16/05/2014 10:20 GMT+7

Hi vọng về bầu cử ở Thái Lan vẫn u ám

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Thủ tướng lâm thời Niwattharong Boonsongphaisan và các quan chức bầu cử đã phải hủy ngang cuộc họp và rút lui sau khi bị người biểu tình bao vây vào ngày hôm qua. Bangkok căng thẳng sau vụ tấn công vào người biểu tình khiến ba người chết.

Quyền thủ tướng Thái Lan chạy trốn khỏi người biểu tìnhLựu đạn nổ ở Bangkok, 23 người biểu tình thương vong

ry4BSYrI.jpg
Một người biểu tình bị thương sau vụ tấn công rạng sáng qua ở Bangkok - Ảnh: Reuters

Sau một ngày trì hoãn, thủ tướng lâm thời Niwattharong và Ủy ban Bầu cử Thái Lan (ECT) đã có cuộc họp tại tổng hành dinh không lực hoàng gia Thái Lan. Tuy nhiên, cuộc họp này phải hủy ngang sau khi người biểu tình chống chính phủ thuộc lực lượng Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) kéo người đến bao vây hội trường nơi tổ chức họp, chặn các cửa ra vào nhằm không cho ông Niwattharong rời đi. Tuy nhiên, khi họ xông vào được đến nơi thì thủ tướng cùng các quan chức ECT đã không còn ở đó.

Bầu cử bế tắc

Thượng viện chia rẽ

Báo The Nation cho biết hiện thượng viện đang bị chia rẽ thành hai nhóm. Một nhóm muốn thực thi điều 7 hiến pháp, lập ra một thủ tướng không thông qua bầu cử. Nhóm thứ hai muốn nghiên cứu thêm các lựa chọn khác. Thủ tướng lâm thời Niwattharong nói sẵn sàng gặp thượng viện để thảo luận một giải pháp cho tình hình.

Lãnh đạo PDRC Suthep Thaugsuban nói không muốn phá cuộc họp nhưng muốn nói chuyện với ông Niwattharong. Cuộc họp diễn ra được 20 phút, trước khi người biểu tình tràn vào. Báo The Nation dẫn lời ủy viên ECT Somchai Srisuthiyakorn cho biết đôi bên chưa kịp thảo luận chi tiết.

Lịch hẹn cho một cuộc họp khác cũng chưa được quyết định nhưng ông Somchai nói đôi bên có thể phải họp thông qua đàm thoại truyền hình. ECT lo ngại việc cuộc họp về bầu cử bị phá bĩnh như thế có thể khiến bầu cử bị trì hoãn so với ngày dự định 20-7.

Giới quan sát nhận định bầu cử ở Thái Lan giờ đây đang bị treo lơ lửng và khó có khả năng thực hiện được bởi các tranh cãi liên quan đến tư cách của chính phủ và câu chữ trong sắc lệnh bầu cử trình lên cho hoàng gia.

ECT và chính phủ từng thống nhất ngày bầu cử là 20-7 nhưng mọi chuyện bắt đầu rắc rối sau khi tòa án hiến pháp phế truất bà Yingluck Shinawatra khỏi ghế thủ tướng. ECT đặt câu hỏi liệu Thủ tướng lâm thời Niwattharong có thẩm quyền để đệ trình sắc lệnh bầu cử lên hoàng gia phê chuẩn hay không. Ông Niwattharong nói ông có đủ thẩm quyền làm điều này. Nếu muốn bầu cử diễn ra đúng ngày 20-7, sắc lệnh hoàng gia phải được đệ trình lên nhà vua thông qua ít nhất là vào ngày 22-5.

Về câu chữ, Ủy viên ECT Somchai nói ông muốn thêm vào sắc lệnh bầu cử là khả năng được hoãn bầu cử nếu tổng tuyển cử không thể diễn ra đúng thời hạn trong trường hợp bị người biểu tình ngăn cản.

Trong khi đó, PDRC hôm qua ra yêu sách cho lãnh đạo các cơ quan nhà nước phải ra trình diện lực lượng này vào ngày 19-5 và trao quyền lực cho họ, nếu thượng viện không thể thành lập một chính phủ lâm thời trước thời hạn này.

Bạo lực tái phát

Tình hình ở Bangkok dường như nóng lên thêm sau khi xảy ra một vụ tấn công vào rạng sáng qua ở khu vực biểu tình gần tượng đài Dân chủ. AFP cho biết những người chưa xác định đã xả súng và bắn hai quả đạn pháo vào khu vực biểu tình khiến ba người thiệt mạng và 23 người bị thương. Đây được coi là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ năm người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ đụng độ hôm 18-2. Hiện chưa rõ ai đứng sau vụ tấn công này.

Báo The Nation cho biết tổng tư lệnh lục quân, tướng Prayuth Chan-ocha, hôm qua đã cảnh báo sẽ dùng vũ lực nếu các vụ bạo lực chính trị tiếp tục leo thang. “Nếu bạo lực tiếp diễn, quân đội sẽ phải xuất quân để gìn giữ hòa bình và trật tự” - ông Prayuth tuyên bố.

Trong khi đó, Cục Điều tra đặc biệt Thái Lan (DSI) bày tỏ tự tin rằng cảnh sát sẽ bắt được các lãnh đạo biểu tình của PDRC trong vòng hai ngày. Những lãnh đạo này đang có lệnh bắt của tòa án vì tội phản loạn. Lãnh đạo DSI Tarit Pengdith nói cảnh sát sẽ tập trung vào các lãnh đạo biểu tình không có vệ sĩ bao quanh. Cảnh sát theo dõi những người này và sẽ tiến hành bắt giữ. Tòa án hình sự hôm 14-5 đã phát lệnh bắt đối với 30 lãnh đạo PDRC vì tội phản loạn.

Theo Bangkok Post, giới chuyên gia lo ngại nền kinh tế Thái Lan sẽ tiếp tục chiều hướng tăng trưởng chậm chạp hai hoặc ba năm nữa vì khủng hoảng chính trị.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên