20/04/2013 05:21 GMT+7

G-20 thảo luận việc nới lỏng "thắt lưng buộc bụng"

CẢNH TOÀN
CẢNH TOÀN

TT - Cuộc họp Bộ trưởng tài chính các nước G-20 ngày 19-4 tại Washington đã thảo luận việc hạ nhiệt các biện pháp thắt lưng buộc bụng ở khu vực đồng euro nhằm phục hồi năng lực tăng trưởng kinh tế. Sự thay đổi chính sách này cũng là điều mà Mỹ luôn thúc giục châu Âu hướng theo.

6Hi1bTw3.jpgPhóng to
Nhân viên y tế biểu tình chống các biện pháp thắt lưng buộc bụng tại Hi Lạp ngày 17-4. Báo chí đưa tin số vụ tự tử tại Hi Lạp gia tăng do kinh tế khó khăn - Ảnh: Reuters

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế và tiền tệ Olli Rehn cho rằng hồi năm 2010, một số nước trong khu vực đồng euro bị từ chối cho vay vì e ngại khả năng hoàn trả nợ khiến chỉ còn cách cắt giảm đi vay và chi tiêu. “Bây giờ xét về ngắn hạn thì chúng ta đã phục hồi được lòng tin, cho phép chúng ta xây dựng một con đường điều chỉnh tài chính êm ả hơn trong trung hạn” - Reuters dẫn lời ông Rehn.

Giữa tuần này, Bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew nhận định chính sách khắc khổ tài chính mà châu Âu thúc đẩy những năm qua chỉ càng khiến tình hình kinh tế ở một số nước tồi tệ hơn, đồng thời phải tiến hành đánh giá chính xác hệ quả của việc cắt giảm ngân sách ảnh hưởng đến tăng trưởng và tuyển dụng. Bộ trưởng tài chính Canada Jim Flaherty cũng đồng thuận rằng một số nền kinh tế đang gặp khó khăn cần phải tiến đến cân bằng ngân sách, đồng thời thúc G-20 đặt mục tiêu kiên quyết về nợ công và thâm hụt ngân sách. Reuters cho biết Canada và Ấn Độ đề xuất cắt giảm nợ công về dài hạn xuống dưới mức 90% GDP.

Theo các nguồn tin nội bộ của Reuters, G-20 sẽ giao nhiệm vụ cho Hội đồng ổn định tài chính (FSB) giám sát việc cải cách các tiêu chuẩn tài chính như lãi suất Libor. Trong khi đó, AFP cho biết một vấn đề nghị sự nóng khác tại cuộc họp G-20 là đề xuất buộc các ngân hàng chia sẻ thông tin với những quốc gia tìm cách đánh thuế các tài khoản bí mật của công dân họ tại nước ngoài - một động thái có thể xem là đòn giáng với các “thiên đường thuế” như Hong Kong, Thụy Sĩ... Mỹ và Pháp là hai nước ủng hộ tích cực với đề xuất này.

CẢNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên