông qua những khóa học có hàng chục ngàn người tham gia cùng lúc, học tập chỉ vì mong muốn được tiếp cận kiến thức để trau dồi trí tuệ và cởi mở tâm hồn, để được làm người đúng nghĩa.

Để tiếp cận những khóa học này, bạn không cần phải giàu có, chỉ cần chút tiếng Anh cơ bản và khả năng kết nối vào mạng Internet. Chẳng hạn, một công cụ học tiếng Anh hiệu quả cho người Việt mới được trang mạng Duolingo (https://www.duolingo.com/course/en/vi) đưa ra phiên bản thử nghiệm.

Duolingo là ý tưởng của giáo sư Luis von Ahn thuộc đại học danh tiếng Carnegie Mellon (Hoa Kỳ) - một bộ óc xuất sắc của ngành công nghệ thông tin. Ông luôn tìm kiếm những cách thức mới lạ để giải quyết các vấn đề cũ theo cách mang lại nhiều lợi ích nhất cho cộng đồng.

Duolingo hoàn toàn miễn phí, được thiết kế theo kiểu một trò chơi có các cấp độ, người học đi từ thấp lên cao theo một cây ngôn ngữ, qua đó họ “tình cờ” học luôn cả từ vựng và cấu trúc của ngôn ngữ đó.

Sau khi học xong lượng từ vựng và mẫu câu căn bản, người học muốn tiến bộ nhanh sẽ tham gia dịch các tài liệu công cộng để lấy điểm, tức là bị buộc phải tiếp cận với văn bản ngay cả khi chưa hoàn toàn sẵn sàng. Song đó lại là cách tốt nhất để họ sớm làm chủ được ngôn ngữ mà họ học. Duolingo sẽ sớm có phần mềm cho iOS.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận