Lạc mẹ

MỸ NGÂN 13/07/2014 03:07 GMT+7

TTCT - Suy nghĩ bắt đầu từ sáng nay trên đường đi làm, khi anh vừa lái xe vừa nghe bản tin trên radio.

Minh họa: Salem

Đài phát đi thông báo tìm người thân: “Tìm bà Lê Thị X., sinh năm 1954, đi lạc từ ngày 13-5 đến nay chưa thấy về. Khi đi bà mặc đồ bộ vải hoa màu nâu, dép nhựa màu vàng sậm, tóc cắt ngắn. Ai thấy bà X. ở đâu xin vui lòng báo tin về gia đình qua địa chỉ..., số điện thoại... Gia đình chúng tôi xin cảm ơn và hậu tạ”.

Anh chỉ tình cờ nghe được mẩu tin này khi đang chuyển kênh để tìm chương trình yêu thích trong lúc lái xe đến cơ quan. Nhưng anh bị ấn tượng bởi thông tin được cung cấp. Bà X. nào đó đã đi lạc. Trong suy nghĩ của anh thì chỉ có trẻ con mới đi lạc. Trẻ con hiếu động, ham chơi, dễ tuột khỏi tầm tay của cha mẹ.

Trẻ con chưa có nhiều kinh nghiệm sống, chưa biết nếu không tìm được đường về nhà thì sẽ phải làm những gì, nhờ đến ai. Nhưng người lớn thì khác. Dù có đến một nơi xa lạ, khi lỡ lạc đường người lớn cũng có cách để tìm về đúng chỗ cần về. Tất nhiên là với người lớn bình thường, không bị mất ý thức, mất trí nhớ.

Mẩu tin không cho biết tình trạng sức khỏe của người bị lạc. Anh bắt đầu tưởng tượng ra một người phụ nữ khoảng 60 tuổi, tóc ngắn, mặc bộ đồ chấm hoa nâu, đi đôi dép nhựa màu vàng, chắc là loại dép nhựa đế thấp, quai lớn mà các bà già hay mang. Nhưng bà đã đi lạc hơn một tháng, biết bây giờ bà còn mặc cái áo vải hoa nâu đó nữa không? Biết màu vải có còn như cũ hay bụi bặm sương gió làm phai lạt thành màu khác? Đôi dép nhựa còn hay đã đứt quai?

Anh suy đoán người phụ nữ này mặc đồ bộ, chắc không phải bà đang đi đến một nơi nào đó xa lạ rồi bị lạc. Bộ đồ ấy chứng tỏ bà đang ở trong không gian quen thuộc của mình, như ở nhà hay con phố gần nhà. Như vậy có thể bà không bị lạc mà cố tình bỏ nhà đi. Cũng có thể bà gặp một bất trắc nào đó trên đường từ nhà đến chợ rồi không về được nữa. Nhưng anh nghĩ dứt khoát bà không đi lạc.

Anh hình dung ngôi nhà bà đang sống. Chắc bà là mẹ của vài đứa con. Ở tuổi 60 chắc bà cũng đã có vài đứa cháu. Một bà già đi chợ thì có gì để bất trắc? Chỉ có hiểm họa giao thông, nhưng nếu thế thì người ta đã sớm phát hiện rồi. Anh thấy bức xúc, bà này chắc chắn đã bỏ nhà ra đi.

Tại sao 60 tuổi rồi mà còn có quyết định nông nổi ấy? Hay con cháu đã đối xử tệ với bà? Bà đi đâu? Bà có chỗ nào để tá túc suốt hơn một tháng qua hay lang thang đầu đường xó chợ? Anh thắt lòng nghĩ đến cảnh một bà lão mặc bộ đồ chấm hoa màu nâu đã bạc màu, bị rách đôi chỗ, đôi dép nhựa màu vàng mòn vẹt, thất thểu đi giữa phố, đến bữa xin chút cơm thừa canh cặn, tối nằm co ro bên lề đường dưới tán lá cây.

Bỗng dưng anh mủi lòng liên tưởng đến mẹ của mình. Mẹ anh cũng gần 60 tuổi, bà bán nhà ở quê lên sống cùng vợ chồng anh để chăm sóc cháu nội từ khi thằng bé mới chào đời. Nay thằng bé đã học lớp hai. Vợ chồng anh đi làm từ sáng sớm chiều mới về. Thằng con học bán trú, chiều mẹ nó rước về, tắm rửa qua loa, ăn vội thứ gì đó rồi lại đến lớp học thêm. Anh thường về nhà sau 6 giờ tối.

Hai vợ chồng chờ con về mới ăn cơm, lúc đó cũng hơn 8 giờ. Mẹ anh ăn cơm trước, người già thường ăn sớm, ngủ sớm. Thế nên chỉ có cuối tuần cả nhà mới ăn cơm chung, nhưng cũng thường chỉ có mẹ anh ăn với cháu nội, anh và vợ còn phải đi đám tiệc, hiếu hỉ, thể thao, gặp gỡ bạn bè. Vợ chồng cũng còn trẻ, sự nghiệp ổn định, con cái đã lớn, không vướng bận nhiều thì cũng phải tranh thủ tung tẩy cho bõ thời gian vất vả, bận rộn bấy lâu.

Anh ngẩn người ra. Lâu lắm rồi anh không ăn cơm chung với mẹ. Cũng lâu lắm rồi anh không ngồi nói chuyện với bà. Ngoài những câu trao đổi ngắn gọn về chuyện tiền điện, tiền nước và những thứ linh tinh tương tự, hình như bà chẳng còn nói với anh chuyện gì nữa.

Anh quá bận, quá mệt để có thể nghe mẹ nói dài quá ba câu. Trước đây bà còn hay kể chuyện với anh về thằng con nhưng gần đây cũng thưa thớt. Thằng bé ngày càng lớn, càng có nhiều mối bận tâm. Nó cũng như cha mẹ, đang ngày càng xa cách bà. Chắc mẹ anh suốt ngày lầm lũi trong nhà, tivi chuyển hết kênh này đến kênh kia, muốn tìm người nói chuyện cũng khó, nhà ai cũng kín cổng cao tường.

Anh toát mồ hôi. Sống chung nhà nhưng lâu nay mẹ ăn uống ra sao, suy nghĩ những gì anh không hề hay biết. Anh mường tượng cảnh bà ra vào thui thủi, bao nhiêu uẩn ức, bao nhiêu tâm sự không biết có chỗ nào giãi bày? Hình như nay bà gầy lắm. Tóc bà bới cao, dáng gầy, nhỏ bé. Mà sáng nay bà mặc đồ màu gì nhỉ? Chắc là đồ bộ, nhưng anh không nhớ nổi một bộ đồ nào của bà. Nó có màu gì? Chấm hoa gì? Đôi dép bà đang mang có màu vàng hay xanh anh cũng không nhớ nổi.

Bỗng dưng anh thấy khó thở. Anh lấy điện thoại gọi về nhà. Tim anh nghẹn lại trong khi đầu dây bên kia đang đều đặn vang lên những tiếng “reng... reng”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận