05/02/2013 05:13 GMT+7

Tân ngoại trưởng Mỹ bàn vấn đề Đông Á

SƠN HÀ - THU ANH
SƠN HÀ - THU ANH

TT - Ngay khi lên nhậm chức ngoại trưởng Mỹ, cựu thượng nghị sĩ John Kerry đã gọi điện cho một số nhà lãnh đạo trên thế giới. Đáng chú ý nhất là các cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung Hwan.

wJIa78AU.jpgPhóng to
Tàu ngầm USS San Francisco của Mỹ tham gia cuộc tập chung Mỹ - Hàn - Ảnh: Reuters

Theo báo Washington Post, Nhà Trắng thông báo ông Kerry đã gọi cho ông Fumio Kishida và ông Kim Sung Hwan vào ngày 3-2, chỉ hai ngày sau khi ông lên thay thế Ngoại trưởng Hillary Clinton. Hai cuộc gọi cho ngoại trưởng Nhật và Hàn Quốc gây sự chú ý đặc biệt đối với châu Á, bởi tình hình nóng bỏng trên bán đảo Triều Tiên và tranh chấp Nhật - Trung trên biển Hoa Đông.

Nhà Trắng cho biết trong cuộc gọi cho ông Kim Sung Hwan, ông Kerry đã thảo luận sâu về cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. “Cần phải đảm bảo CHDCND Triều Tiên hiểu rằng nước này sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng từ cộng đồng quốc tế nếu tiếp tục các hành vi gây hấn” - ông Kerry khẳng định trong cuộc trò chuyện.

Bình Nhưỡng chuẩn bị thử hạt nhân?

Theo Yonhap, ngày 4-2 quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung ngoài khơi thành phố cảng Pohang. Cuộc tập trận kéo dài ba ngày với sự tham gia của tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS San Francisco được trang bị tên lửa Tomahawk, và tàu khu trục USS Shiloh có hệ thống tên lửa đánh chặn Aegis.

Phía Hàn Quốc đã huy động 10 tàu chiến tham gia, trong đó có tàu khu trục lớp Aegis tải trọng 7.600 tấn mang tên “Vua Sejong đại đế”, một tàu hộ tống nhỏ, các máy bay do thám biển và chống tàu ngầm cùng nhiều trực thăng.

“Cuộc tập trận bao gồm các hoạt động như dò tìm tàu ngầm, bắn đạn thật chống máy bay, chống tàu và chống tên lửa” - một quan chức quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ. Cuộc diễn tập chung kéo dài ba ngày này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tăng lên trước khả năng CHDCND Triều Tiên sắp thử hạt nhân.

Giới quân sự Hàn Quốc khẳng định sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân Mỹ là lời cảnh báo cho CHDCND Triều Tiên.

Truyền thông Bình Nhưỡng đã mô tả cuộc tập trận là một vụ “đánh phủ đầu” nhắm vào Triều Tiên. Ngày 3-2 Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã “ra một quyết định quan trọng đóng vai trò nguyên tắc hướng dẫn sứ mệnh bảo vệ an ninh và chủ quyền đất nước”. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp của Quân ủy trung ương CHDCND Triều Tiên.

Theo báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, một số nguồn tin từ Bình Nhưỡng khẳng định ông Kim Jong Un đã ra lệnh cho quân đội thử vũ khí hạt nhân. Nhà phân tích Hong Hyun Ik thuộc Viện Sejong ở Seuol nhận định: “Việc KCNA công bố cuộc họp của Quân ủy trung ương cho thấy Bình Nhưỡng muốn gây sức ép lên phương Tây và huy động sự ủng hộ của người dân đối với ông Kim Jong Un”.

Trước đó, ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Bình Nhưỡng đã che chắn lối vào khu thử hạt nhân Puggye Ri. Giới phân tích Hàn Quốc và phương Tây dự báo vụ thử hạt nhân có thể diễn ra trước tết âm lịch, bắt đầu vào ngày 10-2.

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Park Geun Hye - người sẽ nhậm chức trong tháng này - đã cảnh báo Bình Nhưỡng về hậu quả nghiêm trọng của việc thử hạt nhân. Bà kêu gọi CHDCND Triều Tiên hủy vụ thử.

Nhật thả thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc

Theo Nhà Trắng, trong cuộc trò chuyện với Ngoại trưởng Nhật Kishida, ông Kerry cam kết sẽ chuẩn bị đầy đủ cho chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến Mỹ trong tháng này. Dự kiến tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc sẽ là một điểm nóng của chuyến thăm.

Ngày 4-2, báo Japan Times đưa tin chính quyền Nhật đã thả thuyền trưởng và các thuyền viên tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ khi đang đánh bắt trái phép gần đảo Miyako của Nhật tuần trước. Lãnh sự Trung Quốc tại Nhật Bản phải đóng tiền bảo lãnh để nhóm thủy thủ này được trả tự do.

Hiện Bắc Kinh vẫn tiếp tục có các động thái gây sức ép lên Tokyo. Theo báo Asahi, ngày 4-2 JCG tiếp tục phát hiện hai tàu tuần tra Trung Quốc xâm nhập vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật kiểm soát.

Quan hệ căng thẳng giữa hai nước đã dẫn tới các hậu quả kinh tế - thương mại trong thời gian qua. Theo AFP, mới đây Hiệp hội Đại lý du lịch Nhật tiết lộ việc đặt chỗ các tour du lịch sang Trung Quốc vào tháng 2 và 3 đã giảm tới 80%.

Thời gian qua, Thủ tướng Nhật Abe đã có những động thái nhằm làm dịu căng thẳng, ví dụ như cử đại sứ sang Trung Quốc hay tuyên bố sẵn sàng đàm phán với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên giới quan sát nhận định giảm căng thẳng còn tùy thuộc vào việc Trung Quốc có thiện chí hay không. Mỹ luôn khẳng định giữ lập trường trung lập trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ nhưng theo hiệp ước với Nhật, Washington sẽ bảo vệ Tokyo nếu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bị Trung Quốc tấn công.

Đài Loan bổ nhiệm phái viên tại Mỹ

Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã bổ nhiệm cố vấn thân cận nhất của mình làm phái viên tại Mỹ. Đó là ông King Pu Tsung, người được coi là nhà chiến lược bầu cử của ông Mã. Tuy nhiên, theo AFP, ông King chưa bao giờ là một nhà ngoại giao.

“Chúng tôi có cách tiếp cận thực dụng để tồn tại. Chúng tôi cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ nhưng chúng tôi cũng phải cư xử thận trọng với Trung Quốc đại lục vì họ là đối tác số 1 của Đài Loan” - ông King nêu rõ và nhấn mạnh cách tiếp cận này là “lá chắn tốt nhất” mà chính quyền này có.

SƠN HÀ - THU ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên